PDA

View Full Version : Ma Túy, cái chết và nhà tù



ruacon
19-04-04, 02:40 AM
Ma túy, cái chết và nhà tù


TT - Xã biên giới vùng cao, 100% người Mông nhưng Na Ư từng có hàng trăm xe máy đẹp, hàng chục máy ủi, máy cày, sáu ôtô, sáu bộ ăngten truyền hình parabol, và dù khi phố tỉnh mất điện thì Na Ư vẫn rực rỡ đèn màu, ăn nhậu ngất trời.

Đổi lại, tuy chỉ hơn 100 nóc nhà nhưng xã có tới 11 án tử hình, 14 án chung thân, 10 lệnh truy nã đặc biệt và nhiều án tù vì ma túy.



Xe rời thành phố Điện Biên Phủ bằng những khúc cua gấp bó sát vách núi, chúi đầu xuống vực rồi lại ngóc lên ngửi sương, hướng về phía tây nham nhở những quả đồi cháy dở. Hết 40km, cửa ngõ thung lũng Na Ư hiện ra sau những bụi cây rậm rạp.

Cuốn lấy lốp xe là loài hoa không mùi, xám bạc hung hiểm như cái tên của nó: hoa chó đẻ... Ngôi nhà đầu tiên của bản Ca Hau dựng bằng gỗ xám, ngói đỏ đóng im ỉm sau cổng rào tre từng là nơi trú ngụ của Lý A Va, kẻ đã bị xử bắn trong vụ ma túy năm 2002.

Nhà của bản Ca Hau nằm vênh váo trên gò, dưới bãi, quay đủ hướng. Những vách gỗ mới, cửa kính chòi lên cao, có máy ủi, máy cày, máy nổ xen với khu nhà vẹo vọ, thập thò ánh mắt trẻ con và đàn lợn còi. Bang, trung úy đồn biên phòng Tây Trang, nói những sung túc bất thường là tàn tích của thời ma túy “hoàng kim”.

Xe cắm đầu xuống con dốc có mạch nước bò ra từ rừng rậm, Bang chỉ tay vào con đường mòn như tia máu luồn vào óc núi nói: “Đây là một trong những “đường” ma túy. Sau hai tiếng đi bộ sẽ lên đỉnh Sinh A, Sinh B (tên núi) đến cột mốc biên giới Việt - Lào. Đường VN rất hiểm trở nhưng phía Lào lại thuận tiện. Các “tuyển thủ” của Vũ Xuân Trường, Nguyễn Văn Tám, Lý A Va... xưa đều ẵm hàng qua đây”.

Nhà anh Cho ở đầu bản Ca Hau hôm nay có đám. Mùi rượu nồng nặc từ những gương mặt đỏ gay. Thấy người lạ, chủ nhà cắm lá xanh không tiếp. Già bản Vừ Dúa Dình nói: “Bây giờ cán bộ vào thì nó giấu. Chứ ngày xưa ai cũng có vài bộ đèn hút thuốc phiện thay uống trà, thuốc lào và... cơm. Có đám, ai cũng mang đến. Thầy cúng có 9-10 bộ. Uống rượu và tiêm thuốc dăm bảy ngày liền...”.


Đồn trưởng biên phòng Tây Trang, trung tá Lê Quang Đán, kể: những năm 1996-1997 thịnh hành hàng “đen” thì nương đồi Na Ư bát ngát hoa anh túc. Nhà nước cấm gắt quá thì tối về VN; chồng uống rượu, vợ cho con bú, mờ sáng cả bản lại gặp nhau bên Lào thâm canh cây thuốc phiện.

Sang thời “trắng” ai có thể đi rừng thì đều đi hàng. Đàn bà, trẻ con, người già cũng mỗi người một gùi. Ai không vốn thì chuyển hàng thuê ra Điện Biên. Mỗi bánh 10 triệu đồng, đi xe máy mất 40 phút, xe đạp mất hai tiếng.

Họ hỏi nhau hằng ngày là: hôm qua lấy được mấy bánh, bữa nọ mua được mấy viên (hồng phiến)? Kẻ ghê gớm hơn thì sắm điện thoại kéo dài để liên lạc với người bên Lào cho tiện đón hàng.

Công an từng bắt được ở đây cả máy tự chế ép heroin hàng rời thành từng bánh, đóng gói, dán mác để phân phối. Các cơ quan chức năng thống kê năm 1997 xã có 13/21 đảng viên bị dính líu pháp luật vì ma túy. Có thời ba cán bộ chủ chốt của Đảng ủy, HĐND, UBND đều đi hàng. Na Ư được ví như cái nôi ma túy vùng Tây Bắc.

Đi hàng thì có nhà to, máy nổ, tivi, xe máy, ăn uống lu bù. Nhà Lý Giống Minh mua ăngten chảo, lắp máy phát điện chạy dàn karaoke; say rượu hát vỡ cả bản. Nhà Sùng A Pó mua ôtô Toyota về bóp còi vang núi. Có người mua hẳn máy ủi về ủi nửa quả đồi sau nhà rồi để đấy chơi.

Dân thị xã Điện Biên thuở ấy cứ nhìn thấy mấy “ông” ở Na Ư xuống là cung phụng như vua. Các “ông” nhìn em cave nào mỡ màng nhất bế phốc lên xe. Tỉnh dậy, hết tiền lại sang Lào lấy thuốc. Cuộc sinh tồn cứ thế quằn quại trong khói mê và tội ác.


Con đường mòn từ bản Ca Hau lên đỉnh Sinh A giáp Lào từng là đường chuyển ma túy lớn nhất của đường dây Vũ Xuân Trường - Siêng Phênh và đường dây Nguyễn Văn Tám
Tội ác và trừng phạt

Thuộc từng bụi cây của Na Ư nhưng khi vào xã trung úy Bang vẫn căng mắt dõi xuống mặt đường. Anh nói ôtô cán bộ vào xã không mấy khi tự ra được vì bị rải chông thép. Dính chông, xe buộc phải nằm chờ cứu hộ. Cán bộ phải nhịn đói, nhịn khát trong những ánh mắt hăm dọa, ghẻ lạnh.

Thời cao điểm, không nhà nào ở Na Ư tiếp cán bộ, biên phòng. Tay buôn nào cũng có súng AK, lựu đạn bên mình. Khách lạ đến bản sẽ được chào bằng tiếng đạn vãi vào vách đá. Mới đây anh Nguyễn Danh Thuận, một sĩ quan đồn Tây Trang, cũng bị hai tên buôn ma túy bắn cả băng AK chống trả trên đồi Sinh A.

Tại km 98 trên đường đến cửa khẩu Tây Trang chúng tôi còn gặp ba nấm mộ đắp bên đường của trung úy Phạm Văn Cường, công an Điện Biên và hai quần chúng tố giác tội phạm năm 2002 đã bị bọn Lý A Va, Lý Giống Minh ném bộc phá và xả súng giết chết tại chỗ.

Cơ quan chức năng từng ước Na Ư có khoảng 3.000 khẩu súng tự tạo, hàng trăm khẩu súng quân dụng và rất nhiều thuốc nổ, lựu đạn. Lý Giống Minh khi bị khám nhà còn có dùi cui điện, ba súng, 27 kíp mìn và 5m dây cháy chậm.

Tội ác đến ngày bị trừng phạt. Năm 1997 đường dây Siêng Phênh, Vũ Xuân Trường bị phá. Chủ tịch UBND xã cùng sáu đồng bọn lĩnh án tử hình.

Tiếp sau là ông trùm Nguyễn Văn Tám cùng đường dây ma túy từ Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Thanh Hóa đến các “vòi” ở Na Ư dẫn nhau ra trường bắn. Năm 2002 hai anh em Lý A Va, Lý Giống Minh - những tay chơi số một của Na Ư - tiếp tục bị pháp luật loại khỏi xã hội. Một chủ tịch xã nữa của Na Ư bị ma túy dẫn vào tù. Và Vả Thếnh, phó chủ tịch, trưởng công an xã bỏ trốn; bí thư Đoàn Và A Tho chạy sang Lào...

Lực lượng truy quét ma túy từ trung ương, tỉnh, huyện của quân đội, công an xiết chặt họng bạch tuộc. Pháp luật đã trừ khử 11 tử tù của Na Ư, tống tù suốt đời 14 tên, phát lệnh truy nã đặc biệt với 10 tên khác. Hàng trăm án tù đã giáng xuống thung lũng tử thần.

Na Ư kiệt quệ và thương tích. Những gia đình vướng pháp luật thì khuynh gia bại sản. Kẻ trốn nã bỏ vào rừng, chạy sang Lào chui lủi như con nhím, con chồn. Nhiều tình cảnh như vợ Lý A Va phải bán nhà lấy tiền thuốc thang, cơm cháo nuôi con rồi dẫn nhau đi.

Ruộng nương bỏ hoang, trâu bò, lợn, dê tan tác. Cái đói nhe nanh như thú dữ. Đêm đêm già bản Dúa Dình lang thang lên núi, ngửa mặt than Phà (trời) thương lấy Na Ư...

QUANG THIỆN

ruacon
19-04-04, 02:49 AM
Na Ư lột xác


TT - Khi cơn mê tan biến, tội ác bị trừng phạt thì Na Ư như con thú kiệt sức, trọng thương. Nhà nước, cán bộ, biên phòng và Phà ở trên cao đã gợi dậy cái tâm hướng thiện và người Na Ư đã đứng lên...

Cái đầu không còn lo, cái bụng không còn thù

Chiều đổ xuống sau triền núi tây, chúng tôi vào nhà Và A Tho, một tội phạm buôn ma túy đang thụ án treo.

Nhà Tho nghèo nhưng ngăn nắp, ấm cúng. Sùng Thị Lia, vợ Tho, nói: chồng bị bắt, cán bộ xã, trưởng bản động viên nhiều lắm. Dân bản ai có bát ngô, nậm rượu, ổ trứng gà cũng đem cho. Vậy là Lia chờ chồng về cùng ở lại với bản... Chủ tịch xã Sình Chí Só bảo: “Có tội thì pháp luật xử nhưng chúng nó vẫn là con cháu Na Ư, anh em mình”.

Mỗi bản có một tổ cán bộ của Cục Phòng chống ma túy (Bộ Công an), Bộ Tư lệnh biên phòng (Bộ Quốc phòng) cùng lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và các ngành văn hóa, lao động xã hội, nông nghiệp về căng lều sống với Na Ư. Ban chỉ đạo đặt tại trụ sở xã. Cán bộ hướng dẫn tám dòng họ lớn ở Na Ư bầu ra các ông trưởng.

Trưởng họ Và Dúa Dình đêm đêm hô hào con cháu đến nhà nói: “Buôn ma túy là có tội với dân với nước, với con cháu Na Ư. Buôn ma túy thì mình cũng nghiện, cũng mất tiền. Mình sẽ bị bắn chết, bị đi tù, bỏ vợ bỏ con...”.

Cán bộ lập ở mỗi bản, mỗi dòng họ một hòm thư tố giác tội phạm. Những kẻ buôn bán, nghiện hút lẩn quất trong rừng hay bên Pa Hốc mỗi đêm mò về không được ai chứa. Tối ở bản có chiếu phim, ban ngày có thầy giáo, cô giáo đến dạy chữ. Cha mẹ, anh em, công an, biên phòng không xua đuổi bắt bớ mà ân cần khuyên bảo ra đầu thú để sau này về với vợ con, bản làng.

Thế là Và A Tho, sau bốn năm trốn nã bên Lào, quyết định viết đơn đầu thú. Và A Sùng, Và Giống Nhìa nghiện nặng không thể thoát khỏi nanh vuốt phù dung, xưa thường lang thang trong rừng, nay được vợ con hú gọi, lên xã khai báo rồi về nhà làm ăn.

Lúc nào lên cơn lại sang cụ Dình có kim tiêm (của Cơ quan Kiểm soát ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc cấp cho dự án phòng chống lạm dụng ma túy trong đồng bào dân tộc thiểu số tại VN) chích thuốc. Vừa chích vừa nghe cụ khuyên bảo. Chích xong bỏ kim vào thùng tránh lây HIV.

Cửa UBND xã đã mở lại, có cán bộ giải thích cho bà con cách trồng ngô, lúa mới. Trường học tường vôi, ngói đỏ dựng lên giữa xã. Trẻ em tan lớp lại đến cán bộ xã, già làng, trưởng bản học bổ túc. Thỉnh thoảng chủ tịch Só phóng xe đến các bản hô vang đầu núi báo có đoàn chiếu phim về phục vụ Na Ư. Vết thương trong bụng lành dần.

Người ta thấy mình đi lại, ăn ngủ, vui chơi giữa bản làng được đàng hoàng. Cái đầu không lo mưu kế. Cái bụng không lo thù ghét. Con chim, con sóc trong rừng lại về với đầu suối Na Ư.

Cuộc chiến vẫn tiếp tục

Đồn trưởng biên phòng Đán nói: 24km đường rừng đi bộ cả tuần không hết mà anh em chỉ có vài người nhưng không thể bỏ qua một dấu hiệu khả nghi.

Sau khi cắt được các vòi bạch tuộc hút hàng từ Na Ư, lập được thế trận chống ma túy trong lòng dân thì lực lượng biên phòng lại bước vào cuộc chiến máu lửa trên những tuyến đường ma túy.

Bất cứ giờ nào các chiến sĩ biên phòng cũng có thể lên đường. Nhận lệnh từ 12g đêm mùa đông, đội trưởng Nguyễn Văn Chính cùng sáu anh em đồn Tây Trang mang theo mì tôm, lương khô, chó nghiệp vụ và súng đạn cắt đường vào suối Huổi Moi cách bốn tiếng đi bộ. Họ chia nhóm chui vào lán coi nương của dân nằm phục.

Gió buốt, sương muối, họ không được ngủ, không hút thuốc, không nói chuyện, chỉ ăn lương khô, uống nước lã. Ròng rã bảy ngày trời thì nguồn tin báo lại là chúng không đi đường đó nữa...

Những câu chuyện như thế diễn ra hằng ngày. Còn như đại úy Nguyễn Danh Thuận, đuổi hai đối tượng bị chúng lia AK chống trả. Tránh đạn, anh bị tên khác vụt tóe máu đầu, bất tỉnh trong rừng.

Thế nhưng cũng chính anh Thuận, trong vụ bắt Cù Thị Sinh, đối tượng ấn vào tay anh 30 triệu đồng (một khoản tiền mà chưa bao giờ anh có được 1/10 đưa cho vợ) anh vẫn bắt đối tượng cùng 108 gam heroin. Lực lượng công an cũng truy quét quyết liệt đến cùng. Trung úy Phạm Văn Cường hi sinh nhưng hàng trăm cán bộ chiến sĩ khác vẫn thay nhau dựng lều ăn ngủ trên những tuyến đường ma túy.



Xe chúng tôi vào Na Ư lần này thỉnh thoảng phải dừng lại vì những đống vật liệu xây dựng choán cả lòng đường. Chạy dọc triền núi là con mương bêtông đang có hàng chục toán thợ lắp đặt, vươn lên cả đỉnh đồi cao vút.

Sâu trong bản ngổn ngang những cây cột điện bêtông sắp dựng. Bản Na Ư vang tiếng trẻ cười đùa bên vòi nước mát tuôn xối xả từ bể bêtông mới xây.

Chủ tịch Sùng Chí Só xin phép thầy giáo rời lớp học bổ túc ra tiếp khách. Anh nói mấy năm nay Na Ư có nhiều dự án lắm: dự án 135 xóa đói giảm nghèo, dự án 500 bản nghèo, dự án định canh định cư.

Hai lớp học kiên cố ở bản Kon Cang, ba lớp ở bản Hua Thanh đã hoàn thành. Nước sạch về với tất cả các cụm dân cư. 6km kênh bêtông chuẩn bị đem nước về 200ha ruộng, nương. Đường dây điện 220V sẽ hoàn tất vào cuối mùa hạ tới.

Lịch làm việc của UBND xã chiều nay có đoàn cán bộ khuyến nông của huyện về xã rồi ra ruộng trực tiếp cùng dân làm vụ ngô giống mới. Mai thì cán bộ thú y về nhà Sình A Lử dạy cách nuôi 50 con bò sao cho khéo đẻ.

Chủ tịch Só nói: những ngày vừa từ bỏ ma túy, cả xã có gần 100% hộ đói nghèo. Xã, bản, trưởng họ và cán bộ cấp trên về họp dân. Đây là lúa giống IR 64, đây là ngô lai. Nhà nước hỗ trợ những hộ khó khăn đem trồng trên nương dưới ruộng của Na Ư. Đây là phân đạm, kali..., cán bộ sẽ đi cùng dạy cách bón. Ai muốn chăn nuôi thì gặp cán bộ khuyến nông đang có mặt.

Nghe xong, Vừ A Tho, một người buôn ma túy mới đầu thú được hưởng án treo, lập tức bàn với vợ bán nhà lấy vốn mua 20 con dê, 50kg thóc giống và một đôi bò. “Dê chưa lớn, bò chưa đẻ, lúa chưa chín, đói lắm nhưng cán bộ bảo kiên trì, bố mẹ anh em cho vay cái ăn. Quyết không bán giống, thế là năm ấy mua được xe máy, chăn màn mới. Nay cả đàn dê đã ngót trăm con...” - vợ Tho kể.

Thiếu thốn lui bước. Đến nay xã chỉ còn trên 50% hộ đói nghèo. Nhiều nhà như Lử, Nhìa, Sùng, Tho... đã có vốn liếng vài chục triệu đồng. Tuy khó khăn, vất vả còn nhiều nhưng từ nay người Na Ư ra ngoài không còn bị xa lánh và ruồng bỏ nữa.

Khi rời khỏi Na Ư chúng tôi mới gặp Vừ A Tho, một tay súng khét tiếng trong giới buôn ma túy trước kia, nay là một điển hình làm kinh tế giỏi của xã. Tho nói vừa đi Điện Biên mua cái lưỡi cày và ít thuốc trừ sâu. “Đáng lẽ phải mời các anh vào nhà uống rượu; nhưng thôi, chiều nay bản mình có đại biểu nhân dân (hội đồng nhân dân) đến tiếp xúc”.

Anh móc túi lấy ra tờ giấy nhăn nhúm, nguệch ngoạc mấy con chữ, rồi nói: ý kiến của mình nói với đại biểu phải ghi trong này. Tho cười, cặp mắt xếch và nước da xạm của thời lầm lạc chợt sáng lên đôn hậu tình người.

QUANG THIỆN