PDA

View Full Version : AIDS và nợ đè nén người Việt tại Campuchia



lisaqn
09-08-04, 12:53 PM
Ở đây khổ lắm chú ơi- ông Nguyễn Trung Hoài, 75 tuổi, Trưởng ấp Chroy AmPil của người Việt Nam nằm cách thủ đô Phnom Penh chưa đầy 15 km về phía đông, đã luôn mồm lặp đi lặp lại câu nói này khi kể về tình cảnh của gần 1.100 Việt Kiều nơi đây.

<div align="center">http://www.tamsubantre.org/Images_News/n23.jpg</div>

Về phần mình, cụ bà Huỳnh Thị Huyên, ngoài 70 tuổi, nghẹn ngào trong dòng nước mắt khi khẩn khoản mời chúng tôi về thăm nhà để động viên cô con gái đang trong giai đoạn cuối cùng của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
“Chồng nó mất cách đây 5 năm cũng vì HIV, tôi cứ tưởng ông trời tha cho nó sống để nuôi con cho đến tuổi trưởng thành nhưng nào ngờ...”, cụ Huyên sụi sùi nói và ôm đứa cháu ngoại chưa đầy 10 tuổi vào lòng.

Nghèo đói, dịch bệnh HIV và vay nặng lãi đang trở thành chuyện thường ngày ở ấp Việt Kiều có hơn 210 gia đình này. Đây cũng là tình cảnh chung của hàng trăm ấp Việt Kiều khác nằm rải rác trên khắp đất nước Cambodia.

Tang thương vì dịch HIV

“Tôi phải đi vay nặng lãi dể có tiền nuôi thằng cháu đích tôn này”, ông Hoài vừa nói vừa đưa tay chỉ cậu bé 6 tuổi đứng cạnh. Theo ông Hoài, cả bố và mẹ đứa cháu đích tôn đều đã chết vì AIDS khi nó mới chưa đầy 3 tuổi. “Ngay cả nó (cậu bé) cũng bị nhiễm HIV từ bố mẹ nó”, ông Hoài xót xa.

Ông già hơn 60 tuổi này đã quá yếu để có thể kiếm tiền nuôi đứa cháu nhỏ. “Chúng tôi phải sống nhờ khoản tiền tài trợ 50.000 riel/tháng (khoảng 12,5USD) của một trường trẻ mồ côi dành cho cháu bé”, ông Hoài nói.
Tuy nhiên, do khoản tiền tài trợ được trao không theo một hạn định cụ thể nào nên hai ông cháu phải đi vay nợ để sống rồi sau này lĩnh được tiền tài trợ sẽ trả sau.

Hoàn cảnh của bà Huyên còn đáng thương hơn. Cụ bà hơn 70 tuổi chỉ còn duy nhất một chiếc răng cửa này vẫn phải ngày ngày bươn trải kiếm tiền để nuôi đứa cháu ngoại và cô con gái Trần Thị Đảm, 32 tuổi đang bước vào giai đoạn cuối của căn bệnh HIV.
“Tôi cũng chẳng biết đứa cháu gần 10 tuổi của mình có bị nhiễm bệnh HIV hay không vì không có điều kiện làm xét nghiệm cho nó”, bà Huyên nói phều phào.

Khi chúng tôi tới nhà, chị Đảm đang thiu thiu ngủ trên võng. Với thân hình gày tong teo, gương mặt hốc hác xanh xao, chị nói: “Tôi biết mình phát bệnh từ tháng 10 năm ngoái với các triệu chứng như mệt mỏi, tiêu chảy, ói mửa... Cứ theo như kinh nghiệm của chồng tôi trước đây thì tôi chỉ còn sống vài tháng nữa thôi...”

Người đàn bà đang nằm chờ chết này đau đáu một điều là không biết bé Huyền con chị rồi sẽ ra sao sau này. “Khi còn khoẻ tôi làm nghề may nên còn có tiền nuôi cháu, giờ thì chỉ biết có cầu trời”, chị nói.
Cụ Huyên cho hay, từ khi chị Đảm có dấu hiệu phát bệnh gia đình chỉ biết lên chùa xin thuốc từ thiện về cho chị uống, nhưng bệnh tình chỉ thấy gia tăng mà không hề giảm.

“Tôi là Trưởng ấp nhưng cũng không thể biết được ấp này có bao nhiêu người đã nhiễm HIV”, ông Hoài nói. Chỉ khi ai đó phát bệnh ra như chị Đảm thì mọi người mới biết chắc chắn.
“Chẳng hạn như nhà ông Bá có hai con rể, một con gái đang lay lắt vì HIV, nhưng trong số 3 con gái, 5 con trai còn lại của gia đình ông không biết còn có ai đang trong giai đoạn ủ bệnh này không”, ông Hoài giải thích.

Xa vời những giấc mơ con

Khi tiếp xúc với những người dân ấp Chroy AmPil, một mong ước chung được mọi người dân nơi đây hay nhắc tới là làm sao có thể vay được vốn của các ngân hàng thương mại Cambodia.
“Họ (các ngân hàng thương mại Cambodia) cho vay với lãi suất chỉ có 6%/tháng nên nếu chúng tôi vay được nguồn vốn này chắc sẽ sống khoẻ thôi”, ông Bá nói với giọng đầy hy vọng.

Ông Hoài Trưởng ấp lại tỏ ra thiết thực hơn khi nêu ra mong ước của mình, “Giá như có một ngân hàng nào của Việt Nam sang đây làm ăn và cho chúng tôi vay vốn xoá đói, giảm nghèo thì tốt biết bao”.
Vẫn theo ông Hoài, chỉ cần một lượng vốn lưu động khoảng 1 tỷ VND (gần 70.000USD) là đủ đáp ứng nhu cầu vay tín dụng của cả ấp...

Những kẻ cho vay nặng lãi như “Thày Hút” đã cười khảy khi nghe những “giấc mơ” nói trên của những người dân ấp Chroy AmPil.

“Đừng bao giờ nghĩ tới việc vay vốn ngân hàng Campuchia khi chẳng có lấy một tài sản nào để mà thế chấp”, “Thày Hút” nói.
Thậm trí, một trong số những kẻ cho vay nặng lãi còn tự cho rằng, họ đã quá tốt khi cho những người dân nghèo Việt Nam vay vốn. “Ở trên Phnom Penh đâu có ít những người Việt Nam giầu có, nhiều tiền... nhưng nào có thấy ai đứng ra cho những người đồng hương của họ vay vốn?”, một trong số các “Thày Hút” đặt câu hỏi.

Còn về mong muốn được vay vốn ngân hàng Việt Nam thì đó là chuyện của “tương lai rất xa”.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Duy Hưng cũng đã gián tiếp thừa nhận điều này khi nói rằng, ngay cả các doanh nghiệp trong nước sang Campuchia đầu tư.

Buôn bán cũng không thể thực hiện được dịch vụ thanh toán, chuyển tiền về nước thông qua dịch vụ ngân hàng chỉ vì đến nay vẫn chưa có một ngân hàng thương mại nào của Việt Nam sang mở chi nhánh ở bên này.
“Tất cả những giao dịch thanh toán giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Campuchia hiện chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức đầy nguy hiểm là vác những bao tải tiền lớn qua lại biên giới”, ông Hưng nói.

Tin từ BBC