PDA

View Full Version : Nhìn thẳng và thực trạng vấn đề HIV/AIDS



lisaqn
11-08-04, 05:58 PM
Theo báo cáo do UNAIDS - Chương trình của LHQ về phòng, chống HIV/AIDS biên soạn và công bố trước thềm Hội nghị Quốc tế lần thứ 15 về AIDS tại Bangkok của Liên Hiệp Quốc(LHQ), chỉ tính trong năm qua đã có thêm khoảng năm triệu người nhiễm HIV – con số lớn nhất kể từ khi phát hiện căn bệnh đáng sợ này vào năm 1981 đến nay.

Trên phạm vi toàn thế giới thì cứ năm người chỉ có một người biết về sự hiện diện của AIDS. Báo cáo cũng cho biết: AIDS ngày càng điển hình, ngày càng hiện rõ từ những phụ nữ và giới trẻ, với khoảng một nửa trong số gần 38 triệu người nhiễm HIV trên toàn cầu là phụ nữ và cũng cùng một con số như thế là thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 15-24.

Báo cáo về bệnh dịch AIDS toàn cầu năm 2004 cho biết: Gần ba triệu người chết vì AIDS trong năm qua, nâng tổng số người chết vì AIDS trong hai thập kỷ qua lên đến con số 20 triệu người. Khu vực cận Sahara thuộc châu Phi chỉ chiếm 10% dân số thế giới lại là nơi của hơn 60% tổng số người nhiễm HIV trên toàn thế giới, khiến cho khu vực này trở thành một nơi khó khăn nhất trong việc phòng chống cũng như chữa trị. Ước tính 25 triệu người bị nhiễm, trong đó có 2,2 triệu người nhiễm thêm vào năm ngoái. Sự lây lan của HIV tại đây vẫn đang ở mức chóng mặt, cho dù đã có gần ba triệu cư dân của khu vực này chết vì AIDS vào năm ngoái.

Tỷ lệ nhiễm HIV là quá cao ở các nước phía Đông và Nam châu Phi, làm cho 60% số trẻ ở tuổi 15 hiện nay sẽ không thể nào sống để mừng được sinh nhật lần thứ 60 của mình, trừ khi tỷ lệ nhiễm HIV xuống thấp. Lấy năm 1995 làm mốc, tuổi thọ ước tính trung bình của dân cư tại bảy quốc gia châu Phi giảm xuống chỉ còn 49 tuổi nghĩa là đã giảm thọ mất 13 tuổi vì AIDS.

Báo cáo cũng nhận diện Đông Âu và châu Á là những khu vực có tỷ lệ phát triển HIV nhanh nhất, và số tăng đó chủ yếu do những đối tượng tiêm chích ma túy. Trong chưa đầy một thập niên, tỷ lệ người nhiễm HIV tại các khu vực này đã tăng gấp tám lần; từ khoảng 160.000 trường hợp bị nhiễm vào năm 1995 lên khoảng 1,3 triệu người vào năm 2003. “Điều đáng ngại là hơn 80% số người bị nhiễm là ở độ tuổi dưới 30.”

Báo cáo cho biết, tại Châu Á, ước tính có 7,4 triệu người nhiễm HIV, bao gồm 1,1 triệu người mới nhiễm vào năm 2003. Việt Nam cũng được ghi nhận là có số tăng rõ rệt nhất. Ấn Độ hiện có 5,1 triệu người nhiễm HIV – và là quốc gia đứng thứ hai sau châu Phi có số người nhiễm cao nhất thế giới. Năm 2003, tổng số người nhiễm HIV ở Mỹ cũng tăng đến con số 950.000 người (so với 900.000 người nhiễm vào năm 2001), trong đó 1/2 tổng số ca nhiễm mới trong những năm gần đây chủ yếu xuất hiện trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Còn tại Tây Âu, hiện có 580.000 người nhiễm HIV, tăng từ con số 540.000 người ở năm 2001. Bên cạnh đó, Chính phủ các nước châu Á có vẻ “lạc quan” tin rằng HIV/AIDS đã được kiểm soát. Nhưng theo Ngân hàng Phát triển châu Á và UNAIDS, đây là thời điểm ''một mất một còn'' với châu Á!

Nhiều nguy cơ, vốn đã tồn tại và đang xuất hiện, đe doạ biến dịch bệnh HIV/AIDS ở châu Á hiện nay thành một đại dịch lớn trong tương lai gần. Tính tự mãn và định kiến xã hội sâu sắc bao quanh căn bệnh này là những rào cản lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của nó. Tuy nhiên, điều đáng báo động là: Chính phủ các nước châu Á đang dường như “quay lưng” lại với những mầm mống lớn của HIV/AIDS .

Hiện nay có khoảng hơn bảy triệu người nhiễm HIV/AIDS tại vùng châu Á - Thái Bình dương. HIV/AIDS gây ra khoảng 50.000 ca tử vong mỗi năm. Theo báo cáo này, chi phí mà châu Á phải gánh chịu do căn bệnh trên gây ra là 7,3 tỷ USD trong năm 2001. Chừng nào châu Á còn phủ nhận, tổn thất trên sẽ tiếp tục tăng. Nếu chính phủ các nước không tăng mạnh chi tiêu dành cho các chương trình ngăn ngừa HIV/AIDS cũng như chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, sẽ có mười triệu ca nhiễm mới, 750.000 ca tử vong mỗi năm và tổn thất tài chính mỗi năm sẽ lên tới 17,5 tỷ USD tới năm 2010.

Trong khi ngân quỹ toàn cầu cho việc phòng, chống và chữa trị HIV/AIDS đã tăng gần 17 lần, từ 300 triệu USD năm 1996 lên đến năm tỷ USD nhưng con số này vẫn là quá ít, chưa đạt được 1/2 chi phí cần dùng cho các quốc gia đang phát triển. Vì vậy, Ngân quỹ toàn cầu hằng năm cho việc phòng, chống và chữa trị HIV/AIDS đang được kêu gọi đóng góp tăng đến 12 tỷ USD vào năm 2005.

Theo ước tính, các chương trình phòng, chống HIV/AIDS rộng rãi và toàn diện có thể giúp ngăn ngừa 29 triệu trong số 45 triệu người dự kiến sẽ bị nhiễm trong thập kỷ này. Báo cáo cũng cho biết: “Các chương trình ngăn ngừa hiện đang không vươn tới được với những người đang rất cần nó, đặc biệt là hai nhóm có thể bị lây nhiễm cao nhất - phụ nữ và thanh, thiếu niên”.

Báo cáo cũng cho rằng cách làm và các mức độ ưu tiên như đã từng được thực hiện ở phương Tây là không có hiệu quả: “Tại các nước có thu nhập cao, chữa trị chiếm ưu thế cao hơn là ngăn ngừa và hậu quả là: lần đầu tiên trong mười năm qua, sự lan truyền HIV đã tăng lên”. Mặc dù thuốc điều trị kháng virus giúp nhiều bệnh nhân nhiễm HIV sống lâu hơn nhưng báo cáo của LHQ cho biết: Chỉ có 7% số người nhiễm tại các nước đang phát triển là có đủ khả năng để tiếp cận với loại trị liệu này. Theo dự tính, “Khoảng năm - sáu triệu người tại các quốc gia đang phát triển sẽ chết trong vòng hai năm tới nếu họ không nhận được các chữa trị nhằm kháng lại virus”.

An Bình Theo vietnamnet.vn và vnn.vn