PDA

View Full Version : trách nhiệm tạo dựng niềm tin!



heorung
13-08-04, 02:53 PM
Thật cần thiết khi ngày càng có nhiều ý kiến đặt thẳng vấn đề phải công nhận thành quả của giới trẻ. Người ta đã nhìn thấy một thực trạng gì đó, ví như sự lãng phí, bất công đối với chất xám giới trẻ, một cơ chế không khuyến khích giới trẻ “bộc lộ”, “đứng trên vai” tri thức và những kết quả có sẵn.

Nhưng theo tôi đó chỉ mới là thực trạng một chiều. Chiều còn lại nằm trong câu hỏi: giới trẻ làm gì để được công nhận? Nếu chỉ đề cập đến sự phấn đấu chung chung của giới trẻ và sự nhìn nhận từ các vị lớn tuổi đối với người trẻ thì chưa đủ. Thật vậy, nếu chỉ phấn đấu làm được những chuyện mà ai được đào tạo bài bản và cần mẫn cũng có thể làm được thì chưa thể kêu gọi sự công nhận của người khác, và dĩ nhiên các vị có kinh nghiệm khó có thể giao trách nhiệm cho mình.

Điều này là do trong tiến trình của công việc sẽ nảy sinh một số tình huống mà với khả năng tầm tầm anh không phản ứng được. Phải rèn “nội công” để người khác thấy anh giải quyết vấn đề linh hoạt và có thể phản ứng với những chuyện không lường trước. Thành thật mà nói trong nhiều trường hợp, những người lớn không tin ta vì năng lực của ta chưa đủ tầm để làm họ tin.

Đó là chưa kể yếu tố tâm lý con người luôn nghi ngờ và không thiện cảm với cái lạ. Đọc báo ta thấy giới trẻ ở nhiều nước được trọng dụng và giữ các vị trí chủ chốt. Một nguyên nhân quan trọng, theo tôi, là giới trẻ các nước đã tạo lập được niềm tin.

Và tôi cho rằng muốn có sự công nhận lẫn nhau, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi với nhau, các thế hệ phải có niềm tin lẫn nhau, nhưng giới trẻ phải thật sự là người năng động trong chuyện này. Tạo lập niềm tin, nói cách nào đó là “công trình” của cả một đời nhưng điểm xuất phát là tuổi trẻ.

Niềm tin đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc công nhận người này hay người kia, nhưng nó là một giá trị vô hình. Thế nhưng, để có nó ta cần phải làm những việc cực kỳ cụ thể. Lấy ví dụ, nếu bạn đạt điểm cao trong các kỳ thi quốc tế như TOEFL, IELTS, ECPE…, thì người nước ngoài nào cũng sẽ tin bạn giỏi tiếng Anh. Còn dù bạn giỏi tiếng Anh nhưng không tham dự các kỳ thi trên hay vì lý do nào đó điểm không cao, bạn phải tốn rất nhiều công sức để người ta tin là tiếng Anh của bạn giỏi!

Bởi vậy, phải chăng điểm đầu tiên khi tạo niềm tin là bạn phải đạt được một hệ thống các “chuẩn” tối thiểu cho lĩnh vực bạn đang theo đuổi. Trừ một vài lĩnh vực mới, hầu hết các ngành đều đã thiết lập (một cách vô hình) một hệ thống các “chuẩn” (giống như trong môn cờ vua vậy).

Điều tiếp theo là phải làm việc trối chết và cố gắng nghĩ cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo mà các thế hệ trước phải khổ sở lắm mới làm được. Bài học này được rút ra từ lý lịch của giáo sư các đại học lớn trên thế giới: ở tuổi 25-28, họ đều giải quyết được một vấn đề khó còn đang tồn tại của khoa học hay thay đổi hẳn cách nhìn về một ngành nào đó.

Họ biết đứng trên chính đôi chân của mình. Điều này không dễ và cũng là điểm khác biệt cơ bản khiến người này được công nhận trong khi người kia thì không.

TRƯƠNG LÊ