PDA

View Full Version : Ma túy là gì?



heorung
12-08-04, 03:43 PM
Ma túy là gì?
Là những chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp khi ngấm vào cơ thể con ngườI sẽ làm thay đổI trạng thái ý thức, trí tuệ, tâm trạng của người đó, gây ra hiện tượng quen rồi nhớ, không dễ bỏ được.

Một số ma túy thường gặp:

- Các chất giảm đau, tạo trạng thái hưng phấn và gây nghiện cao. Nhóm này bao gồm: morphine, heroin … chế biến từ cây thuốc phiện. Thuốc phiện nhân tạo gồm những chất như: methadone, pethidine …

- Các chất có tác dụng giảm đau: rượu, thuốc ngủ …

- Các chất gây kích thích, tạo cảm giác hưng phấn nhưng có tính gây nghiện cao, như cocain chế biến từ lá cây coca. Thuốc nhân tạo có amphetamin.

Nghiện là gì?

Là tình trạng ngộ độc lâu dài do sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần một hay nhiều loại ma túy. Nghiện có những đặc điểm sau đây:

- Bức xúc về mặt tâm lý muốn sử dụng lại chất gây nghiện.

- Cơ thể lệ thuộc vào chất gây nghiện. Khi ngừng sử dụng sẽ gây đau đớn, vật vã.

- Khuynh hướng tăng dần liều sử dụng hoặc chuyển sang dạng mạnh hơn.

Những tác hại của ma túy:

Ma tuý có tác hại rất lớn cho bản thân người nghiện, gia đình và xã hội.

- Khi lên cơn nghiện, người nghiện không từ thủ đoạn nào để có tiền mua thuốc, kể cả phạm pháp, làm khổ gia đình, làm mất trật tự an ninh xã hội.

- Khi "phê" thuốc, người nghiện thường mất tự chủ và dễ có quan hệ tình dục không an toàn, dẫn tới mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS.

- Sau một thời gian dài dùng thuốc:

+ Thuốc dạng hít dễ gây hỏng niêm mạc mũi.

+ Thuốc dạng hút làm suy yếu phổi nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng ở phổi và đường thở.

+ Thuốc dạng tiêm chích dễ gây nhiễm trùng nơi tiêm, nhiễm trùng huyết và sốc dẫn đến chết người.

+ Một nguy cơ lớn nhất là việc dùng chung dụng cụ tiêm chích dễ làm lây truyền các loại bệnh nguy hiểm như: sốt rét, viêm gan B và HIV/AIDS.

+ Người nghiện thường có cơ thể tiều tuỵ, suy nhược, da xám xịt, tóc xơ xác, ngại học hành, lười lao động, ngại tắm rửa ...

+ Người nghiện dễ chết vì dùng quá liều hoặc do cơ thể suy kiệt, nhiễm trùng.

Vì sao tiêm chích ma túy dễ nhiễm HIV/AIDS

- Dùng chung bơm kim tiêm không khử trùng là con đường lây HIV từ người này sang người khác nhanh nhất.

- Dùng chung ma túy đựng trong một lọ.

- Ít hiểu biết về phòng tránh HIV/AIDS.

- Quan hệ tình dục không an toàn với nhiều người.

- Người nghiện vốn đã suy kiệt do độc chất gây nghiệ, nếu nhiễm HIV dễ gây ra các bệnh nguy hiểm, đưa nhanh đến giai đoạn AIDS.

Làm gì để giảm tác hại của ma túy?

Cần áp dụng các biện pháp giảm tác hại như:

- Cai nghiện.

- Chống tái nghiện.

- Chuyển từ chích sang hút, hít.

- Tiêm chích an toàn.

- Tránh quá liều và xử trí quá liều.

- Tình dục an toàn.

- Vệ sinh thân thể và nâng cao thể lực.

Dấu hiệu phát hiện người nghiện ma túy

- Người nghiện thường tìm nhiều dịp để sử dụng ma túy tránh khỏi sự quan sát của người thân: ra khỏi nhà nhiều hơn, vào nhà vệ sinh lâu hơn, đi ngủ sớm ...

- Cần nhiều tiền một cách bất thường.

- Một số dấu vết: Mắt đỏ, miệng, gáy, tóc, cổ áo có mùi khét khó ngửi, tay chân có vết chích, vết sẹo do đầu thuốc lá dí vào.

- Người nghiện có bề ngoài tiều tụy, gày ốm, da xám xịt, tóc xơ xác, răng gãy vụn, ngại học hành, lao động, tắm rửa.

- Khi bị thiếu thuốc người nghiện ngáp nhiều, vẻ mặt rũ rượi, nặng nữa là vật vã đau đớn.

Phòng và ngăn ngừa ma túy:

Đối với ma túy, nhất là heroin, đừng thử dù chỉ một lần.

Gia đình, nhà trường cần phát hiện những yếu tố nguy cơ sớm như:

- Bắt đầu tụ tập bạn bè,ăn chơi đàn đúm.

- Học tập giảm sút, thi rớt, lưu ban.

- Căng Thẳng, mệt mỏi, buồn chán ...

Khi đó nên gần gũi, tâm tình, trao đổi có thể:

- Hướng dẫn các em cương quyết nói "không" trước những lời rủ rê sử dụng ma túy.

- Cách ly với những bạn bè xấu, các băng nhóm chơi bời hút thuốc, uống rượu, nghe nhạc kích động, đua xe ...

Tiếp xúc tìm hiểu và giúp đỡ các em vượt qua những khủng khoảng về mặt tinh thần nếu có.

Giúp tạo được những nguồn vui lành mạnh và vận động các em tham gia hoạt động thể thao, hoạt động từ thiện, công tác xã hội, đặc biệt là hoạt động truyền thông phòng chống AIDS, ma túy.

heorung
24-08-04, 09:40 AM
Cocain, thuốc lá và nguy cơ sảy thai tự nhiên

Hút thuốc lá và sử dụng cocain có thể gây nguy cơ sảy thai tự nhiên. Các nhà khoa học đã nghiên cứu mối liên quan giữa sử dụng cocain và thuốc lá với sảy thai tự nhiên trong số thanh thiếu nữ và phụ nữ mang thai (tuổi từ 14-40).
Tổng số gồm 400 thanh thiếu nữ và phụ nữ sảy thai tự nhiên (tuổi dưới 22 tuần) và 570 trường hợp tuổi thai trên 22 tuần. Nồng độ cocain đo được qua phân tích nước tiểu, mẫu tóc và tự khai báo của đối tượng. Nồng độ thuốc lá được đo qua phân tích nước tiểu và tự khai báo.
Kết quả: thanh thiếu nữ và phụ nữ ở cả hai nhóm chủ yếu là người da đen và tình trạng kinh tế xã hội thấp. Trong số người sảy thai tự nhiên thì 28,9% dùng cocain dựa trên phân tích tóc và 34,6% hút thuốc lá dựa trên cơ sở phân tích nước tiểu, còn với số thanh thiếu niên và phụ nữ không bị sảy thai tự nhiên thì tỷ lệ này là 20,5% và 21,8%. Sự hiện diện của cocain trong các mẫu tóc liên quan với tăng sảy thai tự nhiên. Tuy nhiên, việc kiểm tra cocain bằng khai báo và qua phân tích nước tiểu thì không như vậy. Sự hiện diện của nicotine trong nước tiểu liên quan với tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên. 24% nguy cơ sảy thai tự nhiên có thể do liên quan đến sử dụng cocain và thuốc lá.

Mai Hùng (New England Journal of Medicine )

heorung
24-08-04, 04:12 PM
Những điều cần biết về cần sa

BS Văn Tân, Sức Khỏe & Đời Sống
http://www.ykhoa.net/BACHKHOA/TINTUC/IMAGES/8.JPG
Cần sa nguy hiểm hơn người ta tưởng.
Cần sa không làm say như rượu nên người nghiện tưởng là mình vẫn tỉnh táo và cứ lái xe. Nhưng thực ra mắt họ đã kém, dễ bị lóa bởi đèn pha, phản ứng của tay chân trở nên chậm chạp và dễ gây tai nạn trên đường. Trong số thanh thiếu niên chết vì tai nạn xe cộ ở Mỹ, hơn 1/3 có hoạt chất của cần sa trong máu.

Cần sa là một loại cây nhỏ có tên khoa học là Connabis sativa. Phần lá và hoa của nó được phơi khô để hút hay nhai, có thể làm cho say sưa, quên thực tại. Tiếng Tây Ban Nha gọi phần này là morijuana, ngụ ý cần sa có sức quyến rũ như những người đẹp (Mori theo tiếng Anh là Mary, Juana là Jane, những tên thông thường của phụ nữ). Trong cuộc chiến với Mỹ cuối thế kỷ thứ 19, binh lính Mexico đã từ chối ra trận nếu chưa được dùng morijuana. Nhựa ở lá và hoa của cần sa được chiết ra và cô lại thành từng bánh, dùng để hút, có tác dụng mạnh hơn morijuana nhiều lần.

Cần sa có tới 400 hóa chất và khi hút thì 160 chất sẽ theo khói vào phổi và cơ thể. Chất gây nghiện chủ yếu của loại ma túy này là tétrahydro-cannabinol (THC). Chất này qua phổi, vào máu và lên não rất nhanh. Chỉ sau 10 giây, người nghiện đã thấy nhẹ nhõm, sảng khoái, quên đi những ưu tư, khổ tâm, dễ vui vẻ cười đùa, thích ăn uống nhậu nhẹt. Họ có cảm giác nhẹ lâng lâng như đang bay bổng, tim đập nhanh, mắt đỏ, âm thanh qua tai và hình ảnh qua mắt thường bị xáo trộn. Vì vậy, cần sa dễ lôi cuốn giới trẻ muốn tìm cảm giác lạ, muốn đi vào một thế giới ảo tưởng, xa rời thực tại. Sau vài giờ, THC sẽ rời não và tụ lại ở các mô mỡ, tồn tại ở đó cả tháng.


Cần sa là chất độc làm hủy hoại cơ thể và nhân cách

Người hút nhiều cần sa sẽ bị ngộ độc với các biểu hiện tim đập nhanh, hồi hộp, lo sợ, ưu tư vô cớ, sau đó là trầm cảm, hoang tưởng, không thích giao thiệp hay bạn bè như trước. Khi đã nghiện thì tình trạng càng bi đát hơn: tâm hồn tiêu cực, tính tình thụ động, ít cảm xúc, không muốn đi học hay đi làm, hay cáu giận, khó tập trung tư tưởng, không thiết đến tương lai, luôn sống trong ảo giác.

Chất THC làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể nên người dùng cần sa dễ bị AIDS hơn. Khi cai nghiện, sức miễn dịch sẽ trở lại mức thường. Cần sa khiến tay chân lạnh vì máu chảy đến kém và làm nặng hơn tình trạng bệnh tim. Loại ma túy mang tên mỹ nhân này cũng làm giảm sự rụng trứng ở phụ nữ và làm yếu tinh trùng ở nam giới, khiến họ rất khó thụ thai. Nếu dùng cần sa khi mang thai, nó có thể làm thay đổi nhiễm sắc thể của tế bào, gây đẻ non hoặc dị tật bẩm sinh cho trẻ.

Khi hút cần sa, lượng hóa chất xâm nhập phổi cao gấp đôi, lượng CO2 trong máu cũng tăng 50% so với khi hút thuốc lá. Vì vậy, người hút nhiều thường ho vì viêm phế quản, sau nhiều năm sẽ bị khó thở, suy hô hấp. Lá cây cần sa được ủ không sạch nên thường có vi sinh vật, đặc biệt là nấm aspergillus làm nám phổi và vi khuẩn salmonella gây đau bụng, tiêu chảy, sốt cao.


Cai nghiện: Ý chí là yếu tố quyết định

Người nghiện ít khi nhìn rõ mình để tự biết là đã mắc nghiện. Họ cũng thiếu can đảm để thổ lộ với người thân. Có thể phát hiện bằng cách thử nước tiểu để tìm THC và chất chuyển hóa của nó. THC tồn tại trong các mô mỡ cả tháng nên rất dễ tìm, dù chỉ được dùng 1 lần vào tuần trước đó.

Cai nghiện cần sa dễ hơn cai các ma túy khác vì người nghiện không bị hành hạ bởi các triệu chứng về thể xác, điều quan trọng là phải có ý chí. Gia đình, bạn bè cần cảm thông và khuyến khích. Có thể dùng tâm lý trị liệu để giúp người nghiện lấy lại lòng tin.

Nếu có phản ứng tâm lý (như các cơn sợ hãi) hoặc các triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, run rẩy, người nghiện phải được điều trị trong bệnh viện.

heorung
24-08-04, 04:22 PM
VÀI HIỂU BIẾT CĂN BẢN VỀ CẦN SA



BS. Nguyễn Ý-ĐỨC



Cần sa là một vấn đề của bao mái gia đình, đồng thời cũng gây nhiều tranh cãi trong y giới. Mời quí độc giả đọc bài viết về cần sa của BS. Nguyễn Ý-ĐỨC.



Tiếng Việt ta còn gọi Cần Sa là Gai Dầu, Đại Ma. Tên khoa học là Cannabis sativa. Tùy theo mỗi quốc gia, cần sa được chế biến với nhiều tên gọi khác nhau. Ở Mỹ châu gọi là Marijuana, Ấn Độ có tên Bhang hay Ganjah, Bắc Phi châu gọi là Takouri, Ai cập và khối Ả rập gọi là Haschich.

Cần sa có nguồn gốc từ miền núi non hiểm trở trên Hi Mã Lạp Sơn và từ nhiều ngàn năm nay đã được dân chúng khắp nơi trồng để dùng hoặc để bán.

Cây cần sa có thể cao tới trên 5 thước tây, toàn cây có phủ một lớp lông mịn như tơ và cây đực thường gầy mảnh hơn cây cái. Hạt cần sa hình trứng có nhiều dầu; lá mọc cách, có cuống và lá phụ. Cây trưởng thành trong vòng từ ba tới sáu tháng, sau khi hạt nẩy mầm. Cần sa mọc ở nơi cao độ và khí hậu nóng sản xuất nhiều nhựa hơn và có tác dụng mạnh hơn.



Cần sa trong y học


Việc dùng cần sa với mục đích y học hiện đang là đề tài thảo luận, bàn cãi của nhiều giới chức trong cũng như ngoài ngành y khoa với nhiều ý kiến chống và thuận, chưa ngã ngũ.

Thực ra, cần sa đã được dùng để chữa bệnh từ thời thượng cổ. Vua Thần Nông bên Tầu gọi cần sa là “Thượng Thảo” vì công dụng chữa được nhiều bệnh. Dân Hy Lạp xưa kia dùng cần sa để trị bệnh đau tai, phù thũng; Ai cập để chữa đau mắt; Hoa Đà cho người bệnh sắp giải phẫu dùng cần sa để bớt đau; Ấn Độ xưa chế thuốc viên gồm cần sa với đường để người uống vui, yêu đời hơn.

Ngoài ra, cây cần sa còn được dùng làm giấy viết, vải may quần áo, bao bố, dây thừng. Vào năm 1776, bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ nghe nói là được viết nháp trên giấy chế từ cây cần sa.

Tại nhiều quốc gia, cần sa đã và vẫn được dân gian dùng để chữa các bệnh như nhiễm trùng tiểu tiện, đau ngực, mất ngủ, phong thấp khớp, tiêu chẩy, ho suyễn, nhức đầu, lở bao tử, ung bướu.

Theo từ điển bách khoa Bitanica, thì cần sa gây ra sự say sưa và mê sảng rất là lạ kỳ, đôi khi vui nhộn khiến người tiêu thụ cười phá, nhẩy múa lung tung. Vì có tác dụng đó trên tâm trạng con người, nên cần sa đã bị các chính quyền cũng như lãnh đạo tôn giáo nghiêm cấm, hạn chế tiêu thụ, trồng trọt. Bên Mỹ, cần sa được xếp vào loại I của các chất có khuynh hướng gây ghiền mà chính phủ cần kiểm soát.

Hiện nay, khắp nơi trên thế giới, đã có những vận động để cần sa được dùng tự do như một dược phẩm. Nhiều phong trào, được hỗ trợ bởi một số tài phiệt, đã đứng ra cổ võ cho sự hợp pháp hóa này. Họ nêu ra kết quả của nhiều nghiên cứu, nhất là của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, từng nói là “những nguy cơ của cần sa dường như không độc hại cho công chúng bằng nguy cơ do dược phẩm, rượu và thuốc lá”. Họ còn nhấn mạnh rằng “mặc dù đã được dùng từ nhiều ngàn năm mà cần sa chưa trực tiếp gây ra một tử vong nào cho con người”.

Năm 1995, trong Journal of the American Medical Association, bác sĩ Lester Grinspoon và Luật gia James B. Bakalar viết rằng cần sa ít đưa tới ghiền và rất ít bị lạm dụng như mấy thứ dược phẩm hiện đang được dùng để trị bệnh chẳng hạn thuốc ngủ, thuốc thư giãn bắp thịt, thuốc chống đau nhức.

Nhưng đa số dân chúng chống đối nên cần sa vẫn còn được đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền liên hệ. Bác sĩ không được biên toa cho bệnh nhân mua cần sa, dù có bệnh trầm trọng, với lý do là cần sa có thể có tác dụng phụ không tốt và có thể đưa tới ghiền.

Năm 1996, cử tri ở hai tiểu bang California và Arizona bỏ phiếu ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý cho phép dùng cần sa để trị bệnh. Tháng 11 năm 1998, cử tri của các tiểu bang Alaska, Washington, Arizona, Oregon, Nevada cũng bỏ phiếu hỗ trợ ý kiến tương tự.

Năm 1998, Hội Luật Gia Hoa Kỳ góp ý kiến là những người mắc bệnh trầm trọng mà cần sa coi như có thể giúp ích thì có quyền được chữa với thảo mộc này dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.



Dược phẩm cần sa



Cho tới nay ở Hoa Kỳ, chỉ có dược phẩm Dronabinol (Marinol) có chất cannabinol được phép bào chế bán để trị bệnh. Đây là một hóa chất do sự tổng hợp trong phòng thí nghiệm chứ không phải chiết ra từ cây cần sa. Dược phẩm này được chính thức dùng trong hai trường hợp:

Năm 1985, Marinol được dùng để giảm thiểu sự ói mửa của bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng hóa chất hay phóng xạ, đặc biệt khi các dược phẩm khác không công hiệu. Theo một số nghiên cứu, cần sa công hiệu hơn hai thứ thuốc chống ói mửa thường dùng Compazine và Torecan.

Năm 1992, thuốc được dùng để kích thích khẩu vị, tăng cân nặng ở bệnh nhân bị ung thư hay bệnh AIDS. Bệnh nhân liệt kháng HIV-AIDS là nhóm người đông đảo nhất dùng cần sa với mục đích phụ trị bệnh vì họ kém ăn uống, hao mòn cơ thể. Nạn nhân của bệnh Alzheimer vì biếng ăn cũng đã được cho dùng Marinol với nhiều kết quả lên cân đáng kể.

Một số nghiên cứu khác cho rằng cần sa còn có thể được dùng như phương tiện trị liệu phụ để làm giảm triệu chứng bệnh trong mấy trường hợp sau:

- Giảm các cảm giác đau đớn của cơ thể sau giải phẫu, đau nhức kinh niên trong các trường hợp ung thư, chứng đau nửa đầu, đau vì chấn thương cột tủy.

- Làm giảm sự run rẩy chân tay hay co rút của cơ bắp trong bệnh xơ cứng lan tỏa thần kinh (multiple sclerosis), chấn thương cột tủy xương sống, bệnh Parkinson, Huntington, hội chứng Tourette.

- Ngừa co giựt trong bệnh kinh phong.

- Giảm triệu chứng bệnh cao áp nhãn (glaucoma): kết quả nhiều nghiên cứu cho hay áp suất trong nhãn cầu giảm tới 25% khi người bệnh hút cần sa hoặc uống Marinol đồng thời lại không có phản ứng phụ như các thuốc hạ áp suất mắt hiện nay đang được dùng.

Để được chữa bằng cách hút cần sa, nhiều chuyên gia khuyên dùng thử trong một thời gian ngắn như dưới sáu tháng và trong những diều kiện sau:

Có bằng chứng là các dược phẩm khác không công hiệu
Có nhiều hy vọng là cần sa có thể làm dịu bớt một số triệu chứng của người bệnh
Cần được chuyên gia y tế theo dõi việc điều trị, gia giảm liều lượng và ghi nhận kết quả.
Mặc dù có thuốc Marinol, nhiều người bệnh vẫn muốn và đòi hỏi được hút cần sa, vì mạnh hơn, mau hơn, và ít gây tác dụng phụ.

Cũng nên lưu ý là đa số các nghiên cứu về cần sa đều tập trung vào hoạt chất chính tetrahydrocannbinol (THC) và các chất có liên hệ với THC, được gọi chung là cannabinoids.



Cần sa như chất kích thích


Cho tới hiện nay, cần sa vẫn được coi như chất kích thích bất hợp pháp. Người tàng trữ, trồng cần sa bị pháp luật trừng phạt; người ghiền được khuyến cáo ngưng, chữa; nhân viên công tư sở có thể bị sa thải nếu thử nước tiểu thấy có dấu vết cần sa.

Cần sa hút được chế biến hoặc từ lá, hoa, rễ hay nhánh của cây Cannabis sativa phơi khô trộn lẫn với nhau. Thường có mầu nâu hoặc xanh xám, cần sa chứa gần 400 hóa chất mà chất chính là THC (delta-9-tetrahydrocannabinol).

Trước thập niên 1960, ít ai nghe nói tới ghiền hút cần sa, nhưng ngày nay nó là loại thảo mộc mặc dù bị cấm mà lại được dùng rất nhiều ở mọi quốc gia. Riêng tại nước Mỹ, số trẻ em học lớp 8-10 dùng cần sa tăng lên gấp đôi; còn học sinh trung học thì tăng gấp ba. Trong khi đó số người quan niệm dùng cần sa là có hại lại giảm thiểu. Theo một thống kê của chính phủ Hoa Kỳ, khoảng 69 triệu người trên 12 tuổi đã thử cần sa ít nhất một lần trong đời. Cần sa được dùng nhiều nhất vào tuổi 14 tới 25; từ tuổi 35 trở đi thì số người dùng giảm.

Có nhiều cách dùng cần sa: cuộn như thuốc lá để hút; nhồi ống điếu để hút; hút như kiểu dân ta hút thuốc lào trong điếu cầy; nhai cần sa hoặc trộn trong thức ăn. Có người còn rạch điếu xì gà, lấy thuốc lá ra, thay thế bằng cần sa, rồi hút. Khi hút như vậy lại uống thêm một xị rượu mạch nha thì gọi là làm một quả B-40. Nhiều tay ghiền còn trộn ma túy cocaine với cần sa để hút cho “phi” hơn.



Tác dụng của cần sa


Cần sa có tác dụng khác nhau trên cơ thể tùy theo cách dùng, có dùng lẫn cùng với rượu hay các thuốc khác, nhất là có chứa nhiều hay ít hoạt chất cannabinol.

Có người sau khi dùng trở nên như mất cảm giác, tê dại. Nhưng đa số lại thấy tinh thần lên cao, do đó có hiện tượng lạm dụng. Họ cười nói huyên thuyên nhưng không gẫy gọn, mạch lạc. Họ như bị thu hút bởi những cảm giác, âm thanh, mùi vị thông thường và thấy những sự việc vụn vặt trở nên hấp dẫn, khêu gợi. Với họ, khái niệm về không gian không còn, họ như bị phân đôi và thời gian như lắng đọng, chậm lại.

Họ cảm thấy khát nước và đói. Tim tăng nhịp đập, miệng khô, đi đứng nghiêng ngả mất thăng bằng, cử động chậm chạp, cặp mắt đỏ ngầu, con ngươi mở to. Huyết áp lên cao, nhất là khi dùng cần sa chung với các thuốc kích thích khác hay với rượu. Sau đó khoảng vài ba giờ thì triệu chứng phai lạt dần và người phi thuốc cảm thấy rã rượi rồi đi vào giấc ngủ triền miên. Người mới dùng lần đầu hoặc dùng quá nhiều có thể có những cảm giác lo sợ, bồn chồn hoặc ý nghĩ hoang tưởng. Đôi khi có người như bị man dại, loạn trí, trầm buồn có ý muốn quyên sinh, cần được điều trị khẩn cấp.

Sau khi dùng, cần sa được chuyển hóa, tích tụ trong các tế bào mỡ và được nước tiểu và phân thải ra ngoài. Dăm ngày sau khi dùng, vẫn còn dấu vết hóa chất THC trong nước tiểu mà dùng nhiều thì chất này còn thấy ở trong nước tiểu nhiều tuần lễ sau khi ngưng.



Ảnh hưởng trên sức khỏe


1- Trong ngắn hạn, khi dùng nhiều, cần sa làm giảm trí nhớ về các sự kiện mới xẩy ra như vừa được giới thiệu tên một người khách mà vài phút sau đã quên bẵng đi; kém tập trung để hoàn tất một việc hơi phức tạp, tỷ mỉ. Cần sa làm rối loạn sự nhận thức và kéo dài thời gian phản ứng, dễ đưa tới tai nạn xe cộ. Dùng lâu, cần sa khiến học sinh chia trí, dành ít thì giờ cho việc học, đạt điểm xấu, hay trốn học. Còn các lực sĩ mà ghiền cần sa thì biểu diễn, tranh tài suy giảm trông thấy.

2- Về hậu quả lâu dài: Sau nhiều nghiên cứu, các khoa học gia thấy rằng người hút cần sa mỗi ngày thường đau ốm và hay đi bác sĩ hơn người không dùng. Cần sa làm tiêu hao T-cell, tế bào chính để chống nhiễm trùng, đưa đến suy yếu sự miễn dịch.

Cũng như thuốc lá, cần sa ảnh hưởng tới phổi, khiến ho nhiều có đàm, dễ bị sưng phổi. Trong cần sa cũng có những hóa chất có thể gây ung thư phổi như trong thuốc lá. Vài nghiên cứu khác cho biết cần sa có thể đưa đến ung thư cổ và đầu. Một vài nghiên cứu cho hay trong cần sa có nhiều chất gây ung thư hơn thuốc lá tới năm, sáu chục phần trăm. Ngoài ra cần sa không có đầu lọc, đồng thời người hút thường hít mạnh hơn, giữ khói lâu hơn trong phổi.

Đàn bà có thai mà hút nhiều cần sa thì sanh non, con nhẹ ký, thân ngắn, đầu nhỏ, lớn lên kém tập trung. Mẹ hút, cho con bú thì hoạt chất THC từ sữa sang làm ảnh hưởng không tốt tới các cử động bắp thịt của con.

Ảnh hưởng của cần sa vào người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, cao huyết áp, bệnh mạch máu não rất đáng quan tâm. Cần sa làm tăng nhịp tim đập, tăng máu rời khỏi tim, thay đổi huyết áp, giảm dưỡng khí cho mạch máu tim, tất cả đều đưa tới hậu quả không tốt. Tháng 2 năm 2000, American Heart Association đã đưa ra một kết luận là hút cần sa có thể gây ra cơn kích tim (heart attack) ở người có trái tim không được mạnh: nửa giờ sau khi hút, cơn kích tim xẩy ra bốn lần nhiều hơn là không hút.

Thí nghiệm ở chuột thấy cần sa làm chết tế bào thần kinh nhất là vùng não có trách nhiệm về trí nhớ ngắn hạn, có thể đưa tới bệnh tâm thần, giảm động lực, kém nhanh nhẹn.

Về bộ phận sinh dục, cần sa có thể làm giảm kích thích tố testosterone, làm teo ngọc hành, thay đổi hình dạng và sự cử động của tinh trùng, giảm ước muốn ái ân, rối loạn kinh kỳ, trứng nữ trở thành bất bình thường.

Người dùng nhiều cần sa trở nên phụ thuộc vào nó, không có không chịu được và mỗi ngày cần nhiều hơn mới cảm thấy thỏa mãn. Khi nhớ thuốc mà không hít thì ngáp ngắn ngáp dài, mất ngủ, chẩy nước miếng, đổ mồ hôi, buồn nôn, tay chân run rẩy, nhiệt độ cơ thể tăng, ăn không ngon, trở nên bẳn tính, gắt gỏng, buồn bã. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu cho là cần sa ít gây ra ghiền hơn ma túy, rượu, thuốc lá hoặc các thuốc an thần.



Vấn đề dùng cần sa ở thanh thiếu niên


Việc con cái dùng cần sa hoặc các chất gây ghiền khác là mối quan tâm lớn của các bậc làm cha mẹ.

Tại nhiều quốc gia, trẻ em bắt đầu thử với cần sa ngay từ khi còn ở lớp 8, lớp 10. Biết sớm để hỗ trợ, cứu giúp là điều cần, ngõ hầu tránh được những hậu quả không tốt cả về thể xác lẫn tâm thần, xã hội cho con trẻ. Trẻ em ghiền dễ gây ra những hành động vô ý thức, những tổn thương cơ thể do tai nạn hoặc dính líu vào hành dộng tình dục không muốn và không an toàn. Chúng cũng hay mang vũ khí nhỏ và hay đánh lộn hơn là trẻ không dùng cần sa.


1. Những dấu hiệu dùng cần sa ở tuổi trẻ:

Trẻ em dùng cần sa đều rất khéo nói dối và phủ nhận có vấn đề khi cha mẹ căn vặn. Nhiều khi nói chỉ hút chứ không hít vào. Cho nên các bậc cha mẹ đều cần đề cao cảnh giác, để ý những dấu báo hiệu dùng thuốc ở con mình.

Dấu hiệu sớm nhất thường là thay đổi thái độ và hành động của chúng. Học hành đang chăm chỉ tiến bộ, trở thành chểnh mảng, điểm xấu, hay trốn học hoặc đi học trễ, bị đuổi; tính tình thay đổi, kém tập trung, mau quên. Tác phong bất thường có thể là tự cô lập, thu mình không giao tiếp với ai, buồn rầu, cáu gắt với anh chị em trong nhà, bỏ những giải trí thường ưa thích, đôi khi ăn cắp vặt để có tiền mua thuốc. Các em ăn ngủ thất thường, hay than phiền chóng mặt, mệt mỏi, bước đi không vững, mắt đỏ hoe. Nhiều em trở nên hoang tưởng, hoảng hốt một cách vô cớ. Trên quần áo, trong phòng ngủ có mùi cần sa.


2. Những nguy cơ đưa đến tuổi trẻ dùng cần sa:

Hầu hết người dùng cần sa đều nói là để có cảm giác thoải mái và yêu đời hơn. Với trẻ em thì có rất nhiều lý do khiến các em hút rồi ghiền cần sa.

Nhiều em thấy người khác hút, tò mò thử coi xem sao, sau nhiều lần thích rồi thành quen. Có em thì bị bạn bè ép dụ hoặc tình nguyện dùng vì muốn được chấp nhận vào băng nhóm. Nhiều khi các em dùng vì sống trong gia đình có người ghiền rượu, thuốc ma túy. Có em dùng để giải tỏa buồn bực, khó khăn xẩy ra trong gia đình như bố mẹ bất hòa, vắng mặt thường xuyên, tính tình bất nhất lúc khó lúc buông thả. Em khác lại hút vì gặp khó khăn trong việc học, không được hướng dẫn cho tương lai, trốn học. Có nghiên cứu cho thấy gene di truyền cũng đóng vai trò trong việc dùng cần sa và các loại thuốc gây nghiện khác.

Cũng như đối với các hóa chất có thể lạm dụng khác, người dùng cần sa sẽ trải qua mấy giai đoạn:

- Nghe nói cần sa làm tinh thần phấn khởi, yêu đời, nên muốn thử cho biết

- Sau vài lần thử thấy hay hay, hấp dẫn bèn thử nữa

- Ám ảnh với cảm giác thích thú kích động bèn dùng thường xuyên hơn và dùng mọi thủ đoạn để có thuốc

- Giai đoạn cuối là dùng bất cứ thuốc nào khác thay thế để thỏa mãn cảm giác mong muốn.

Đó là điểm nguy hại vì khởi đầu từ cần sa các em có thể đi tới nghiện các loại thuốc độc hại hơn như là hồng phiến, bạch phiến, rượu mạnh, các hóa chất kích thích tâm thần khác.


3. Để ngăn ngừa con em dùng cần sa:

Thực ra không có phương cách thần sầu nào để ngăn ngừa việc con người mắc vào các tật ghiền, nghiện ngập. Hơn nữa thuốc gây nghiền lại hiện diện khắp nơi, tương đối dễ dàng mua lại luôn luôn quyến rũ người không có nghị lực, không có quan niệm sống lành mạnh.

Cho tới nay, chưa có dược phẩm nào để chữa người nghiền cần sa, ngoại trừ cố vấn, đối thoại, giải thích. Sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè đóng vai trò rất quan trọng. Điều cần là cha mẹ phải sống gần gũi với con cái, hỗ trợ, theo dõi sinh hoạt hàng ngày của con mình. Bắt đầu nói chuyện với con cái về ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe của cần sa và các loại thuốc ngay khi còn bé. Cho con cái hay là chúng có thể thảo luận các vấn đề khó khăn với mình bất cứ lúc nào và trong tinh thần cởi mở, hiểu biết. Luôn luôn cảnh giác: khi nghi là con cái dùng cần sa thì phải hành động ngay để cứu chữa. Đừng ngần ngại do dự khi thấy cần sự giúp đỡ của người có thẩm quyền về ghiền hút.

Có nhiều chương trình phục hồi dành riêng cho giới trẻ nghiện ngập. Nơi đây các em sống hoàn toàn nhịn thuốc đồng thời học hỏi cách thức đối phó với các vấn đề khó khăn về cảm xúc, hành vi, thể xác gây ra do cần sa.

Quan trọng hơn cả là chính các em phải ý thức được vấn đề và muốn thay đổi. Rồi cả nhà cùng cầu nguyện cho người con lạc hướng.

heorung
08-09-04, 08:46 PM
Xuất hiện loại ma tuý mới.

Thei tin từ chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, trong các đợt truy quét tệ nạn buôn bán ma tuý tręn địa bàn thành phố thời gian qua các cơ quan chức năng đã phát hiện một laọi ma tuý mới có tên gọi là "tài mà". Loại ma tuý này có sợi nhỏ như sợi thuốc lào và sử dụng cũng như hút thuốc lào. Trong 9 tháng qua tệ nạn ma tuý ở một số địa điểm của thành phố lại nóng lên với sự hoạt động của nhiều đối tượng buôn bán cũng như những tụ điểm hút chích.... Ước tính thành phố có đén 42 tụ điểm, 138 điểm phức tạp với 447 đối tượng bị nghi hoạt động phạm tội về ma tuý. Hà Nội đang mở đợt cao điểm về phňng chống tệ nạn ma tuý với mục tięu đưa 880 đối tượng nghiện hút ma tuý vào cai tại các trung tâm.

heorung
13-09-04, 09:33 AM
TÁC HẠI CỦA MA TÚY VÀ CHẤT GÂY NGHIỆN


Tệ nạn nghiện ma túy và các chất gây nghiện đang gây khủng hoảng toàn thế giới và riêng ở nước ta, tệ nạn này đang phát triển theo chiều hướng rất xấu trong một bộ phận thanh thiếu niên tạo sự lo lắng cho toàn xã hội. Không chỉ tác hại do gây ra sự nghiện ngập và dẫn đến tội ác làm băng hoại thế hệ trẻ mà chính phương cách sử dụng ma túy chủ yếu qua con đường tiêm chích làm cho sự lây nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ lan truyền rất rộng. Mặc dù sự thông tin về tác hại của ma túy và các chất gây nghiện trên các phương tiện truyền thông đã được thực hiện khá nhiều nhưng vẫn còn không ít người chưa thấy rõ sự tác hại. Trong bài nói chuyện hôm nay, xin được nhắc lại và nhấn mạnh những gì chúng ta cần biết về ma túy và các chất gây nghiện cũng như những tác hại không lường của chúng.

Trước hết là ma túy. Đây là từ Hán Việt, với nghĩa: ma là tê mê, túy là say sưa. Như vậy, ma túy là chất đưa đến sự say sưa, mê mẩn. Đây cũng là từ tiếng Việt dùng để dịch chữ nước ngoài dùng để chỉ các chất gây nghiện thuộc loại nguy hiểm nhất. Đó là: thuốc phiện (là nhựa lấy từ quả cây thuốc phiện), morphine (là chất được trích ra từ thuốc phiện) heroin (còn gọi là bạch phiến, là chất được bón tổng hợp từ morphine), cocain (là chất được trích từ lá coca, ở ta người nghiện ít dùng nhiều nhất), là một số thuốc tổng hợp có tác dụng tương tự morphine được sử dụng trong điều trị y tế nhưng nếu người nghiện lạm dụng thì cũng được xem là ma túy, đó là pethidine (tên biệt dược: Dolosal, Dolargan) v.v...

Ngoài những chất được xếp vào loại ma túy thật sự kể trên, còn có những chất gây nghiện khác cũng gây tác hại không kém nếu bị lạm dụng. Các chất gây nghiện này thường dễ bị lạm dụng do hiểu lầm là ít hoặc không gây tác hại. Những chất này gồm có:
1. Cần sa mà tiếng lóng hiện nay gọi là bồ đà, được hút giống như hút thuốc lá. Nên lưu ý, cần sa trên phương diện dược học được phân vào nhóm chất gây ảo giác, trong đó có LSD là chất đang bị lạm dụng nhiều.
2. Các thuốc an thần gây ngủ như: Seduxen, Séconal (tiếng lóng là "sì cọt") Iménoctal (tiếng lóng là "immê") Rohypnol (tiếng lóng là "rô hồng", "rô cam").
3. Các thuốc kích thích loại amphetamin như ectasy mà báo chí gần đây có đề cập, bị sinh viên Mỹ lạm dụng và hiện đang lan tràn sang các nước Châu Á. Tất cả các chất kể trên đều là chất gây nghiện. Như vậy, việc sử dụng những chất gây nghiện này cụ thể đã gây ra tình trạng nghiện thuốc như thế nào ? Có tác hại nguy hiểm ra sao mà khiến cho tất cả chúng ta đều cần phải cảnh giác tránh xa ?

1.Gây sự lệ thuộc về mặt thể chất hoặc về mặt tâm lý:
Hay nói ngắn gọn là bị nô lệ. Người nghiện nếu đã quen dùng khó lòng ngưng, không sử dụng chất gây nghiện. Ma túy nguy hiểm vì nó gây sự lệ thuộc cả hai, thể chất và tâm lý. Về mặt tâm lý, người nghiện luôn có sự ham muốn không kềm chế được là phải sử dụng ma túy. Còn về mặt thể chất, nếu quen dùng mà lại ngưng, không sử dụng tiếp, sẽ bị các rối loạn mà từ chuyên môn y dược gọi là bị "hội chứng cai thuốc" gây cơn vật vã dữ dội như bị tiêu chảy, ói mữa, đau nhức cơ xương, tim đập hỗn loạn... làm người nghiện đau đớn khổ sở không chịu được phải tiếp tục dùng ma túy, thậm chí gây tội ác, cướp của, giết người để có tiền mua ma túy.

2.Có khuynh hướng phải tăng liều:
Tức là, người sử dụng chất gây nghiện cần phải tăng liều sử dụng lên mới đạt được tác dụng mong muốn. Thí dụ, lúc đầu chỉ cần hút một hai điếu cần sa trong ngày là thấy đủ, nhưng dần dần phải hút cả một hai chục điếu cần sa trở lên mới thấy đủ hay nói theo người nghiện là mới thấy "phê". Không những thế, người nghiện không chỉ tăngliều mà còn thay đổi chất gây nghiện, thay đổi phương cách sử dụng để tăng cảm giác khoái cảm. Và đây chính là mối nguy hại luôn chờ đón người tập tành sử dụng chất gây nghiện. Như lúc đầu chỉ hút vài điếu cần sa, sử dụng vài viên thuốc an thần gây ngủ loại Seduxen gọi là để nếm "cảm giác lạ", nhưng dần dà khi quen dùng, do nhu cầu phải đạt được cảm giác gọi là "phê", người nghiện sẽ đi đến sử dụng ma túy loại mạnh loại gây tác hại dữ dội cở như heroin. Rồi từ phương cách sử dụng chỉ là hút, hít, uống, người nghiện sẽ đi đến sử dụng phương cách tiêm chích, bởi vì tiêm chích là cách đạt đến cảm giác "phê" nhanh và mạnh nhất. Đến đây có thể là tận cùng của sự tác hại do sử dụng chất gây nghiện bởi vì tiêm chích ma túy là con đường thuận lợi nhất dẫn đến nhiễm HIV/AIDS, và khi bị lây nhiễm HIV/AIDS do tiêm chích ma túy, trong tình hình chưa có thuốc chữa và thuốc ngừa như hiện nay, bị lây nhiễm HIV/AIDS cũng có nghĩa là sẽ chết.

Ta nên lưu ý, ma túy và các chất gây nghiện chính là độc chất, chỉ cần dùng quá liều là đưa đến tử vong. Trong thời gian qua, có khá nhiều bạn trẻ nghiện ngập phải được đưa vào bệnh viện cấp cứu do ngộ độc heroin. Và nếu có dùng đúng liều không đưa đến tử vong thì bản thân ma túy và các chất gây nghiện đều có sẵn sự tác hại. Nói chung, các chất gây nghiện đều là các chất được gọi là "hướng tâm thần", hoặc là ức chế hoặc là kích thích hệ thần kinh trung ương. Lạm dụng các chất này sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ, đặc biệt dễ bị suy nhược tâm thần. Như người nghiện cần sa, thuốc kích thích amphetamin dễ bị bệnh tâm thần, dễ sa sút ý chí đưa đến có khuynh hướng tự tử. Các thuốc an thần, thuốc ngủ đều có tác dụng phụ nếu dùng lâu ngày sẽ gây tổn hại đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Ngoài tác hại do độc chất ma túy và chất gây nghiện làm nhiễm độc, cơ thể người nghiện còn bị tổn thương hoặc bị nhiễm trùng do phương cách sử dụng thuốc. Dân "chích choát", tức người nghiện dùng đường tiêm chích thì bị nhiễm trùng do tiêm thuốc bất kể điều kiện vô trùng, họ không chỉ bị lây nhiễm HIV mà còn bị nhiễm các bệnh lây qua đường máu như viêm gan siêu vi B, C...Người nghiện hít heroin, cocain thì bị thủng vách mũi, người hút cần sa thì bị viêm nhiễm đường hô hấp. Người nghiện amphetamin sau thới gian sử dụng kết hợp thuốc phiện và amphetamin thì tất cả răng đều bị gãy vụn. Do chỉ quan tâm đến sử dụng ma túy và chất gây nghiện để đạt cảm giác khoái cảm, người nghiện thường không tha thiết đến ăn uống và thường bị suy dinh dưỡng để từ đó bị nhiễm bệnh cùng một lúc.

Tệ nạn ma túy và chất gây nghiện không chỉ tác hại khu trú ở cá nhân mà có tác động đến toàn xã hội. Chỉ cần có một người nghiện trong gia đình thì gia đình đó xem như gánh chịu một thảm họa. Không những thế, người nghiện rất dễ phạm tội ác, có thể làm bất cứ điều gì phương hại đến an ninh trật tự xã hội miễn sao có tiền để tiêm chích, hút sách thỏa mãn cơn nghiện.

Tóm lại, tác hại của ma túy và các chất gây nghiện là khôn lường. Nếu sa vào con đường nghiện ngập, chắc chắn sẽ là thảm họa cho cá nhân, gia đình và cho cả xã hội. Xin các bạn trẻ đường lạm dụng chất gây nghiện dù bất cứ lý do gì. Đối với các bật phụ huynh, xin hãy dành thời gian quan tâm, gần gũi, chăm sóc con cái, đặc biệt ở tuổi mới lớn. Chúng ta cần có biện pháp tích cực giáo dục phòng ngừa cho trẻ không sa vào con đường nghiện ngập ma túy và các chất gây nghiện.


DS.TS Nguyễn Hữu Đức
Trường ĐHYD - TPHCM.