PDA

View Full Version : Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV gia tăng:



lisaqn
25-08-04, 12:36 PM
Số bà mẹ mang thai nhiễm HIV ngày càng tăng, nhưng những phương tiện dự phòng lây nhiễm sang con còn rất thiếu.

Nỗi ám ảnh kỳ thị

Chị P, 24 tuổi, ở TPHCM kể lại: "Tôi tới bệnh viện xin đình sản, nhưng các bác sĩ đã từ chối khi biết tôi là người nhiễm HIV. Họ cứ bảo tôi ngồi chờ. Tôi chờ cho đến khi tất cả mọi người đã khám xong và ra về hết. Khi tôi vào phòng khám, ông bác sĩ tìm mọi lý do để không khám cho tôi".

Một phòng tư vấn bà mẹ nhiễm HIV được gọi là "Phòng tư vấn đặc biệt" - phòng tư vấn này đã gây nên sự tò mò nhiều hơn là thu hút bệnh nhân HIV tự nguyện như mong muốn.

BV Phụ sản T.Ư đã gửi đi 100 thư tới gia đình có bà mẹ nhiễm HIV đã được điều trị dự phòng trước đó. Nhưng chỉ có 5 lá thư được hồi âm. Hầu hết các sản phụ nhiễm HIV đều không để lại địa chỉ thật nên cố công đi tìm cũng chỉ là công cốc. Vì thế, chưa có một nghiên cứu nào về hiệu quả điều trị dự phòng cho các bà mẹ mang thai nhiễm HIV.

"Trắng" phương tiện xét nghiệm

Tại BV Phụ sản Hải Phòng, chỉ khoảng 50% số bà mẹ mang thai nhiễm HIV ghi địa chỉ chính xác. Hải Phòng là TP có số nhiễm/100.000 dân cao thứ 2, chỉ sau Quảng Ninh, mỗi năm có 22.000 bà mẹ mang thai. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vy, GĐ Sở Y tế thành phố cho biết: "Chỉ có khoảng hơn 10.000 bà mẹ đăng ký sinh tại BV Phụ sản TP là được xét nghiệm và tư vấn. Chỉ ở BV TP mới có test, phương tiện để xét nghiệm HIV và thuốc dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con. Còn ở TT Y tế thành phố thì cán bộ đã tập huấn nhưng chưa có phương tiện kỹ thuật, dưới nữa là 228 trạm y tế xã/phường thì không có bất cứ cơ sở gì để giúp được các bà mẹ mang thai nhiễm HIV".

Theo PGS - TS Nguyễn Đức Vy, GĐ BV Phụ sản T.Ư: "Năm 2003, chương trình viện trợ Viramune cung cấp 900 liều điều trị dự phòng. Năm nay chỉ nhận được 120 liều phân phối cho toàn quốc. Trong khi đó, mỗi năm có 1,8 - 2 triệu bà mẹ mang thai ít nhất trên thực tế cũng cần 5.000 liều". Nếu không điều trị dự phòng, nguy cơ lây truyền mẹ con có thể từ 30%. Một trong những con đường gây nhiễm cho trẻ sau sinh là sữa mẹ. Nếu kết hợp cả bú mẹ và nuôi bộ thì nguy cơ HIV xâm nhập còn cao hơn. Cũng rất ít cơ sở y tế tư vấn cho các bà mẹ vấn đề này.

Thách thức khác, từ đầu năm đến nay, BV Phụ sản đã tiếp nhận hơn 100 thai phụ nhiễm HIV, trong khi đó 3 năm trước, mỗi năm chỉ có 40 - 70 ca. Số thai phụ ngày càng tăng mà những điều kiện vật chất đáp ứng yêu cầu khám, điều trị dự phòng và chăm sóc thì thiếu vẫn hoàn thiếu. Ngay ở BV Phụ sản cũng thiếu sinh phẩm và thuốc nên không làm xét nghiệm kháng nguyên bằng PCR. Duy nhất ở phía bắc chỉ có Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư có điều kiện này. Nguồn lực cho quản lý, giám sát, đánh giá chương trình đều rất thiếu: Không có cán bộ chuyên trách, kể cả cán bộ làm công tác phòng chống HIV ở BV Phụ sản TƯ cũng kiêm nhiệm.

Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV khảo sát được tại 7 BV phụ sản cho thấy: Tỉ lệ trung bình năm 2000 mới là 0,18%, chỉ 2 năm sau, đã tăng gần 3 lần: 0,49%. BV phát hiện nhiều thai phụ HIV nhất là BV Hùng Vương - TPHCM (0,84%), BV Phụ sản T.Ư (0,54%), BV Hải Phòng (0,44%). Con số điều tra do Vụ các Vấn đề xã hội của Quốc hội công bố : Đầu năm 2003, tỉ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV là 0,4%.

Nguyễn Hằng - Theo Lao Dong

heorung
25-08-04, 08:02 PM
Điều tra tại 7 BV phụ sản: 0,49% các bà mẹ mang thai nhiễm HIV

http://tintuc.vdcmedia.com/Photos/ImageView2(22).JPG
Theo điều tra, tại 7 BV phụ sản: mức độ lây nhiễm HIV từ bà mẹ sang con chỉ trong 2 năm từ 2000 đến 2002 đã tăng từ 0,22% lên 0,49%.

Ngày 23/8, tại "Hội nghị đại biểu dân cử các tỉnh phía bắc về chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và chính sách dinh dưỡng" do UB về các vấn đề xã hội, Quốc hội khoá XI và Bộ Y tế tổ chức, TS Nguyễn Văn Tiên - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội cho biết: "Khoảng 6% phụ nữ bán dâm bị nhiễm HIV, tỷ lệ này cao hơn ở một số tỉnh phía nam. Hơn 80% trường hợp nhiễm HIV được phát hiện tại các tỉnh biên giới phía nam là lây qua quan hệ tình dục".


K.T (Theo Lao động)

heorung
28-08-04, 06:24 PM
(VDCMedia) - Một điều tra của Bộ Y tế cho biết, hiện có trên 10.000 phụ nữ nhiễm HIV, trong số đó 62% thuộc độ tuổi 20-29, đây là độ tuổi có tỷ lệ mang thai và tỷ suất sinh cao nhất. Chỉ tính từ năm 1999 đến năm 2002 tỷ lệ sản phụ nhiễm HIV tăng gần gấp 10 lần từ 0,05% lên 0,49%, nhưng những phương tiện, trang thiết bị, thuốc men dùng trong điều trị dự phòng lây nhiễm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV còn rất thiếu.
Thiếu vẫn hoàn thiếu
Theo nguyên tắc, tất cả các sản phụ trước khi sinh đều được tư vấn, xét nghiệm máu thế nhưng không phải bệnh viện (BV), cơ sở phụ sản nào cũng đủ kinh phí và phương tiện xét nghiệm. Có rất ít phòng xét nghiệm đủ khả năng chẩn đoán khẳng định HIV, thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm kéo dài, giá thành lại cao đối với phụ nữ có thu nhập thấp. Đặc biệt, chúng ta vẫn thiếu khả năng xét nghiệm HIV sớm cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV, không theo dõi được trẻ sau khi sinh.

Số sản phụ nhiễm HIV khảo sát được tại 7 BV phụ sản:

Tỉ lệ trung bình năm 2000 mới là 0,18%, chỉ 2 năm sau, đã tăng gần 3 lần: 0,49%. BV phát hiện nhiều thai phụ HIV nhất là BV Hùng Vương - TPHCM (0,84%), BV Phụ sản T.Ư (0,54%), BV Hải Phòng (0,44%).

Tại Bệnh viện phụ sản Hải Phòng, hàng năm có khoảng 10.000/22.000 sản phụ được xét nghiệm và tư vấn về HIV và cũng chỉ ở đây mới có thuốc điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con ở Hải Phòng. Ngay cả ở BV Phụ sản Trung ương cũng xảy ra tình trạng thiếu sinh phẩm và thuốc để làm xét nghiệm kháng nguyên bằng (PCR) khi mà xét nghiệm kháng thể ít có giá trị chẩn đoán cho trẻ trước 18 tháng tuổi.

Trong khi đó, công tác tư vấn vốn có vai trò rất quan trọng để nâng cao nhận thức cho sản phụ về HIV thì lại đang hoạt động rất cầm chừng do thiếu nguồn lực. Nhiều nơi phòng tư vấn còn ít được coi trọng, hoạt động không thống nhất. Chất lượng tư vấn chưa cao do cán bộ sản phụ khoa thiếu kinh nghiệm tư vấn, không có kinh phí hỗ trợ.

Chính những yếu tố này đã khiến hoạt động phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con còn thụ động, lẻ tẻ.

Hiệu quả đến đâu?
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Vy (Giám đốc BV Phụ sản trung ương), đối với các sản phụ được xét nhiệm có nhiễm HIV đều phải được điều trị dự phòng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con. Khảo sát của BV Phụ sản Trung ương cho thấy, hầu hết những trường hợp nhiễm HIV ở trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) là do lây từ mẹ sang trong 3 giai đoạn: khi mang thai, trong khi sinh, sau khi sinh (cho con bú).

Phác đồ điều trị chống lây nhiễm dự phòng hiện tại ở Việt Nam sử dụng hai loại thuốc Nevirapine (ARV) và AZT.

Đối với Nevirapine, sản phụ được dùng một liều duy nhất 200mg trong chuyển dạ và 2mg/kg cho trẻ trong 48 giờ đầu khi vừa chào đời. Đây là loại thuốc thích hợp với cả những sản phụ xét nghiệm HIV muộn, giá thành rẻ (4USD/liều), sử dụng đơn giản (liều duy nhất), ítt tác dụng phụ, dễ quản lý, giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con xuống còn 10-12% so với 15-30% nếu không cho trẻ bú.

Đối với thuốc AZT: sản phụ dùng 300mgx2lần/ngày từ tuần thai thứ 36; 300mg, 3 giờ/lần từ khi chuyển dạ đến khi sinh; trẻ uống 2mg/kg, 6 giờ/lần trong 6 tuần đầu tiên. Tuy nhiên việc sử dụng AZT đòi hỏi phải có kết quả xét nghiệm HIV từ giai đoạn sớm, liều dùng đắt tiền (khoảng 600 USD/liều), gây ra tác dụng phụ, khó quản lý, giảm tỷ lệ lây nhiềm xuống 8-10% nếu không nuôi trẻ bằng sữa mẹ.

Kết quả một nghiên cứu lớn về người nhiễm HIV tại Việt Nam cho thấy: Tất cả người nhiễm HIV đều trải qua cảm giác bị "sốc, choáng" khi lần đầu tiên biết mình nhiễm HIV và ít nhận được sự hỗ trợ xã hội để vượt qua tình trạng "sốc". Vị thế xã hội của những gia đình có người nhiễm bị suy giảm, bị kỳ thị. Hầu hết người nhiễm đều bị từ chối điều trị khi nhân viên y tế biết họ bị nhiễm.

Thống kê của BV phụ sản Trung ương cho biết, thì tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV và được điều trị dự phòng đã chiếm trên 50%, song việc cung cấp ARV để phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con còn giới hạn do thiếu thuốc. TS Nguyễn Đức Vy cho biết: "Năm 2003, chương trình viện trợ Viramune cung cấp 900 liều điều trị dự phòng. Năm nay chỉ nhận được 120 liều phân phối cho toàn quốc. Trong khi đó, mỗi năm có 1,8 - 2 triệu bà mẹ mang thai ít nhất trên thực tế cũng cần 5.000 liều". Nếu không điều trị dự phòng, nguy cơ lây truyền mẹ con có thể từ 30%-45%.

Một trong những con đường gây nhiễm cho trẻ sau sinh là sữa mẹ. Sử dụng thức ăn thay thế hoàn toàn sữa mẹ là có nguy cơ lây nhiễm sau sinh thấp nhất tuy nhiên chi phí nuôi trẻ sẽ rất cao (khoảng 200USD/trẻ cho 6 tháng đầu tiên), ngược lại nếu người mẹ nuôi con kết hợp cả sữa mẹ và thức ăn thay thế sẽ đem lại nguy cơ lây nhiễm cao nhất cho trẻ.

Mặc dù số sản phụ được điều trị dự phòng ngày càng tăng song việc đánh giá hiệu quả của công tác này đang gặp phải rất nhiều khó khăn từ chính các sản phụ, khi hầu hết các sản phụ nhiễm HIV đều không để lại địa chỉ chính xác nên các BV không thể thống kê được tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con sau khi được điều trị dự phòng. Nhiều người sau khi sinh con, đã bỏ con lại BV cũng làm tăng thêm gánh nặng chi phí để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV.

Theo các chuyên gia sản khoa, để tăng cường hoạt động hiệu của công tác điều trị dự phòng cho sản phụ nhiễm HIV trong tương lai chúng ta cần đẩy mạnh việc xây dựng một mô hình thích hợp cho hoạt động phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con trong cả nước: Tăng cường công tác tư vấn cho sản phụ; Hỗ trợ trang thiết bị xét nghiệm HIV sớm cho trẻ sinh ra từ bà mẹ HIV, trang bị cho các BV sản phụ khoa lớn để có khả năng xét nghiệm kháng nguyên (PCR), nâng cao khả năng chẩn đoán xét nghiệm HIV cho các cơ sở sản phụ khoa.; Tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ nuôi con bằng sữa thay thế sữa mẹ, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo không có khả năng chi trả.



Đinh Nam (VDCMedia)