PDA

View Full Version : Hội làng Phù Đổng



người ta
09-02-04, 09:37 PM
Lễ hội Thánh Gióng hay còn gọi là hội làng Phù Đổng (tên nôm là làng Gióng). Đây là một trong những hội lễ lớn nhất ở đồng bằng Bắc bộ, một diễn trường lịch sử - văn hoá, diễn lại sự tích Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân. Từ Hà Nội muốn đi tới làng Phù Đổng phải qua Gia Lâm, theo quốc lộ 1 về hướng Bắc Ninh thẳng tới cầu Đuống. Qua cầu rẽ phải dọc theo đê khoảng 7 km thì tới.

Đứng trên bờ đê đã có thể trông thấy đền Thượng - một ngôi đền khá đồ sộ, kiến trúc theo lối xưa. Đây chính là nơi thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương

Kiến trúc đền cho biết đền được dựng từ thế kỷ XI thời Lý. Hằng năm cứ đến ngày 9 tháng 4 âm lịch (ngày ông Gióng thắng giặc Ân), dân tứ xứ lại đổ về từ mọi ngả xa gần để xem lễ, dự hội làng. Lễ hội làng Gióng được cử hành trên một diễn trường rộng lớn dài khoảng 3 km gồm đền Thượng, đền Mẫu (thờ mẹ Gióng) và chùa Kiến Sơ.

Hội bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng 4. Trong những ngày này dân làng tổ chức lễ rước cờ tới đền Mẫu, rước cơm chay (cơm cà - thức ăn mà Gióng thích) lên đền Thượng. Ngày chính hội (9-4) có lễ rước kiệu võng từ đền Mẫu lên đền Thượng và tổ chức hội trận (diễn lại trận phá giặc Ân). Ngày mồng 10 làm lễ duyệt quân tạ ơn Gióng. Ngày 11 lễ rửa khí giới. Ngày 12 lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất... Cuối cùng là lễ khao quân, đến đêm có hát chèo. Ngoài lễ hội chính tại làng Phù Đổng còn có một số nơi khác cũng tổ chức hội Gióng: Hội đền Sóc (xã Xuân Đỉnh huyện Từ Liêm), hội Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), hội Phù Gióng; hội Gióng Bộ Đầu...

Trong các lễ hội Hà Nội, có lẽ hội Gióng làng Phù Đổng là một lễ hội được tổ chức quy mô và hoành tráng nhất. Đây là cơ hội để người tham dự được chứng kiến các nghi thức của một hệ thống lễ với các thao tác thuần thục, uy nghi, mang tính nghệ thuật và biểu tượng cao. Cũng tại đây, mỗi người đều có dịp cảm nhận mối quan hệ nhiều chiều giữa làng và nước, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực và ảo, giữa thiêng liêng và trần tục, tất cả đều được gìn giữ như một tài sản văn hoá để lưu truyền mãi về sau.