PDA

View Full Version : Thị dân lên đời ở rừng Dak Nia



langtu
03-06-04, 12:34 AM
Đánh đổi cuộc đời</span>

Trưa mồng 4 tết (năm 2000), Nguyễn Quang Đông có mặt ở Dak Nia với balô, liềm, cuốc, xoong nồi, thực phẩm...

13ha đất trống trong rừng Dak Nia đánh đố ý chí một gã thị dân. Một lán trại tự tay dựng lên cùng với những nhát cuốc đầu tiên dọn cỏ đào hố, anh mở đầu cuộc chinh phục một thế giới chưa từng quen thuộc: nông nghiệp.

Không chần chừ suy nghĩ, anh nhắm ngay đến thứ cây trồng duy nhất: quít, thay vì phía ngoài kia, cả cao nguyên Đắc Lắc, cao nguyên M’Nông, Đắc Nông chỉ toàn cà phê. Anh bảo: “...Tây nguyên, tại sao cứ phải cà phê&#33;; cây trái, tại sao cứ phải Nam bộ&#33;”.

Ngọn đồi rộng phải đến cả trăm hecta, chia ra cả chục múi, thì khu đất của anh là một trong số múi đồi đó. Mà ngọn đồi cũng chẳng phải ngon lành gì lắm, độ dốc 25-45 độ, phần lớn là loại đất nâu đỏ và đất pha sét.

Thế là anh đầu tư một đường ống dẫn nước dài trên ngàn mét, cùng năm chiếc máy nổ rải ra khắp cái rẫy quít khổng lồ gần như đầu tiên ở Tây nguyên này trong những tháng mùa khô tàn khốc.

Dành thời gian anh chạy về miền Tây học mấy bác nông dân xứ Cần Đước, Cái Mơn. Học xong khóa nông nghiệp cấp tốc đó, anh mua nguyên một xe 4.000 cây quít chở ngược lên Đắc Nông, đưa vào rừng Dak Nia. Cả cao nguyên Đắc Nông này cũng chưa ai trồng quít trang trại bao giờ, mà quít giống lai mới nhập từ Pháp vào VN.

Anh lại chạy về Sài Gòn gom mua một mớ sách nói về cây có múi để “làm theo sách”. Sách nói: muốn tạo nên cây phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng phải tạo ra những cây bố mẹ thích nghi.

Vậy là ngồi lại mà lai tạo giống: dùng gốc cam Vônka cấy vào mầm giống cây quít đường, kết hợp sức đề kháng, chịu nắng nóng của loài cam trên với đặc tính nhạy ra hoa cho trái của giống quít này.

Được ăn cả ngã về không, anh trồng quít tất, năm đầu 2.000 cây, năm sau 2.000 cây tiếp. Thiên hạ trong vùng nghe nói có kẻ trồng quít cả chục hecta bảo “đúng là dân Sài Gòn&#33;”, chẳng hiểu biết gì về trồng trọt, điên mất rồi.

Lúc này gia đình anh dưới Sài Gòn tiếp tục phản ứng gay gắt hơn trước lựa chọn đường “nông dân” quái gở của một đứa con đang có công ăn việc làm tử tế, đường đến giàu có trong tầm tay.

Bốn cái tết không thèm nghĩ đến phố phường, anh chịu đựng cảnh khó nhọc của kiếp nông dân nơi miền cao nguyên lầm lũi. Tay chân không còn chỗ nào không chai sần, trầy sướt, cuối mỗi ngày thì rã rượi vì mệt.

Hằng ngày anh đi vào rừng trồng cây, lẻ loi, lạc lõng trên con đường be ngày nào cũng đầy lâm tặc, thợ cưa xẻ gỗ lậu độc dụng. Nghe đâu những lần hiếm hoi anh trở về Sài Gòn là những chuyến để vét thêm tiền lên đổ vào rừng.

Vốn tích lũy bao năm may bán túi xách được gần tỉ bạc dần cũng kiệt bởi rẫy quít trong mơ, chỉ sau ba năm. Thôi thì bán nốt căn nhà gia đình đang ở.

Và anh đã bán thật căn nhà bao năm gắn bó, với giá chưa đầy 300 triệu đồng để “bơm” tiếp cho quít. Vậy là chính thức hết đường sống ở đô thành. Cả vợ và ba đứa con của anh, từ đó không còn cách nào hơn, phải theo anh lên rừng sống.


Chỉ sau hơn ba năm quít đã trĩu quả, kỷ lục ít thấy
Trái ngọt giữa rừng

Quít sống được và lại sinh trưởng tốt, đến mức chỉ ba năm sau ít nhất 8ha quít đã phủ xanh một múi đồi vốn toàn cỏ tranh, với chiều cao vượt 2,5 - 3m, tán rộng đo bằng sải tay.

Trên cây quít đó đây đã xuất hiện cả những tổ chim rừng, chẳng rõ loài gì. Thấy vườn quít ra trái, nông dân trong vùng ngạc nhiên, chính quyền xã, huyện cũng ngạc nhiên, và không ít nông dân dự đoán ngay: “... chắc chắn sẽ chua, không bao giờ ngọt&#33;”.

Vụ trái bói đầu tiên toàn rẫy thu 30 tấn, anh kiếm được 210 triệu đồng. Anh bảo lòng vui không thể tả, vì nó được trồng trong điều kiện rừng núi bởi một tay thị dân mù tịt về trồng trọt, nhưng trái bóng lộn tự nhiên giữa mảng màu xanh vàng dịu, thơm vô cùng, nhất là vị chua ngọt trung hòa (không quá ngọt, không chua) khó tả.

Dân buôn bán trái cây trên tỉnh nhận quít của anh để bán mà khen nức lời. Năm trước người ta mua giá 7.000 đồng/kg, năm nay họ bảo sẵn sàng mua với giá 12.000 đồng/kg. Vụ này (năm 2004) tối thiểu phải 50 tấn (cứ năm sau sản lượng sẽ tăng gấp đôi năm trước), những trái chín đầu tiên đã cho thấy hương vị ngon hơn cả năm trước.

... Tôi gặp anh giữa rừng, khi anh đang tất tả chở những giỏ quít trái vụ lên thị trấn... Chưa biết quen lạ, anh chào khách theo kiểu người trồng quít: móc ngay từ giỏ một trái quít tươi rói mọng nước và hồn nhiên: ăn cho đỡ khát&#33; Quít Đắc Nông&#33; Đã chính thức có một thứ “quít Đắc Nông” rồi, như bưởi năm roi ở miền Tây, nho ba mọi ở Phan Rang, vải thiều ở Hà Giang, chuối La Ba ở Lâm Đồng... vậy&#33;

Anh nói nỗi lo sợ quít chỉ ngọt mà thiếu chua của anh đã được giải tỏa hoặc ngược lại, và đó là sự khéo léo của tự nhiên, kết tinh rõ ràng “chất Đắc Nông”: khí hậu thay đổi rõ ràng trong ngày: đêm lạnh đậm, ngày nóng rát. Rồi anh dắt tôi xuống đồi dốc xa tít bên dưới, xuyên qua rẫy quít tưởng chừng bạt ngàn.

Những gì diễn ra ở đây, kết tụ ở cái rẫy đặc biệt này cứ ngỡ như đùa giỡn, tưởng tượng, bởi tất cả chỉ mới có bốn năm trời. Ai đó bên ngoài khu rừng này đang kéo nhau vào chỗ anh mua giống quít để làm theo.
Dưới tận cùng của múi đồi kia là một khe suối, một hệ thống hồ chứa nước ba cái liên hoàn vừa được đào xong để vườn rẫy này chống chọi với hạn. Anh bảo khác với Nam bộ cây trái luôn thừa nước, còn Tây nguyên luôn thiếu nước, và những múi quít ở đây có được từ nước mà ra.

Tôi bảo: từ mồ hôi và… sự lãng tử nữa. Anh chỉ về phía 4ha cỏ tranh ngập lút phía bên xa kia, nói biết đâu vài năm tới cả vùng này là vùng trồng quít, nông dân nào cũng có vườn quít, đạt đến chừng trăm hecta …

Anh hay lặp đi lặp lại về thứ triết lý: <span style=\'color:orange\'>cuộc sống luôn phải là một cuộc chinh phục, bằng phẳng chán chết&#33;
Nhiều người ở bên ngoài rừng Dak Nia kể với tôi là giờ hễ ra khỏi rừng là “tay” thị dân “lên đời” (chứ không phải “xuống đời”)… nông dân kia bảo nhớ rẫy quít. Và hình như phố phường đông đặc của Sài Gòn giờ đây không còn ghì giữ anh làm gì, vì cái duyên với cao nguyên, với nghiệp dĩ nông dân đã định ở đâu đó trong anh.