PDA

View Full Version : Số Phận của Cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein



thamtunet
17-12-03, 01:19 PM
Iraq chuẩn bị xét xử ông Saddam Hussein
Sau khi cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị bắt, điều mà cả thế giới đang quan tâm hiện nay là ông Saddam sẽ bị xét xử thế nào. Tổng thống Mỹ G.Bush hôm 15.12 cam kết, Mỹ sẽ phối hợp với Iraq tổ chức một phiên toà công bằng. Ông Bush còn khẳng định chính người Iraq sẽ quyết định xem liệu ông Saddam có phải chịu mức án tử hình hay không.
Toà án nào?
Các quan chức Iraq hôm 16.12 cho biết, Tòa án Tội phạm chiến tranh của Iraq vừa được thành lập cách đây vài ngày đang nỗ lực chuẩn bị để quá trình xét xử ông Saddam có thể được bắt đầu vào mùa xuân năm sau. Theo chính trị gia Salem Chalabi, các chuyên gia pháp lý Iraq hiện đang tiến hành thảo luận về một quy trình pháp lý tốt nhất cho phiên toà này. Ông Chalabi khẳng định, trong vòng 3-4 tháng tới, Iraq có thể hoàn thành sớm hai yêu cầu quan trọng phục vụ phiên toà. Đó là xây dựng một địa điểm giam giữ đảm bảo an ninh và tìm kiếm các thẩm phán, công tố viên, các nhà điều tra.
Không giống như những toà án đặc biệt được thiết lập để xét xử các tội phạm chiến tranh ở Nam Tư cũ và Rwanda, dưới sự bảo trợ của LHQ và sự tham gia của các quan chức tư pháp quốc tế, phiên toà xét xử ông Saddam sẽ do người Iraq điều hành và những chuyên gia nước ngoài chỉ tham dự với tư cách là....cố vấn.
Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan hôm 15.12 tuyên bố, bất kỳ toà án nào được lập ra để xét xử cựu Tổng thống Iraq đều phải tuân thủ các điều ước và chuẩn mực quốc tế. Ông Annan gợi ý LHQ sẽ trợ giúp Iraq trong quá trình tiến hành các thủ tục pháp lý.
Tội danh gì?
Ông Chalabi cho biết, trong các cuộc thảo luận những ngày vừa qua, ngày càng có nhiều quan chức Iraq đồng ý chỉ xét xử ông Saddam theo những cáo buộc liên quan đến những tội danh "hung bạo đặc biệt", nhằm tránh cho phiên toà khỏi bị sa lầy. Những tội danh này bao gồm: Sử dụng vũ khí hoá học chống lại lực lượng thiểu số người Kurds năm 1988, hành hình các giáo sĩ Hồi giáo Shiite nổi tiếng và giết hại hàng trăm người thuộc bộ lạc Sunni.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Điều hành Iraq, Abdelaziz al-Hakim, cho hay ông Saddam có thể lãnh án tử hình nếu bị kết tội. Các quan chức Mỹ nêu rõ, Mỹ sẽ không phản đối hình phạt này nếu phiên toà được tiến hành công bằng. Tuy nhiên, Tổng Thư ký LHQ Annan cho hay, LHQ không ủng hộ án tử hình đối với ông Saddam. Chính phủ Anh cũng tuyên bố không ủng hộ mức án này và khẳng định sẽ không tham gia vào quá trình xét xử nếu cựu Tổng thống Iraq có nguy cơ bị tử hình.
Mỹ chưa muốn xét xử ngay?
Mặc dù Mỹ luôn lớn tiếng tuyên bố ủng hộ việc đưa cựu Tổng thống Iraq Saddam ra xét xử, nhưng sau khi các quan chức Iraq đưa ra thời gian biểu của mình, các quan chức Mỹ lại tỏ ra khá "lúng túng", bởi tiến trình này "quá nhanh so với sự mong đợi của họ". Một số nhà phân tích cho rằng, trong khi người Iraq đang háo hức muốn đưa ông Saddam ra xét xử thì các quan chức Mỹ lại chưa muốn giao nộp ngay Saddam, bởi họ còn muốn tiếp tục khai thác những thông tin liên quan đến vũ khí huỷ diệt hàng loạt của Iraq, về việc Iraq "liên quan tới khủng bố quốc tế"... Tình báo Mỹ cho biết, dựa trên thái độ được coi là "hợp tác" của ông Saddam, công việc thẩm vấn có thể sẽ kéo dài quá mùa xuân năm 2004.
Trước đây, khi Iraq tham vấn Mỹ về việc thiết lập Toà án Tội phạm chiến tranh của riêng mình, chính quyền Bush đã ủng hộ ngay, bất chấp hệ thống pháp lý của Iraq quá lạc hậu và thiếu kinh nghiệm. Lúc đó, các quan chức Mỹ không ngờ rằng ông Saddam lại có ngày bị đưa ra xét xử tại toà án này. "Liệu chúng ta có thể bắt sống được ông Saddam không. Tôi nghĩ là không bao giờ", một quan chức đã từng quả quyết như vậy.
Bạo lực không suy giảm
Sau khi ông Saddam bị bắt giữ, nhiều người hy vọng rằng người Iraq sẽ hết động lực để tiến hành các cuộc tấn công phản kháng. Nhưng thực tế không phải vậy. Theo phóng viên tờ Washington Post (Mỹ), ở các thị trấn và làng mạc phía bắc và phía tây thủ đô Baghdad, việc bắt giữ ông Saddam chỉ gây ảnh hưởng nhỏ đối với phong trào kháng chiến của người Iraq.
Trong suốt gần 9 tháng qua, khi ông Saddam còn đang lẩn trốn, những lực lượng này vẫn tập hợp dưới sự chỉ đạo của các nhà tài trợ và các tù trưởng địa phương. Mặc dù họ vẫn ca tụng ông Saddam sau mỗi cuộc tấn công vào lính Mỹ, nhưng động cơ của họ vượt ra ngoài sự trung thành với ông Saddam. "Chúng tôi chiến đấu không chỉ vì Saddam, mà còn vì đất nước, vì đạo Hồi và vì niềm tự hào của chúng tôi", một du kích Iraq nói. Thiếu tướng R.Odierno, chỉ huy Sư đoàn bộ binh số 4, cũng thừa nhận rằng, có vẻ như ông Saddam không chỉ huy trực tiếp các hoạt động kháng cự của người Iraq.
Ngày 15.12, Đảng Baath đã xác nhận tin ông Saddam bị bắt và thề sẽ tiếp tục phản kháng đến cùng để chống lại lực lượng chiếm đóng. Cùng ngày, tại nhiều địa phương ở Iraq đã xảy ra các cuộc biểu tình quy mô lớn. Tại thành phố Fallujah, những người ủng hộ cựu Tổng thống Iraq đã xông vào các cơ quan chính quyền thành phố, đập phá bàn ghế, máy tính, máy điều hòa và đốt các tài liệu. Lính Mỹ đã bắn chết 2 người Iraq tham gia các vụ bạo lực này.
Các quan chức quân sự Mỹ hôm 15.12 cho hay, các thông tin do ông Saddam cung cấp và tài liệu trong chiếc cặp của ông đã giúp họ bắt thêm hai nhân vật cao cấp trong chế độ cũ. Điều này lại tạo hy vọng mới cho chính quyền chiếm đóng do Mỹ đứng đầu.
Theo báo Lao Động

thamtunet
17-12-03, 01:27 PM
Những tin liên quan
Tổng thống Mỹ G.Bush:
Saddam sẽ được xét xử công bằng
(LĐĐT) Hôm qua (15.12), trong buổi họp báo diễn ra tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ G.Bush nêu rõ cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein sẽ được xét xử công khai tại Iraq và dưới sự quan sát của cộng đồng quốc tế.
"Người Iraq sẽ tham gia cùng Chính phủ Mỹ để tìm ra cách xét xử ông Saddam. Phiên toà sẽ diễn ra một cách ông khai. Theo tôi, đó là cách tốt nhất", ông Bush phát biểu.
Tuy nhiên, ông Bush đã không đưa ra bất kỳ kế hoạch chi tiết nào về tội trạng của ông Saddam. Đặc biệt, khi các phóng viên đặt câu hỏi rằng liệu ông Saddam có khả năng phải chịu án tử hình không, ông Bush đã không trả lời.
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, việc bắt giữ được cựu lãnh đạo Iraq không đồng nghĩa với việc lính Mỹ sẽ sớm được trở về nhà. "Công việc của chúng tôi tại Iraq vẫn còn khó khăn và đòi hỏi nhiều sự hy sinh hơn nữa", ông nói. Sau khi "quân ách bích" Saddam bị bắt, ông Bush tỏ ra rất hài lòng. Ông nói: "Thế giới chắc hẳn sẽ tốt đẹp hơn khi không có ông Saddam Hussein

thamtunet
17-12-03, 01:30 PM
Tổng thống Saddam Hussein có thể phải lĩnh án tử hình

Ngày 15.12, người đứng đầu Hội đồng Điều hành Iraq, ông Abdul Aziz al-Hakim, cam kết sẽ đảm bảo "công lý" cho cựu Tổng thống Saddam Hussein, nhưng đồng thời cảnh báo điều đó có thể đồng nghĩa với án tử hình. "Vào thời điểm này, Saddam là tội phạm lớn nhất tại Iraq", ông al-Hakim nói.
Hãng Thông tấn Mỹ AP, dẫn lời ông Mouwafak al-Rabii - một quan chức ICG - cho hay, cựu Tổng thống Saddam sẽ bị đưa ra xét xử trong thời hạn rất sớm, có thể trong vài tuần tới và sẽ bị xử tử hình nếu bị buộc tội. Ông al-Rabii tỏ ý đoan chắc Mỹ sẽ trao ông Saddam cho Toà án đặc biệt mới được thành lập của Iraq, chuyên xét xử những tội ác chống lại loài người. "Saddam sẽ là người đầu tiên bị xét xử tại toà án này", ông Al-Rabii nói.
Tuy nhiên, một số thành viên ICG khác lại cho rằng phiên toà sẽ bắt đầu muộn hơn, có thể vào mùa hè tới. Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Jack Straw cho hay, Anh không ủng hộ mức án tử hình dành cho ông Saddam Hussein, tuy nhiên ông khẳng định bất cứ hình phạt nào đối với cựu Tổng thống Iraq phải do người dân Iraq quyết định. Cùng ngày, Chính phủ Iran tuyên bố đang chuẩn bị hoàn tất một đơn kiện chống lại ông Saddam vì những "tội ác" đối với nước cộng hoà Hồi giáo này và yêu cầu đưa ông Saddam ra xét xử trước toà án quốc tế. Hàng trăm nghìn người Iran đã chết trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq. CNN đã liên tục phát lại hình ảnh cam chịu của cựu Tổng thống Saddam khi bị bắt. Tối ngày 15.12, 100 người ủng hộ ông Saddam, được trang bị vũ khí tự động và súng phóng lựu, đã tấn công vào hai đồn cảnh sát khác tại phía bắc Baghdad.

Ngày 15.12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ông Lê Dũng cho hay: Việt Nam luôn quan tâm đến tình hình tại Iraq. Việc giải quyết các vấn đề Iraq phải trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của Iraq, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế và nguyện vọng của nhân dân Iraq. Việt Nam luôn mong tình hình Iraq sớm ổn định, nhân dân Iraq sớm khôi phục chủ quyền và xây dựng lại đất nước.

thamtunet
22-12-03, 11:46 AM
Ai phát hiện ra tung tích ông Saddam?

* Quân đội Mỹ tranh công của người Kurd?
* Thủ tướng Tây Ban Nha, Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha bất ngờ thăm Iraq.
* Lính Mỹ sát hại 3 cảnh sát Iraq.
* Bin Laden lên án Mỹ chống lại thế giới Hồi giáo.


"Chấm dứt chiếm đóng Iraq" -
thông điệp của các ông già Noel
Hàn Quốc trước ngày Giáng sinh.

"Mập mờ"
Đúng 15h15 ngày 14.12, toàn quyền Mỹ tại Iraq Paul Bremer chính thức thông báo tin "động trời": Cựu Tổng thống Iraq Saddam đã bị bắt. Ngay sau đó, báo chí phương Tây đã đăng tải hàng loạt bài viết "tán dương công trạng" của lính Mỹ. Tất cả đều khẳng định, sở dĩ quân đội Mỹ bắt được ông Saddam là dựa trên những "tin tức tình báo của Mỹ", "với sự giúp đỡ của các lực lượng người Kurd". Tuy nhiên, ngày 21.12, đúng một tuần sau sự kiện này, nhiều tờ báo đã lật lại vấn đề: Quân đội Mỹ hay các tay súng người Kurd là người đóng vai trò chủ chốt trong vụ bắt giữ trên.

Tờ Sunday Herald của Anh cho biết, trong suốt 249 ngày kể từ khi chính quyền Baghdad sụp đổ, các chuyên gia tình báo và quân đội Mỹ đã rất nỗ lực tìm kiếm tung tích ông Saddam, nhưng không có kết quả, cho dù Mỹ đã huy động những lực lượng tinh nhuệ nhất của mình.

Trong khi đó, tham gia vào công cuộc truy lùng này có cả các lực lượng người Kurd mà điển hình là ông Qusrat Rasul Ali, một nhà lãnh đạo nhóm Liên minh người Kurd yêu nước (PUK), từng bị giam giữ dưới thời ông Saddam. PUK và đội đặc nhiệm "Săn tìm thành viên Đảng Baath" do Rasul Ali chỉ huy đã đạt được những kết quả mà quân đội Mỹ chưa bao giờ làm được: Tháng 8.2003, PUK đã tự điều tra và bắt giữ Phó Tổng thống Iraq Taha Yassin Ramadan ở Mosul. Trước đó một tháng, PUK đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin dẫn tới việc tấn công ngôi biệt thự nơi hai con trai của ông Saddam là Uday và Qusay đang ẩn náu ở quận Al-Falah. Cả hai người đã bị lính Mỹ bắn chết trong cuộc giao tranh.

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Al-Hurriyah của PUK tuần trước, Adil Murad, một thành viên của ban lãnh đạo PUK đã khẳng định, chính các đơn vị người Kurd đã theo đuổi tin tức về ông Saddam trong nhiều tháng qua ở Mosul, Sammara, Tikrit và một số khu vực phía nam. Ông Murad nhấn mạnh, một ngày trước khi cựu Tổng thống Iraq bị bắt, ông đã nhận được tin từ Thư ký PUK cho biết, ông Saddam sẽ "sa lưới" trong vòng 72 giờ nữa.

Ông Ahmed Chalabi, Chủ tịch Đại hội Dân tộc Iraq (INC) cũng thừa nhận, ông Rasul Ali và các đơn vị đặc biệt của người Kurd đã cung cấp những thông tin quan trọng cho lính Mỹ liên quan tới vụ bắt giữ ông Saddam. Còn ông Rasul Ali thì quả quyết, binh lính của ông đã phong toả những ngôi nhà nơi ông Saddam ẩn náu trước khi lính Mỹ có mặt.

Vậy ai đã phát hiện ra ông Saddam, người Kurd hay quân đội Mỹ? Vấn đề mặc dù chưa có kết luận rõ ràng, nhưng cũng đủ để khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính chân thực của hàng loạt những tuyên bố liên quan tới tin tức tình báo của Mỹ, trong đó có những lời cáo buộc ông Saddam sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD), cái cớ để Mỹ phát động cuộc chiến Iraq.

"Mô hình" của ông Bush được nhân rộng
Sau Tổng thống Mỹ Bush, Thượng nghị sĩ Mỹ Hilary Clinton, ngày 21.12, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Maria Aznar đã tiến hành một chuyến thăm bất ngờ tới Iraq trước lễ Giáng sinh, nhằm động viên tinh thần của các binh sĩ Tây Ban Nha đang làm nhiệm vụ ở đây. Tại Iraq, ông Aznar đã tới thăm căn cứ quân sự ở thành phố Diwaniya, phía nam Baghdad, nơi đóng quân của 1.300 binh sĩ Tây Ban Nha và dùng bữa trưa cùng các binh lính. Đến nay, đã có 10 lính Tây Ban Nha bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công của các tay súng Iraq. Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha Figueiredo Lopes đã tới thăm thành phố Nasiriyah ở phía nam Iraq, nơi đóng quân của 128 lính Bồ Đào Nha.

Trong khi đó, tại Iraq, tình hình an ninh vẫn không ổn định, bất chấp sự có mặt của các binh sĩ nước ngoài. Sáng 20.12, lính Mỹ đã bắn chết ba cảnh sát Iraq, bắn bị thương 2 cảnh sát khác ở phía nam thành phố Kirkuk vì "tưởng" họ là những phần tử chống đối. Một nhân chứng cho biết, những cảnh sát trên đang dựng một rào chắn trên đường từ Kirkuk tới Baghdad thì một xe tuần tra của Mỹ chạy tới và nổ súng. Và vẫn như mọi khi, lính Mỹ hứa sẽ "điều tra" về vụ việc này.

Osama bin Laden xuất hiện
Đài truyền hình Arab Al Arabiya hôm 20.12 phát đi cuốn băng được cho là của trùm khủng bố Bin Laden, trong đó cáo buộc rằng cuộc chiến do Mỹ cầm đầu ở Iraq là "một cuộc thập tự chinh mới" chống lại thế giới Hồi giáo. Cuốn băng được công bố một ngày sau khi kênh truyền hình Al-Jazeera có trụ sở tại Qatar phát một cuốn băng khác được cho là của một quan chức cấp cao trong tổ chức khủng bố Al Qaeda, đe dọa sẽ tấn công người Mỹ ở khắp mọi nơi trên thế giới. Kênh truyền hình Al-Jazeera khẳng định cuốn băng do Al-Arabiya phát ngày 20.12 giống với cuốn băng mà kênh này đã phát hôm trước.

Mặc dù kênh truyền hình Al-Arabiya không tiết lộ nguồn gốc và thời điểm thu băng, nhưng các nhà phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ cho rằng cuốn băng có thể đã được thu từ nhiều tháng trước đây.