PDA

View Full Version : Chuyện sau 10 giờ đêm



Universe
28-11-03, 12:22 AM
Không ít gia đình hiện nay có một quy định bất thành văn đối với con cái của mình: phải trở về nhà trước 10 giờ đêm, thậm chí có trường hợp là 9 giờ. Tất nhiên, khi luật "thép" ra đời thì những cô cậu học trò tuổi ham chơi sẽ không bao giờ thích. Còn sinh nhật bạn bè, còn đi ăn chè ăn kem nữa chứ... Bất đồng giữa con cái và cha mẹ cũng bắt đầu từ đây.


Nỗi bức xúc từ "nhân vật chính"



Hồng Hạnh năm nay vừa tròn 18, đã tuyên bố: "18 tuổi được coi là trưởng thành có nghĩa là phải được đối xử như một người lớn”. Vì sao Hạnh lại chú ý đến tuổi trưởng thành như vậy? Thì ra gia đình Hạnh có một quy định: ai về nhà sau 9 giờ 30 phút (tối) sẽ bị "nhốt" ngoài cửa 1 giờ đồng hồ rối mới cho vào nhà (dĩ nhiên trừ ba mẹ là người viết luật).



Hạnh nói: "Có nhiều khi đi học Anh văn về, mấy đứa bạn rủ đi ăn chè, em cũng không dám đi. Vì chỉ cần về trễ một chút, em sẽ bị mẹ cho một trận ra trò rồi cấm tiệt không được bước chân ra khỏi nhà vào buổi tối. Vậy thì tuổi 18 có khác gì tuổi 13?".



Còn với Ngọc Thanh học sinh lớp 11, giờ giới nghiêm của Thanh là 9 giờ 10 phút - được cho thêm 10 phút trừ hao. Mặc dù không còn bé nhưng Thanh chưa từng được dự bất cứ buổi lửa trại nào với thầy cô, bạn bè vì chỉ cần nghe đến từ “đi qua đêm" là ba mẹ Thanh đã đồng thanh phản đối.



Thông thường, việc quy định con gái phải về nhà trước 9 giờ tối là điều vẫn thường gặp trong các gia đình có con đang độ tuổi đến trường. Thế nhưng không chỉ có con gái mới bị giới hạn giờ giấc mà con trai cũng không "ngoài vùng phủ sóng".



Là con trai út trong một gia đình ba đời đều làm giáo viên, Cao Hùng cho biết: "Cả nhà, từ anh hai cho đến em, người nào cũng phải về nhà trước 10 giờ tối. Hôm nào anh hai đi chơi với bạn gái về trễ thì không dám gọi cửa. Thậm chí có lúc phải leo rào rồi ngủ ngoài sân. Còn em, đi đâu thì đi, đúng 10 giờ tối phải có mặt trên giường để mẹ ghé ngang phòng kiểm tra lần cuối" (anh Hai mà Hùng đề cập đã tốt nghiệp đại học đi làm được hai năm rồi).



Nếu như những quy định mà các bậc phụ huynh đặt ra cho con mình đều được chúng “nghiêm chỉnh chấp hành" thì có lẽ không còn gì để nói. Ðằng này, phía sau những lời "vâng vâng dạ dạ” là một sự phản ứng ngấm ngầm nhưng sôi sục để rồi kết quả của những quy định cứng ngắc chính là cuộc “xung đột” triền miên.



Bằng mặt nhưng không bằng lòng



Không bằng lòng với việc phải về nhà trước 10 giờ tối dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, Thanh Mai đã "nghĩ” ra cách "nói dối" để ứng phó mỗi khi về quá giờ quy định. Ban đầu, đó chỉ là "chiêu" được dùng trong những lúc cấp bách nhưng càng về sau, việc nói dối của Mai trở thành "thói quen". Khi thì kẹt xe, khi thì xe bể bánh… Thế nên từ chỗ muốn con mình có nề có nếp, rốt cuộc lại đem đến một kết quả trái ngược hoàn toàn.



Không dừng lại ở việc nói dối, Thu Trang (16 tuổi) còn có những biểu hiện "bất cần đời". Theo Trang, 16 tuổi là đủ "tư cách" để có những mối quan hệ xã hội và tất nhiên việc phải về nhà trước 9 giờ tối là hoàn toàn vô lý. Không ngần ngại, Thu Trang bộc bạch suy nghĩ: "Sống ở thành phố mà ba mẹ em cứ làm như dưới quê, hễ 9 giờ tối là đóng cổng không cho ra khỏi nhà. Em không hiểu sao ba mẹ lại có quan niệm như vậy. Dù muốn dù không, quy định này phải được bãi bỏ khi em đủ 18 tuổi".



Tuy nhiên, với trường hợp của các chàng trai "bẻ gãy sừng trâu" thì hoàn toàn không đơn giản. Tấn Long (18 tuổi) bảo rằng mình đã "chịu đựng giờ giới nghiêm bất di bất dịch của gia đình trong suốt ngần ấy năm và không thể nào chịu đựng hơn nữa”.



Long kể: “Hôm đó là ngày sinh nhật của em, sau khi ăn uống xong, em có xin phép ba mẹ được đi hát karaoke với mấy đứa bạn. Vì quá vui nên em đã quên mất thời gian. Cứ ngỡ sinh nhật một năm chỉ có một lần nên về trễ cũng không sao. Nào ngờ, khi vừa về đến nhà, em bị mẹ "dần" cho một trận nhừ tử. Từ đó, em ghét vô cùng việc con trai phải về nhà đúng giờ quy định mặc dù em biết ba mẹ vì lo lắng cho em mới làm như thế”.



"Càng cấm thì em càng muốn đi cho… bõ tức"- đó là lời phát biểu của Quang Vinh, học sinh lớp 12. Vinh nói: "Em lớn rồi chứ đâu phải là con nít mà hễ xin đi đâu cũng phải trình lý do, có người bảo lãnh và hứa chắc phải về nhà trước 9 giờ 30 tối nếu không sẽ bị phạt". Vinh còn cho biết có nhiều khi những ngày lễ lớn, ngoài đường hay bị kẹt xe nên dù muốn dù không vẫn chẳng thể nào về nhà đúng giờ quy định. Nên "cách tốt nhất là vù tới sáng" nếu không thể về đúng giờ.



Xem ra cách mà Vinh chọn cũng khá phổ biến vì T. Hải cũng cho rằng "lỡ bị đòn thì đi cho đã chứ về trễ 10 phút cũng vậy mà thôi". Hải còn khăng khăng “con trai mà suốt ngày chỉ ru rú trong nhà thì không sớm thì muộn cũng trở thành… công tử bột".



Cùng suy nghĩ với Hải và Vinh còn có Thành, chỉ khác một điều, cách mà Thành "chống đối” lại quy định của gia đình chính là "không nói, không dạ, không vâng, không cười, không học" cho đến khi nào ba mẹ “đầu hàng" mới thôi.



Lý do từ "người soạn luật"



Sợ con gái bị bạn xấu rủ rê nên từ khi cô bé vào lớp 10, cô Hương đã ra quy định “đi đâu chơi cũng phải về nhà trước 9 giờ 15 tối”. Cô Hương tâm sự: “Tôi thấy bóng đêm chính là cơ hội cho điều xấu nên chỉ cần 9 giờ tối mà chưa thấy con mình về nhà thì ruột gan tôi đã nóng lên".



Là mẹ của ba cô con gái đang bắt đầu thay đổi tâm sinh lý, cô Hân cho biết: “Khi tôi quy định 9 giờ 30 tối là không được ra khỏi nhà thì cả ba đứa phản đối quyết liệt. Cứ hễ đứa này về trễ thì đứa khác "hậu thuẫn" ra mở cửa. Dĩ nhiên khắt khe quá cũng tội nghiệp chúng nhưng thời buổi bây giờ buông lỏng một tí là nguy".



Ðồng ý một phần quan niệm trên, nhưng chú Lâm cười dí dỏm: "Là người lớn, chúng ta không chỉ biết soạn luật mà còn phải hiểu và cảm thông cho những người áp dụng luật. Vì vậy trong một số trường hợp đặc biệt, ta nên nương tay một chút".



Vâng, "luật" thì vậy rồi nhưng trong khi hành xử phải nương tay một chút được đa số các bậc phụ huynh đồng tình. Song khi nào cần nương tay, khi nào cần phải theo đúng quy định không phải là chuyện dễ dàng khi mà các cô bé cậu bé thường có 1001 lý do để biện hộ. Vậy là cuối cùng, cha mẹ “làm luật” chỉ để “bảo vệ con”, đôi khi họ cũng nương tay nhưng rốt cuộc các bậc cha mẹ vẫn không hiểu nổi tại sao con mình hay nói dối và luôn phản ứng dữ dội mỗi khi chuyện giờ “giới nghiêm” được nhắc tới.

Theo Sài Gòn tiếp thị