PDA

View Full Version : Về sự kỳ thị, phân biệt đối xử



kfc
11-07-04, 10:50 AM
Về sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

I. SỰ KỲ THỊ VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ LÀ GÌ ?

1. Sự kỳ thị

Kỳ thị là thái độ coi thường, làm mất thể diện hay không tôn trọng một cá nhân hoặc một nhóm người nào đó vì cho là những người này có những khác biệt với các chuẩn mực thông thường của xã hội.

Kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS là thái độ coi thường, làm mất thể diện hay không tôn trọng một người nào đó vì biết họ bị nhiễm HIV hoặc nghi ngờ họ bị nhiễm HIV. Có thể đó là thái độ miệt thị, xa lánh, từ chối tiếp xúc, khinh bỉ đối với những người nhiễm HIV/AIDS.

Sự kỳ thị có thể do các cá nhân, nhóm người, cộng đồng, chính quyền, bạn bè, gia đình, và cán bộ y tế gây ra cho người nhiễm HIV. Thậm chí, các qui định, các chính sách, các thủ tục hành chính cũng có thể là nguyên nhân gây ra sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV. Việc bắt buộc xét nghiệm cho một số đối tượng cũng khiến cho những người này bị kỳ thị nếu họ bị phát hiện nhiễm HIV. Kỳ thị còn do chính người nhiễm HIV gây ra (tự kỳ thị), vì thấy mình không được những người xung quanh chấp nhận hay tự cảm thấy hoàn cảnh của mình đáng xấu hổ.

Kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS hình thành trên cơ sở các quan niệm mang tính xã hội, do đó cần có những giải pháp mang tính xã hội để chống lại nó, nhằm làm giảm tác động xấu đối với người nhiễm HIV/AIDS.

2. Phân biệt đối xử

Phân biệt đối xử là hành vi, hành động xảy ra nhằm đối xử khác biệt (với mức độ kém hơn) với một cá nhân hoặc một nhóm người nào đó so với chung của tập thể và xã hội.

Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS là hành vi hoặc hành động xa lánh, từ chối, phân biệt, trừng phạt, phỉ báng và hạn chế quyền của họ, dựa vào tình trạng nhiễm HIV (chính xác hoặc nghi ngờ) của họ.

Có hai loại phân biệt đối xử thường gặp đối với người nhiễm HIV: phân biệt đối xử tùy tiện và phân biệt đối xử hợp pháp.

Phân biệt đối xử tùy tiện (hay còn gọi là phân biệt đối xử thiếu căn cứ, thiếu suy xét) thường có tính tự phát, là quan hệ riêng tư, dựa trên sự nhận thức, phán xét của các cá nhân.

Phân biệt đối xử hợp pháp có tính thể chế, được qui định bởi các văn bản pháp luật, chính sách, hoặc thấp hơn là các qui định, thực hành ứng xử ở các cơ quan, cộng đồng.

Như vậy kỳ thị là nói về thái độ, còn phân biệt đối xử là nói về hành vi hoặc hành động cụ thể đối với người nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị và phân biệt đối xử có quan hệ mật thiết với nhau và khó tách rời nhau. Kỳ thị là tiền đề của phân biệt đối xử. Muốn chống phân biệt đối xử phải bắt đầu từ việc chống kỳ thị vệ người nhiễm HIV/AIDS.

II. BIỂU HIỆN CỦA KỲ THỊ, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS

Kỳ thị và phân biệt đối xử có thể biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Dưới đây là một số ví dụ về kỳ thị và phân biệt đối xử:

1.Tại các cơ sở y tế:

- Miễn cưỡng khi tiếp xúc với người nhiễm.

- Trì hoãn điều trị, chậm phục vụ (bắt phải chờ đợi lâu, yêu cầu đến vào lần khác).

- Thoái thác, giải thích rằng lấy làm tiếc vì lý do nào đó (nhưng không từ chối thẳng thừng, như giới thiệu đến cơ sở khác, lấy lý do không đủ điều kiện nhập viện).

- Đùn đẩy bệnh nhân giữa các cán bộ y tế, giữa các khoa, giữa các bệnh viện.

- Cho nhập viện nhưng chỉ cho nằm chờ mà không điều trị gì.

- Trì hoãn điều trị hoặc phẫu thuật.

- Xét nghiệm HIV nhiều lần trong khi không cần thiết.

- Chỉ cho nhập viện và điều trị khi kèm theo điều kiện (phải tham gia nghiên cứu nào đó hoặc nhận điều trị thử).

- Từ chối điều trị những bệnh liên quan đến HIV/AIDS.

- Từ chối khám chữa bệnh, nhập viện.

- Từ chối phẫu thuật hoặc các thủ thuật y tế.

- Hạn chế tiếp cận các nơi công cộng như nhà vệ sinh, nhà ăn v.v, trong bệnh viện. -Ngừng điều trị khi chưa khỏi bệnh.

- Cho xuất viện sớm.

- Xét nghiệm HIV bắt buộc trước phẫu thuật hoặc trong thời gian mang thai.

- Hạn chế đi lại trong bệnh viện.

2. Tại nhà và cộng đồng:

- Miễn cưỡng giao tiếp với người nhiễm (lảng tránh, không bắt tay, không muốn nói chuyện v.v).

- Quan hệ căng thẳng, từ chối, lảng tránh hoặc ly thân.

- Cho ăn, ở riêng.

- Không muốn (hoặc cấm) dùng chung các vật dụng phục vụ công cộng, như cho giải trí, thể thao, nhà vệ sinh, nhà ăn tập thể v.v.

- Hạn chế tiếp xúc (hoặc cấm) với con cái, người thân, họ hàng.

- Hạn chế hoặc cấm đến một số nơi nào đó mà những người khác đến được.

- Không muốn tang lễ được diễn ra như những người bình thường hoặc không cho tổ chức tang lễ, không đến dự tang lễ...

3. Tại nơi làm việc:

- Xa lánh, ngại tiếp xúc.

- Lấy máu xét nghiệm HIV khi tuyển dụng hoặc trong quá trình lao động (nhưng không nói là để xét nghiệm HIV).

- Xét nghiệm HIV khi tuyển dụng.

- Cho nghỉ ốm, nghỉ việc (vẫn trả lương hoặc không trả lương) khi người lao động bị nhiễm HIV nhưng vẫn còn khả năng lao động.

- Dùng bồi thường vật chất để thuyết phục người nhiễm HIV xin nghỉ việc.

- Bắt buộc thôi việc.

- Cắt giảm các quyền lợi bảo hiểm y tế.

- Hạn chế tiếp cận đến các nơi công cộng ở nơi làm việc.

- Thay đổi công việc không vì lý do sức khỏe hoặc phòng ngừa lây nhiễm.

III. NGUYÊN NHÂN CỦA KỲ THỊ VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ

Sự kỳ thị không những chỉ gặp ở những người nhiễm HLV/AIDS mà còn xảy ra ở nhiều bệnh có thể lây truyền khác.

Kỳ thị và phân biệt đối xử là một vòng luẩn quẩn vì những quan niệm không đầy đủ của mọi người. Vì HIV/AIDS thường có liên quan đến những hành vi không được chấp nhận, nhất là trong giai đoạn phát triển đầu tiên của nó (tệ nạn xã hội), nên những người nhiễm bị phân biệt đối xử vì bị gán cho là thuộc nhóm người sống lệch chuẩn. Những người này lại bị kỳ thị nhiều hơn vì bị coi là đã làm lây lan HIV/AIDS.

Kỳ thị và phân biệt đối xử với những hành vi và nhóm người không được chấp nhận như vậy sẽ làm những người nhiễm ít nhận được thông tin chính xác và các kỹ năng phòng bệnh cần thiết, do đó họ ít có khả năng đóng góp cho chương trình phòng chống AIDS cũng như đặt cả cộng đồng trước nguy cơ nhiễm HIV.

Có rất nhiều lý do làm cho vòng tròn này thêm luẩn quẩn. Những lý do bao gồm do bản chất của bệnh, thiếu kiến thức, truyền thông thiếu chính xác về HIV, trình độ văn hóa và do sự bất bình đẳng về giới... Sau đây là những nguyên nhân chính:

l. Do bản chất tự nhiên của bệnh

HIV là một bệnh chết người chưa có thuốc chữa và vác xin phòng bệnh. Vì tính chất nguy hiểm của bệnh và khả năng lây truyền HIV làm cho mọi người có xu hướng phản ứng lại nỗi sợ hãi bằng cách tự tách mình ra và đổ lổi cho người khác. Điều này có thể gây căng thẳng tâm lý và cô lập cho người nhiễm HIV/AIDS, cho gia đình và bạn bè của họ.

2. Do thiếu hiểu biết

Kỳ thị và phân biệt đối xử có một nguyên nhân cơ bản là do thiếu hiểu biết, hoặc hiểu biết không đúng về HIV/AIDS. Có hai nhận thức sai khá phổ biến về HIV/AIDS, đó là:

a/ Nhận thức sai: Chỉ có những người nghiện chích ma túy hoặc quan hệ mại dâm mới có nguy cơ nhiễm HIV

Sự thật, mặc dù hơn 60% những người nhiễm HIV bị lây qua tiêm chích ma tuý, nhưng điều này không có nghĩa là chỉ có những người tiêm chích ma tuý hay quan hệ mại dâm mới bị nhiễm HIV/AIDS. Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm HIV. Thực tế ở Việt Nam, số phụ nữ bị nhiễm HIV từ chồng và số trẻ em nhiễm HIV từ mẹ đang ngày càng tăng, cũng như một số người đã bị nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp (cán bộ y tế, cán bộ xã hội). Việc nhìn nhận những người nhiễm HIV đều có những hành vi như quan hệ mại dâm, tiêm chích ma túy (những hành vi bị coi là xấu) đã làm tăng tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm, cho rằng những người này đáng bị trừng phạt.

b/ Nhận thức sai: HIV là bệnh rất dễ lây; HIV nghĩa là chết.

Sự thật, mặc dù HIV lây qua nhiều con đường khác nhau, nhưng có một đặc điểm là nó không lây qua các tiếp xúc thông thường. Người nhiễm HIV có thể sống có ích nhiều năm nếu họ biết giữ gìn sức khoẻ cho họ và cho người thân của họ.

3. Do truyền thông không chính xác về HIV/AIDS

Trong một thời gian dài, việc tuyên truyền về HIV/AIDS thường theo cách hù dọa mọi người (chết chóc, đầu lâu xương chéo, hình ảnh lở loét toàn thân, gầy trơ xương v.v) hoặc ngụ ý HIV có liên quan đến tệ nạn xã hội như mại dâm, tiêm chích ma túy. Việc tuyên truyền như vậy đã khiến mọi người sợ hãi và điều này dẫn đến kỳ thị, xa lánh và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Những hiểu biết sai, truyền thông không đúng về HIV/AIDS làm cho người ta sợ hãi, coi thường người nhiễm, không nhìn nhận họ là người bệnh, là thành viên của gia đình, cộng đồng và không giúp đỡ họ.

4. Do đặc điểm trình độ văn hoá

Nhiều người vẫn cho rằng HIV/AIDS là một tệ nạn, hoặc nhẹ hơn cũng là hậu quả của tệ nạn xã hội.

Những người nhiễm HIV/AIDS thường bị cho là có lối sống không lành mạnh (bệnh phong tình, đặc biệt là phụ nữ) và không sống theo chuẩn mực xã hội. Nhiễm HIV/AIDS có liên quan đến những hành vi bị lên án như tiêm chích ma túy, quan hệ mại dâm, đồng tính luyến ái (đặc biệt là đồng tính nam). Những người có hành vi này bị kết tội là vi phân đạo đức và đáng bị trừng phạt. Việc nhìn nhận người nhiễm là ''đáng đời” (như mại dâm, tiêm chích, đồng tính quyến ái nam) hay ''đáng thương'' (như trẻ bị mẹ truyền HIV) càng làm cho kỳ thị và phân biệt đối xử thêm trầm trọng. Thực tế là, không ai đáng bị nhiễm HIV, kể cả khi họ có những hành vi có nguy cơ cao.

5. Do sự bất bình đẳng về giới

Bất bình đẳng về giới là vấn đề toàn cầu, không trừ một quốc gia nào. Phụ nữ thường có vai trò thụ động trong quan hệ tình dục, họ thường gặp khó khăn khi thuyết phục bạn tình/chồng thực hiện các hành vi tình dục an toàn. Đặc điểm xã hội này khiến phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nam giới. Khi bị nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ cũng nhận được sự thông cảm ít hơn nam giới, họ bị lên án nhiều hơn và do đó bị kỳ thị và phân biệt đối xử nhiều hơn.

6. Do những chính sách hay qui định chưa hợp lý

Những qui định của luật pháp hay các chính sách đề ra nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng đôi khi vô tình lại làm tăng kỳ thị với người nhiễm HIV. Ví dụ như những qui định về các nghề mà người nhiễm HIV không được làm hay việc yêu cầu xét nghiệm bắt buộc với phụ nữ có thai...đã tạo ra một sự phân biệt đối xử với những người ''chẳng may'' bị phát hiện nhiễm HIV.

IV. HẬU QUẢ CỦA KỲ THỊ VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ

Kỳ thị và phân biệt đối xử tùy thuộc vào các yếu tố như chủng tộc: giới, định hướng tình dục, tình trạng sử dụng ma tuý, tiền sử phạm pháp v.v càng làm cho những người có hành vi nguy cơ cao dễ bị nhiễm HIV/AIDS. Sự kỳ thị khiến những người nhiễm HIV thường giấu diếm tình trạng của mình và vì vậy làm cho những người này khó tiếp nhận thông tin chính xác, việc khó tiếp nhận thông tin và kỹ năng đồng nghĩa với tác động xấu đến những nỗ lực phòng, chống AIDS.

Kỳ thị và phân biệt đối xử cũng có thể xâm phạm quyền con người, như cơ hội xin việc làm và học hành, làm cho họ khó có thể nuôi sống bản thân và gia đình họ. Điều này tạo ra tác động xấu đến kinh tế - xã hội của cả cộng đồng.

Sơ đồ dưới đây mô tả quá trình hình thành sự sợ hãi, từ chối, cảm giác tội lỗi và xấu hổ, sự kỳ thị, từ những nguyên nhân căn bản, dẫn đến những hậu quả ảnh hưởng tới tất cả xã hội.

1. Tác động xấu đến chương trình phòng, chống AIDS

a. Tác động xấu đến công tác dự phòng lây nhiễm

Khi người nhiễm bị kỳ thị và phân biệt đối xử, họ sẽ không muốn ai biết là mình nhiễm. Chính sự tự giấu mình này làm cho họ có ít cơ hội nhận được thông tin chính xác về HIV/AIDS, các kỹ năng phòng chống AIDS, tiếp cận các dịch vụ. Đặc biệt kỳ thị và phân biệt đối xử làm giảm khả năng áp dụng các biện pháp phòng tránh bệnh cho người khác (tình dục an toàn, dùng bơm kim tiêm an toàn). Sự tự giấu mình của người nhiễm sẽ gây khó khăn cho các chương trình can thiệp nhằm làm giảm sự lây nhiễm của HIV/AIDS.

b. Tác động xấu đến công tác tư vấn và xét nghiệm tự nguyện

Người nhiễm có thể sẽ không muốn đến các địa chỉ tư vấn, không sử dụng các biện pháp tình dục an toàn, do đó sẽ vô tình làm lây nhiễm cho bạn tình và có thể cho chính người thân của họ.

c. Tác động xấu đến công tác chăm sóc, điều trị

Việc không tiếp cận được với người nhiễm đồng nghĩa với sự hạn chế khả năng chăm sóc, điều trị cho họ, hậu quả là làm cho sức khỏe của họ nhanh chóng suy sụp hơn. Mục tiêu của chương trình quốc gia là đến năm 2005, chúng ta sẽ quản lý, chăm sóc và tư vấn được 90% người nhiễm HIV/AIDS tại các tuyến. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ rất khó thực hiện được nếu chúng ta không loại trừ được tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm.

d. Tác động xấu đến sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng

Người nhiễm rất cần sự hỗ trợ của gia đình và xã hội. Nếu tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử xảy ra, họ gần như bị mất đi chỗ dựa cả về vật chất và tinh thần, làm cho họ bị mất hết lòng tự trọng, bị trầm cảm và giận dữ, vì vậy dễ có những hành vi và lối sống không an toàn, hoặc không quan tâm đến sức khỏe của họ. Những điều này có thể làm cho HIV lây lan nhanh hơn trong cộng đồng.

e.Tác động xấu đến công tác lập kê hoạch và quản lý chương trình

Chìa khóa của sự thành công của chương trình phòng chống HIV là sự tham gia tích cực của người nhiễm vào việc phát triển và thực hiện chương trình. Tuy nhiên kỳ thị và phân biệt đối xử làm cho người nhiễm sợ hãi và tránh tham gia vào các hoạt động phòng chống AIDS hay các hoạt động nghiên cứu. Thêm vào đó, tình trạng ít người đi làm xét nghiệm HIV dẫn đến những thông tin về tình hình nhiễm và các yếu tố nguy cơ không được đánh giá đúng mức, bị sai lệch và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác dự báo, nghiên cứu, lập kế hoạch, và quản lý chương trình.

Kế hoạch dựa trên những thông tin không đầy đủ và chính xác sẽ làm giảm hiệu qủa của chương trình, lãng phí tiền của và đặc biệt là không ngăn chặn được sự lây lan của HIV.

[b]2. Xâm phạm những quyền cơ bản của con người

Những văn bản pháp luật quan trọng nhất (Hiến pháp của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992), Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân (l989), và Pháp lệnh phòng, chống HIV/AIDS (1995)) của Việt Nam đều khẳng định người nhiễm HIV/AIDS có quyền được bình đẳng trước pháp luật, quyền được lao động, giải trí, quyền được chăm sóc sức khoẻ và không bị phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử đã xâm phạm đến những quyền cơ bản nhất của con người. Sự xâm phạm này có thể hạn chế các quyền của người nhiễm như:

- Quyền được riêng tư và giữ bí mật về tình trạng nhiễm hoặc không bị tiết lộ hành vi cho những người khác;

- Quyền tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế địa phương có chất lượng và giá cả phải chăng;

- Quyền được làm việc khi vẫn còn khả năng lao động và không có khả năng làm lây bệnh qua công việc.

[b]3. Ảnh hưởng đến cá nhân người nhiễm

Khi sự kỳ thị và phân biệt đối xử xảy ra, người nhiễm HIV có xu hướng không muốn tiết lộ thân phận của mình, khiến họ luôn sống trong sự lo lắng, căng thẳng, vụng trộm và tự cô lập mình. Hậu quả là người nhiễm không nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ tinh thần cần thiết, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của họ.

Những người nhiễm bị phân biệt đối xử thường cảm thấy tuyệt vọng và suy nhược nhanh chóng. Kỳ thị và phân biệt đối xử làm cho họ suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần, suy kiệt nhanh hơn và thời gian sống ngắn hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu người nhiễm được chăm sóc tốt, được cộng đồng và gia đình hỗ trợ, họ có thể sống có ích trong nhiều năm, vẫn có khả năng lao động và làm ra của cải vật chất cho xã hội.