PDA

View Full Version : Một Người Chu Đáo



thamtunet
09-11-03, 11:10 AM
Mặc dù được đón tiếp chu đáo như thượng khách, nhưng cô bé nhà quê vẫn nhanh chóng ra đi khỏi nhà người quen, tìm chỗ ở mới để ôn thi đại học. Dường như cuộc sống quá ngăn nắp, đầy đủ... không hợp với cô bé.

Ðầu tiên là cái mũi đen đen của con chó Nhật. Nó cào cào vào cánh cửa, nó đặt cả cái mõm ướt át lên cái lỗ tròn tròn chỗ khóa trong, nó ngoáy mông lia lịa không biết là khó chịu hay vui mừng. Len lén, hồi hộp, qua cái lỗ cửa tròn ấy, cô gái cứ ngờ ngợ không biết mình đã tìm đúng chỗ chưa. Vậy rồi dì Ba xuất hiện, dì đi thong thả từ trong ban-công và cúi xuống đả đớt:" Ai mà lảng vảng ngoài cửa vậy cà?" Rồi bà nhấc con Mi-lu chắc là vàng ngọc của bà lên hít hít và ẵm nó theo đến bên cánh cửa.

Dì Ba là cứu tinh chứ không phải chủ nhà nữa. Từ Bà Ðiểm lên đây không xa nhưng cô cũng phải đi mất mấy chặng xe, r ồi cái chung cư cao ngất của trung tâm Sài Gòn, chiếc cầu thang máy mà cô không dám bước vào và một con chó đài các, nhâu nhẩu bên lỗ cửa. Cô mừng muốn hụt hơi:" Con Mận đây dì Ba ơi!". Người đàn bà nghiêng nghiêng he hé chứ không bước hẳn ra. Bà nheo nheo đôi mắt bắt đầu bạc, hai gò má nhão xệ đanh lên cố gắng nhưng hình như bà không nhớ cái cô mặc quần tây đen và áo sơ mi mầu hường, cái mầu chói sáng đích thị dân quê nầy là ai. Cô nhỏ lóng ngóng tệ hơn:" Cháu là Mận con út Ðiệp cháu ngoại bà Hai ở Bà Ðiểm. Hôm rồi dì Ba về nguồn có tìm thăm đó dì Ba. Bữa nay con lên ôn thi. Tấm giấy địa chỉ này hôm nọ dì Ba ghi cho con nè dì Ba!". Cánh cửa mở trọn, bàn tay không bận bịu với con chó rối rít kéo cô gái về phía mình, xoa đầu, vuốt tai, hít hà:" Chèn ơi! Bữa đó dì gặp con có một lát, đừng trách dì hay quên, nghen. Chèn ơi! Bộ dạng coi xớ rớ mà kiếm nhà giỏi dữ ha. Dượng đâu, dượng Ba của con nhỏ đâu, cháu nó tìm được mình nè ông, kỳ nầy nó lên đây ôn thi nè ông! Bộ đi đường trầy trật lắm sao mà mồ hôi, mồ kê mặt mũi nhớn nhác bơ phờ quá vậy? Vô đây, xách túi vô trong này, dì dượng có ý mong con đó chớ, vô đây con!" Người đàn ông đi từ phía trong ra, mái tóc cước khiến ông già hơn vợ khá nhiều. Ông chùi tay ướt vào khăn lau, đôi lông mày sâu róm cũng bạc nheo tít lại, ông chỉ" Mận đây hả?" rồi cười cười để vợ tranh hết phần lăng xăng vồn vã.

Mận không ngờ mình được chờ đợi và còn được chào đón luýnh quýnh như vậy. Sinh thời, bà ngoại hay nhắc một "con Ba" mà bà coi như con nuôi, một "con Ba" ít tuổi mà khôn khéo rất được lòng những người đã bao bọc mình. Nhưng ngoại chỉ thấy được dì Ba trên ti-vi chứ không được gặp từ mấy chục năm nay. Hồi đó, má còn quá nhỏ, má chỉ nhớ dì Ba có cái mũi to, có cái giọng ngòn ngọt và giòn như mía thơm dịu, có tướng đi thoăn thoắt niềm nở. Vậy rồi dì Ba bặt tăm, rồi dì Ba về nguồn, dì Ba như rơi từ trên trời xuống, dì Ba rưng rưng bắt Mận phải lên Sài Gòn ôn thi sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Má mừng hết chỗ nói. Má tin là vong hồn của bà ngoại đã dẫn dắt và má nói hai ông bà đều là cán bộ có tiếng Sài Gòn mà vẫn ở chung cư chắc họ thuộc diện liêm khiết. Giờ thì Mận thấy rõ còn hơn cả sự liêm khiết, quả là họ vẫn giữ được cái tình với những người như má con Mận, đó mới là điều quan trọng và thiêng liêng.

Chỗ của họ thật ra chỉ có hai phòng nhưng nhờ có hai khu phụ và những vòm dây leo ở hai ban-công nên căn hộ vừa thoáng đãng vừa vẫn có thể giữ được khách nếu chủ nhà muốn giữ. Người đàn bà đưa Mận sang phòng bên, nơi có chiếc giường nệm sau tấm bình phong của bộ bàn ghế và một cái tủ đứng." Ngày thường dì dượng ăn cơm khi phía trước khi phía sau không chừng, giờ thêm con mình ăn ở bàn nầy. Biết thế nào con cũng lên nên dì mua sẵn đèn bàn đây nè. Cái tủ nầy mới sửa lại cái kiếng để con gái con lứa có chỗ mà ngắm nghía. Thôi soạn đồ rồi tắm rửa cho khỏe há? Ðây, vô đây dì bày cho cách xài vòi hoa sen, cách giật cầu, cách sử dụng la-va-bô. Không sao đâu, đừng có ngại, mấy ngày là thuộc hết á mà!"

Mận để chiếc túi xách giả da màu cứt ngựa của mình dưới nền gạch chứ không dám đặt nó lên giường. Cô đứng thu mình sau bình phong để len lén quan sát căn phòng mình đang được sở hữu. Cái gì cũng ngăn nắp, trau chuốt như nó là một đội quân với sứ mệnh canh giữ một cái gì. Bất giác cô thấy mình trong tấm kiếng mà dì nói là mới thay để đón cô, một gương mặt tròn tròn đầy mụn một cách cục mịch, vóc dáng cũng lũn cũn tròn tròn và cái mầu áo như một trái ớt kỳ cục giữa sự tao nhã của nhà họ. Cô nhìn vội xuống chân, khi để lại đôi xăng-đan ngoài thềm cửa thì hai bàn chân u dề, xám xịt giống như một con cóc trên cái nền trắng bong của men gạch. Nhưng dì Ba đã lại ẵm con Mi-lu đi sang, dì không để cho Mận lúng túng hay nghĩ ngợi: "Sao cứ rón ra rón rén vậy con?". Bà mở tủ lần lượt lấy ra cho Mận các thứ "Khăn tắm mới đây, dì biết thế nào má con cũng chuẩn bị cho con nhưng sẵn nhà có con xài cái nầy hơn. Quần áo mặc ở nhà đây, đồ hạ giá bây giờ rẻ như bèo, nhà dì lúc nào cũng sẵn đồ đủ cỡ cho khách nam khách nữ. Ðây nữa, con gội đầu đi, tắm xà bông cục hay xà bông sữa, bàn chải đánh răng mới luôn đi há?" Mận đã toan lấy khăn và quần áo của mình ra nhưng quả tình nó không mới tinh như của dì Ba nên cô ấn nó kỹ hơn trong túi xách. Ðể thuyết phục cô nhỏ tự nhiên với những thứ mình đưa cho, người đàn bà áp chiếc khăn trắng muốt và bộ quần áo lên mũi cô gái, trông bà trẻ ra vì động tác bạn bè này: "Thơm không? Bảo đảm tắm xong ăn bữa cơm rồi con sẽ có một giấc ngủ trưa hết ý!"

Mận không đến nỗi mù mờ với thứ toa- lét của người Sài Gòn. Cô từng được mấy người bạn trong dòng họ đang học đại học trên này rủ cô lên chơi nhà trọ hoặc kéo cô đi những chuyến du lịch ngắn. Cô biết không nên ngồi xổm trên bồn cầu, biết gạt qua gạt lại hoặc hất lên xuống cái gật gù ở vòi la-va-bô, biết dùng hai thứ dép mỗi khi ra vào nhà tắm... Nhưng khi bước vào phòng vệ sinh nhà dì Ba, cô lại thấy mình như một người không thuộc bài có thể bất thần bị thầy kiểm tra. Không phải nó tân kỳ, nó quá rộng hay quá sạch mà chỉ vì cô sợ dì Ba có thể nhìn thấu sự vụng về của cô ở mọi chỗ mọi nơi. Cô không hiểu sao mình lại có tâm trạng kỳ quặc vậy mặc dù nửa giờ qua, dì coi cô như thượng khách.

Thứ nước từ vòi hoa sen làm Mận thấy mình thay đổi dù nó sặc mùi thuốc tẩy trùng chứ không mát và thanh kiểu nước giếng quê cô. Chiếc khăn bông quá trắng, quá mịn và quá thơm khiến cái thân phận nhà quê của cô rõ ràng hơn. Khi cô mở cửa thì thấy dì Ba đang lom khom lau những giọt nước bắn ra, chiếc khăn lau còn mới hơn cả cái khăn tắm nằm trong túi xách của cô nữa. Nhà dì Ba cái gì cũng tinh tươm, trau chuốt nhưng cái chính là sao dì không để Mận tự tay làm hay bảo Mận làm mà dì đã vội làm ngay việc đó? Dì Ba thanh minh: "Không phải dì kỹ mà con Mi-lu hay chạy lăng xăng, nó đem dấu chân của nó in khắp phòng, nhớp hết!" Mận lý nhí: "Tại con sơ ý nên đứng gần cửa quá!". Dì Ba trấn an: "Không sao đâu con! Vài bữa là biết ý liền mà!" Rồi dì bước hẳn vào trong phòng tắm lấy tay vít mấy sợi tóc rụng của Mận vướng bên vỉ cống để bỏ vào giỏ rác. Tiếng ông dượng từ gian bếp của phòng bên vọng sang: "Em ơi, ra coi anh xào đậu, bảo đảm xanh thiệt là xanh nè!" Mận hốt hoảng: "Chết, dì Ba để con dọn, dượng vô bếp rồi kìa!" Dì Ba thản nhiên: "Thì dì bận bên này, ổng đỡ mình chút đâu có sao con!" Liên tục đâu có sao nhưng Mận bắt đầu thấy nhịp sống nhà người ta đang căng lên vì một người khách là mình, nó căng lên như một quả bóng và nó có thể nổ tung với cái đà này.

Bữa ăn được dọn ra. Dì Ba bảo có khách trẻ đột xuất nên không có món ngon, chỉ thực đơn tầm thường của hai vợ chồng già: đậu cô-ve xào tôm, sườn ướp muối nướng và một tô canh khổ qua hầm. Cái gọi là đơn sơ của người Sài Gòn thật ra đã có thể bằng hai phần ba tiệc giỗ ở quê Mận rồi. Vậy mà dì Ba cứ lăng xăng hỏi Mận có thích chúng không, ăn vậy có chịu nổi tới chiều không, có hợp khẩu vị không? Rồi hai vợ chồng cùng săm soi cô, thường thì dì Ba nói hết, xướng trước hết còn dượng thì chỉ đế vào và cười kiểu cười ít khi thành tiếng của ông. Họ hỏi sao cô nhiều mụn, gan lách dạ dày kém hay là do ăn uống kham khổ. Họ tò mò sao trái mũi cô hơi to, nhưng đừng lo, dì Ba đây cũng mũi to, người có mũi to thì thơm thảo, thật thà mà cũng đừng lo, nữa có nghề rồi, có tiền rồi thì mũi sẽ nhọn lên ngay, mấy hồi! Họ tỏ vẻ khổ sở sao mấy đầu ngón tay cô loang lổ quá vậy, chắc mủ cau nó ám, tội nghiệp cái nghề trồng và bán cau gia truyền của nhà cô. Chưa tha, dì Ba còn cau mày buồn bã vì hàm răng vàng vàng của cô và kết luận rằng cô đúng là nạn nhân của thuốc kháng sinh thập kỷ 70. Vì dì Ba ít khi rời mắt khỏi cô nên Mận cứ ăn nhón nhén và có cảm tưởng người ta đếm từng hạt cơm mình và vào miệng, thậm chí người ta còn nhìn thấu cả vòm họng của mình. Hỏi han, trả lời, lắng nghe, ý tứ, cuối cùng cô chỉ ăn được có một chén cơm rồi cáo mệt nên không ăn được nhiều. Ông dượng áy náy một thì dì Ba tỏ ra áy náy mười và cô đã phải ăn thêm một chén nữa trong cảnh hai người già cứ ngồi ráng để cầm khách và tiếp tục săm soi cô như cô là một đứa trẻ. Trong không khí say sưa, hồi nhớ và săn sóc, một lần nữa, dì Ba mau mắn: " Hồi thời dì ở trong nhà má con để hoạt động bán hợp pháp, má con mới học tiểu học. Hòa bình, tưởng Sài Gòn Bà Ðiểm gần nhưng mấy khi bứt công chuyện mà xuống thăm ngoại với má con được. Hỏi dượng coi, dì than thở với dượng hoài, nói thế nào cũng có ngày đền cái ơn cưu mang của gia đình con với dì!". Hình như dì nghẹn ngào, dì thấy mình có lỗi với ngoại, dì chạnh lòng cho cảnh góa bụa của má con nhà Mận.

Sau bữa cơm, trong lúc dì Ba dỗ dành con Mi-lu ăn và uống thì ông dượng đi rửa chén. Lần này Mận chẳng những hốt hoảng mà còn run nhưng cả dì và dượng đều bảo Mận vẫn chưa rành chỗ, vài hôm nữa hẵng làm, tha hồ! Xong xuôi, dì Ba lại mang từ phòng hai ông bà sang cho Mận một cái gối ôm: " Dì cũng ghiền gối ôm mà dượng cũng ghiền nhưng cháu là cháu cưng, ai không gối thì ôm người có gối vậy". Mận vác cái gối đưa lại trên giường của dì thì dì lại vác nó sang, mấy lần như vậy nó mới có thể nằm yên trên chiếc giường dành cho Mận. Rồi dì xịt thứ nước hoa gì đó rất ngầy lên gối nằm của Mận, rồi lại nhớ ra là phải trải lên gối cái khăn lông nhỏ để giữ cho áo gối không ố ở giữa. Nhưng dì chưa yên tâm, dì còn chỉnh cái quạt dưới chân giường cho Mận, khi cô bảo cô không thấy nóng thì dì lại đưa sang cây quạt tay bằng vải rất đẹp khoe là dì tự may lấy. Hèn gì, dù hồi đó còn rất nhỏ mà má đã nhớ rằng dì Ba là người đặc biệt, rất đặc biệt - Mận nghĩ, càng nghĩ càng thấy sự thô kệch, đen đủi của mình bị phơi bày.

Mận nằm cạnh cái gối ôm, nó là nó còn Mận là Mận, nó xa lạ mà Mận cũng xa lạ với nó. Nó chưa bao giờ có mặt trong nhà Mận, nói gì thói quen ôm và ấp trong giấc ngủ. Mấy lần Mận ngồi dậy vì cái giường nệm lò xo làm cô bồng bềnh chóng mặt mỗi khi cựa mình. Rồi cô thấy mình trong tấm kiếng tủ, tấm kiếng dì Ba vừa lau sạch những giọt nước do Mận vừa dây ra khi đứng chải tóc. Mận thấy mình thật lạ lẫm trong bộ đồ bằng phi bóng có hoa lấm tấm này, như con vịt trong bộ cánh của một con le le. Thật chơi vơi giữa nệm mút, gối ôm và bộ quần áo không phải của mình, trong căn hộ không được làm rơi vãi bất cứ cái gì dù chỉ là vài giọt nước. Sao cô luôn thấy có đôi mắt ai đó ở đâu đó đang dò xét, theo dõi mình? Thì ra con Mi-lu, nó không chịu ngủ, nó cứ đi lách nhách sang phòng Mận, nó niểng niểng nhìn cô xét nét, hầm hừ bằng đôi mắt bị che dưới hai lớp lông phủ dài kỳ cục. Nó cũng là một thành viên, một thành viên quan trọng, nếu ở lại đây, ngoài việc phải chú ý mọi khi, mọi lúc, cô còn phải làm thân, chiều chuộng, lấy lòng con chó này. Nhưng nó là con vật xa lạ, nó quá kiêu kỳ, bí ẩn như một người ngoại quốc đối với Mận vậy.

Chiều đó, lấy hết sự mạnh dạn có được của một cô gái vốn dĩ mạnh dạn, Mận báo với dì dượng chủ nhà là cô chỉ ghé qua thăm chơi dì dượng rồi thì đã đến lúc cô phải sang điểm tập trung với mấy người bạn nữa cùng đi luyện thi đợt này. Ông dượng chớp chớp mắt ngạc nhiên ậm ừ nhưng dì Ba thì kêu trời kêu đất. Dì bảo cháu đã làm dì mừng hụt, dì tưởng sẽ có một đứa cháu gái trong nhà để hủ hỉ sớm hôm! Ngay cả con Mi-lu như cũng hiểu được câu chuyện, nó bắt đầu sủa nhặng xị khi thấy Mận gói ghém các thứ vào túi xách, không biết nó mừng hay tiếc, cái thứ chó ngoại quốc này.

Cô gái ra đi, sau cánh cửa có cái lỗ tròn tròn, dì Ba ngoái nhìn chồng lắc đầu như nói: Không hiểu sao mình chu đáo với nó như vậy mà nó vẫn muốn ra đi, sao vậy?

Dạ Ngân