PDA

View Full Version : Ngũ Hành Sơn



hnkvmt
13-02-03, 11:35 AM
Du khách đến Quảng Nam Đà Nẵng hầu như ai cũng có một lần viếng cảnh NGŨ HÀNH SƠN.

Ngũ Hành Sơn là một cụm đá thấp nằm trên một dải cát ven biển thuộc xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 7km về phía Đông Nam.

Trong một tấm bia ở núi Thủy có khắc tên "Ngũ Uẩn Sơn", theo tài liệu của nhà chùa núi còn có lên là "Ngũ Chỉ Sơn", tuy gọi là Ngũ Hành Sơn nhưng kỳ thật nhóm núi này có 6 ngọn: Kim Sơn, Mộc Sơn, thủy Sơn, Thổ Sơn, riêng Hỏa Sơn có hai ngọn nằm kề nhau gọi là Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn.

Người Tây phương đến Quảng Nam Đà Nẵng thường gọi tên núi là "Monlange đe Marbre" (Núi cẩm thạch).

Còn người dân xứ Quảng thường gọi nôm na là "Hòn Non Nước ".

Theo tài liệu đia chất thì ban đầu Ngũ Hành Sơn là những hòn đảo trên biển đông, gió và nước đă xâm thực tạo thành những hang động, do qúa trình biển lùi, nhóm đảo nầy được nối liền với lục địa và trở thành 6 ngọn núi như hiện nay.

Tháng 6 năm l825, lần đầu liên vua Minh Mạng đến viếng Ngũ Hành Sơn, ông cho xây dựng chùa Tam Thai, Điện Hóa Nghiêm. Năm 1826 Minh Mạng lại cho đúc 9 tượng Phật và 3 chiếc chuông lớn cho chùa Tam Thai và sau các lần viếng thăm, vua đều cho xây dựng và tu sửa các chùa miếu.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ngũ Hành Sơn là nơi ghi lại những chiến tích lẫy lừng của nhân dân ta. Đầu năm 1966, tại Giếng Tiên, cán bộ quân sự đã chỉ huy bộ đội địa phương và du kích tấn công và tiêu diệt hơn 100 lính Mỹ đóng ở chân Thủy Sơn. Tháng 4- 1968, du kích ta xuất phát từ hang âm Phủ tấn công tiêu diệt khoảng 40 tên lính Mỹ đi lùng sục. Đêm 21-8-1968, anh hùng Phan Hàm Sơn đã đánh một trận vang dội cả miền Nam. Đêm 15- 4-1972, Phân đội Pháo binh nữ Hòa Hải-Hòa Vang đã tiêu hủy 19 máy bay Mỹ, bằng 22 quả đạn cối 82 ly.

Kim Sơn : Hòn Kim Sơn nằm giữa Thổ sơn và Hỏa Sơn, dáng trông như một quả chuông úp. Ngoài những hang động nhỏ nhất có từ xưa, năm 1950 nhân dân địa phương chạy lánh giặc đã phát hiện ra một động lớn, năm 1956 nhà sư Thích Pháp Nhãn đã mở rộng lối vào động và cho xây chùa bên cửa động đặt tên là Chùa Quan Âm, động cũng gọi là Quan Âm Động. Cửa động nằm ở hướng Tây-Nam, động sâu hun hút và tối tăm, các thạch nhũ trong động tạo thành các hình dáng kỳ lạ, nhiều người đã tưởng tượng ra các tượng hộ Pháp, Tề Thiên, Quan Âm, công múa, phụng bay... theo hình dạng của thạch nhũ, giữa động có một thạch nhũ lớn như một cột trụ từ vòm động xuống đến đất, gõ kêu bon bon gọi là chuông nhà Phật, đối diện trên vách có một tấm đá hình tròn nhô ra, đánh kêu thùng thùng gọi là trống nhà Phật. Trong ngách hang cuối cùng có một dòng suối ngầm nhỏ và thạch nhũ, trông như một con cá sấu.

Mộc Sơn : Theo đường Đà Nẵng đi Hội An thì Mộc Sơn nằm ở phía Đông, tuy gọi là Mộc Sơn nhưng đây lại là một núi có ít cây cối nhất, sườn dốc dựng đứng.

Mộc Sơn có một hòn đá trông giống hình người, có người gọi là đá Cô Mụ, có người gọi là tượng Quan Âm. Núi chỉ có một hang nhỏ, tương truyền là nơi tu hành của một sư nữ có tên là Bà Trung. Ngày nay Mộc Sơn đã bị phá hoại nặng nề làm mất đi vẻ đẹp xưa kia.

Thủy Sơn : Còn gọi là hòn Non Nước, trong nhóm Ngũ Hành Sơn thì Thủy Sơn là cao hơn hết (106m) và có nhiều cảnh đẹp tập trung ở đây. Núi có 3 đỉnh: Thượng Thai (là nơi có chùa Tam Thai), Trung Thai (là nơi có nhiều hang động) và Hạ Thai (là khu vực chùa Linh ứng, có hai đường lên núi: đường ở phía đông có 108 bậc cấp, dẫn lên chùa Linh ứng.

-Chùa Tam Thai: được xây dựng năm Minh Mạng thứ 6(1825), năm 1901 một trận bão dữ dội đã tàn phá toàn bộ ngôi chùa, mãi đến năm 1907 ngôi chùa được xây dựng kiểu chữ Nhất (-), mái chùa lợp ngói lưu li tròn, phía trên nóc trang trí hình Lưỡng Long chầu Nguyệt. Trong chùa trước kia thờ Phật Di Lặc (tượng đồng) ở giữa, bên trái là tượng Quan Công bằng gỗ, bên phải là tượng Hộ Pháp bằng đồng, tượng Tả Phù, Hữu Bật ở hai bên cửa ra vào cùng với Thập Bát La Hán. Hiện nay chùa thờ 4 vị thần: Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật Thích Ca, Văn thù Bồ Tát và một số tượng Hộ pháp, Tiêu Diện...

-Phía Bắc sân chùa là Hành Cung, đây là nơi các vua tạm nghỉ khi thăm chùa. Bên phải sân chùa là thờ Tổ, phía trước nhà thờ Tổ lên mấy bậc cấp đến Vọng Giang Đài. Từ đây nhìn thấy Trường Giang và các nhánh sông con, tấm bia bằng sa thạch ghi 3 chữ Hán lớn "Vọng Giang Đài" và mấy chữ nhỏ ghi năm dựng bia "Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật" (tháng 7-l837). Dưới chân đài về phía Tây là tháp Phổ Đồng và Chùa Từ Tâm.

-Chùa Linh Ứng: Dưới thời vua Cảnh Hưng triều Lê, có một vị ẩn sĩ đến tu tại động Tằng Chơn, ngài dựng một am nhỏ bằng tranh gọi là "Dưỡng Chơn am", một thời gian sau dựng lại thành một gian nhà tranh gọi là "Dưỡng Chơn Đường". Khi Gia Long đến viếng, nhà vua đã cho xây dựng ngôi chùa ở đây, đặt lên là "Ngự chế ứng chơn Tự" do Bảo Đại đại sư làm trụ trì. Đến thời Thiệu Trị, chùa được đổi tên là "Linh Ứng Tự". Cũng như chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng cũng bị tàn phá bởi một trận bão năm 1901, sau đó được xây dựng lại. Trong chùa thờ Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật Adiđà, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Thập Bát La Hán...

Bên phải chùa Linh Ứng có một mỏm đá nhô ra, nơi đây có một tấm bia bằng sa thạch, khắc 3 chữ lớn "Vọng Hải Đài" và mấy chữ Hán nhỏ "Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật" (tháng 7-1837). Từ đây nhìn ra biển Đông bao la, thấp thoáng ngoài khơi xa là Cù Lao Chàm.

-Động Hóa Nghiêm: Từ cổng sau chùa Tam Thai, rẽ bên trái là đường dẫn đến động Hóa Nghiêm và động Huyền Không, trước khi vào động có cổng xây bằng vôi vữa khắc 3 chữ Hán "Huyền Không Quan". Động Hóa Nghiêm nhỏ hẹp, trong động sáng sủa, có một bia khắc 3 chữ lớn "Phổ Đà Sơn", trong động thờ tượng Quan Thế Âm cao gần vòm động Hóa Nghiêm.

-Động Huyền Không: Phía bên trái động Hóa Nghiêm có một lối đi xuống 15 bậc cấp, đó là Huyền Không động. Động này rộng và cao, trên trần có một lỗ thông thoáng khá lớn, ánh sáng theo đó tràn vào làm cho động có vẻ lung linh huyền ảo. Vách động lồi lõm, thạch nhũ chảy dài xuống tạo thành nhiều hình động vật, có cái tựa như đầu voi, có cái tựa như chim không tước... Hai bên bậc cấp lên xuống có tượng Tứ Hộ Pháp (thường gọi là 2 ông Thiện và 2 ông ác). Trên cao chính giữa vách động trước kia có bàn thờ Ngọc Hoàng, nay đã thay thế bằng một tượng Phật Thích Ca bằng xi măng. Ngay ở dưới bàn thờ Địa Tạng Vương, bên phải động có miếu thờ Lồi phi, bên trái động có miếu thờ Ngọc Phi. Trong góc động bên phải có một hốc đá, nơi từng giọt nước trong veo, như 2 chiếc thạch nhũ. Vách động bên phải có miếu Trang Nghiêm thờ các tượng Phật, 2 bên thờ Thập Điện Diêm Vương. Vách bên trái thờ Quan Công, trong góc động cạnh lối ra vào thờ Tam Đa (Phước, Lộc, Thọ)

-Động Linh Nham: nằm phía sau lưng chùa Tam Thai, hang động hẹp, không có gì đặc sắc. Trước kia có bàn thờ Quán Thế Âm, nay đã thay thế bằng tượng Ngọc Hoàng mang về từ động Huyền Không.

-Vân Nguyệt Cốc: Theo con đường phía sau chùa tam thai đi về hướng đông, Vân Nguyệt cốc nằm ở bên trái, là một hang lộ thiên. Phía Tây cửa hang là động Tiên Phước Địa, phía Đông là hang Vân căn nguyệt Quật, trên mỗi cửa hang có khắc tên bằng chữ Hán. Phía Bắc Vân Căn Nguyệt Quật là cửa vào Thiên Long cốc, hang sâu thăm thẳm, thông với hang Gió ở phía sau chùa Linh ứng.

-Động Vân Thông: Ở phía Nam Vân Nguyệt cốc, trên lưng chừng sườn núi có một cửa động hình tròn, đó là động Vân Thông, còn gọi là "đường lên trời" đường vào động tối và hẹp, thông lên đỉnh núi chỉ có một lối nhỏ vừa một người đi. Trong động có tấm bia ghi 3 chữ Hán "Ngũ Uẩn Sơn", cách cửa hang chừng 5m có một pho tượng phật bằng xi măng.

-Động Tàng Chơn: nằm ở phía sau lưng chùa Linh ứng, động khá lớn, chia làm 3 hang và 3 động, từ ngoài vào qua cửa đá là động Chơn Tiên, chính giữa là bàn thờ Lão Tử, bên phải thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, bên trái thờ Bát Bộ Kim Cương. Phía trong bên trái là động Tam Thanh, có hai tượng Hộ Pháp dựng ở lối vào hang sáng sủa, nền có gạch Chăm rải rác. Trước kia trong động thờ 3 vị Thượng Thanh, Thái Thanh và Ngọc Thanh, ngày nay đã thay bằng một pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn bằng xi măng. Trong góc bên trái có một đường cấp dẫn đến một nền đá bằng phẳng, gió mát lạnh, đó lá hang Gió, hang thông với Thiên Long Cốc, gió lùa thoáng mát theo các lỗ thông với đỉnh núi và động Chơn Tiên.

-Hang chính giữa là hang Chiêm Thành, lối hẹp, trong hang tối, hai bên có 2 bộ đá chạm hình thần Hộ Pháp của người Chăm. Trong thờigian gần đây, khi san lại nền hang, các vị sư chùa Linh ứng đã tìm thấy một bộ thờ chạm hình thần lndra cỡi voi, chung quanh có các Apsara múa hát.

-Góc bên phải là hang Dơi hoặc hang Ráy, có ngách thông lên đỉnh núi, trong hang có rất nhiều dơi trú ngụ. Trong góc phía Đông động Chơn Tiên có một phiến đá hình vuông gọi là Bàn cờ, góc nầy gọi là động Bàn Cờ.

Hang Giám Trai, hang Lồng Đèn: nằm ở sau lưng chùa Linh ứng về phía Bắc, hang Giám Trai tối đen lòng hang gồ ghề, cạnh đó là hang Lồng Đèn (còn gọi là hang Ngũ Cốc), bên trong có nhiều thạch nhũ trông giống như lồng đèn, quả bí, hạt lúa...

Bên cạnh hang về phía Nam có một hang sâu dược gọi là Giếng Tiên.

-Hang Âm Phủ: nằm ở chân Thủy Sơn, khoảng giữa hai đường bậc cấp lên xuống. Cửa hang trước kia hẹp, ngày nay đã mở rộng, đường vào hang sâu hun hút, tối đen gập ghềnh, có nhiều ngách, vào sâu chừng 40m thì đến một khoảng hang rộng, ở phía Tây có lối xuống đến một chỗ rộng hơn có hang sâu hình trụ như miệng giếng, có nhiều lỗ thông lên đỉnh núi.

Hỏa Sơn : Nằm ở phía tây nam Thủy Sơn, âm Hỏa Sơn nằm ở phía ngoài Dương Hỏa Sơn ở phía trong cạnh Kim Sơn, khoảng giữa hai ngọn Hỏa Sơn là một khoảng đất trống, có phế tích tháp Chăm.

-Dương Hỏa Sơn có một động nhỏ, khắc chữ Hán "Phổ Đà Sơn" trên cửa động. ở sườn phía Bắc núi nầy có động khá lớn gọi là động Huyền Vi, đường vào khúc khuỷu, trên vách động thạch nhũ tạo thành nhiều hình dạng ngoạn mục.

-Âm Hỏa Sơn có một động nhỏ ở phía Nam, cửa vào rộng rãi, trên cửa hang có khắc mấy chữ Hán "Chư Tiên Khách Hội Động", trong động có nhiều ngách sâu, bị bỏ hoang lâu ngày nên cửa động bị cây cối phủ lấp.

Thổ Sơn : nằm về phía Tây Thủy Sơn, cỏ cây thưa thớt, núi thấp, bị phá hoại nhiều, trong khu vực nầy có dấu tích của một kiến trúc Chăm.

Ngũ Hành Sơn không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Nam Đà Nẵng mà còn là một di tích lịch sử-văn hóa với làng thủ công mỹ nghệ tạc tượng đá lưu truyền dưới chân núi Thủy Sơn. Ngày nay Ngũ Hành Sơn là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước

heorung
18-08-04, 07:53 AM
Ngũ Hành Sơn
http://www.luavietours.com/images/canhdep/nguhanhson1.jpg
Danh thắng Ngũ Hành Sơn thuộc phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cách thành phố Đà Nẵng 7km. Ngũ Hành Sơn không chỉ nổi tiếng ở Đà Nẵng mà còn trên cả nước. Ngũ Hành Sơn có sức hấp dẫn và được ngưỡng mộ từ những năm đấu thế kỷ 18. Thiên nhiên đã ban tặng cho dải đất miền Trung nắng gió khắc nghiệt này một cảnh quan vô giá, vừa có hang, động trong núi và những ngôi chùa cổ, vừa kề liền biển Đông quanh năm sóng vỗ.

Từ trước đến nay, người ta đặt cho nhóm núi này nhiều tên. Người Việt đặt tên nó là Ngũ Chỉ là năm ngón tay vì từ trên không nhìn xuống thì thấy như năm ngón tay ấn xuống đất, người dân Quảng Nam thì gọi nó là Núi Non Nước, và người Pháp ghi trên bản đồ địa dư và đặt tên nó là Núi Cẩm Thạch, và danh từ Ngũ Hành Sơn là do Vua Minh Mạng đặt cho nó.

Người Chàm lúc còn cai trị phần đất Quảng Nam đã giải thích 5 hòn núi này là do vỏ trứng của Thần Kim Quy (rùa vàng) sinh ra do một ẩn sĩ sống giữa bãi cát mênh mông thuật lại. Một hôm thấy Nữ Thần Naga mang cho một cái trứng, để thần Kim Quy cất giữ từ phía sông Ðà Nẵng để trừ khử sự quấy nhiễu của ma quái rồi Thần Kim Quy cho ẩn sĩ một cái móng rùa thì trứng này trở thành to lớn một cách kỳ dị.

http://www.luavietours.com/images/canhdep/nguhanhson2.jpg
Thế rồi một hôm, sau giấc ngủ say, ông lão tỉnh mộng bỗng thấy một thiếu nữ từ trong trứng bước ra, các vỏ trứng nứt ra trở thành 5 trái núi tức là Ngũ Hành Sơn. Vua Chàm nghe câu chuyện ấy cưới thiếu nữ làm vợ, còn ân sĩ kia cưỡi Kim Quy biến lên trời

Theo địa chất học, thì người ta cho là các hòn đảo ở gần bờ biển do tác dụng của thủy triều phù sa bồi đắp, nối liền với lục địa va` mài dũa mãi vào những núi này bị nước mưa và khí hậu tác dụng xói mòn tạo ra những hang động và hình thù kỳ dị làm cho những hòn núi có những sắc thái đặc thù của nó khiến ta liên tưởng đến bàn tay sắp đặt huyền diệu của Tạo Hóa. Trong thời kỳ người Chàm còn ngự trị ở vùng đất này, họ đã dùng nơi đây làm một trung tâm sùng bái theo tín ngưỡng của họ mà ngày nay còn lưu lại một di tích qua những tượng thần bằng đá, những đền tháp và hình tượng khắc trong vách đá trên các vách của Chùa Linh Ứng, trong động Huyền Không.

Sau cuộc Nam tiến dưới thời Vua Lê Thánh Tôn vào thế kỷ 15, người Chàm bị đẩy lui vào phía Nam, Ngũ Hành Sơn từ đó được tu bổ và xây dựng thành một thắng cảnh của nước Việt. Dưới thời Tây Sơn, Ngũ Hành Sơn bị tàn phá nhiều, vì quân Tây Sơn nghi là người Chàm đem vàng và của qúy cất dấu trong kho tàng ở Ngũ Hành Sơn. Tin truyền Chúa Nguyễn Ánh có lần bị thất trận với Tây Sơn ở Quảng Nam, Ngài đã chạy ẩn trốn ở Ngũ Hành Sơn và nhờ một vị tiên chỉ đường thoát nạn và cứu quân sĩ khỏi đói, vì thế sau khi lên ngôi Hoàng Ðế, Ngài phong tước cho núi này nhất là hòn Thủy Sơn. Ðến đời Vua Minh Mạng, thì Nhà Vua đã nhiều lần viếng Ngũ Hành Sơn, và cho xây dựng thêm chùa Tam Thai và điện Hoa Nghiêm, đúc chuông và đúc nhiều tượng Phật và tu sửa các chùa đền bị hư hại. Trong thời gian dưới triều Gia Long, người ngoại quốc được phép viếng Ngũ Hành Sơn một cách dễ dàng, nhưng qua thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức việc thăm viếng Ngũ Hành Sơn rất khó khăn vì chính sách bài Pháp. Qua thời Pháp đổ quân lên cửa biển Ðà Nẵng năm 1859, việc đi lại bị khó khăn hơn, nên những kẻ hành hương viếng cảnh ngày một thưa dần, và Ngũ Hành Sơn trở lại tình trạng điêu tàn đổ nát.

Gọi là Ngũ Hành Sơn bởi đây là quần thể gồm năm quả núi tương ứng theo ngũ hành của trời đất:Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn và Thổ Sơn. Hoả sơn có 2 ngọn núi là Dương Hoả Sơn và Âm Hoả Sơn.Đây là năm hòn núi đá cẩm thạch hiếm trên dải đất thuộc dãy Trường Sơn nam kéo dài từ đèo Hải Vân trở vào. Đá cẩm thạch Ngũ Hành Sơn độc đáo bởi màu ngũ sắc theo từng hòn núi: Thủy Sơn đá màu hồng, Mộc Sơn đã màu trắng, Hỏa Sơn đá màu đỏ, Kim Sơn đá màu thủy mặc và Thổ Sơn đá màu nâu. Từ thời vua Minh Mạng, năm hòn núi này được đặt tên theo phương vị bát quái của Kinh dịch: hòn núi phía Bắc tượng trưng hành thủy, gọi là Thủy Sơn; hòn núi phía nam ứng với hành hỏa, gọi là Hỏa sơn; phía đông hành mộc, gọi là Mộc Sơn và hòn núi chính giữa hành thổ, gọi là Thổ Sơn. Năm hòn núi này không cao, chót vót như núi thuộc bán đảo Sơn Trà. Bao quanh Ngũ hành Sơn về phía đông có biển Đông, với bãi tắm thoai thoải cát mịn trắng trong làn nước xanh biếc nhìn tận đáy bên hàng dương dài chạy dọc ven biển. Ở phía Tây và Nam là sông Cổ Cò chảy qua rồi hòa vào nhánh sông Cẩm Lệ. Trước đây, nhánh sông này được coi là đường thủy thông thương huyết mạch giữa Đà Nẵng với phố cổ Hội An.
http://www.luavietours.com/images/canhdep/nguhanhson3.jpg

Ngũ Hành Sơn hay Núi Non Nước, tỉnh Quảng Nam có 5 hòn núi mang tính chất đặc sắc tạo thành một thắng cảnh đặc biệt của đất nước Việt Nam. Núi tuy không cao đến tuyệt vời nhưng danh tiếng Ngũ Hành Sơn tỏa ra khắp nơi đều biết. Về mặt thiên nhiên, Ngũ Hành Sơn đã cung ứng các nguồn mỹ cảm và siêu cảm đưa những người du ngoạn, hay mặc khách tao nhân nhiều thích thú vui say, đầy cảnh non xanh nước biếc. Về mặt tâm linh, cảnh Ngũ Hành Sơn làm cho khách viếng cảnh thấm nhuần các phong thái trầm tư mặc tưởng, tự nhiên thấy mình rũ sạch bụi trần, để đi đến cảnh thoát khỏi vòng tục lụy, nên có câu:

Vọng Hãi Ðài vui hứng gió nhơn
Thân cuộc trần ai rũ sạch
Vân Thông động mặc dù nhẹ tách
Lạch Ðào Nguyên thắng cảnh nào hơn.

Nét độc đáo của danh thắng Ngũ Hành Sơn thể hiện qua chùa chiền và hang động lộ thiên, cho nên còn gọi là "hang động mở". Không ngẫu nhiên mà ngọn núi Thủy Sơn có tên là núi Chùa. Hòn núi Thủy Sơn rộng chừng 15 ha có ba ngọn núi. Ở đây có nhiều chùa chiền, hang động như Tam Thai, Từ Tâm, Linh Ứng; hang Hoa Nghiêm, Huyền Không, Vân Nguyệt; động Vân Thông, Nguyệt Quật, Âm Phủ. Phần lần chùa chùa tại Thủy Sơn xây dựng khá sớm không kể hai ngôi chùa Thái Bình và Vân Long được xây từ đời Hồng Đức (thế kỷ 15), chùa Tam Thai xây năm 1630 hiện còn tấm biển bằng đồng ghi bút tích của Vua Minh Mạng, chùa Bình An trùng tu vào năm 1640 là một trong những chùa cổ nhất ở khu vực Đà Nẵng. Chùa ở Ngũ Hành Sơn có nhiều chuông đồng, tượng Phật bằng đồng và đá minh chứng cho nghề đẽo đá ở Ngũ Hành Sơn xuất hiện từ ba trăm năm trước. Chùa ở đây được đặt cạnh hang động trong khung cảnh thiên nhiên hữu tình và hang động đã làm cho chùa thêm thâm nghiêm. Ngũ hành Sơn có đường lên trời ngắm cảnh Biển Đông và hang xuống "Âm phủ" với ngóc ngách nhũ đá xuyên xuống lòng đất ăn thông ra biển.

Động Tàng Hơn, động Hoa Nghiêm và nhất là Huyền Không Ðộng. Ðộng Hoa Nghiêm đượm vẻ thanh u, trầm lặng, gạn lọc tất cả những vọng động lăng xăng nhộn nhịp dừng ngay trước cửa động để bước vào trong nhìn lên một tượng Phật cao lớn hiện ra với cặp mắt lim dim từ, bi, hỷ, xả của Ðức Ðại Bi Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát. Ðộng Huyền Không với danh xưng bao hàm ý nghĩa huyền diệu của cái Không, một cái Không đầy thanh tịch trang nghiêm, truyền thông bao cảm xúc "Thường, Lạc, Ngã, Tịnh", cái Không để đạt đến Ðạo Quả Viên Thành. Xem như vậy, thắng cảnh Ngũ Hành Sơn không những đã dành cho du khách bốn phương một nơi thưởng ngoạn thiên nhiên giải trí thanh tao, mà còn là nơi phước địa chung linh thường xuất hiện các vị tiên nhân, thần thánh để cứu nhân độ thế. Nơi đây được dành cho các bậc xuất thế chơn tu, tham thiền nhập định, một địa điểm lý tưởng để tu tập, chứng cao diệu quả, và cũng tại nơi đây, chí sĩ Trần Cao Vân một nhà cách mạng uyên bác, kiên cường, trụ cột của cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, đã được một tiên nhân xuất hiện điểm đạo, và truyền trao một thiên thư kỳ bí, thuyết giảng Trung Thiên Dịch nhắm hình thành thuyết Trung Thiên Dịch là triết thuyết chủ trương trung hòa tứ giai, nhất quán chơn truyền khai minh điểm hóa một nền đại đạo tại Việt Nam, tổng hợp một nền văn hóa hàm chứa tinh hoa của Tam Giáo Ðồng Nguyên.

Theo sự giải thích của các nghiên cứu sư về địa lý phong thủy Việt Nam, thì Ngũ Hành Sơn tuy mọc gần bờ biển song được xem như một chi nhánh của dãy Trường Sơn hùng vĩ có nhiệm vụ quân bình giữa hai miền Nam Bắc của đất nước, quy tụ các long mạch phát huy một nền văn hóa trên 4000 năm lịch sử. Bản đồ Việt Nam hình chữ S, phía Bắc xòe ra như một thúng lúa, phía Nam tỏa ra như một thúng gạo, và miền Trung cong như một đòn gánh để gánh hai thúng hai đầu. Về sơn thủy, miền Bắc có núi Tam Ðảo (núi Ba Vì, số 3) thuộc tỉnh Vĩnh Yên, miền Nam thì có núi Thất Sơn (7 núi, số 7) tại tỉnh Châu Ðốc, còn Ngũ Hành Sơn (5 cụm Ngũ hành, số 5) ở tỉnh Quảng Nam thuộc vị trí trung tâm của đất nước, với con số 5 là con số có tính chất "trung hòa" giữa số 3 và số 7, theo phân số 3+7=10 chia 2=5, bởi thế, qua bao biến chuyển của đất nước, qua bao nhiêu chế độ chính trị, các nhân vật lãnh đạo đất nước đều sinh trưởng và xuất phát từ miền Trung, từ Vua, Chúa, Tổng thống, Chủ Tịch Nhà nước, kể cả các lãnh tụ cách mạng danh tiếng của Dân Tộc. Với vị trí trung hòa nói trên, Ngũ Hành Sơn là nơi hội tụ ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, một phước địa chung linh, động thiên thắng thưởng, danh lam thắng cảnh, thủy tú sơn kỳ, nhất quán chơn truyền, đoàn kết được các lực lượng dân tộc Việt Nam thành một khối duy nhất, không phân biệt xu hướng, tín ngưỡng, địa phương, để đúc kết thành một nền văn hóa nhân bản toàn diện làm phương hướng phát triển vẻ vang cho đất nước.

Như vậy, Ngũ Hành Sơn không còn là một thắng cảnh riêng của tỉnh Quảng Nam, của miền Trung mà còn là một thắng cảnh lịch sử vô cùng quan trọng của đất nước Việt Nam, ảnh hưởng xâu xa và trực tiếp đến vận mệnh của Quốc Gia Dân Tộc Việt..

Di tích đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích quốc gia 7-1980. Từ đó đến nay, thành phố Đà Nẵng đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc tôn tạo, trùng tu danh thắng này. Danh thắng Ngũ Hành Sơn được nhân dân Đà Nẵng giữ gìn và tôn tạo nên vẫn được giữ vẽ huyền ảo vốn có. Đến với Ngũ Hành Sơn bạn còn có thể mua được những món quà lưu niệm bằng đá, được chạm khắc bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng đá Non nước.

Hàng năm có hàng chục ngàn khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch đến đây tăng từ 25 đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tay nghề tài hoa của hàng nghìn thợ đục đẽo đá. Gần đây, nghề đá mỹ nghệ ở đây đặc biệt phát triển, các sản phảm từ đá đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu từ đá ở Ngũ Hành Sơn đạt gần 20 triệu USD.

Sắp tới, một con đường du lịch ven biển chạy từ núi Ngũ Hành Sơn đến khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc (Quảng Nam) sẽ được xây dựng tạo nên bãi tắm biển đẹp nhất, nhì miền Trung.