PDA

View Full Version : Những gì còn lại sau những vòng hoa trắng



chitcon289
24-03-04, 01:55 AM
Bà Song không khóc dù vừa phải đưa tiễn hai con trai chết vì HIV tại nghĩa trang Dốc Khế (Hạ Long). Bà phải sống, phải thanh thản làm việc vì bà còn một con gái và một con trai nữa chưa mắc nghiện.
>Chuyện từ nghĩa trang vòng hoa trắng

Nơi bà ở (tổ 8, khu 1, phường Hà Lầm) thanh niên nghiện chết gần hết nhưng chưa có thêm người nghiện mới.

Trên bàn thờ, ảnh hai người con của bà đặt cạnh nhau. Bà kể: “Hai đứa ngoan lắm. Chúng nó trước làm công nhân than Hà Lầm, toàn ở đội bóng đá, bóng chuyền của công ty. Thằng lớn mới giỗ được lần hai, thằng bé chưa được một giỗ. Trước tết năm kia, thằng lớn (Lê Hồng Nam, sinh 1979) về nói với tôi: “Mẹ ơi, con dạo này đau ngực, khó thở”. Tôi đưa nó lên bệnh viện thì bác sĩ bảo phổi nó khô hết rồi nên trả về. Tết đến nó vẫn đi chúc tết, bạn bè vẫn đến ngủ cùng, anh em pha cà phê uống. Ra giêng nó ốm mười ngày rồi... đi”

Lá vàng còn lại.

Bà đưa tay quệt ngang mắt nhưng không hề khóc: “Thằng bé (Lê Anh Dũng, sinh năm 1984) “dính” ba năm. Nó về thực tập tại mỏ than, đánh nhau bị đuổi đâm chán chường, chích choác. Lần nó kêu mệt, tôi thấy hạch di căn nổi trên cổ, truyền cho 10 chai đạm thì nó đi. Nhẹ nhàng hơn thằng anh”. Bà xót xa: “Nhà không có tiền, chúng nó phải “chơi chung” với bạn nên mới “dính”. Tội, cả xóm thương, cả đời không biết trộm cắp của ai một cái gì”.

Theo ông tổ trưởng tổ 8 Nguyễn Hồng Cung, tại phố Độc Lập - điển hình tại phường Hà Lầm, phường thuộc hàng “top ten” thành phố về tỷ lệ người chết trẻ - đã chết gần hết các con nghiện, số còn lại sống ngày nào phải đề phòng, cảnh giác ngày ấy. Ông nói: “Ma túy đến từ trên núi, từ trong mỏ, từ bạn bè, thậm chí cả anh em trong nhà. Dẹp được than thổ phỉ thì đến HIV, không biết đến bao giờ mới hết khổ”.

Phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Quảng Ninh Bùi Đức Biên nói: “Cả xã hội biết chuyện thanh niên chết trẻ vì ma túy chứ chẳng riêng tôi. Chúng tôi đã tăng cường công tác đấu tranh để giảm tệ nạn này. Năm 2003 UBND tỉnh đã lập hẳn một chuyên đề chỉ đạo phòng chống ma túy nhưng tiến triển chậm; nguyên nhân do nhận thức các cấp, ngành chưa đầy đủ, trên chỉ đạo chưa tập trung, chưa đủ sức mạnh. Tỉnh cũng đã chấp thuận dành 0,5-1% ngân sách cho công tác này và phân bổ xuống bốn ngành cùng phối hợp (công an, thương binh xã hội, y tế, văn hóa) nhưng đến nay số tiền vẫn chưa được giải ngân”.


Ngôi nhà bà Bùi Thị Thu (tổ 36, khu 5, phường Yết Kiêu) luôn hoang lạnh. Trên bàn thờ, ảnh người chồng treo ở giữa, bên trái là ảnh con trai cả vừa mất hôm 9/2 âm lịch. Cạnh bên là giường nằm của con trai thứ hai tanh mùi phân và nước tiểu.

Anh là bệnh nhân HIV giai đoạn cuối bị bệnh viện trả về. Bà Thu đang tận tình nâng con dậy: “Thèm gì không, mẹ mua?”. Lê Việt Cường, sinh năm 1972, da thịt đã trắng bệch như tờ giấy, nặng còn khoảng 30 kg, thều thào: “Kh...ô...ô...ng... Mẹ để con ngồi... Châm con điếu thuốc...”.

Bà kể: “Nó trước đi lái tàu, bị bạn nghiện bỏ heroin vào thuốc ba số (555). Hút mãi thành nghiện. Tôi động viên nó lấy vợ cho bằng anh bằng em nhưng nó bảo đời con khổ rồi, không muốn vợ con khổ nữa. Mấy ngày nay đau nặng, hỏi nó có “dùng” (ma túy) không, nó bảo “không”. Nó bảo nó căm thù “thuốc” vì đã gây cho nó bệnh tật... Chắc cũng chỉ được 10 ngày nữa, nó đi sớm cho đỡ khổ”.

(Theo Tuổi Trẻ)

chitcon289
24-03-04, 02:03 AM
Những đứa trẻ không bao giờ lớn

Hai cháu Nam và Huy (5 tháng tuổi) vẫn nằm nôi.

Trung tâm Giáo dục đào tạo lao động xã hội số 2 là cơ sở duy nhất của Hà Nội nuôi dưỡng trẻ bị nhiễm căn bệnh thế kỷ AIDS. Tuy nhiên, điều kiện vật chất thiếu thốn đang gây khó khăn cho hoạt động nhân đạo này, thậm chí đẩy trung tâm vào hoàn cảnh các cháu tử vong cũng không có đất mà chôn.

Bé Việt, vừa tổ chức sinh nhật tròn 2 tuổi và cũng là tròn 2 năm nó lớn lên với cán bộ trung tâm. Nhìn khuôn mặt bụ bẫm, ánh mắt tinh nghịch của Việt, không ai nghĩ rằng, bé bị chính cha mẹ của mình bỏ rơi lúc mới lọt lòng khi biết chắc rằng đứa con đứt ruột đẻ ra mắc phải căn bệnh thế kỷ từ họ truyền sang.

Việt là một trong số 17 bé từ 5 tháng đến 5 tuổi đang được chăm sóc tại Trung tâm Giáo dục đào tạo lao động số 2, xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Tây. Chị Phan Thị Bích Vân, bác sĩ duy nhất ở đây cho biết, hầu hết các cháu bị bố mẹ bỏ rơi và đều bị lây bệnh từ mẹ. Như bé Huy (5 tháng tuổi), bé Hồng (1 tuổi), Nam (5 tháng tuổi)... đều bị mẹ chúng vứt ngoài đường hoặc bỏ rơi tại bệnh viện từ khi mới sinh. Hay như trường hợp cháu Phúc, được cha mẹ gửi vào đây khi bắt đầu có hiện tượng nhiễm trùng vùng mặt. Bố mẹ bé cũng đang bị AIDS giai đoạn cuối, do hoàn cảnh kinh tế không thể tiếp tục chăm sóc con. Duy nhất chỉ có Hoài Anh, 5 tuổi, lớn nhất nhóm là được mẹ ở ngay trại chăm sóc. Mẹ Hoài Anh bị nhiễm AIDS đang ngày ngày chăm sóc con mình và làm mẹ nuôi cho các cháu khác. Toàn bộ số tiền trợ cấp do Trung tâm trả, chị đều dành để mua đồ dùng cho các con, coi đó như là hành động hối lỗi với đứa con của mình.

Bác sĩ Vân cho biết, về thể trạng của các cháu lúc này rất tốt. Chúng ăn ngủ được và chơi đùa với nhau rất vui vẻ. Tuy nhiên, các cháu có thể bị các bệnh nhiễm trùng tấn công bất cứ lúc nào. Để chống lại, Trung tâm chỉ có các loại thuốc chống nhiễm trùng thông thường do nhà nước cấp. Một số loại khác tốt hơn như Effexin nhỏ tai; Brestofen; Azithromycin; Zithromat... không quá đắt tiền nhưng không phải lúc nào cũng có. Hầu hết đó là quà do các nhà hảo tâm tài trợ. Vừa kiểm tra thân nhiệt từng cháu, bác sĩ vừa tâm sự: "Chúng tôi chưa biết kêu gọi từ đâu. Nếu có thì các cháu còn cơ hội kéo dài cuộc sống".

Các cán bộ ở đây vẫn còn nhớ giây phút hạnh phúc cách đây 1 năm. Ba cháu nhỏ đã được rời khỏi Trung tâm sau nhiều lần xét nghiệm cho kết quả âm tính với HIV. Rất nhiều người đã khóc bởi tử thần đã không thể vươn tay tới những sinh linh nhỏ bé này. Phó giám đốc Nguyễn Tiến Thắng giải thích, không phải đứa trẻ nào có mẹ bị nhiễm HIV thì sinh ra cũng nắm chắc cái chết. Thế giới đã chứng minh nếu mẹ chưa ở giai đoạn cuối thì vẫn có thể sinh con an toàn, với điều kiện không cho con bú sữa mẹ. Ngoài ra, một số trường hợp cũng phản ứng tốt với thuốc đặc trị, có thể sống đến 20 năm mà chưa bị rơi vào giai đoạn cuối của AIDS.

Con số bệnh nhi bé nhỏ đến với Trung tâm đang tăng lên hằng năm. Điều này đặt ra bài toán hóc búa là làm sao dạy văn hóa được cho các cháu. Giám đốc Nguyễn Thị Phương cho biết: "Hiện các cháu vẫn được học hát, học chữ bình thường. Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ có được một phòng học riêng đủ phục vụ giảng dạy. Giáo viên tình nguyện của Trung tâm đã sẵn sàng".

Một vấn đề khác mà Trung tâm đang mắc phải là không tìm được chỗ mai táng cho những bé xấu số. Ông Thắng kể, ông đã từng đến đủ mọi cấp từ tỉnh đến huyện để xin đất. Vất vả lắm mới được thì về đến xã người dân lại phản đối. Cách tốt nhất bây giờ là hỏa táng thì Trung tâm lại không đủ kinh phí. Cách đây vài tháng có một cháu mất, Trung tâm đành huy động thêm tiền để lo chuyện hậu sự. Trợ cấp của nhà nước được 960.000 đồng chưa đủ chi phí tiền xe đi lại.

Cao Mạnh Tuấn

chitcon289
24-03-04, 02:22 AM
<div align="center">Những người mẹ không được tặng hoa</div>

Bà A. mím chặt môi, tay vẫy chới với khi thấy cái bóng quen thuộc bước ra từ Trung tâm giáo dục lao động số 1, Ba Vì, Hà Tây. Rồi nước mắt trào ra khi nó vào phòng thăm nuôi. Chỉ cách đây vài phút, bà còn "rủa" cho thằng con hư đốn phải cả đời ở trong trại cai nghiện.

Còn đứa con cắm mặt xuống ăn cặp lồng phở mẹ mang đến. Không phải vì đói, nó ăn vì không dám nhìn thẳng vào mẹ mình.

Cả chặng đường đến trung tâm cai nghiện thăm con, bà A. chẳng nói chuyện với ai. Bà ngượng, tủi thân vì có đứa con bị nghiện dù biết rằng, tất cả những bà mẹ đi cùng chuyến xe cũng có hoàn cảnh tương tự. Hôm nay, bà bỏ cả chuyến đi chơi Lạng Sơn do cơ quan tổ chức nhân dịp 8/3 để đến thăm nó. Bà chẳng vui vẻ gì để đi chơi trong khi thằng con quý tử đang một mình trong trại vật vã chống lại những con nghiện. Kệ cho những bà bạn đồng hành khoe con mình dứt được cơn nghiện, lao động giỏi, béo tốt..., bà vẫn cứ ngồi lặng lẽ một góc, mắt nhìn đi xa xôi.

Thằng H. lon ton chạy khắp phòng trong khi chờ bố nó ra. Mẹ nó mặc kệ, mắt hướng về cổng trung tâm. Anh C. rảo chân bước nhanh đến phòng thăm nuôi. Thằng H. chạy đến chào bố rồi dúi cho anh chiếc bánh mỳ, nhanh nhẩu nói: "Con ăn rồi, bố ăn đi". Nó líu lo kể chuyện học, chuyện giúp mẹ nó bán hàng ở nhà. Anh C. cười rồi vươn ra nắm lấy tay vợ. Thằng H. lại kể chuyện ở trường cô giáo khuyến khích học thuộc bài để lấy điểm 10 tặng mẹ nhân ngày 8/3. Không cầm nổi lòng, anh C. bật khóc như một đứa trẻ. Gượng cắn một miếng bánh để giấu đi cảm xúc nhưng nuốt không trôi. Chiếc áo đồng phục xanh nhạt thẫm lại vì những giọt nước mắt.

Không được tình cảm như những người khác, vốn là dân buôn bán, bà Phương nói với thằng con bằng đủ ngôn từ chợ búa. Bà chửi nó vì cái thói côn đồ trong trại, cái thói ngang bướng, chỉ biết sợ mỗi các thày. "Mày cứ nói dối tao đi. Mày vừa bước vào, cả lũ kia nó đã phải chào ran lên là tao biết rồi. Mày gấu chó gấu mèo ở đâu không biết, vào đây lo mà học hành cho tử tế. Nhà còn bao nhiêu việc chờ mày kia kìa", bà Phương cứ toang toác mắng con mà chẳng cần chú ý đến ai. Cũng chẳng phải con bà bê bết gì lắm bởi nó đã từng vào chùa đi tu để trốn tránh lũ bạn. Nhưng chỉ một lần không giữ được mình, nó lại ngập nặng. Chẳng còn cách nào khác, bà Phương đành gửi nó vào đây.

Cách đó không xa là Trung tâm số 2, nơi các đối tượng nghiện hút nữ học tập. Phòng thăm nuôi ở đây rộn ràng hơn bởi các học viên đang rất hào hứng chuẩn bị chương trình văn nghệ chào đón ngày Quốc tế phụ nữ. Người thân đến thăm như làm tăng thêm không khí ngày hội bởi có những bó hoa, những lời chúc mừng.

Im lặng hơn, ở giữa phòng, hai chị em T. và H. chỉ ngồi thì thầm trò chuyện. Cô chị vào đây đã được 3 tháng, giờ chỉ còn đứa em gái là còn chăm đến thăm. Bố mẹ đã từ con vì những gì cô đã phạm phải. Nước mắt ân hận đã rơi nhiều, tình cảm thiếu thốn nhiều lúc khiến cô nghĩ quẩn. Nhưng đứa em đã khiến H. cố học tập và lao động để quay lại với cuộc sống đời thường. Câu nói cuối cùng trước khi chia tay với đứa em là ngày mai nhớ mua bó hoa tặng mẹ. Thời hạn cai nghiện và học tập đã sắp hết, cơ hội để H. chứng tỏ nỗ lực của mình không còn xa.

10h30, hết giờ thăm nuôi, các học viên tíu tít rủ nhau về trường. Ông Quốc, bố của một học viên lắc đầu, nói: "Nhìn bọn nó nhởn nha cứ như đi nghỉ an dưỡng vậy. Đứa nào cũng có tiến triển tốt nhưng về nhà chẳng biết có bị nghiện lại không?". Cô con gái của ông chỉ còn 1 tháng nữa là được về nhà. Cái vốn may vá đứa con học được ở trung tâm không khiến ông yên tâm.

Còn lại một mình, bà mẹ nghèo này ăn cố đồ thừa đứa con để lại.
Khuôn viên trung tâm chợt im ắng hẳn. Ai đó nhận ra một bà mẹ còn đang lặng lẽ ngồi trong phòng thăm nuôi. Chiếc áo khoác mới bên ngoài không che hết được cái dáng khổ cực, chiếc áo hoa cũ kỹ bà mặc bên trong. Bà đang cố ăn nốt đồ ăn thừa mà đứa con không ăn hết. Anh bảo vệ thì thầm: "Lần nào cũng vậy, bà ấy lủi thủi lên đây thăm con một mình rồi ngồi lại ăn cho hết thức ăn. Chẳng ai nỡ đuổi bà ấy ra khỏi phòng vì thấy tồi tội".

Không một bông hoa nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, những người mẹ lại lụi cụi xách đồ ra xe chuẩn bị về Hà Nội. Anh Tuấn, một học viên, từng là diễn viên kịch, chào với: "Chúc mẹ... 8/3... vui... vẻ". Bà mẹ mắt vốn đã đỏ hoe lại òa khóc. Phải nhờ đến hai bà bạn dìu, bà mới lên nổi xe. Bụi đất đỏ che khuất dần Trung tâm giáo dục lao động.

Cao Mạnh Tuấn