PDA

View Full Version : Thiếu bao cao su, thế giới bó tay trước HIV/AIDS



heorung
10-08-04, 06:22 PM
Theo báo cáo mới của UNAIDS được công bố tại Hội nghị AIDS quốc tế, bao cao su - phương tiện chính phòng ngừa sự truyền nhiễm HIV, đang thiếu hụt nghiêm trọng tại một số khu vực cần chúng nhất trên thế giới.
Công cụ phòng ngừa chính
Phát biểu khi công bố báo cáo mang tên ''Đếm bao cao su'' của Uỷ ban Hành động Dân số Quốc tế (PAI), Catherine Hankins - trưởng cố vấn khoa học của UNAIDS, cho biết: ''Bao cao su dành cho nam giới là phương tiện hiệu quả duy nhất để phòng tránh HIV và các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Bao cao su vẫn là công cụ phòng ngừa then chốt trong nhiều, nhiều năm tới''.

Tuy nhiên, chỉ có 20% các hành động quan hệ tình dục rủi ro được bao cao su bảo vệ trong năm 2003. Quan hệ tình dục rủi ro bao gồm quan hệ tình dục không có chủ định, và quan hệ không được bảo vệ khi một hoặc cả hai đối tác không chung thuỷ.

Trong năm 2000, ước tính thế giới cần tám tỷ bao cao su để giảm mạnh tỷ lệ nhiễm và lan truyền HIV. Tuy nhiên, các quốc gia tài trợ cung cấp chưa tới 950 triệu bao trong năm đó. Theo Nada Chaya, chuyên gia dân số tại PAI, năm 2002, các nước đang phát triển cần mườ tỷ bao cao su song các nhà tài trợ chỉ đóng góp 2,5 tỷ bao. Báo cáo kêu gọi nên cung cấp bao cao su ở khắp mọi nơi, giống như thuốc lá có thể được đưa tới những góc xa xôi nhất trên Trái đất.

Dữ liệu từ báo cáo cho thấy cực kỳ ít bao cao su được phát không mỗi năm cho nam giới tại những quốc gia cần chúng nhất. Chẳng hạn, mỗi năm một nam giới ở Nam Phi - quốc gia bị AIDS tàn phá, được cung cấp 2,6 bao cao su từ năm 1998 tới 2002. Trong khi đó, tại Ấn Độ nơi HIV đang lây lan nhanh, con số trung bình chỉ là 0,2 bao cao su mỗi năm.

Tại hội nghị, các chuyên gia đặc biệt chỉ trích việc nước Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống Bush tập trung vào chương trình kiêng quan hệ tình dục trước khi kết hôn, coi đó là trụ cột để phòng ngừa HIV so với bao cao su. Báo cáo kêu gọi các chương trình sức khoẻ sinh sản nên thúc đẩy sự phòng ngừa toàn diện chứ không chỉ phòng ngừa một phần như chính sách "ABC" của Mỹ - kiêng quan hệ tình dục, chung thuỷ và sử dụng bao cao su theo trật tự ưu tiên nói trên.

Nữ nghị sĩ Mỹ Barbara Lee cho biết đã có bằng chứng khoa học rõ ràng chứng minh bao cao su có thể phòng ngừa HIV trong khi các chương trình giáo dục kiêng quan hệ tình dục trước khi kết hôn lại mơ hồ và chưa được chứng minh. Theo bà Lee, một dự luật được đưa ra thảo luận tại Hạ viện Mỹ vào thứ sáu tới sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ nữ trong việc ngăn ngừa HIV cũng như ngừng cung cấp mọi nguồn tài chính cho các chương trình ''kiêng quan hệ cho tới khi kết hôn''.

"ABC" + "CNN"

Tại Hội nghị, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni là nhà lãnh đạo duy nhất ủng hộ chính sách "ABC" của Mỹ. Ông nói rằng quan hệ yêu đương dựa trên lòng tin có ý nghĩa quan trọng và ''nguyên tắc sử dụng bao cao su không phải là giải pháp cơ bản''. Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị, ông nói: ''Tại một số nền văn hoá, quan hệ tình dục phức tạp tới mức bao cao su là một trở ngại. Hãy để cho những người không thể kiêng quan hệ tình dục, không thể chung thuỷ hoặc bị ghẻ lạnh sử dụng bao cao su''.

Tuy nhiên, chuyên gia cố vấn Tim Brown thuộc Trung tâm Đông Tây ở Hawaii phản bác: ''Tôi bất đồng với ông Museveni... Bao cao su được sử dụng tại châu Phi như một phương tiện phòng ngừa. Nếu các bạn tăng tỷ lệ sử dụng cao su thêm 50% thì tôi đảm bảo với các bạn rằng HIV sẽ giảm 50%''.

Bà Lee nói: ''Trong một thời đại có thêm năm triệu người nhiễm HIV mỗi năm và phụ nữ cũng như các em gái thường không thể kiêng cữ, chương trình kiêng quan hệ tình dục cho tới khi kết hôn không chỉ vô trách nhiệm mà còn vô nhân đạo''! Bà Lee và các đại biểu khác kêu gọi các nước giàu trên thế giới dành nhiều tiền hơn cho bao cao su cũng như các chương trình chống HIV khác tại các nước đang phát triển. Các nhà hoạt động tại một phiên họp mang tên ''Giới trẻ lên tiếng'' đã hô vang khẩu hiệu ''Chúng tôi muốn được bảo vệ!''.

Bao cao su đã được chứng minh là vũ khí hàng đầu trong cuộc chiến chống AIDS tại các quốc gia như Thái Lan. Tại nước này, chiến dịch thuyết phục lao động tình dục kiên quyết sử dụng bao cao su đã làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV xuống hơn bảy lần trong 13 năm qua. Khoảng 25 triệu trong số 38 triệu người nhiễm HIV trên toàn thế giới hiện sống ở vùng cận Sahara của châu Phi. Tuy nhiên, virus này đang bám rễ ngày càng sâu ở châu Á - nơi có 7,6 triệu người nhiễm. Những người ủng hộ sử dụng bao cao su cho rằng không có cách ngăn chặn HIV nào tốt hơn việc sử dụng bao cao su và cung cấp kim tiêm sạch cho đối tượng nghiện hút. Triết lý của họ được gọi là "CNN" hay Bao cao su, Kim tiêm và Kỹ năng thuyết phục. Trong khi đó, chính quyền Bush lại khăng khăng nhấn mạnh tầm quan trọng của bao cao su sẽ thúc đẩy quan hệ tình dục bừa bãi trong giới trẻ.

Trong một cuộc thảo luận có tựa đề ''CNN và ABC'', Steven Sinding, tổng giám đốc Liên đoàn Phụ huynh Kế hoạch Quốc tế, nói rằng bao cao su nên được coi là yếu tố then chốt của một chiến lược toàn diện. Chiến lược đó bao gồm cả sự kiêng cữ. Chính sách coi trọng sự kiêng cữ của Mỹ là một ''cản trở nghiêm trọng đối với nỗ lực kiểm soát AIDS''. Kết thúc cuộc thảo luận, TS Edward Green, một thành viên thuộc Hội đồng Tư vấn HIV/AIDS của Tổng thống Mỹ đồng thời là người ủng hộ ABC, cho rằng kết hợp "ABC" và "CNN" là giải pháp tốt nhất.

Tại Hội nghị kéo dài sáu ngày này, cũng có sự nhất trí rằng chống bệnh dịch HIV/AIDS cần nhiều tiền hơn và số tiền đó chỉ có thể tới từ các nước giàu. Tới năm 2005, mỗi năm các nước đang phát triển cần chừng 12 tỷ USD để chống căn bệnh này song chi tiêu toàn cầu hiện nay là dưới năm tỷ USD/năm. Diễn viên Richard Gere, một trong những ngôi sao màn bạc nổi tiếng tham dự Hội nghị, phát biểu tại một phiên thảo luận nhóm: ''200-300 tỷ USD được chi cho cuộc chiến tại Iraq có lẽ đã diệt trừ được căn bệnh này''!

Minh Sơn (Tổng hợp)