PDA

View Full Version : Phòng chống HIV/AIDS: Thách thức chồng thách thức



tithuti
11-04-04, 03:41 AM
Phòng chống HIV/AIDS: Thách thức chồng thách thức!
09:15' 10/04/2004 (GMT+7)
(VietNamNet) - Tại Việt Nam, số ca nhiễm HIV tiếp tục có xu hướng gia tăng ở lứa tuổi trẻ. Đặc điểm trẻ hóa này cảnh báo một tác hại nghiêm trọng của đại dịch AIDS, trong khi những khó khăn thách thức chỉ có tăng, chưa hề thấy giảm!

"Với nguồn kinh phí hạn hẹp khoảng bốn tỷ đồng, hàng năm chương trình phòng chống AIDS chỉ mới mua thuốc điều trị đặc hiệu HIV cho khoảng... 50 bệnh nhân, các cán bộ bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho một số người. Dù đã có vài công ty trong nước sản xuất thuốc điều trị đặc hiệu nhưng giá thành điều trị vẫn còn cao." - báo cáo đề dẫn tại hội nghị triển khai chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS và tổng kết công tác năm 2003, nhấn mạnh.

Hội nghị đã diễn ra tại UBND TP.HCM vào ngày 9/4. Bên cạnh những trao đổi về hiện trạng và thách thức, hội nghị cũng tập trung bàn về chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010. Theo chiến lược này, sẽ tập trung giải quyết các nhóm giải pháp về vấn đề xã hội, giải pháp chuyên môn kỹ thuật, giải pháp về nguồn lực và hợp tác quốc tế.

Được biết đến cuối năm 2003, tại Việt Nam đã có 76.180 người nhiễm HIV được phát hiện, trong đó 11.659 người chuyển sang AIDS và 6.550 người tử vong. TP.HCM có 17.335 người nhiễm được phát hiện và theo tính toán của các chuyên gia, ước tính số người nhiễm HIV tại TP.HCM vào cuối năm 2003 là khoảng 40.000 người. Tại BV Bệnh Nhiệt đới, trong năm 2003, Khoa Nghiên cứu Điều trị bệnh nhân AIDS tiếp nhận 1.462 lượt, số tử vong chiếm 59% số trường hợp tử vong toàn bệnh viện. Còn với BV Lao và Bệnh Phổi Phạm Ngọc Thạch, số bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV đến khám và điều trị ngày một tăng cao. Năm 2000 có 550 trường hợp nhưng đến năm 2003 đã tăng lên 1.588 trường hợp. Giám sát HIV trong bệnh nhân lao thời gian qua, dự báo sự bùng phát lao sẽ xảy ra trong thời gian tới nếu không có các biện pháp ngăn ngừa.

Lây nhiễm HIV vẫn chủ yếu qua đường tiêm chích ma tuý, nhưng có xu hướng gia tăng trong các nhóm đối tượng có nguy cơ thấp. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự tăng từ 0,04% (năm 1996) lên 0,15% (năm 1998) và đến 0,93% vào năm 2001. Tỷ lệ nhiễm ở phụ nữ mang thai tăng từ 0,08% (năm 1999) lên 0,2% (năm 2000), đến năm 2002 đã tăng lên 0,34%.

Số ca nhiễm HIV tiếp tục có xu hướng gia tăng ở lứa tuổi trẻ (nhóm tuổi từ 20-29 là 62% trong năm 2002). Nhiễm HIV ở lứa tuổi vị thành niên (10-19 tuổi) chiếm 8,3% số trường hợp nhiễm. Đặc điểm trẻ hóa này cảnh báo một tác hại nghiêm trọng của đại dịch AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong những năm tới.
Do đặc điểm sinh học đặc biệt: đa dạng về đường lây truyền, thời gian ủ bệnh kéo dài, tính né tránh miễn dịch và khả năng biến dị của virus rất lớn; chưa có vắc-xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu... tất cả đã làm cho công tác phòng chống HIV/AIDS ngày càng thêm khó khăn.

Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong khu vực đang chịu sự tác động mạnh mẽ của xu hướng dịch chuyển của đại dịch HIV/AIDS. Tính chất biến động dân số, vấn đề di dân ngày càng phức tạp tạo ra nguy cơ lan truyền bệnh trong các địa phương, từ thành thị về nông thôn, giữa địa phương này với địa phương khác và lan truyền qua biên giới các nước. Sự phân hóa giàu nghèo, thất nghiệp, dân trí còn thấp dẫn đến nhận thức về HIV/AIDS rất hạn chế... Ngoài ra, những nguyên nhân chủ quan như công tác quản lý phòng chống HIV/AIDS ở một số địa phương, bộ phận dân cư chưa được coi trọng, sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, bộ máy tổ chức phòng chống HIV/AIDS còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ; hoạt động thông tin truyền thông, giáo dục chưa sâu, còn hình thức và đi theo lối mòn... làm hạn chế nỗ lực phòng chống HIV/AIDS hiện nay.

Vân Điển