PDA

View Full Version : Trẻ nhiễm HIV đón tết Trung thu



heorung
11-09-04, 03:52 PM
http://tintuc.vdcmedia.com/Photos/1(413).jpg
Cũng một lần được sinh ra, song khác với những đứa trẻ bình thường, mỗi ngày sống của các em nhỏ ở mái ấm Tam Bình (Linh Xuân, Thủ Đức là một phép cộng khó khăn trong khung tính hẹp mà số phận đã tằn tiện "lập trình". Các em bị nhiễm HIV ngay từ buổi mới chào đời. Vẫn tiếng bé sơ sinh khóc đòi sữa, tiếng trẻ em nghịch đùa vô tư, vẫn dáng đi lại lặng lẽ, ân cần của những cô, những chị, những mẹ phục vụ… Ðó thực sự là khung cảnh bình thường của một mái ấm không bình thường…

57 em nhỏ ở đây mang 57 bi kịch số phận, phần lớn bị bỏ rơi sau khi được sinh ra và xác định bị nhiễm HIV từ cha mẹ. Các em được bệnh viện phụ sản, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi từ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà… những trung tâm tư vấn bệnh xã hội chuyển về mái ấm Tam Bình này sau khi gia đình bỏ trốn, không ai tiếp nhận.

Nhiều cháu bé trong ngôi nhà này có ba, mẹ còn rất trẻ, mới tuổi đôi mươi nhưng sớm sa vào tệ nạn tiêm chích, mại dâm… Một chị phục vụ ở đây cho biết, cha mẹ của các cháu vào thăm con cũng thất thường lắm. Vì có thể họ bị bệnh nặng, cũng có trường hợp bị vào tù ra tội, phải nhờ bạn bè một tháng một lần, vào thăm nom giùm "xem thằng nhỏ ra sao". Cũng có nhiều người xin con về, nhưng “ở đây” không cho vì sợ họ chăm sóc không đảm bảo, các cháu dễ đau ốm và như thế ngày sống sẽ bị rút lại!

Bé Hoàng Lan suýt đã không được chào đời vì người mẹ khi mang thai, phát hiện mình bị lây nhiễm HIV bởi chồng, đã toan tự tử và phá thai. Nhưng chị thương đứa trẻ vô tội, nên sinh con rồi gửi vào đây, thỉnh thoảng đến thăm. Ba tháng trước, mẹ ruột của bé Quân còn tới thăm con. Lần cuối, chị không tự đi được mà phải có người dìu vào vì mắt chị đã mờ do một thời lỡ sa chân vào ma tuý. Trong những ngày nằm bệnh giai đoạn cuối, người mẹ trẻ nhớ con, nhưng tình mẫu tử có bùng lên trong những ngày cuối đời cũng chỉ làm chị đau thêm, không cứu vãn được và đứa con, một cháu bé kháu khỉnh cũng đang mang mầm bệnh cùng lớn lên…

Bé Hạnh Dung khoe: "Hồi Noel tụi con được phát quà vui lắm. Mấy cô còn hứa tết này cho đi Ðầm Sen, Sở Thú chơi nữa!”. Hiện tại, có sáu em đã bảy tuổi được vào lớp một (một dạng lớp "mở” của trường tiểu học Xuân Hiệp). Hàng tuần, có cô giáo bên ngoài vào dạy các em học, chương trình giáo khoa không khác gì bên ngoài, có học bạ, sổ liên lạc hẳn hoi. Cuối năm, các em học giỏi còn được thưởng. Bé Hạnh Dung, "chị Hai" của mái ấm này cách đây bảy năm là đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi trước cổng của trung tâm trong một miếng vải bọc tạm bợ. Bây giờ Dung học giỏi, hát hay. Ngoài giờ học, "chị Hai" cứ đi hết phòng này sang phòng khác để thăm, bế các em nhỏ.


Thể trạng của những em nhiễm HIV rất yếu. Các em, dù mập mạnh nhưng vẫn bị ghẻ lở khắp người. Bên cạnh đó, các bệnh cảm cúm, ho, sốt, thương hàn, tiêu chảy… cũng thường xảy ra. Trong 25 chị phục vụ, phần lớn là những người từng trưởng thành từ trung tâm nên các chị coi việc phục vụ các em nhỏ bất hạnh như là một bổn phận và tình cảm của mình. Chị Minh Sen, một nhân viên ở đây tâm sự: "Nhiều lúc nghĩ lại mình cũng thấy sợ. Vì hằng ngày mình sống gần gũi và tiếp xúc với tụi nhỏ, cũng sợ lây. Nhưng khi đến đây thì quên hết!".

Có hay không một cái tết bình yên và ấm áp với quần áo mới, với bàn tay cha và hơi ấm mẹ, với những phong bao xanh đỏ và những chuyến tham quan thú vị… như bao trẻ thơ bình thường khác được sinh ra trên đời này? Chỉ mong sao, những giấc mơ được bình yên, dù giấc mơ ấy cũng chỉ nằm trong phép tính cộng rất kỳ kèo chi chút mà số phận ứng xử với các em!

heorung
23-09-04, 07:26 PM
Người nhiễm HIV/AIDS cần phải được sống chung cùng cộng đồng.

Theo một báo cáo gần đây của Bộ Y tế, hơn 83.000 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở Việt Nam, trong số đó 12.000 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS, 7000 người đã chết vì căn bệnh này. Ai cũng có thể bị nhiễm HIV/AIDS . HIV/AIDS không chừa một ai nếu người đó thường sử dụng bơm kim tiêm chung, sinh hoạt tình dục không dùng bao cao su, nhận tiếp máu có vi rút HIV và bị nhiếm HIV theo con đường mẹ truyền sang con khi sinh và cho con bú.

Nhưng người bị nhiễm HIV/AIDS vẫn có thể sống chung cùng với gia đình và cộng đồng vì HIV/AIDS không lây qua các tiếp xúc thông thường như ôm hôn, bắt tay, dùng chung toa lét, phòng tắm, ngủ chung giường (không sinh hoạt tình dục)...Không nên kỳ thị phân biệt với người nhiễm HIV/AIDS – đó là thông điệp của tổ chức y tế thế giới muốn gửi tới mọi người trên toàn thế giới. Việc điều trị và giúp người bệnh sống cùng cộng đồng phải được coi là một nguyên tắc đạo đức. Sự phân biệt đối xử với người bị HIV/AIDS là một trong những cản trở lớn cho nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống đại dịch này.

heorung
25-09-04, 12:48 PM
Lương tâm và trách nhiệm của người lớn
“Trẻ em, dù trong hoàn cảnh nào cũng có quyền được sống và phát triển…, không bị cách ly khỏi cha mẹ…, được chăm sóc sức khỏe…, được dành cho những lợi ích tốt nhất”. Đó là những điểm cơ bản được quy định trong Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Tuy nhiên, HIV/AIDS đã và đang tấn công vào các quyền cơ bản ấy của hàng triệu trẻ em trên hành tinh. Theo tính toán của UNICEF, cứ sau 90 phút thi đấu chính thức của một trận bóng đá, thế giới lại có thêm 100 trẻ dưới 15 tuổi chết vì AIDS và 400 trẻ em trở thành mồ côi do AIDS.

Tính đến 31/8/2004, trên cả nước ta phát hiện được khoảng 8 vạn người nhiễm HIV, trong đó hơn 1,2 vạn người chuyển sang giai đoạn AIDS và 7000 người đã chết. Điều đáng nói là 90% số người nhiễm HIV ở độ tuổi 15-45, lứa tuổi sung sức nhất, cống hiến cho gia đình và xã hội nhiều nhất. Do vậy căn bệnh này đã và đang gây tổn thất lớn đối với những thành viên còn lại trong gia đình, đặc biệt là trẻ em.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, số trẻ em dưới 13 tuổi nhiễm HIV chiếm khoảng trên dưới 0,6 %, độ tuổi từ 13-19 chiếm 8,3% tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện hàng năm. Khác với người lớn, trẻ em có thể bị HIV tấn công từ cả 3 con đường: đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Nguy cơ trẻ em nhiễm HIV/AIDS qua con đường lây từ mẹ sang con đang gia tăng vì ngày càng có nhiều phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Nếu năm 1999 số phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV/AIDS chiếm 0,08% thì đến năm 2002 con số này là 0,39%. Sự gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai là điềm báo trước về sự gia tăng số trẻ em dưới 5 tuổi nhiễm HIV nếu không có các can thiệp thích hợp. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có can thiệp khoảng 25%-35%. Nếu có các can thiệp thích hợp, tỷ lệ này sẽ giảm còn trên dưới 5%.

Trẻ em có thể bị nhiễm HIV qua các sản phẩm từ máu có chứa HIV hay qua tiếp xúc với các dụng cụ xuyên chích qua da (bơm kim tiêm, kim châm, dụng cụ y tế…) không được vô khuẩn hoặc dùng chung các dụng cụ có liên quan đến máu. Nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường truyền máu khá cao do nước ta chưa kiểm soát chặt chẽ được nguồn cung cấp máu nhất là khi điều kiện chăm sóc kém dẫn đến trẻ mắc các bệnh phải truyền máu, đặc biệt là các tai nạn thương tích. Theo một nghiên cứu gần đây, vị thành niên chiếm 20% tổng số người bị các tai nạn thương tích hàng năm.

Một nguy cơ lây nhiễm HIV nữa có thể xảy ra đối với trẻ em lớn là qua tiêm chích ma túy hoặc qua quan hệ tình dục. Do chưa hoàn thiện về thể chất và nhân cách, các em thường hay bắt chước, bị bạn bè lôi kéo, rủ rê nên dễ sa vào con đường sử dụng ma túy hoặc quan hệ tình dục không an toàn. Hiện tại, trong số 142.001 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát có 2971 em từ 16-18 tuổi. Bên cạnh đó, các hiện tượng mại dâm trẻ em, lạm dụng tình dục trẻ em hay buôn bán trẻ em với mục đích tình dục vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi. Thêm vào đó, vị thành niên thường ít hiểu biết về các nguy cơ đối với sức khỏe do các hành vi không an toàn, nhất là hành vi do tình dục mang lại. Ngoài ra, các em còn bị tác động của phim ảnh không trong sáng từ các phương tiện truyền thông đủ loại.

Tác động của HIV/AIDS đối với trẻ em rất lớn. Nó không chỉ khiến trẻ em trở thành mồ côi mà còn gây áp lực lớn đến tinh thần của trẻ. Khi phải chứng kiến cái chết dần mòn của cha mẹ hoặc người thân xung quanh mình, trẻ rất dễ bị suy sụp. Hơn thế nữa, ở nước ta, nỗi đau này của trẻ thường bị nhân lên bởi thành kiến và sự chối bỏ của xã hội không chỉ đối với bố mẹ mà cả đối với bản thân các em. Sự tàn ác của HIV hơn hẳn so với các bệnh khác là khả năng trẻ em bị mất đi cả cha lẫn mẹ rất lớn.

HIV là bệnh có thể chữa khỏi (nguồn: Trung tâm huy động cộng đồng Việt Nam phòng chống HIV/AIDS). Việc điều trị bằng thuốc ARV được sử dụng rộng rãi ở Tây Âu từ năm 1995 đã đưa tỷ lệ chết vì AIDS hàng năm tại đây xuống gần bằng 0. Ngày 6/4/2004, Quỹ toàn cầu, Ngân hàng Thế giới, UNICEF và Quỹ Clinton đã thông báo thỏa thuận cung cấp thuốc ARV giá rẻ cho bệnh nhân ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 23/6, Mỹ đã chọn Việt Nam vào danh sách nhận trợ giúp khẩn cấp nhằm chống HIV/AIDS. Mỹ sẽ cung cấp 20 triệu USD (có hiệu lực ngay) để mua thuốc chữa trị cho những bệnh nhân HIV/AIDS ở Việt Nam. Đây là tin đáng mừng.

Trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS sẽ có cơ hội được chữa bệnh. Nhưng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chúng ta vẫn cần phải có những biện pháp để bảo vệ trẻ em trước sự tấn công của AIDS. Có thể đưa ra một số giải pháp như: giáo dục các kỹ năng sống có chất lượng; giáo dục sức khỏe giới tính và HIV/AIDS cho các em cả trong và ngoài nhà trường, giúp các em có kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, nhận biết và có kỹ năng tự tránh các hành vi lây nhiễm. Bên cạnh đó, có các dịch vụ sức khỏe dành riêng cho các em và tạo điều kiện cho các em dễ tiếp cận với các dịch vụ này, nhất là khi các em cần được tư vấn, hướng dẫn cặn kẽ trong điều kiện riêng tư, bí mật. Giảm dần, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ sự phân biệt đối xử liên quan đến các em bị tác động của HIV/AIDS. Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa và kiên quyết chống các hành vi xâm hại trẻ em, nhất là các xâm hại gây thương tích, lôi kéo các em vào con đường ma túy, mại dâm, lạm dụng tình dục, trừng trị nghiêm khắc những kẻ vi phạm.

Bảo vệ trẻ em trong thế giới có AIDS không chỉ mang lại lợi ích cho hôm nay mà còn đảm bảo lợi ích bền vững cho mai sau. Nói cách khác bảo vệ trẻ em trong thế giới có AIDS chính là bảo vệ tương lai của chính chúng ta.

heorung
25-09-04, 01:35 PM
Đến năm 2005:
Việt Nam sẽ giảm 80% trẻ lang thang

Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2005, cả nước giảm 80% trẻ lang thang kiếm sống, trẻ phải lao động nặng; trong môi trường độc hại và trẻ phạm các tội nghiêm trọng; giảm cơ bản tình trạng trẻ bị xâm hại và phòng ngừa để giảm thấp nhất số trẻ em bị lây nhiễm HIV/AIDS...

Hiện nay, việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, trong đó có trẻ em có HCĐBKK nói riêng đã nhận được sự quan tâm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Nhiều mô hình tốt, kinh nghiệm hay và sáng tạo trong cách phòng ngừa, can thiệp giải quyết và hỗ trợ hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tiến hành.

Theo báo cáo của bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UB VH,GD,TN,TN&NĐ), tại cuộc Hội thảo "Những giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn", do UB VH,GD,TN,TN&NĐ phối hợp với Quĩ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tổ chức, khai mạc sáng nay (18/9) tại Hà Nội, hiện nay trên cả nước có khoảng 2,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (HCĐBKK), trong đó có 1 triệu trẻ em nghèo, hơn 126.000 trẻ mồ côi không nơi nương tựa, khoảng 1,2 triệu trẻ tàn tật, hơn 20.000 trẻ lang thang... Tuy nhiên con số được chăm sóc mới đạt khoảng gần 50%. Thực trạng này đang là một vấn đề bức xúc, đòi hỏi Nhà nước và xã hội phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo ra những cơ hội thuận lợi, phù hợp để cuộc sống của các em được cải thiện, tạo điều kiện cho các em có điều kiện phát triển sau này.

Trẻ em có HCĐBKK được đánh giá là nhóm đối tượng trẻ em dễ bị tổn thương nhất, cần có sự can thiệp sớm để tránh cho các em phải chịu những ảnh hưởng trực tiếp của đời sống xã hội, và để lại những hậu quả lâu dài. Nhóm trẻ em này bao gồm các em lang thang, lao động sớm và lao động nặng nhọc, độc hại, các em bị xâm hại tình dục, sức khoẻ, nhân phẩm, các em bị ảnh hưởng bởi đời sống xã hội như vi phạm pháp luật, nghiện hút, nhiễm HIV/AIDS... Có thể nói, các đối tượng trẻ em có HCĐBKK vẫn đang ngày càng gia tăng và là nỗi đau của gia đình và xã hội.

Theo thống kê, đến tháng 7/2003 Hà Nội có 4.369 trẻ mồ côi, trong đó có 724 em được nuôi dưỡng tập trung tại các làng trẻ mồ côi, số còn lại được sống với họ hàng người thân tại địa phương.
Trẻ lang thang kiếm sống đã giảm rõ rệt, chỉ còn 1.556 em (so với 4.558 em vào tháng 7/1999), đặc biệt không còn trẻ em kiếm sống tại bãi rác Nam Sơn, một "điểm nóng" vào năm 1999 khi có tới 559 trẻ lang thang kiếm sống.

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, ước tính số lượng trẻ có HCĐBKK hiện chiếm khoảng 3% dân số và 9% trẻ em. Đáng chú ý là số trẻ mồ côi không nơi nương tựa ngày một nhiều (hiện con số là 130.000 em), do đó nếu chỉ cần thiếu một sự quan tâm chăm sóc thích đáng của cộng đồng là các em có thể dễ dàng chuyển thành các đối tượng trẻ có HCĐBKK. Bên cạnh đó, trẻ sống trong môi trường ma tuý lại đang đặt ra những thách thức lớn.

Ông Phùng Ngọc Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (DS-GĐ-TE) nhận định, ở nước ta trẻ lang thang và trẻ em lao động sớm có mối quan hệ khá tương đồng, trong đó tình trạng trẻ lao động sớm và bị bóc lột tà nhẫn còn chưa đến mức phổ biến, nhưng vấn đề trẻ lang thang kiếm sống trên đường phố, trẻ từ nông thôn ra thành thị kiếm sống thì là vấn đề cấp bách. Gần đây, các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh hay Đà Năng đã buộc phải áp dụng biện pháp đưa các em lang thang về với gia đình hoặc đưa vào các trung tâm bảo trợ.

Hiện tượng này không phản ánh đúng thực chất xã hội của nước ta, nhưng nó đã làm nảy sinh tệ nạn xã hội và tăng nguy cơ trẻ bị xâm hại. Khảo sát sơ bộ của Uỷ ban DS-GD-TE trong tháng 7-8/2003 cho thấy, riêng tại Hà Nội đã có tới 1.556 trẻ lang thang, phổ biến ở lứa tuổi 12 - 15. Thời gian trẻ rời gia đình, quê hương đi kiếm sống khá dài chiếm tỉ lệ 51,72%.

Ông Hùng khẳng định: "Đa số các em có mối liên hệ với gia đình. Các em chỉ lang thang kiếm tiền và có gửi tiên và về thăm nhà đều đặn. Mức thu nhập của các em lang thang đường phố trung binh khoảng 18.000/ngày. Điều này đã dẫn đễn những dấu hiệu cho thấy xu hướng trẻ lang thang có thể trở thành một "nghề" của trẻ em và nhiều gia đình".

Tuy vậy, tiến sĩ Đàm Hữu Đắc, thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH nhận định: "Hiện số trẻ lang thang kiếm sống đang có chiều hướng giảm, và dự báo khi kết thúc SEA Games 22, đối tượng này sẽ còn giảm mạnh hơn nữa do có các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn đang áp dụng nhiều biện pháp đưa các em trở về gia đình".

Trong khi đó, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, ông Anthony Bloomberg, nhấn mạnh: "Tôi vui mừng là Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương nghiên cứu về sự chăm sóc thay thế. Chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ phải là phương cách cuối cùng chứ không phải là cách thứ nhất đối với trẻ em sống tách xa bố mẹ. Ngoài ra, liên quan đến trẻ lang thang đường phố ở các thành phố lớn, UNICEF vẫn đang hỗ trợ và sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ cho Chính phủ. Tuy vậy cũng cần phải có thời gian để tìm ra các biện pháp phù hợp bảo đảm được các quyền của trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của từng em một".



Tuấn Anh

heorung
28-09-04, 10:59 PM
Huấn luyện điều trị cho trẻ mồ côi nhiễm HIV/AIDS

25 trẻ mồ côi nhiễm HIV tại Trung tâm Bảo trợ và Nuôi dưỡng trẻ Tam Bình sẽ được các bác sỹ thuộc Tổ chức Worldwide Orphans Foundation (WWO) điều trị Đây là một phần nằm trong chương trình “Tập huấn kỹ năng, kiến thức về điều trị và phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS cho các y bác sỹ và nhân viên chăm sóc trẻ mồ côi nhiễm HIV/AIDS”. Chương trình do tổ chức WWO tài trợ, với kinh phí 51.500 USD. Hiện nay, trung tâm Tam Bình đã làm xét nghiệm trên 67 lượt trẻ mồ côi và chọn ra 25 trường hợp nhiễm HIV để điều trị.
Song song với việc điều trị, các bác sỹ của tổ chức WWO sẽ tiến hành tập huấn cho các y bác sỹ, nhân viên chăm sóc trẻ tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội. Hoạt động nhằm giúp mọi người tiếp cận các tài liệu y học, khoa học hiện đại về điều trị, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, tạo điều kiện cho trẻ mồ côi được điều trị căn bệnh nguy hại này trong thời gian tới.