PDA

View Full Version : Sự thật tàn nhẫn về AIDS tại Campuchia



heorung
09-08-04, 07:07 PM
Hội nghị AIDS quốc tế tại Bangkok đang thúc đẩy sự sẵn có hơn nữa của thuốc trị HIV theo khẩu hiệu ''Tiếp cận cho tất cả mọi người''. Patrick Nicholson, một quan chức báo chí thuộc Cơ quan Cứu trợ Cafod, đã tới Campuchia để điều tra điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với một nước nghèo đang phải vật lộn để kiểm soát bệnh dịch HIV.


Một bệnh nhân AIDS tại Phnom Penh đang chết dần do không có thuốc.
Tỷ lệ nhiễm HIV tại Campuchia đã tăng vọt tới 3%, mức cao nhất tại Đông Nam Á. Campuchia là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, với 1/3 dân số kiếm được chưa tới 1 USD/ngày. Cơ sở hạ tầng vẫn đang phục hồi từ hai thập kỷ nội chiến và hậu quả của chế độ Khơ-me đỏ. Quốc gia này không có các bệnh viện đối phó với dịch bệnh HIV. Từ khi sinh ra tới khi vĩnh biệt cõi đời, chưa tới 1% dân số được được một bác sĩ công khám chữa bệnh.

Từ làng xã...
Nhà sư Hoeun Somnieg thức dậy trước lúc rạng đông để ngồi thiền tại ngôi chùa của ông, gần tổ hợp đền Angkor Wat của Campuchia. Hai mươi nhà sư khác cũng ngồi thiền cùng với ông khi họ cúi đầu trước Phật. Tuy nhiên, ngày của sư Somnieg sẽ hoàn toàn khác với các nhà sư khác. Ông đang tham gia vào cuộc chiến chống HIV/AIDS. Trong thập kỷ qua, các nhà sư ở Siem Reap được mời ngày càng nhiều tới tụng kinh tại những đám tang của người nghèo trong làng chết vì AIDS.

Các gia đình có người nhiễm bệnh bị tẩy chay khỏi cuộc sống làng xã vì hàng xóm của họ sợ bị nhiễm một căn bệnh mà họ không biết. Sư Somnieg nói: ''Tương lai thật tuyệt vọng. Tôi phải hành động để ngăn chặn sự tuyệt vọng đó''. Cách đây bảy tháng, ông bắt đầu tham gia vào việc ngăn ngừa HIV với sự trợ giúp của Cafod - cơ quan cứu trợ của Anh chuyên cung cấp tư vấn, giáo dục và chăm sóc.

Sư Somnieg đạp xe tới một ngôi làng nhỏ để nói chuyện với một nhóm người mắc bệnh AIDS. Đã từng là những nông dân vạm vỡ, thân thể họ giờ đây gầy mòn vì bệnh tật, khuôn mặt u sầu và làn da cáu bẩn, không còn sự sống. Somnieg nói: ''Phật dạy rằng sức khoẻ tốt là một phần quan trọng của sự khoẻ mạnh về tinh thần''. Ông dạy họ ăn uống đúng cách, ở sạch và luyện tập. Ông lắng nghe các vấn đề của họ, trả lời câu hỏi về AIDS và hướng dẫn làm thế nào để khắc phục sức khoẻ yếu kém của họ. Cuộc gặp kết thúc bằng việc ngồi thiền và vẩy nước thánh - biểu tượng của sự sống đối với các tín đồ Phật giáo.

Các nhà sư làm việc với bệnh nhân AIDS, giống như Somnieg, đã phá vỡ được định kiến của dân làng và hiện giờ nhiều làng đã hỗ trợ những người mắc bệnh. Họ làm một công việc đáng quý trọng: Lan truyền thông điệp về AIDS.

... Tới thành phố
Patrick Nicholson tiếp tục tới các quán rượu tại thủ đô Phnom Penh. Tiếng karaoke ầm ĩ trong khi các cô gái phục vụ mời khách hàng lựa chọn đồ uống và còn nhiều hơn thế. Các nhà chứa rất phổ biến và đủ loại, từ những nhà chứa cao cấp phục vụ khách nước ngoài cho tới những túp lều nhỏ trên bờ sông Mekong. Mặc dù một số nước Đông Nam Á nổi danh về ngành du lịch tình dục song đa phần gái mại dâm tại Campuchia lại chủ yếu phục vụ chính các đáng mày râu nước này.

Các cô gái xuất thân từ gia đình nghèo ở thôn quê. Ở thành phố, họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với ở nhà. Đó là một sự lựa chọn khó khăn. Một số người không có sự lựa chọn nào khác. Kea là một gái bán hoa 20 tuổi ở Phnom Penh. Bạn trai trước đây của cô đã bán cô cho nhà chứa. Hắn lừa cô ký vào một bản hợp đồng với các chủ chứa, nghĩa là cô phải ở đó làm để trả món nợ 100 USD của hắn.

Bao cao su? Không thích!
Mặc dù chính phủ Campuchia đã tiến hành một chiến dịch vận động 100% sử dụng bao cao su tại các nhà chứa song Tea nói rằng chỉ có khoảng 10% nam giới muốn sử dụng phương tiện này. Cô nói: ''Nếu tôi từ chối ngủ với những người không sử dụng bao cao su, họ sẽ hiếp tôi. Tôi có thể làm gì đây?''. Đôi mắt của cô vô hồn. Chúng đã chết. Đó là đôi mắt của một người phải gánh chịu những việc không thể chịu đựng nổi.

Các ca nhiễm mới chủ yếu là do chồng truyền bệnh cho vợ và từ mẹ sang con. Một trong những phản ứng then chốt của chính phủ và nhân viên cứu trợ là giáo dục. Các nhà lãnh đạo địa phương ở tỉnh Sang Ang đã tới từng ngôi làng để chỉ cho người dân cách HIV lây nhiễm và cách phòng ngừa. Đối với Lon Hieng và gia đình cô, việc làm này đã quá muộn. Lon Hieng sống cùng bố mẹ tại một ngôi nhà sàn điển hình ở nông thôn. Chồng cô là lái xe tắc-xi ở Phnom Penh, nơi anh ta thường tới nhà chứa và chỉ trở về nhà vào cuối tuần.

Chồng Lon Hieng chết cách đây năm năm do AIDS. Hieng nói: ''Tôi rất tức giận với chồng tôi khi phát hiện anh ta có kết quả dương tính đối với HIV. Nam giới ở Campuchia cần chung thuỷ với vợ của họ''. Hiện cô cũng nhiễm virus này. Long Hieng phát hiện đứa con thứ hai cũng bị nhiễm cách đây một năm. Cô đưa con gái tới bệnh viện tại thủ đô để xin thuốc chống retrovirus. Tuy nhiên, thuốc không còn. Cô bé vừa vĩnh biệt cõi đời. Mặc dù giá của các loại thuốc cần để ngăn chặn sự truyền bệnh từ mẹ sang con chưa tới 0,5 USD song lượng cung cấp lại không đủ.

Không thể tiếp cận với thuốc
Các nhân viên y tế tại Campuchia dự báo sẽ có 200.000 trẻ em mồ côi do AIDS trong vòng năm năm tới. Ít nhất 15.000 trẻ em sẽ nhiễm HIV. Một vài em sẽ được một trong bốn trại trẻ mồ côi của John Tucker tại Phnom Penh đón nhận. Tucker là một người Mỹ có trái tim nhân hậu. Từng là một thương gia, ông đã từ bỏ tất cả để cùng với vợ giúp đỡ trẻ em Campuchia. Tuy nhiên, ông chỉ có thể giúp được một nhóm nhỏ. Ông có chỗ dành cho 200 trẻ em nhiễm HIV và ống nói đó là dự án duy nhất tại quốc gia này cung cấp thuốc chống retrovirus để ngăn chặn virus HIV cho những trẻ em như vậy.

Nhiều trẻ em tới trại mồ côi của Tucker là những em bị bỏ rơi trên phố và gần như kề cận với cái chết. Sray Neing, ba tuổi, chỉ nặng 2,7kg khi em được tiếp nhận vào trại. Bức ảnh cho thấy lúc đó em chỉ còn là bộ xương. Sáu tháng sau khi được uống thuốc chống retrovirus, em mập mạp hơn và nặng 10kg. Tucker cho biết: ''Thuốc đã có tác dụng. Chúng có thể kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân thêm 15-20 năm. Tới lúc đó, có lẽ chúng ta sẽ có thuốc chữa''.

Mặc dù Campuchia là một quốc gia nằm trong mục tiêu cung cấp thuốc AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) song chỉ có 3.000 người trong tổng số 170.000 người nhiễm HIV nhận được chúng. Chi phí thuốc điều trị cho một trong những trẻ em nói trên là khoảng 500 USD/năm. Theo Tucker, đó là vấn đề tài chính, vấn đề quyết tâm chính trị của cộng đồng quốc tế. Các bộ trưởng của Campuchia cho biết vẫn không có đủ tiền để giải quyết đúng đắn bệnh dịch này

Một trong các trại tế bần ở Phnom Penh đã tiếp nhận người trên phố, cung cấp giường cũng như chăm sóc 24/24 giờ cho họ trong những ngày cuối đời. Tuy nhiên, nhu cầu cao hơn số giường. Chỉ một vài người may mắn ở Phnom Penh có giường để chết với nhân phẩm, đó chính là bản cáo trạng dành cho phản ứng của quốc tế trước bệnh dịch HIV/AIDS.
(Theo Guardian, BBC)