PDA

View Full Version : Cuu song 1 tre so sinh bi bo roi ngoai nghia dia



hoatigon
18-11-03, 03:24 PM
Tính đến cuối tháng 9, đứa bé ấy đã gần mười tháng tuổi. Nếu nhìn bề ngoài, cháu bé không có gì khác biệt so với mọi đứa trẻ bình thường khác. Ít ai biết rằng cháu chính là nhân chứng trong một cuộc vượt qua hủ tục của cộng đồng người Mạ ở Nam Tây Nguyên. Cháu gái chưa đến mười tháng tuổi ấy có tên khai sinh là Ka Guyn, còn tên thường gọi là Ngọc, hiện đang sống với bố mẹ nuôi K'Nêm và Ka Gốp ở buôn Bsu Kon Dor thuộc thôn 3, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng.

Qua lời kể của anh K'Nêm - bố nuôi: Hôm ấy là ngày 14/12/2002. Sáng tinh mơ, buôn làng Bsu Kon Dor còn đang yên giấc. Chỉ một vài người có việc lên rẫy cà phê sớm nên phải đi ngang qua nghĩa địa cách thôn vài cây số. Bỗng họ nghe tiếng khóc hụt hơi của một đứa trẻ từ khu nghĩa địa vọng ra. Tưởng ma, họ sợ quá chạy tháo lui về lại buôn làng. Nhiều nhà phải cài thêm then. Nhưng có một người đàn ông tên Kiều - người Mường, mới di cư từ phía bắc vào không tin chuyện này. Ông Kiều cùng một vài người đàn ông khác đi về phía nghĩa địa. Tiếng "oe oe" rõ dần. Cuối cùng, họ đã nhìn thấy một đứa bé còn đỏ hỏn tím tái bị kiến bu quanh được đặt bên một gốc cây trong nghĩa địa. Ngay lập tức, ông Kiều đến báo chính quyền và vội bế cháu bé đến Trạm y tế. Đứa bé đã được cứu sống. "Hay tin, vợ chồng mình bàn nhau nhận nó về làm con nuôi? Hai vợ chồng mình cưới nhau từ nhiều cái mùa rẫy rồi mà chưa có con. Vợ mình đồng ý ngay. Nhưng phải xin phép hai bên dòng họ và hỏi ý kiến buôn làng!".

Phong tục của một số dân tộc từ lâu đã tồn tại một hủ tục: Những đứa trẻ mới sinh ra chưa đến bảy ngày tuổi nếu mất mẹ thì phải "đi theo" mẹ. Trong xã hội người thiểu số, đời người có khá nhiều cái mốc quan trọng: Lễ thổi tai, lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ tang... Trong đó, "thổi tai - đặt tên" là lễ đầu tiên có tầm quan trọng đặc biệt. "Thổi tai - đặt tên" còn có thể hiểu là lễ công nhận thành viên mới chính thức của cộng đồng. Lễ "thổi tai" được diễn ra sau khi đứa bé được 7 ngày tuổi. Trong vòng 7 ngày này, nếu chẳng may người mẹ mất đi thì đứa bé buộc phải "đi" cùng mẹ bởi nó không phải là thành viên của cộng đồng và chưa có phần hồn. Do vậy, ngay trong những năm gần đây ở Tây Nguyên vẫn còn xảy ra những chuyện đau lòng: Thỉnh thoảng vẫn bắt gặp một đứa bé còn đỏ hỏn được treo lủng lẳng trên cành cây bên cạnh một nấm mồ của người mới chết. Đó là những đứa bé chưa đến 7 ngày tuổi buộc phải "đi theo" mẹ.

K'Nêm kể tiếp: "Khi mình thưa chuyện với hai bên dòng họ, được cái là mấy người già trong họ cũng tiến bộ lắm nên chỉ một vài người còn đắn đo, nhưng mình giải thích lâu thì họ cũng hiểu ra. Còn với dân làng, lúc đầu cũng có tiếng ra tiếng vào nhưng mấy anh cán bộ xã, đặc biệt là Chủ tịch K'Chểh - cũng là người Mạ mình - cùng với các già làng giải thích, thuyết phục nên ai cũng vui vẻ cho mình nhận đứa bé làm con nuôi". Nói thì tưởng đơn giản nhưng suy cho cùng đó là một cuộc "vượt hủ tục" đầy cam go của cộng đồng người Mạ ở xã Lộc Tân. K'Nêm khoe: "Sau khi đưa cháu ở bệnh viện về, gia đình mình có làm lễ đầy tháng cho cháu và mời cả bà con buôn làng chứng kiến. Suốt 9 tháng qua vợ chồng mình tuy rất bận bịu vì cháu bé cứ đau ốm hoài nhưng rất vui là cả buôn làng và dòng họ ai cũng thương cháu".