PDA

View Full Version : Những trẻ em nhiễm HIV bị bỏ rơi đang gia tăng



ruacon
06-08-04, 10:23 AM
Những trẻ em nhiễm HIV bị bỏ rơi đang gia tăng


Trước sự phát triển của đại dịch HIV như hiện nay, càng ngày càng có nhiều trẻ em bị nhiễm HIV. Và điều tệ hại hơn là số trẻ em nhiễm HIV bị bỏ rơi ngày càng nhiều. Những đứa trẻ vô tội này sẽ sống như thế nào khi sinh ra cùng với sự truyền nhiễm và không cha không mẹ?




Những ngày này, hai đứa trẻ một trai một gái mới vài tháng tuổi nhiễm HIV bị cha mẹ bỏ rơi đang sống lay lắt ở khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi T.Ư. Đó là những số phận côi cút với tương lai vô định.

Nỗi đau trẻ thơ

Căn phòng cuối cùng của khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi T.Ư rất hiếm khi có người đến thăm. Hai đứa trẻ nằm trong hai chiếc cũi không cha mẹ, không người thân. Đó là hai sinh linh bé bỏng bị bố mẹ bỏ rơi và không may bị nhiễm HIV. Tháng 12.2003, các bác sĩ, y tá của khoa Sơ sinh chăm sóc bé Phan Phương Anh từ khi mới lọt lòng, do đẻ non phải vào viện điều trị. Những ngày đầu, mẹ bé vẫn bế ẵm vỗ về, nhưng khi biết tin con bị nhiễm HIV, người mẹ vô lương tâm đó đã bỏ con lại. Với địa chỉ trong bệnh án là xã Phương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, các thầy thuốc đã cố gắng liên lạc để tìm mẹ cho bé nhưng bặt vô âm tín. Danh sách trẻ bị bỏ rơi nhiễm HIV của Bệnh viện Nhi T.Ư từ đó có thêm tên bé. Đến tháng 3.2004, Phan Phương Anh đã chính thức về ở với "các mẹ" của khoa Truyền nhiễm. Chắc biết rõ về thân phận mình nên bé Phương Anh rất khoẻ mạnh, ăn ngủ tốt.

Bé Nguyễn Đức Ánh thì tình cảnh bi đát hơn. Mới được 1 tháng tuổi bé bị bỏ lại ở phòng khám, khóc hết nước mắt mà mẹ không đến. Bé được đưa về khoa Truyền nhiễm từ 1.7.2004 với bệnh án nhiễm HIV dương tính, thể trạng gầy còm. Những ngày gần đây vết loét trên đầu bắt đầu lan ra, bé bỏ ăn sốt li bì phải dùng kháng sinh liều cao và tình hình sức khoẻ đang dần xấu đi.

Hàng ngày hai đứa trẻ nằm đó một mình với con thỏ nhựa, lúc đói bé chỉ biết khóc, lúc đau ốm cũng chỉ nằm im. Những lúc được các mẹ cho ăn, tắm rửa, được nằm vào xe đẩy ra sân hóng gió là giờ phút hạnh phúc nhất của các bé. Bé được ăn 4-5 bữa mỗi ngày, rồi tự ngủ mà chẳng cần ai ru, cũng chẳng khóc và cũng rất hiếm khi cười. Mỗi khi các mẹ bước ra khỏi phòng, bé nhìn theo mếu máo đến tội nghiệp. Chúng đã sống trong nỗi đau bệnh tật, trong cô đơn buồn tủi. Cũng trong căn phòng ấy, bé Đặng Phương Anh ở Hải Phòng bị nhiễm HIV vẫn được bố mẹ chăm sóc hàng ngày. Còn hai đứa trẻ kia không cha không mẹ nằm đó côi cút.

Căn phòng đặc biệt này của khoa Truyền nhiễm ra đời cách đây vài năm để đón những đứa trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi. Bé Mai Phương, bé Hà Phương, bé Hy Vọng, bé Lan...đã từng sống những ngày tháng đầu tiên của cuộc đời tại căn phòng này. Giờ đây các bé sống ra sao không ai còn rõ. Chỉ biết có 2 cháu được gửi về Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 và 2 cháu được người nước ngoài xin về nuôi. Số phận của các bé đành phó mặc cho trời đất.

Những bà mẹ nhân hậu

Chỉ có những thầy thuốc mới dang tay đón nhận những đứa trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi. Trong hơn 5 năm qua, các mẹ của khoa Truyền nhiễm đã đón 100 đứa trẻ bị nhiễm HIV đến tá túc, trong đó 10 cháu đã chết do AIDS. Số trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi đã có 10 cháu. BS Phạm Thị Sửu, Trưởng khoa Truyền nhiễm nói: "Chúng tôi đã rút ra kinh nghiệm, cháu nào bị viêm phổi, sốt, tiêu chảy kéo dài, nấm miệng... mà điều trị không hiệu quả thì cho làm xét nghiệm HIV. Kết quả đa số đều có HIV dương tính. Với những trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi, sau khi được chăm sóc và điều trị bệnh ổn định, làm các thủ tục thông báo tìm người nhà, nếu không ai nhận sẽ chuyển trẻ lên Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV ở Ba Vì - Hà Tây. Chúng tôi đã làm thủ tục chuyển cháu Phan Phương Anh nhưng đã hơn 1 tháng rồi chưa thấy hồi âm".

Chăm sóc trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi là nỗi vất vả của các cô y tá, hộ lý. Hàng ngày tắm rửa, ăn uống cho trẻ nhiễm HIV phải rất cẩn thận, chỉ một sơ suất nhỏ có thể dễ dàng lây bệnh. Chị Nguyễn Bích Nhật, Y tá trưởng của khoa kể: "Hiện nay găng tay y tế thông thường chưa đạt yêu cầu chăm sóc bệnh nhân HIV nên khi tắm rửa, nước vẫn lọt vào trong găng. Ngoài những vất vả thường trực như vậy, nguy cơ phơi nhiễm HIV cho các bác sĩ, y tá ở đây là rất lớn. Chế độ bảo hiểm cho cán bộ y tế chưa có, chỉ có chế độ phụ cấp rất "bèo bọt" 5.000đ/ngày chăm sóc 1 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Với những trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi, chúng tôi chăm sóc chúng không chỉ vì trách nhiệm mà là cả tình thương. Những đứa trẻ đó có tội tình gì đâu...". Hai đứa trẻ kia sẽ sống được bao lâu nữa và chúng sẽ sống ra sao trong những ngày tới. Câu hỏi ấy như là một nỗi đau! Đến bao giờ mới hết những đứa trẻ sinh ra cùng với virut HIV, không có cha mẹ?

HIV.com.vn