PDA

View Full Version : Ẩn hoạ khủng khiếp trong bình yên học đường



SuperAdmin
05-09-04, 12:53 PM
Ẩn hoạ khủng khiếp trong bình yên học đường


Chỉ một tuần sau khai giảng, một tai nạn đã xảy ra với nữ sinh trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Bị rơi từ lầu 2 không rõ nguyên nhân, sinh viên này được nhanh chóng đưa đi cấp cứu. Nhưng do chấn thương quá nặng kèm mất máu, bạn gái này đã mất vào ngày 19/9. Nguyên nhân cái chết đang được làm rõ, nhưng có một sự thực đau lòng khác vô tình hé lộ từ tai nạn thương tâm này...


Do phải đi cấp cứu và cần máu gấp, 33 sinh viên cùng trường đã tình nguyện hiến máu nhân đạo để cứu bạn. Tuy nhiên, qua xét nghiệm máu của 33 sinh viên này (tất cả đều là sinh viên ngoại tỉnh), bác sĩ đã phát hiện ra 5 trường hợp mắc bệnh xã hội (bệnh giang mai) và một trường hợp lây nhiễm HIV. Một con số và một tỷ lệ nhiễm bệnh đáng phải giật mình, nhất là khi cả ngành y tế lẫn ngành giáo dục cho đến nay vẫn chưa hề có một điều tra nào về tình hình lây nhiễm bệnh xã hội và HIV trong giới sinh viên.

Giật mình!?

Đại học Kinh tế TP HCM là một trường có phong trào Đoàn khá mạnh với nhiều hoạt động tự quản thông qua các chi đoàn và quản lý nơi ở của từng sinh viên bằng các tờ khai thường trú, tạm trú được thực hiện hàng năm. Nhưng dẫu có vậy thì việc quản lý sinh viên trong thời gian ngoài giảng đường là cực kỳ khó khăn nếu không nói là không thể.

Với khoảng 16.000 sinh viên theo học hệ chính quy tập trung (4 khoá), trong đó sinh viên ngoại tỉnh khoảng 12.000 nhưng 2 khu KTX của trường chỉ đáp ứng được chỗ ở cho 1.500 – 1.600 sinh viên và Đoàn trường giới thiệu khoảng 500 – 1000 chỗ trọ bên ngoài. Như vậy là hơn 9000 sinh viên “tự do lo chỗ ở”, và đây chính là khu vực phức tạp, khó quản lý nhất.


Tệ nạn “nhòm ngó” giới sinh viên nhiều nhất được xem là ma tuý. Theo con số nhà trường nắm được, hàng năm trường Đại học Kinh tế phát hiện 3 – 4 trường hợp nghiện. Tuy nhiên, Bí thư Đoàn trường xác nhận con số thực tế có thể không dừng lại như vậy. Dù được tuyên truyền, động viên nhưng chưa có trường hợp nào “tự thú”. Nhà trường chỉ biết được chủ yếu nhờ hàng năm liên hệ với các trung tâm cai nghiện và… tìm thấy sinh viên của mình.

Còn theo kết quả kiểm tra “đầu vào” (kiểm tra nghiện ma tuý) tại trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, chỉ trong năm học đầu tiên 2000-2001 đã phát hiện tới 50 sinh viên nghiện ma tuý - cao hơn nhiều con số phát hiện tình cờ của trường ĐHKT. Riêng với những căn bệnh xã hội lây nhiễm do quan hệ tình dục thiếu lành mạnh và đặc biệt là HIV trong sinh viên thì không trường nào nắm được.

Cuộc test 33 sinh viên kể trên cũng là một sự phát hiện tình cờ nhưng không quá bất ngờ. Chính bí thư đoàn trường Đại học Kinh tế khẳng định: “Lo lắng lớn nhất hiện nay của chúng tôi chính là những nguy cơ tiềm ẩn trong đời sống sinh viên”. Ngay như trường hợp “vô tình” phát hiện sinh viên bị HIV, trên nguyên tắc, trường cũng không được biết là ai. Các bác sĩ chỉ “mời” những người đã thử máu (có nghi vấn) đến nói chuyện với lý do “bị viêm gan B”.

Im lặng hay chia sẻ?

Thực tế thì hàng năm ở tất cả các trường đại học, cao đẳng, việc kiểm tra sức khoẻ của sinh viên “đầu vào” là bắt buộc. Tuy nhiên do thiếu thốn kinh phí và một phần do chủ quan, cuộc test này được làm khá chiếu lệ, hình thức, nhiều bác sĩ chỉ hỏi sinh viên có bệnh gì không, nói không có thì ghi là bình thường. Test ma tuý như trường Cao Thắng đã làm cũng không được nhân rộng, một phần cũng vì kinh phí, nhưng chủ yếu hơn, lại vì… ngại sinh viên không muốn chọn theo học trường nào kiểm tra quá gắt gao (!?).

Phong trào hiến máu nhân đạo được phát động trong sinh viên TP.HCM từ năm học 1994 – 1995, ngoài ý nghĩa đóng góp cho cộng đồng xã hội, đây còn là cơ hội tốt cho sinh viên kiểm tra sức khoẻ của mình.

Theo con số tổng kết của Hội sinh viên TP HCM, tỷ lệ “máu hư” (không đạt chất lượng để cho máu, vì nhiều lý do bệnh, không loại trừ những căn bệnh nguy hiểm nói trên) khá thấp, chỉ khoảng 2-3% (so với tỷ lệ 10-15% ở cộng đồng). Nhưng nếu như biết được chỉ có 9.012 sinh viên tình nguyện hiến máu trong năm học 2002-2003 so với hàng trăm ngàn sinh viên đang học tập và sinh hoạt trên địa bàn TP thì những người lạc quan nhất cũng khó có thể “ăn ngon ngủ yên”.

Theo thông tin từ chính những cán bộ đoàn tham gia chương trình hiến máu tình nguyện của sinh viên thành phố, vì đã là chương trình tình nguyện nên các bạn sinh viên từ chối hiến máu do biết mình có bệnh là chuyện dễ hiểu. Mặt khác, nguyên tắc giữ bí mật của cơ quan y tế về những trường hợp phát hiện mắc bệnh xã hội, HIV càng khiến thông tin về thực tế này rơi vào chỗ mù mờ hơn.

Những người có trách nhiệm ở trường đại học cho biết: kết quả các test báo về nếu có trường hợp “có vấn đề” thì toàn là… viêm gan B. Biết rằng việc giữ kín thông tin (chỉ thông báo và tư vấn cho người mắc bệnh) là cần thiết để không xảy ra tình trạng xa lánh, phân biệt đối xử với người bệnh song chắc chắn đây không phải giải pháp tốt nhất để chia sẻ và giúp đỡ người bệnh, đồng thời giúp sinh viên khoẻ mạnh có biện pháp phòng chống lây nhiễm.

Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế ngỏ ý: “Phải chăng cơ quan y tế cho chúng tôi biết, có thể không cần thông tin chi tiết đối tượng nào, nhưng nắm được tình hình thực tế thì chúng tôi sẽ đề ra được những biện pháp thích hợp giúp đỡ các bạn. Và chắc chắn khi đó, việc chống tai hoạ “nổi” sẽ ít khó khăn và nguy hiểm hơn những mầm hoạ “chìm”.”