PDA

View Full Version : Huế với những điểm hẹn!



quynhmy84
27-02-04, 08:26 AM
Kinh thành Huế - Hoàng thành

Ban đầu có tên là thành Phú Xuân, về sau được đổi thành Kinh thành Huế. Đây từng là Kinh đô của nước Việt Nam phong kiến trong suốt gần 400 năm (1558 - 1945).

http://www.thuathienhue.gov.vn/Dulichdichvu/Images/Cuathenhon.GIF

Cửa Thể Nhân - Ảnh: Đào Hoa Nữ

Kinh thành Huế do vua Gia Long xây dựng vào năm 1805, nằm ngay bên dòng Sông Hương, đến năm 1832 được vua Minh Mạng tu sửa lại. Bức tường thành bao quanh Kinh thành dài 2,5km; xung quanh Kinh thành về phía ngoài có hào rộng. Du khách vào Kinh thành qua bất kỳ 10 cửa thành kiên cố, mỗi cửa đều có cầu bắc ngang qua hào.

Bên trong Kinh thành là Hoàng thành - nơi vua tổ chức những buổi họp trọng đại. Có bốn cửa để vào Hoàng thành, cửa lớn nhất và nổi tiếng nhất là Ngọ Môn dùng làm cửa chính đi vào Hoàng thành. Tử Cấm thành nằm trong Hoàng thành chỉ dành riêng cho vua và gia đình vua.

Mặc dù bị tàn phá nặng nề trong nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập, nhưng Kinh thành Huế vẫn giữ được những hiện vật giá trị, đáng ghi nhớ và gây ấn tượng về thời kỳ tráng lệ, huy hoàng của một triều đại phong kiến như: Cửu vị Thần công (những vị thần bảo vệ cung điện nhưng chỉ mang tính chất tượng trưng); điện Thái Hòa (nơi tiếp đón long trọng của Kinh thành); khu nhà ở của quan triều đình; Cửu Đỉnh thờ các vị hoàng đế nhà Nguyễn.

Chùa Thiên Mụ

http://www.thuathienhue.gov.vn/Dulichdichvu/Images/ToancanhLinhmu.gif

Toàn cảnh Chùa Thiên Mụ

Do chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Ngôi chùa nằm bên bờ trái sông Hương thuộc địa phận xã Hương Long, cách trung tâm thành phố Huế 5km.

Đến năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu vào năm 171 chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả đại hồng chung (cao 2,5m, nặng 3.285kg). Đến năm 1715, Chúa lại cho xây dựng một tấm bia cao 2,58m đặt trên lưng một con rùa làm bằng cẩm thạch.

Tháp Phước Duyên hình bát giác có 7 tầng, cao 21m. Điện Đại Hùng là ngôi điện chính trong chùa, có kiến trúc nguy nga đồ sộ. Ngoài bức tượng đồng lớn, trong điện còn có vô số bức tượng; một khánh đồng được đúc năm 1677 và một bức hoành phi bằng gỗ được sơn son thếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng năm 1714.

Mặc dù, chùa đã bị hư hỏng nặng vào năm 1943 và được trùng tu trong suốt 30 năm qua, nhưng hiện nay vẫn giữ được nét huy hoàng, tráng lệ như xưa.

Lăng Tự Đức

http://www.thuathienhue.gov.vn/Dulichdichvu/Images/Langtuduc.GIF

Hồ Lưu Khiêm - Lăng Tự Đức

Lăng Tự Đức được xây dựng vào giữa năm 1864 và 1867 trong một thung lũng hẹp thuộc làng Thượng Ba, xã Thủy Xuân, cách thành phố Huế 8 km. Toàn thể kiến trúc gồm bức tường thành rộng lớn, bên trong có gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau. Qua cửa Vũ Khiêm, đến khu vực hồ Lưu Khiêm, trên hồ có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, nơi nhà vua thường đến ngắm hoa, làm thơ và đọc sách.

Đi tiếp ba bậc tam cấp bằng đá thanh dẫn vào Khiêm Cung môn, rồi đến điện Hòa Khiêm, đây vốn là nơi làm việc của vua nhưng nay dùng để thờ phụng vua và hoàng hậu. Sau điện Hòa Khiêm đến điện Lương Khiêm, đây là nơi an nghỉ của vua và sau này trở thành nơi thờ mẹ vua, bà Từ Dũ. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm đường, nơi cất đồ ngự dụng.

Ngay sau hai hàng tượng quan văn võ uy nghi là Bi Đình (nhà bia), tấm bia làm bằng đá thanh lớn có khắc bài Khiêm Cung ký do nhà vua soạn để nói về cuộc đời, vương nghiệp cùng những lỗi lầm và sai phạm của mình. Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm Trí là Bửu Thành xây bằng gạch, nơi chôn cất thi hài của vua.

Lăng Minh Mạng

http://www.thuathienhue.gov.vn/Dulichdichvu/Images/Mingmang.gif

Hoàn Trạch Môn và Minh Lâu - Ảnh: Hữu Nền

Nằm trên ngọn núi Cẩm Kê cách thành phố Huế khoảng 14km, gần ngã ba Bằng Lãng nơi hợp nguồn tạo thành sông Hương. Lăng được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 1840 và được vị vua nối ngôi Minh Mạng tiếp tục xây dựng cho đến khi hoàn tất vào năm 1843.

Lăng Minh Mạng là một mô hình kiến trúc qui mô gồm 40 công trình lớn nhỏ, bao gồm cả cung điện, đền miếu và lâu đài. Đại Hồng môn (cổng chính vào lăng) chỉ mở một lần để đưa quan tài nhà vua vào lăng sau đó được đóng chặt. Du khách vào tham quan lăng đi qua một trong hai cổng: Tả Hồng môn (cửa phía bên trái) và Hữu Hồng môn (cửa phía bên phải).

Lăng Minh Mạng với hai hồ và kiến trúc trang hoàng tuyệt đẹp gồm cả cầu thang “rồng” bất hủ, là một trong những lăng tẩm uy nghi, đường bệ nhất trong các lăng tẩm vua nhà Nguyễn.

Lăng Gia Long

http://www.thuathienhue.gov.vn/Dulichdichvu/Images/Gialong.GIF

Điện Minh Thành lăng Gia Long

Đến thăm lăng Gia Long, du khách có thể đi bằng thuyền theo dọc sông Hương với lộ trình dài khoảng 18km; hoặc đi theo đường bộ chừng 16km qua đò ngang Kim Ngọc, sau đó đi bộ thêm vài cây số nữa để đến lăng.

Được khởi công xây dựng năm 1814 và đến năm 1820, không chỉ riêng phần lăng mộ vua Gia Long mà cả một quần thể lăng trong hoàng quyến đã được hoàn tất.

Toàn bộ khu lăng là một quần sơn 42 ngọn đồi lớn nhỏ và được chia làm 3 khu vực. Khu vực chính giữa là lăng, mộ vua và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Bên phải là điện Minh Thành, nơi thờ hoàng đế và hoàng hậu thứ nhất. Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn là tấm bia, khắc dòng chữ ca ngợi công đức của vua Minh Mạng.



Lăng Khải Định
Ảnh: Đào Hoa Nữ
http://www.thuathienhue.gov.vn/Dulichdichvu/Images/Khaidinh.GIF
Lăng Khải Định

Vua Khải Định qua đời năm 1925, thọ 40 tuổi và thi hài được chôn cách thành phố Huế 10 km. Lăng Khải Định xây dựng trong vòng 11 năm, đến năm 1931 mới hoàn thành. So với lăng của các vị vua khác, lăng Khải Định có diện tích nhỏ hơn nhiều và hội nhập được các dòng kiến trúc phương Đông và châu Âu. Đáng chú ý nhất là thành bậc đắp rồng bằng đá (to lớn nhất nước) dẫn vào phòng chính và điện Khải Thành, trên các bức tường điện được trang trí bằng những bức khảm kính nhiều màu sắc.

heorung
18-08-04, 07:46 AM
Huế mộng mơ
Đi đâu cũng nhớ quê mình
Nhớ sông Hương gió mát, nhớ Ngự Bình trăng theo

Sông Hương
Sông Hương có hai ngọn nguồn. Nguồn tả trạch xuất phát từ dãy núi Trường Sơn chảy về hướng Tây Bắc qua 55 ngọn thác hùng vĩ, rồi từ từ chảy qua ngã ba Bằng Lãng; nguồn Hữu Trạch ngắn hơn sau khi vượt 14 ngọn thác hiểm trở và qua bến đò Tuần thì đến ngã ba Bằng Lãng hợp dòng với Tả Trạch thành sông Hương thơ mộng. Sông Hương dài 30 km nếu chỉ kể từ Bằng Lãng đến cửa Thuận An, độ dốc của dòng nước so với mặt biển không chênh lệch nhiều nên nước sông chảy chậm. Sắc nước sông Hương trở nên xanh hơn khi vượt qua chân núi Ngọc Trản - điện Hòn Chén, tạo nên một lòng vực sâu thẳm.http://www.luavietours.com/images/photo/SongHuong.gif

Sông Hương đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi rừng, đồi cây mang theo những mùi vị hương thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới. Dòng sông chầm chậm lướt qua các làng mạc xanh tươi, rợp bóng cây của Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Ðông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Dòng sông xanh trong vắt lung linh như ngọc bích dưới ánh mặt trời, những con thuyền Huế xuôi ngược, dọc ngang với điệu hò man mác, trầm tư, sâu lắng giữa đêm khuya. Ði chơi bằng thuyền để được ngắm cảnh Hương giang thơ mộng, nghe những điệu hò, dân ca xứ Huế lúc trời đêm thanh vắng là thú vui muôn thuở của bao lớp du khách....

Quang cảnh đôi bờ sông nào thành quách, phố xá, vườn cây, chùa tháp...bóng lồng mặt nước phản chiếu lung linh làm cho dòng sông đã yêu kiều càng nên thơ nên nhạc. Nhiều người nghĩ rằng sở dĩ Huế có được cái êm đềm, dịu dàng, yên tĩnh phần lớn là nhờ sông Hương - dòng sông xanh đã đem lại cho thành phố cái chất thơ trầm lắng, cái trong sáng hài hoà toả ra từ vùng đất có chiều sâu văn hiến.

Núi Ngựhttp://www.luavietours.com/images/photo/NuiNgu.gif
Sách " Đại Nam Nhất Thống Chí " của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn viết " Phía Đông bắc Hương Thuỷ, nổi vọt lên ở quãng đất bằng " như hình bức bình phong làm lớp án thứ nhất trước kinh thành, tục gọi là núi Bằng, đời Gia Long đặt cho tên hiện nay (Ngự Bình), đỉnh núi bằng phẳng, khắp nơi trồng thông"
Núi Ngự Bình cao 105 m, dáng cân đối uy nghi. Hai bên Bằng Sơn có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Vương triều Nguyễn được thành lập, quyết định xây dựng kinh thành Huế, thấy Bằng Sơn như một bức bình phong án ngữ trước mặt, Gia Long chấp nhận đồ án của các thầy địa lý: chọn núi này làm tiền án của hệ thống phòng thành đồ sộ, kiên cố và đổi tên cho ngọn núi này là Ngự Bình.http://www.luavietours.com/images/photo/Doivongcanh.gif

Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hoá, quyện vào nhau tạo nên vẻ sơn thủy hữu tình của Huế. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương - núi Ngự, miền Hương Ngự cũng vì vậy.
Từ bao thế hệ, lớp lớp tao nhân mặc khách từng coi đây là chốn thưởng ngoạn thiên nhiên kỳ thú. Vào những ngày đẹp trời, đứng trên đỉnh Ngự Bình, có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh thành phố với cung điện nguy nga, mái chùa cổ kính và dòng sông Hương xanh biếc uốn lượn quanh co. Ngay trước tầm mắt là các khu đồi, là rừng thông bát ngát tiếp đến một vùng đồng bằng rộng lớn của các huyện: Hương Thuỷ, Phú Vang, Hương Trà cỏ cây xanh rờn...,xa hơn là dãy Trường Sơn trùng điệp một màu tím thẫm ẩn hiện sau những tầng mây bạc. Nhìn về phía Ðông, dải cát trắng mờ phía xa cửa Thuận An với màu xanh thăm thẳm của biển Ðông...

Cách núi Ngự Bình vài km là đồi Vọng Cảnh, một danh thắng khác của Huế, đứng soi bóng duyên dáng bên dòng sông Hương, nhìn qua núi Ngọc Trản. Từ đồi Vọng Cảnh có thể nhìn thấy những khu vườn cây ăn quả mướt xanh của cau, nhãn , cam, quýt, thanh trà,...chen lẫn bóng thông, những mái nhà ngói xám của đền chùa, lăng tẩm cổ kính, trầm mặc....Sông Hương như một dải lụa mềm uốn quanh dưới chân đồi...Du khách có dịp đến đây vào buổi bình minh sương tan hay lúc hoàng hôn, mới hiểu hết và thấm thía vẻ đẹp nên thơ, nên hoạ của một ngọn đồi, một khúc sông, một góc trời xứ Huế.