PDA

View Full Version : Phụ nữ nhiễm HIV mất mát nhiều hơn nam giới



heorung
24-08-04, 03:59 PM
M., ngoài 20 tuổi, có 8 năm học thanh nhạc. Cuộc đời cô sẽ phẳng lặng và trở thành giáo viên dạy nhạc nếu như M. không quen một chàng trai nghiện ma túy. Bất chấp gia đình ngăn cản, cô bỏ tất cả để đến với tình yêu. Mãi đến khi người yêu chết vì căn bệnh AIDS, M. mới biết mình bị nhiễm HIV, cũng là lúc cái thai trong bụng được 6 tháng.
Chọn giải pháp phá bỏ cái thai đã tượng hình đó, M. cũng tìm cái chết cho mình bằng một đường dao cắt đứt động mạch ở tay. May thay, cô được cứu sống. Hôm nay, đứng tại cuộc hội thảo “Phụ nữ và trẻ em trước hiểm họa HIV”, M. kể chuyện về mình như một lời kêu gọi mọi người hãy chú ý đến thân phận của người phụ nữ trước đại dịch này.

http://www.ykhoa.net/BACHKHOA/031222/tiem-vua.jpg
Trẻ em cũng không được bọn buôn bán ma túy buông tha.
Tiến sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, nhận định phụ nữ nhiễm HIV bị kỳ thị và chịu đau khổ nhiều hơn. Ông nhắc lại một câu chuyện đã từng làm “đau đầu” ngành y tế. Một cô giáo ở tỉnh nọ bị chẩn đoán lầm là nhiễm HIV. Người chồng đuổi cô ra khỏi nhà. Cho đến ngày chứng minh được mình không hề bị nhiễm HIV thì cô đã mất tất cả, đứa con không được sự chăm sóc của mẹ đã chết...

- Trong lịch sử chưa từng có chuyện chỉ trong vòng 18 tháng, Liên Hợp Quốc phải tổ chức bốn cuộc họp về dịch AIDS, trong đó có cả cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. AIDS được xem là vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế và xã hội toàn cầu, không chỉ là y tế.

- Hết năm 2003, Việt Nam sẽ có gần 170.000 trường hợp nhiễm HIV. Đến năm 2005 sẽ có gần 200.000 ca nhiễm, trong đó hơn 46.000 người tử vong do AIDS.

- Ở Việt Nam, trước đây chỉ có 1% gái mại dâm sử dụng ma túy, nhưng đến nay con số này đã lên đến 40%. Sự bùng phát việc dùng ma túy làm số lượng gái mại dâm bị nhiễm HIV cũng tăng cao. Tại TP HCM có đến 25% gái mại dâm nhiễm HIV. Thế nhưng suốt từ năm 1993 đến nay, con số gái mại dâm sử dụng bao cao su không thay đổi: chỉ có 30%.

Phụ nữ có thai nhiễm bệnh còn phải đối phó với nhiều vấn đề hơn, bác sĩ Nguyễn Ban Mai, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP HCM, nhận định. Họ (đa số lây bệnh từ chồng) phần lớn đều phải tự quyết định việc nên phá thai hay không..., khiến giai đoạn khủng hoảng tinh thần kéo dài, khó lòng vượt qua được. Họ cùng quẫn và dễ nghĩ đến chuyện tự tử… Trên thực tế đã từng có những người mẹ chính tay bóp cổ con mình và tự tử chỉ vì hai mẹ con đều nhiễm HIV mà nguồn gốc là từ người chồng.

Trẻ em nhiễm HIV cũng chịu thiệt thòi rất lớn, bà Lương Thị Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban dân số gia đình và trẻ em thành phố, đánh giá. Theo bà, phần lớn các em không được đến trường vì không có tiền, bị xa lánh vì người khác sợ lây. Bản thân trẻ cũng sợ cô giáo và bạn bè biết mình đang nhiễm bệnh, sợ gia đình bạn cấm không cho chơi chung. Quan trọng hơn là khi cha mẹ mất đi, khó khăn về vật chất lẫn tinh thần, yếu tố tâm lý đè nặng lên tâm hồn trẻ. Cộng thêm sự phát triển của HIV không được ngăn chặn và các bệnh cơ hội xuất hiện làm suy giảm sức khỏe, rút ngắn đời sống của các em.

Bà Thuận cũng kiến nghị nhà nước cần sớm có chiến lược chăm sóc trẻ bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; nhanh chóng triển khai chương trình phòng ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con nhằm hạn chế sự gia tăng số lượng trẻ bị nhiễm; có chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ bị nhiễm.

Kết thúc bài phát biểu của mình, bác sĩ Nguyễn Ban Mai đã gửi đến hội thảo thông điệp “Hãy nỗ lực hành động vì phụ nữ và trẻ em”.

Thiên Phúc

heorung
24-08-04, 05:22 PM
Người nhiễm HIV khát sống

Nguyễn Hằng
"Nỗi đau đầu tiên là nhìn đứa con gái ra đi trên chính đôi tay của mình khi cháu chưa đầy 3 tuổi. Hơn 3 tháng sau, anh ấy cũng ra đi. Trách anh ư? Anh là nạn nhân, tôi và con gái tôi là nạn nhân của nạn nhân. Người chịu đau khổ và thiệt thòi nhất vẫn là phụ nữ. Đành rằng sự mất mát nào cũng đau đớn nhưng những người mất chồng, mất con trong chiến tranh, họ đau trong niềm tự hào và được tôn vinh, còn chúng tôi đau trong sự ê chề, xấu hổ".

Ước có xe đạp đi mua ve chai!
http://hiv.com.vn/ne/325722/242081/325722_242081.JPG
Bạn Phạm Thị Huệ và M (Hải Phòng).
Chúng ta cần chia sẻ niềm vui
chăm sóc con cái.
Lần đầu tiên, chị S (Châu Đốc, An Giang) được ra Hà Nội, cũng là lần đầu tiên chị tham dự khoá đào tạo kỹ năng sống cho người nhiễm HIV do dự án Policy tổ chức. Hai đêm đầu tiên, chị S không dám ngủ mà tranh thủ thời gian xem...TV. "Nhà em làm gì có TV mà xem". Trong khách sạn, không "quen" nằm đệm, S xuống sàn nhà cho thoải mái. Nỗi bất hạnh đến với cuộc đời, mà giờ đây, chị cũng chỉ biết đổ cho số phận. 18 tuổi, từ An Giang lơ ngơ đi xe đò lên Sài Gòn tìm việc, S bị lừa bán đi Campuchia. Được hơn một tháng, khi mà chị đã phải qua bao lượt tiếp khách, gia đình biết tin, chuộc về thì S chỉ còn "1 phần hồn, 9 phần xác".

Chưa biết mình đã nhiễm HIV, gặp anh T cảm thương, hai người nên nghĩa vợ chồng. Hai kẻ làm thuê, không nhà gặp nhau, mái nhà họ là một cái chòi canh vịt giữa cánh đồng. Quần áo giặt giũ, nước ăn uống đều từ nguồn nước kênh bên cánh đồng ấy cả (!!!). Nhiều đêm, trước khi đặt lưng phải hót phân vịt trên chiếu. Ngoài cái giường ọp ẹp, tài sản của đôi vợ chồng là mấy chiếc nồi, vài cái bát. Cuộc sống của hai vợ chồng nghèo chắc sẽ cũng trôi đi nếu không có một ngày S đi xét nghiệm, và sau đó cả anh T. Cả hai đều đã nhiễm.

Chắc là HIV "của" Campuchia! Trời cũng còn thương, hai đứa con gái của chị không sao. Đứa đầu tiên lọt lòng, không biết "kế hoạch", cô thứ hai chỉ kém chị chưa đầy tuổi. Lúc này thì căn bệnh quái ác bắt đầu phát tác. Sức lao động của anh T bán mãi cũng không đủ nuôi 4 miệng ăn. Mâm cơm với rau luộc chấm tương "rền" ngày này sang tháng khác. S gạt nước mắt đem cho đứa con gái nhỏ. Mỗi lần nghĩ đến hòn máu đứt ruột đẻ ra đã cho đi gần năm, chị đau đến thắt ruột. Nhưng không dám đến thăm con, vì chỉ sợ thân phận của mình sẽ ảnh hưởng đến tương lai nó.

Giờ đây, hai cánh tay, hai chân của S. đã bắt đầu lở loét. Tứ thời, S phải thay phiên nhau vận 2 cái áo bò. Cảm thương trước hoàn cảnh của S, anh chị em đồng đẳng cùng nhiễm HIV đã quyên góp cho S hơn 1 triệu đồng. S lần đầu tiên được cầm nhiều tiền thế, khóc cảm ơn: "Nguyện vọng lớn nhất của em là mua được một chiếc xe đạp, đi mua ve chai. Con em không bị nhiễm, có tiền thì vợ chồng em có đủ tiền cho cháu đến trường được"!

Nạn nhân của nạn nhân
"Hễ nói đến Vân Đồn (Quảng Ninh), người ta nghĩ ngay đến vịnh Bái Tử Long thơ mộng. Ơ đó có những bãi tắm đẹp, những khu sinh thái nổi tiếng nhưng người ta cũng rất ngạc nhiên và giật mình khi biết rằng ở đó có hàng trăm goá phụ chỉ 18 - 40 tuổi. Các đức ông chồng sử dụng ma tuý đã bị căn bệnh AIDS đưa "lên nóc tủ buôn chuối". Trong số những goá phụ kia, có người biết mình nhiễm HIV, nhưng cũng có người không hay... Nhiều đêm tôi không dám chợp mắt vì sợ rằng lúc tỉnh dậy mình không còn là mình. Với tôi lúc này là con số không, sau bao năm xuất giá tòng phu, nay trở lại với bố mẹ hành trang bên mình là cái án tử hình. Cái cần nhất của tôi lúc này là cuộc sống, là sức khoẻ, tôi khao khát sống từng ngày cho dù cuộc sống khó khăn vất vả đến mấy". Chị H đã mở đầu lá thư gửi đến những người bạn "đồng đẳng" của mình như thế!

Chị H vô cùng sợ ngày mưa và những đêm dài. Bệnh tật thập thò ngoài cửa và có thể ập đến khiến chị không còn kịp thở, chị chỉ còn sống với những ký ức. Ra đường, nghe thấy tiếng gọi "mẹ ơi", chị H lại nhớ con đã mất gần 2 năm. Khi 9 tháng, bé H.V biết đứng, nhưng mãi 2 tuổi mà không lò dò đi được bước nào, chỉ nặng có hơn 6kg. Càng nuôi, nó lại càng teo đi. Một lần, nhà chẳng còn đồng nào mua quà sáng cho con, con bé nhìn thấy hàng cháo, chìa tay ra "măm mới", chị "đau" nhưng đành mắng át con đi": Con hư, ở nhà không chịu ăn, ra đây lại đòi". Giờ đây, không biết bao lần, chị giận mình đã mắng oan con. Dần dần, con bé khó thở, ăn vào lại nôn ra, không gọi sõi được, chỉ bập bẹ "...ẹ ơi!". Để rồi sinh linh bé bỏng chưa kịp hiểu về sự sống, cái chết ấy đã xa lìa mẹ nó khi chưa đầy 3 tuổi. Lúc đó, chị mới biết chính xác chồng mình bị nhiễm, lây cho vợ và con gái. Con bé, rồi đến bố nó lần lượt bỏ đi, để lại người mẹ nhiễm HIV cô độc.

Tối hôm ở Hà Nội, chị bảo: "Em cho chị đi một vòng phố, thở không khí Hà Nội đêm". Nghe giọng chị rầu rầu, cứ như là vậy, chị mới cảm thấy mình đang được sống, để rồi lại buồn hơn và khát sống hơn. Chị ngân ngấn nước mắt: "Nỗi đau mất mát rồi cũng nguôi ngoai chìm lắng, nhưng nỗi đau về tinh thần cứ theo đuổi cùng với sự kỳ thị và phân biệt của những người xung quanh. Đi đâu, cũng mang tiếng là vợ thằng nghiện. Đành rằng sự mất mát nào cũng đau đớn như nhau nhưng những người mất chồng, mất con trong chiến tranh, họ đau trong niềm tự hào và được tôn vinh, còn chúng tôi đau trong sự ê chề, xấu hổ".

Không đầu hàng số phận
10h đêm, khi tôi đưa chị H trở về quán càphê P.P trên đường Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) - điểm hẹn của CLB "Vì ngày mai tươi sáng" với gần 20 thành viên nhiễm HIV ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận, gặp bạn L vẫn thức chờ chị H, L đang tranh thủ tẩm bổ món gà hầm. Tháng 11 năm ngoái, L đã làm đám cưới với anh T - đó là đám cưới giữa một người bình thường và người nhiễm HIV đầu tiên mà tôi biết. "Em thèm lắm rồi, phải liều đánh bạc với trời mà sinh con chị ạ! Một bác sĩ người Thụy Điển đã tư vấn cho hai vợ chồng em, xác suất con bị nhiễm chỉ là 0,01%. Mong là con em sẽ có một tương lai sáng hơn vợ chồng em"...

Mỗi người nhiễm HIV mà tôi gặp là một số phận trớ trêu và cay đắng. Chị T ở CLB Hoa Hướng Dương (Hà Nội) bị nhiễm sau khi chăm sóc đứa em xấu số vừa mất, cũng không biết làm thế nào để chuẩn bị tinh thần cho con gái chị. Bốn anh chị em của bạn HTTH (Q4, TPHCM) đều nhiễm HIV, chỉ còn mỗi đứa cháu ngoại duy nhất không mắc, H phải gửi con cho nhà nội chăm sóc, mới có thời gian kiếm tiền, đi tuyên truyền phòng chống HIV... Mỗi nhà mỗi cảnh, người thì tự nguyện đi chăm sóc những người đã ở giai đoạn cuối, người thì tình nguyện tiếp cận với đối tượng gái mại dâm vận động...

Bạn NQT ở phòng Tham vấn và Xét nghiệm tự nguyện TPHCM cho tôi biết về HIV ở TP có số người nhiễm đông nhất trên cả nước này: "Người nhiễm HIV ở TPHCM khoảng hơn 18.000 người. Nhưng mạng lưới bác sĩ chuyên khoa lại quá mỏng, phần lớn là kiêm nhiệm. Mỗi bác sĩ gánh trên vai bao nhiêu bệnh nhân HIV, và những thiếu sót xảy ra là điều không tránh khỏi. Tất cả những người có HIV đều đang mong mỏi được chữa bệnh, ít nhất cũng kéo dài được cuộc sống. Hầu như trên báo đài vừa xuất hiện những thông tin về thuốc là chúng tôi thấp thỏm, đổ xô đến tìm mua, dò hỏi... không cần biết thật giả, đúng sai. Nhiều khi những thông tin này chỉ là truyền miệng, người nhiễm không biết tìm những thông tin chính xác ở đâu".

***
Trước họ - những người nhiễm HIV này - cảm nhận nỗi khát sống của họ, tôi thấy thật vô nghĩa nếu cứ đi tìm hiểu nguyên nhân, vì sao họ đã lây nhiễm. Chẳng phải là việc hàng ngày họ đang làm- mỗi người mỗi cách - đấu tranh để chiến thắng nỗi nghiệt ngã của số phận, cùng xã hội tích cực phòng chống HIV là con đường họ đang đi đến một tương lai tươi sáng hơn!