PDA

View Full Version : Bộ phim truyền hình dài tập về người đồng tính



langtu
25-05-04, 02:18 AM
Bộ phim truyền hình dài tập về người đồng tính luyến ái: "Sẽ hạn chế các cảnh gây sốc"

laodong.com.vn
20/4/2004

Lần đầu tiên có một bộ phim truyền hình VN dài tập (10 tập) về đối tượng đồng tính luyến ái (được chuyển thể từ tiểu thuyết từng gây dư luận của nhà văn Bùi Ngọc Tấn - "Một thế giới không có đàn bà") sẽ tiếp mạch phim "Cảnh sát hình sự" - hiện đã lên tới 100 tập. Phim hiện trong giai đoạn bấm máy. PV Báo LĐ hỏi chuyện nhà văn Thuỳ Linh - người đã tham gia chuyển thể cuốn tiểu thuyết.
- Động lực khiến chị chuyển thể có phải vì đề tài dễ hút khách?

- Sự ăn khách về đề tài này theo tôi hiểu là do người ta quá tò mò, thậm chí thường ác cảm thay vì coi người đồng tính là những người bình thường, thậm chí trong số họ có đầy người còn giỏi giang và tốt đẹp hơn chúng ta. Dù họ có bất bình thường nhưng chúng ta cũng đừng quá "quan tâm" nếu không giúp được gì cho họ. Còn lợi dụng điều đó để biến thành đề tài ăn khách trong bất kỳ cách làm nào đều là không văn hoá.

- Chị đánh giá thế nào về mức độ thành công của tiểu thuyết trong việc khai phá đề tài này ở ta?
- Có thể thấy rõ là tác giả đã đọc rất nhiều tài liệu nghiên cứu khoa học viết về những người đồng tính để có thể cho chúng ta những kiến thức cần thiết khi cảm nhận vấn đề anh nêu ra. Chính điều này đã giúp công việc chuyển thể được suôn sẻ hơn. Và nữa, ở người viết luôn có một trái tim nhân hậu dành cho những nỗi bất hạnh mà tạo hoá chơi ác với con người. Đây cũng là điều mà bộ phim cố gắng chuyển tải được nhiều nhất.

- Xếp vào loạt phim: "Cảnh sát hình sự", đề tài này được "tiết chế" thế nào?
- Tất nhiên tôi và đồng nghiệp nhìn thấy những yếu tố để có thể làm thành một bộ phim về đề tài điều tra hình sự thông qua các vụ án giết người thì mới bắt tay vào chuyển thể. Nguyên tắc điều tra các vụ án thì như nhau. Nhưng khi thủ phạm và nạn nhân đều là người đồng tính thì chắc chắn bộ phim không dừng lại ở công việc điều tra thông thường, nhất là thái độ của chúng ta khi đề cập đến đối tượng này.

- Với đề tài này, chị có hy vọng sẽ đưa ra được một dạng phim "Cảnh sát hình sự" khác trước?
- Trước đây chúng tôi cũng đã từng làm những bộ phim "tâm lý-hình sự" như thế này. Chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác mảng đề tài này khi điều kiện sản xuất chưa cho phép làm nhiều phim hành động, võ thuật như các phim trinh thám của nước ngoài. Tuy nhiên, thay vì những cảnh gây "sốc", phim sẽ cố gắng mô tả hình ảnh một cách kín đáo. Bởi trên thực tế, ngoại trừ một bộ phận có biểu hiện đồng tính như một trào lưu ăn chơi, đua đòi rất đáng phê phán thì không hiếm người là bị bệnh thực sự và không phải ai mắc bệnh này cũng có bộ dạng màu mè, uốn éo. Quan sát nhiều phim nước ngoài, tôi thấy họ cũng không nhằm tạo ra những cảnh gây sốc mà thay vào đó, là cái nhìn cảm thông. Đó cũng là điều mà chúng tôi muốn hướng đến.

- Đoàn làm phim có gặp khó khi tìm người vào vai nhân vật đồng tính?
- Với các diễn viên chuyên nghiệp, tôi biết là họ cũng chẳng ngán bất kỳ loại vai nào đâu nhưng khó ở chỗ: Không dễ để theo hết phim dài tập. Với đối tượng người mẫu - vốn dễ thích nghi với "hình dong" của loại vai này nhất thì chúng tôi e rằng rất khó kiếm được người có trình độ diễn xuất. Có một người mẫu tham gia phim này thì lại thủ vai chiến sĩ cảnh sát (Minh Tiệp). Còn đảm nhiệm các vai đồng tính lẫn cảnh sát đều hầu hết là những gương mặt mới toe, vừa ra trường, trong đó có một "cảnh sát tương lai xịn" là sinh viên Học viện Cảnh sát.
- Xin cảm ơn chị.