PDA

View Full Version : Em đến để đón anh về...



heorung
18-08-04, 06:32 PM
http://69.57.134.83/~dsep/New/imgs/94scan0011.gif
Ra khỏi bệnh viện, Hải bước đi như vô định. Bước chân vô tình đưa anh qua tiệm đồ cưới. Mùa cưới rồi, từng đôi trai gái tay trong tay hạnh phúc và bận rộn với việc mua sắm đồ cưới. Hải cay đắng nghĩ, nếu như không mắc nghiện thì có lẽ bây giờ anh và Hạ đã là một trong những đôi như thế. Vậy mà, chỉ vì thiếu hiểu biết, vì muốn nhanh chóng kiếm được nhiều tiền mà anh đã phải trả giá bằng cả tuổi trẻ.
Sự thật phũ phàng khiến anh đau đớn và tuyệt vọng. Anh không đủ can đảm để về quê, anh rất sợ khi phải nói cho Hạ sự thật này. Lòng dạ rối bời, Hải chợt nghĩ đến Du. Chỉ có Du may ra mới hiểu, mới giúp được anh lúc này.
... Du sửng sốt, bàng hoàng khi nghe chuyện của Hải. Sau một lúc im lặng, Du hỏi:
- Hạ đã biết chuyện chưa?
- Chưa!
Họ lại cùng im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Hồi đó, Hải, Du và Hạ hợp thành một bộ ba cực kỳ thân thiết. Tuổi thơ của họ lam lũ, nhưng đầy ắp những kỷ niệm vui vẻ. Lớn lên, cả Du và Hải đều đem lòng yêu Hạ và rồi Hải đã nhanh chóng tỏ tình và được Hạ chấp nhận. Còn Du yêu Hạ với một tình yêu âm thầm. Anh quyết định vào Tây Nguyên lập nghiệp, vui buồn với cây cà phê, hồ tiêu, mong muốn quên đi tình yêu đơn phương vô vọng của mình. Một thời gian sau, Hải cũng theo bạn bè lên tận vùng biên giới làm dân cửu vạn gánh hàng thuê. Đến đây, anh mới hiểu kiếm tiền vất vả, cực nhọc đến thế nào. Anh định bỏ cuộc thì bị bọn xấu lôi kéo vào ma tuý. Anh đã dại dột dùng thử và rồi mắc nghiện. Hàng ngày, bán sức khoẻ không đủ đổi lấy ma tuý. Anh đã sớm nhận ra sai lầm của mình, kiên quyết từ bỏ để làm lại cuộc đời. Vào trại cai nghiện, được sống với những người cùng cảnh ngộ, được sự giúp đỡ của cán bộ, anh đã bớt đi mặc cảm về mình. Hải mong muốn đến ngày thoát khỏi ma tuý anh sẽ trở về, sẽ kể cho Hạ nghe về những lỗi lầm và sự phấn đấu để "sửa mình" của mình và về những con người nơi đây. Hải tin rằng Hạ sẽ hiểu, sẽ thông cảm và tha thứ cho anh.
Du muốn an ủi Hải, nhưng hình như anh cũng không đủ sức, mãi rồi anh cũng thốt lên:
- Quên bệnh tật đi và ở đây với mình Hải ạ.
Du vẫn vậy, vẫn tốt bụng, thật thà và thơm thảo. Bên Du, Hải thấy khuây khoả ít nhiều. Điều Hải sợ nhất là khi đi ngủ. Hễ nhắm mắt lại là bao nỗi sợ hãi lại bủa vây. Anh không dám nghĩ đến lúc về quê gặp mọi người, gặp Hạ. Mọi người sẽ nhìn anh với ánh mắt như thế nào? Dường như Du thấu hiểu mọi suy nghĩ, tâm trạng của anh. Trong những lúc anh suy sụp nhất, Du luôn bên anh cảm thông và chia sẻ.
Đất dưới chân Hạ như tụt xuống, chao đảo khi cô nhận được thư của Hải. Cô đã yêu, đã hy vọng, chờ đợi, vậy mà... Mất mát quá lớn khiến Hạ gần như suy sụp. Nhưng tình yêu buổi ban đầu không dễ làm cô đành lòng bỏ rơi Hải, dù thế nào, Hạ vẫn yêu anh và yêu hơn bao giờ hết. Hạ hiểu rằng, Hải đang rất cần cô, cần sự đùm bọc, yêu thương của xóm làng. Điều đó thật khó khăn, song tình yêu mà cô đã dành cho anh sẽ tiếp thêm cho cô nghị lực.
Hải thẫn thờ thả từng bước chân dưới vườn cây xanh lá. Rồi anh như không tin ở mắt mình. Từ xa, Hạ đang cùng Du đi tới. Hạ đứng lặng trước mặt Hải. Sau một thoáng im lặng, Hạ nói:
- Về quê đi anh! Em đến để đón anh về...

Vũ Đăng Bút

heorung
24-08-04, 07:45 AM
Tệ Nghiện rượu và ma túy làm tăng nguy cơ bạo lực trong gia đình

Theo kết quả một nghiên cứu được tiến hành ở nhiều phòng cấp cứu trên khắp nước Mỹ thì những phụ nữ có chồng nghiện rượu, ma tuý hoặc thường xuyên thất nghiệp là những người có nguy cơ phải chịu bạo lực trong gia đình cao nhất. Còn một nghiên cứu khác cho thấy bạo lực chống lại phụ nữ nghèo ở thành phố không chỉ xuất phát từ những người gần gũi nhất, mà còn do các thành viên trong gia đình, bạn bè và người quen của họ gây ra. Tệ nghiện ma túy, nhất là cocain, là một yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến bạo lực gây thương tích trong những trường hợp này.
Với phụ nữ Mỹ, bạo lực gia đình là nguyên nhân hàng đầu gây ra những thương tích không chết người. Để xác định yếu tố nguy cơ bạo lực trong gia đình, trong nghiên cứu thứ nhất các tác giả đã tìm hiểu 282 phụ nữ phải cấp cứu vì những thương tích do chồng hay bạn tình gây ra và so sánh với một nhóm gồm 659 phụ nữ được điều trị cấp cứu vì những lý do sức khỏe khác. Kết quả là tệ nghiện ngập, cả nghiện rượu và ma túy, làm tăng nguy cơ bị đánh đập của phụ nữ lên gần 4 lần. Những phụ nữ đang có quan hệ với người đàn ông mới bị mất việc hoặc không có nghề nghiệp ổn định dễ bị ngược đãi gấp 3 lần so với những phụ nữ khác. Những phụ nữ có chồng chưa tốt nghiệp trung học cũng có nguy cơ cao.
Nghiên cứu thứ hai được tiến hành trên những phụ nữ có thu nhập thấp sống ở thành phố, bao gồm 405 phụ nữ phải điều trị thương tích do bạo lực ở những phòng cấp cứu phía tây Philadelphia, so sánh với 520 phụ nữ đến điều trị những bệnh khác. Kết quả cho thấy bạo lực gia đình là nguyên nhân chủ yếu của thương tích, 46% số phụ nữ bị thương do người chồng hoặc bạn trai hiện có hay mới có. So với bạn tình của những phụ nữ không bị cố ý gây thương tích, bạn tình của những phụ nữ bị ngược đãi thường là người có tiền án, có dùng cocain và bị ngược đãi khi còn nhỏ. Những thương tích còn lại phần lớn là do bạn bè, gia đình, hàng xóm và người quen gây ra.
Những phụ nữ bị bạn tình gây thương tích có xu hướng bị cô lập, ít có lòng tự tôn, ít được hỗ trợ về tài chính và xã hội
Những báo cáo này cung cấp bằng chứng quan trọng cho thấy không nên sửa đổi Luật về Bạo lực Chống Phụ nữ, năm 1994 bộ luật này đã không được Tòa án Tối cao Mỹ thừa nhận. Những người phản đối bộ luật này cho rằng việc chống lại bạo lực đối với phụ nữ nên được coi là trách nhiệm của các bang, chứ không phải của chính phủ liên bang. Nhưng sự bảo vệ dưới luật có hiệu quả là trách nhiệm của chính phủ, vì việc kiểm soát rượu, ma túy, nghèo đói và thất nghiệp bắt nguồn từ sức mạnh kinh tế của quốc gia, và sâu xa hơn, là từ sức mạnh kinh tế toàn cầu.



Cẩm Tú ( Reuters)