PDA

View Full Version : Những tính cách cản trở người Việt trẻ



chitcon289
18-04-04, 03:57 AM
http://images3.us.tintucvietnam.com/Uploaded/vietha/mirror1632004.jpg "Cái gương nó bảo tớ đẹp thì chắc chắn là tớ đẹp thôi...!"
Người Việt còn nhiều tính xấu... Ai cũng nói rồi. Nhưng tính c
ách của con người là chuyện chẳng dễ gì thay đổi, nhất là khi người ta đã lớn. Những tính cách ấy, nhiều người cho là xấu, nhưng rồi họ lại chặc lưỡi bỏ qua: Mọi người cũng vậy thôi! Và thế nên, cái chặc lưỡi ấy cũng là một cản trở của người Việt trẻ trên đường hội nhập với thế giới.


1. "Giờ cao su": Nhìn chung, ý thức giờ giấc của người Việt Nam rất kém. Nhiều sinh viên đi du học ở các nước phát triển lúc đầu rất hay bị bỡ ngỡ. Họ dễ bị trễ tàu, lỗi hẹn với bạn bè bản xứ, nhưng lâu dần họ cũng khắc phục được.

Tuy nhiên, đến khi về nước họ lại tiếp tục "giờ cao su" và bào chữa cho mình với quan niệm: Nhập gia tuỳ tục!

2. Thiếu tự tin và óc phê phán: Ðây cũng là nhược điểm của văn hoá phương Ðông có lối sống khép kín. Nhiều sinh viên năm thứ ba, thứ tư đại học mà vẫn ngại phát biểu ý kiến hoặc trình bày vấn đề trước đám đông vì thiếu tự tin, thiếu thói quen suy nghĩ, đi học chỉ biết "chép chính tả".

Kiểu giáo dục thụ động luôn tỉ lệ thuận với sức ì của tư duy và tỉ lệ nghịch với óc phê phán (critical thinking) của thanh niên.

3. Bệnh hình thức: Có bạn trong cơ quan hay công ty mình làm việc đang chẳng đâu vào đâu thì lại đi học master. Có bạn tốt nghiệp rồi mà chưa tìm được việc làm cũng đi học master. Tư duy nặng về "điểm chác", bằng cấp rất phổ biến. Không xác định tư tưởng học để làm việc mà học để lấy bằng.

Người Mỹ có quan điểm: to learn is to change (học tập là để thay đổi). Còn chúng ta ra sức theo học rất nhiều lớp nhưng rốt cuộc cách làm việc không thay đổi gì cả. Điều duy nhất khác là chúng ta có thêm mấy cái bằng bổ sung vào hồ sơ cá nhân.

4. Không tiết kiệm: hay tâm lí thích tiêu xài phung phí. Ðây là virus đang rất phổ biến và rất dễ lây lan trong giới trẻ. Họ quan tâm đặc biệt đến quảng cáo, thích xem các loại tem nhãn quần áo, nhận xét, đánh giá người khác qua tài sản, thấy thèm muốn, thán phục nếu ai đó có nhiều quần áo, xe, điện thoại, nhà..."xịn" hoặc tiêu xài sang hơn mình. Chúng ta đang tiêu dùng nhiều hơn chúng ta kiếm được.

5. Thiếu trách nhiệm cá nhân, thừa trách nhiệm tập thể: Nói chung trong những người bình thường, chúng ta thường hay đùn đẩy trách nhiệm, bất kỳ việc gì chuyển được sang cho người khác cũng đều thấy nhẹ cả người. Khi xảy ra sai phạm đó sẽ là lỗi chung của cả tập thể chứ không của riêng cá nhân nào.

6. Thể lực kém: xuất phát từ nhiều nguyên nhân như chế độ dinh dưỡng, chương trình học quá tải, học lệch, tâm lí lười vận động... Và hậu quả là khi làm việc với các đồng nghiệp nước ngoài, mặc dù rất cố gắng nhưng người Việt trẻ vẫn rất hay bị hụt hơi và cảm thấy khó có thể theo được cường độ làm việc của họ.

7. Thiếu thực tế: Ông Kim Woo Choong - Chủ tịch Công ty Deawoo viết: "Tuổi trẻ không có ước mơ thì không phải là tuổi trẻ... lịch sử thuộc về những người biết ước mơ". Nhưng đó là những ước mơ hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Chúng ta thường hay suy nghĩ viển vông, thiếu suy nghĩ thực tế và chưa có suy nghĩ học là để làm việc.

8. Tinh thần hợp tác làm việc theo nhóm (team work) còn hạn chế. Thế kỷ 21 là thế kỷ làm việc theo nhóm vì tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ngay cả văn học và nghệ thuật, một cá nhân cũng không thể đảm đương được.

9. Tác phong công nghiệp: Ðây là điểm rất quan trọng, có thể bao hàm một vài điểm đã nêu trước.

Một nhà xã hội học Mỹ nói về nguồn gốc của cách làm việc tiểu nông như sau: "Anh nông dân sau khi gieo lúa xong có thể nhậu lai rai, ngủ dài dài và chờ đến thời điểm nhổ cỏ, bón phân mới làm tiếp. Mà việc này có làm muộn vài ngày cũng chẳng sao, không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới. Nhưng một người công nhân đứng máy luôn luôn phải đúng giờ, có thao tác chính xác tuyệt đối và tinh thần kỷ luật cao. Một sơ suất nhỏ cũng có thể gây tác hại đến cả dây chuyền."
Nhân Hưng
Báo HHT

chitcon289
18-04-04, 04:14 AM
http://images3.us.tintucvietnam.com/Uploaded/vietha/bulle_harvey1132004.jpg

Để bóng tối không gặm nhấm bản thân, trước tiên chúng ta phải tự biết sòng phẳng khi đánh giá về chính mình!

Khi một đứa trẻ đánh mất một vật quý, thường thì người lớn phải căn vặn xem quá trình đánh mất như thế nào, bởi họ nghĩ rằng điều đó sẽ giúp đứa trẻ biết giữ gìn của cải hơn. Nhưng khi người lớn đánh mất vật quý giá nhất là... chính bản thân mình thì sao? Dưới đây là nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn về sự tha hoá của con người - những nhận xét rút ra từ kinh nghiệm bản thân và qua quan sát những người xung quanh.


Nhiều lúc ngồi một mình tỉnh táo, đối diện với lương tâm, đôi khi người ta phải băn khoăn rằng: có phải quanh mình, số người hiền lành ngày một ít, số khôn ranh kiếm chác ngày một nhiều thêm?

Và tự ta nữa, nghiêm khắc mà nói, ta cũng đang sống không được như ta mong muốn. Ở đây không nói tới những tội lỗi đã thành danh mục quản lý của pháp luật mà chỉ nói tới những thói xấu nho nhỏ, những thói xấu vẫn bị coi bỏ qua: xoay xỏa vụ lợi. Làm dở báo cáo hay. Qua loa vô trách nhiệm...Khéo léo tô vẽ mình trước cấp trên. Hùa theo đám đông, nói cho đám đông vừa lòng chứ không dám nói sự thật...

Có phải là không ít thì nhiều, hàng ngày chúng ta đã để cho những thói xấu đó lộng hành trong chính bản thân? So với con người lý tưởng mà thời tuổi thơ đã vẽ ra, khi bước vào đời, thật ra ta đang xa dần, thậm chí có những phẩm chất tốt mà ta có từ lúc còn trẻ và cứ tưởng giữ được mãi, bây giờ đã bị đánh mất....

Và tôi tạm gọi đó là bảy bước dẫn tới tha hóa:

1. Sự kiếm sống hằng ngày là một khái niệm lâu nay chúng ta hay lẩn tránh, và nó chỉ tồn tại như một giá trị ẩn, không được mang ra tính toán công khai. Nhưng phải thừa nhận nó vẫn là nhu cầu có thực, hàng ngày gây sức ép với mọi người.

Có nhiều việc ta biết là trái đạo lý song vẫn phải làm, chẳng qua chỉ là nhằm kiếm thêm tiền bạc, để cùng với đồng lương còm cõi, duy trì sự sống của bản thân và gia đình.

2. Các thói xấu lấn lướt ta mỗi ngày một ít. Thời gian đầu ta thường vừa làm vừa tự nhủ: chỉ chấp nhận đầu hàng lần này nữa thôi, sau sẽ không bao giờ tái diễn! Nhưng càng về sau, sự dằn vặt càng thưa thớt đi.

Đời sống hàng ngày mang lại bao nhiêu căng thẳng mệt mỏi, khiến cho mỗi người chỉ có cách trượt theo thói quen và tránh nhất là gay thêm cho mình những phiền phức.

3. Có một điều thường viện ra để an ủi, ấy là khi thử đưa mắt quan sát thấy không phải chỉ có riêng mình làm bậy, mà chung quanh, cả những người có uy danh hơn, có trách nhiệm hơn, cũng đâu có giữ được lý tưởng “Hơi đâu gái góa lo việc triều đình” - đây là lý lẽ của những cái đinh ốc bé nhỏ.

4. Khái quát hơn, quả thật có nhiều việc thấy trái với lương tâm ta vẫn cứ làm, vì xem ra chung quanh mình, mọi người đều hành động như vậy. Mà thói quen trông trước trông sau mà sống lại đã ăn vào ta rất nặng. Ta sợ trở thành đơn độc, lại càng sợ mang tiếng chơi trội, dám khác mọi người (!)

5. Người ta ai mà chẳng vừa sống vừa để xem cách sống của mình được đánh giá ra sao, lòng tốt của mình được đền đáp ra sao. Đến lúc thấy bao nhiêu cố gắng của mình cũng vô ích, những người tốt như mình thường thua thiệt, còn những kẻ xấu cứ được đủ thứ và lại leo cao mãi lên - thì đành ngán ngẩm buông xuôi.

Sau khi phát hiện điều này, một số sẽ giãy giụa cốt vớt lại ít quyền lợi mà họ cho rằng họ đáng được hưởng. Từ ấy trở đi, họ dám sống tàn bạo.

6. Chắc chắn trong ta không bao giờ chết hẳn con người lý tưởng, con người tha thiết với sự nghiệp chung. Giả sử được xã hội dang tay dìu đỡ, thì sau những lầm lỡ ban đầu, thì cũng dễ tu tỉnh trở lại. Nhưng mọi chuyện quá ì ạch. Có vẻ như điều mà xã hội mong đợi hơn cả ở các thành viên chỉ là những câu chung chung.

Thế là từ đó nảy sinh tình trạng phân thân, sống một đằng, nói một nẻo, và bởi lẽ, trước mặt bàn dân thiên hạ, giữa thanh thiên bạch nhật, ta vẫn luôn mồm nói điều tốt, nên càng yên tâm xoay xỏa kiếm chác trong bóng tối.

7. Đến lúc nào đó, ta chợt nhận ra rằng “quen mất nết đi rồi”, có lẽ sẽ không bao giờ hoàn lương được. Sự lo sợ có tới (lo sợ chứ không phải hối hận) và để giải hòa, ta xoay sang cầu cúng, xin xỏ, hối lộ thánh thần. Mê tín chính là mắt xích cuối cùng của sự tự làm hỏng, nhờ có mê tín, các khâu hoạt động khác có thể diễn ra một cách êm đẹp. Đại khái giống như một thứ bảo hiểm!

Quá trình tha hóa, quá trình tự đánh mất mình ở chúng ta có chỗ khác. Ai cũng chỉ sống một lần trên đời, cài gì mất đi vĩnh viễn không lấy lại được nữa. Vậy cần gì phải mang bản thân ra mà tra khảo cho thêm rách việc?! Có thể có một số người đã nghĩ thế và họ có lý của họ.

Về phần mình, tôi muốn đề nghị một cách nghĩ khác: Ít ra chúng ta cũng nên sòng phẳng với nhau. Sự đánh giá chính xác về bản thân nên được xem như một phần di sản của một lớp người đã trưởng thành để lại cho các lớp kế tiếp. Và nếu như nhờ thế một phần, mà những người sau ta sáng suốt hơn, không còn đánh mất mình, tức là ta đã trở nên hữu ích.

Vương Trí Nhàn
Báo Văn Nghệ - Tuổi Trẻ