PDA

View Full Version : Việt Nam sắp có tiền nhựa và tiền xu!!!



Universe
27-11-03, 09:59 PM
Ngày 17/12, VN sẽ đưa vào lưu thông loại tiền mệnh giá lớn nhất từ trước tới nay 500.000 đồng, in trên chất liệu polymer. Cùng được phát hành dịp này còn có tiền kim loại mệnh giá 5.000, 1.000 và 200 đồng. Loại 50.000 đồng hiện nay, do đang bị làm giả nhiều nên cũng sẽ được in bằng chất liệu mới.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy trong buổi công bố chiều nay không tiết lộ cụ thể lượng tiền mới sẽ phát hành. Tuy nhiên, ông cho biết, đã thuê một công ty nước ngoài in 20 triệu tờ 50.000 đồng bằng giấy polymer để đào tạo, giúp công nhân Việt Nam làm quen với kỹ thuật in tiền mới. Sau đó, việc in tiền sẽ hoàn toàn do Việt Nam đảm nhận, kể cả với tờ 500.000 đồng. Riêng tiền xu, trong thời gian đầu sẽ thuê đúc ở bên ngoài. Ngân hàng Nhà nước đang xúc tiến kế hoạch xây dựng một xưởng đúc tiền riêng. "Chúng tôi cam kết lượng tiền in sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt trong dịp Tết. Và xin lưu ý, tất cả những tiền giấy có mệnh giá tương đương vẫn có giá trị lưu hành song song", ông nói thêm.

Giấy nền polymer cho phép ứng dụng nhiều kỹ thuật chống giả trong đồng tiền. Bên cạnh những yếu tố bảo an được ứng dụng tương tự như trong tiền đồng in trên giấy cotton (như hình bóng chìm, hình định vị, chữ siêu nhỏ, dây bảo hiểm, yếu tố phát quang), giấy nền polymer còn có yếu tố bảo an đặc trưng như có cửa sổ trong suốt với hình ẩn hoặc dập nổi, giúp chống giả bằng các thiết bị photocopy, scan hay máy in lase. Việc in tiền trên chất liệu polymer cũng tính tới khả năng phân biệt tiền giả cho người khiếm thị. Giấy nền polymer có độ bền cơ học cao (khó dùng tay xé rách tờ bạc). Đồng thời, nó có cấu tạo sợi, trên bề mặt lại được phủ véc-ni nên tiền polymer không hút ẩm, giữ ẩm hay các chất bẩn khác. Vì vậy, nó sạch hơn tiền giấy và thích ứng tốt với môi trường khí hậu của Việt Nam. Giấy nền polymer có khả năng thích ứng với các thiết bị xử lý tiền như máy ATM, máy đếm tiền, tuyển chọn tiền…Hai loại 50.000 đồng và 500.000 đồng có kích thước lần lượt là 140x65mm và 152x65mm.

Về tiền xu, kích thước của 3 loại mệnh giá 200, 1.000 và 5.000 đồng lần lượt là 20 mm, 19 mm và 25,5 mm. Nếu như loại 200 đồng có màu trắng bạc với vật liệu thép mạ niken thì loại 1.000 đồng có màu vàng đồng thau (do vật liệu là thép mạ đồng vàng). Riêng loại 5.000 đồng được đúc bằng hợp kim đồng, bạc, niken (CuAl6Ni92) nên có màu vàng ánh đỏ. Theo ông Trần Tiến, Trưởng phòng Thiết kế mẫu (Cục Phát hành Kho quỹ), vành của mỗi đồng tiền cũng được làm khác biệt để chống giả. Đồng tiền 200 có vành trơn, 1.000 đồng có vành khía ngắt quãng còn vành của đồng 5.000 có khía vỏ sò.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc phát hành lần này nhằm bổ sung cơ cấu mệnh giá đồng tiền trong lưu thông; đồng thời nâng cao chất lượng và khả năng chống tiền giả. "Kế hoạch này cũng không làm thay đổi đơn vị tiền tệ, không dẫn tới trượt giá và không thay thế các đồng tiền hợp pháp đang lưu hành", ông khẳng định.

Ông Thúy cho biết thêm, sau khi kết thúc việc phát hành ngân phiếu (tháng 4/2002), nhu cầu về các đồng tiền có mệnh giá lớn trong lưu thông đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải nghiên cứu để hợp lý hoá cơ cấu đồng tiền. Hơn nữa, mệnh giá tiền đồng Việt Nam hiện quá thấp, cao nhất là tờ 100.000 đồng, chỉ tương đương 7 USD hoặc 6 EUR.


Trao đổi với báo chí về nguy cơ phá giá do phát hành thêm tiền, ông Lê Đức Thúy khẳng định, điều này sẽ không xảy ra bởi giá trị của VND hiện khá ổn định, lạm phát vẫn đang được kiểm soát ở mức thấp. Tính đến tháng 11, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam mới ở mức 2,2% so với cuối tháng 12 năm ngoái và dự tính cả năm nay chỉ khoảng 3%. Trong khi đó, chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch năm nay thì lạm phát không quá 5% GDP. "Vì vậy, không thể nói là vì lạm phát cao mà phải đưa ra thêm tiền để phá giá", ông nói.

Trên thực tế, mệnh giá nhỏ gây thêm chi phí in ấn và lưu hành mỗi khi muốn đưa thêm tiền vào nền kinh tế. "Trước đây, ngân phiếu thanh toán đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán song giá trị lưu hành ngắn và chi phí phát hành cao. Vì vậy, chúng tôi có kế hoạch in tiền mệnh giá cao để thay thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa vào lưu thông những mệnh giá khác để đảm bảo tiền đồng Việt Nam không đứng bên lề xã hội hiện đại", ông nói.

Chi phí in ấn tiền bằng polymer và đúc tiền xu cao hơn so với chất liệu giấy thông thường, song theo ông Thúy, do tuổi thọ cao hơn nên cho phép tiết giảm tổng chi phí lưu thông loại tiền này. Riêng tiền kim loại, sẽ góp phần tự động hoá, giảm bớt chi phí lao động trong tương lai. Xu thế chung trên thế giới là có thể dùng tiền xu để mua vé xe buýt, gọi điện thoại công cộng, chi trả tiền nước giải khát nơi công cộng.

Phát hành tiền trên chất liệu mới cũng giúp nâng cao chất lượng và khả năng chống giả của đồng tiền Việt Nam. "Làm giả tiền đang là vấn nạn chung của mọi nước. Chính Quốc hội đã nhiều lần chất vấn về việc này. Lúc đó, tôi chỉ có thể báo cáo là đang có phương án để cố gắng đưa ra những đồng tiền khó làm giả hơn. Chúng tôi đã thực hiện lời hứa của mình", thống đốc ngân hàng nói thêm.

Lần gần đây nhất Việt Nam phát hành tiền mới là vào năm 2000, với tờ mệnh giá 100.000 đồng. Tiền xu không còn giá trị thanh toán kể từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi đó, lạm phát ở mức 3 con số khiến những đồng tiền xu mệnh giá quá nhỏ đã không còn giá trị.

Song Linh

Tin từ www.vnexpress.net

Universe
27-11-03, 10:01 PM
http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2003/11/3B9CD98A/TIEN50.jpg

Đặc điểm kỹ thuật bảo an của giấy bạc 50.000 đồng mới:

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969): Được in lõm, khi vuốt nhẹ tay cảm nhận được độ nổi của nét in.
Yếu tố hình ẩn: Tại cửa sổ nhỏ phía trên, bên trái tờ bạc có chữ VN đối xứng, nhìn thấy rõ khi soi trước nguồn sáng đỏ như đèn dầu, nến, bóng đèn tròn.
Hình cửa sổ: Là yếu tố đặc trưng của giấy bạc polymer, cửa sổ lượn hình mây cách điệu nằm phía bên phải tờ bạc là nền nhựa trong suốt hai mặt, ở giữa có cụm số 50.000 đồng được dập nổi, nhìn thấy khi chao nghiêng tờ bạc.
Hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chỉ nhìn thấy khi soi tờ bạc trước nguồn sáng.
Chữ VN sáng trắng: Nằm ở vị trí dưới bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi soi từ bạc trước nguồn sáng, sẽ nhìn thấy chữ VN sáng trắng.
Dây bảo hiểm: Khi soi tờ bạc trước nguồn sáng, nhìn thấy dây bảo hiểm ngắt quãng chạy dọc tờ bạc, có các cụm số 50.000 đồng lặp đi lặp lại.
Hình định vị: Nằm ở góc trên bên phải tờ bạc là hình hoa 8 cánh cách điệu. Khi soi tờ bạc trước nguồn sáng, hình hoa 8 cánh của mặt trước và mặt sau trùng khớp tạo những khe trắng đều nhau.
Hình ẩn nổi: Nằm ở phía dưới bên trái tờ bạc, được in nổi, khi đặt tờ bạc nằm ngang tầm mắt 180o thì sẽ thấy chữ NH nổi rõ.
Cụm sổ nổi: Khi vuốt nhẹ tay lên cụm số dọc 50.000 đồng phía trên bên phải và cụm số ngang phía dưới bên trái có thể cảm nhận được độ nổi của nét in.
Mực không màu phát quang “50000”: Ở vị trí giữa tờ bạc có cụm số 50000 đồng, nhìn thấy khi soi dưới ánh sáng đèn cực tím.
Dòng số sê-ri ngang màu đen: Kiểu số từ nhỏ đến lớn, phát quang màu xanh lơ khi soi dưới ánh sáng đèn cực tím
Dòng số sê-ri màu đỏ: Kiểu số đều nhau, phát quang màu da cam khi soi dưới ánh sáng đèn cực tím.
Mực màu vàng cam phát quang màu vàng: Màu vàng cam xung quang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (mặt trước) và màu vàng cam ở hình định vị (mặt sau) phát quang màu vàng khi soi dưới ánh sáng đèn cực tím.
Mảng chữ siêu nhỏ (mặt trước): được thiết kế bằng các dòng chữ “NHNNVN” lặp đi lặp lại, nằm phía dưới hàng số sê-ri đen bên phải, dùng kính lúp mới thấy rõ.
Yếu tố nhận biết cho người khiếm thị: Gồm 3 chấm hình quả trám nằm ở phía dưới góc trái tờ bạc, được in lõm, tạo độ nổi cho người khiếm thị dùng tay để nhận biết tờ bạc 50.000 đồng.

Universe
27-11-03, 10:04 PM
http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2003/11/3B9CD98A/TIEN500.jpg

Những đặc điểm kỹ thuật bảo an:

1- Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969): Được in lõm tinh vi, khi vuốt nhẹ tay có thể cảm nhận được độ nổi của nét in.

2 - Yếu tố hình ẩn: Tại cửa sổ nhỏ phía trên bên trái tờ giấy bạc có hình hoa sen cách điệu, nhìn thấy khi soi trước nguồn sáng đỏ như đèn dầu, nến, bóng đèn tròn.

3 - Hình cửa sổ: Là yếu tố đặc trưng của giấy bạc Polymer, cửa sổ lớn hình bông hoa sen cách điệu nằm phía bên phải tờ giấy bạc có nền nhựa trong hai mặt, ở giữa có cụm số 500.000 đồng được dập nổi, nhìn thấy khi đưa nghiêng tờ giấy bạc.

4- Hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chỉ nhìn thấy khi soi tờ bạc trước nguồn sáng.

5 - Mực đổi màu: Hình chim phượng nằm phía dưới góc trái tờ bạc, được in bằng mực đặc biệt, sẽ đổi màu khi soi tờ bạc dưới các góc nhìn khác nhau.

6 - Dây bảo hiểm: Khi soi tờ bạc trước nguồn sáng nhìn thấy một dây bảo hiểm chạy dọc tờ bạc có các dòng chữ "NHNNVN" lặp đi lặp lại và đảo chiều.

7 - Hình định vị: Nằm ở góc trên bên phải tờ bạc gồm 4 hình tam giác (mỗi mặt có hai hình). Khi soi tờ bạc trước nguồn sáng 4 hình hợp lại tạo thành 1 hình vuông, giữa các hình có khe trắng đều nhau.

8 - Yếu tố IRIODIN: Là một dải màu vàng lấp lánh chạy dọc ở mặt sau tờ bạc có dòng số 500.000 đồng, dễ nhận biết khi đưa nghiêng tờ bạc.

9 - Cụm số nổi: Khi vuốt nhẹ tay lên các cụm số 500.000 đồng phía trên bên phải và phía dưới bên trái có thể cảm nhận được độ nổi của nét in.

10 - Mực không màu phát quang "500.000": Ở vị trí giữa tờ bạc có cụm số 500.000, nhìn thấy khi soi một tờ dưới ánh sáng đèn cực tím.

11 - Dòng số sêry ngang màu đen: Kiểu số từ nhỏ đến lớn, phát quang màu xanh lơ khi soi dưới ánh đèn cực tím.

12 - Dòng số sêry dọc màu đỏ: Kiểu số đều nhau, phát quang màu da cam khi soi dưới ánh đèn cực tím.

13 - Mực màu hồng phát quang: Màu hồng xung quanh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (mặt trước) và màu hồng sau phong cảnh (mặt sau) phát quang màu vàng khi soi dưới ánh đèn cực tím.

14 - Mảng chữ siêu nhỏ (mặt trước): Được thiết kế bằng các dòng chữ "NHNNVN" lặp đi lặp lại, nhìn toàn bộ thấy 2 chữ VN rõ và đậm.

15 - Những yếu tố nhận biết cho người khiếm thị gồm: 3 chấm hình vuông, 1 gạch dài nằm ở phía dưới góc trái tờ bạc và được in lõm tạo độ nổi cho người khiếm thị dùng tay để nhận biết.

catbuitinhdoi
28-11-03, 12:06 AM
tiền nhựa thì kô nói gì nhưng từ hùi bít xài tìn tới giờ chưa từng dùng thử tiền xu, CB cũng háo hức đón chờ ( mua thuốc đưa 1 cắc , méc cười wé)

Universe
28-11-03, 12:20 AM
Tiền xu không phải là một cắc đâu CB à. VN quy định tiền xu sẽ có giá trị là 200, 1000 và 5000 đồng.

Tuy nhiên, loại tiền 500.000 thì sao. Làm DV NET như tôi mới khổ nè. Nhiều người vào chơi một tiếng có 3000 mà đưa tờ 500 nghìn chắc ... thối tiền xong cũng đủ ... xiểu.

five
28-11-03, 10:43 AM
Ừh chuyện này sáng nay FIVE cũng xó đọc trên trang báo thể thao nên cũng biết đôi chút về hai loại xiền này,nhưng mình thấy Universe thực sự nói rõ hơn nhìu .Nhưng có điều là ít bữa nữa xài xiền su bỏ vào bị dể mất wé chời
Àh thối xiền mà còn xỉu nữa thì bữa sau có gẹp trường hụp này thì cho người ta ký cũng được ...hihi

Universe
28-11-03, 12:45 PM
Hix, NET 1h có 3000 mà còn ký nữa chắc chết. Tiền dâu mà cuối tháng thanh toán cho người ta.

ruacon
01-12-03, 07:15 PM
Có lần đi mua kem đưa tờ 50000 bà ý không thèm bán vì... không có tiền thối lại... Bây giờ còn có tờ 500000 chắc là mấy người bán hàng còn khổ nữa...! Tui khoái cái vụ tiền kim loại cơ..... nghe tiếng không là mê rùi!

Universe
01-12-03, 08:35 PM
Len ken, len ken. Đi mua món đồ khoảng 500 nghìn, đem theo một bịch tiền xu 200 trả cho người ta chắc người ta đánh chạy không kịp.

Mà tiền xu 5000 thì bỏ ống heo, nhưng mà mau hết lắm vì khi kẹt tiền chỉ cần trút một cái nhẹ là nó lòi ra ngay.

five
05-01-04, 07:32 PM
Chòi tiền xu lợi lắm chứ .Làm gì cũng ko sợ mà chỉ sợ bỏ vào túi nó dễ rớt thui àh

Universe
05-01-04, 08:57 PM
Hiện giờ quá nhiều người than phiềng rằng tiềng mới rất khó sử dụng. Tiền xu thì dể mất, tiền nhựa thì dễ hư. Chỉ cần gần nhiệt một chút là tiu ngay.

Còn nữa, tiền nhựa vì quá mỏng nên khó đếm, các loại máy đếm tiền thông thường hay đếm nhầm khi đọc qua khoảng trong suốt trên đòng tiền. Đếm tay thì tiền hay dính lại với nhau vì quá mỏng, trả 100 nghìn thành 150 nghìn mà không biết.

Không biết còn chuyện gì nữa không, thôi để hạ hồi phân giải vậy. (^_^)