PDA

View Full Version : Năm học mới của những học trò HIV



heorung
11-09-04, 04:01 PM
Ra chơi. Đám học trò ù té chạy khỏi lớp. Đồng phục tinh tươm. Đứa tuột cầu trượt, đứa chơi bập bênh “con cá sấu”... Rồi cả sáu đứa chạy vào lớp ngồi say sưa theo câu chuyện cổ tích Cô bé Lọ Lem của cô giáo. Không ai có thể nghĩ đây là những học trò “đặc biệt” - những học trò nhiễm HIV?AIDS từ lúc chào đời và bị bỏ rơi.

Lớp học đặt ngay tại ''nhà'' của học sinh - cơ sở 2 Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình (30/3 Bà Giang, phường Linh Xuân, Thủ Đức, TP.HCM). Tên gọi là lớp 1/8 - đàng hoàng là lớp chính qui của Trường tiểu học Xuân Hiệp (Thủ Đức).



Những người khai sinh ra lớp đầu tiên chính là những ''cha, mẹ, nội, ngoại'' ở trung tâm - những người đã đón và nâng niu từng số phận nhỏ nhoi, bất hạnh khi các em bị cộng đồng từ chối.



M. (6 tuổi) chỉ vừa gia nhập trung tâm tròn tháng, khi biết mẹ em qua đời vì căn bệnh thế kỷ, cha cũng đang hấp hối trong giai đoạn cuối, xóm giềng, mọi người đều xa lánh em. Trẻ con trong xóm được đe ''không được đến gần con M.''. Ông bà ngoại thương mang về nuôi nhưng cậu dì cũng ghẻ lạnh tránh xa, nhốt em trong cũi hay bắt ở riêng một góc nhà. Gương mặt thiên thần, đôi mắt mở to thơ ngây lúc nào cũng phảng phất một nỗi buồn xa vắng. Ông thương quá chở em một mạch từ Cần Thơ lên TP.HCM làm đơn gửi vào trung tâm để ''cháu được đối xử như một con người''.



T.V. (6 tuổi), cả cha, mẹ và chị gái (lớn hơn V. 3 tuổi) đều đã chết vì AIDS, chỉ còn lại mình em. Câu chuyện của N.T. (6 tuổi) lại đau buồn theo cách khác: cha em ''vô tình'' nhiễm HIV trong một chuyến làm ăn bên Thái, rồi ''vô tình'' lây sang mẹ. Mẹ ''vô tình'' sinh em ra. Rồi hai người dắt díu nhau ra đi, chối bỏ thực tại bằng việc bỏ lại đứa con với căn bệnh AIDS, ghẻ lở đầy người. Sau bao ngày tháng bị hắt hủi, em mới được đưa về ''nhà'' của mình…



''Dù thời gian có trôi qua thế nào, được sống và học như mọi trẻ thơ khác là quyền của các em. Càng bất hạnh, các em càng phải được có quyền ấy. Chúng tôi muốn giúp các em được sống như một công dân thật sự'' - ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc, và tập thể nhân viên Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình đã có suy nghĩ như thế.



Trung tâm đã có lớp mẫu giáo nhưng… ''chẳng lẽ các em cứ học lớp mẫu giáo hoài?''. Ban đầu ý định của ban giám đốc chỉ là mượn giáo trình và ''nếu có một cô giáo tình nguyện đứng lớp nữa thì tốt quá''. Không ngờ ý định đó được Phòng Giáo dục quận Thủ Đức và Trường tiểu học Xuân Hiệp nhiệt tình ủng hộ.



Khi tham quan lớp trước ngày khai giảng, cô hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Hiệp chợt nghĩ: ''Tại sao các em lại phải học tập một cách âm thầm như thế nhỉ!'' và cô đề nghị ''đây sẽ là lớp 1/8 của Trường tiểu học Xuân Hiệp''. Điều này đồng nghĩa với việc các em sẽ là học sinh chính qui được xã hội và nhà trường công nhận. Vậy là, chưa đầy một tuần lễ, ''cha, mẹ, nội, ngoại'' chạy như con thoi để lo bổ túc hồ sơ nhập học, chọn mua đồng phục, cặp táp; cô Liễu, cô Hoa sắm sửa bút thước, giấy bao tập ''đồng phục'' của trường vì ''đây là cơ hội hòa nhập cộng đồng hiếm hoi của các em''.



Đúng ngày tựu trường 5/9/2003, lớp 1 chính qui dành riêng cho trẻ nhiễm HIV/AIDS với sáu học sinh đặc biệt đã bước vào năm học mới.



Sáu cái bàn nhựa nhỏ lọt thỏm trong gian phòng rộng và đặt ngay ngắn thành hai hàng trước bàn cô giáo chủ nhiệm. Cặp táp, bút chì, tập trắng, thước kẻ tất cả đều mới tinh.



Hôm nay, lớp tập viết số 1 -con số đầu tiên trong dãy chữ số, cũng là con số bắt đầu trang sống mới của sáu số phận. ''Nào, ngồi thẳng lên'', ''Viết thẳng hàng mới đẹp nha'', ''Không nói chuyện trong lớp'' - giọng cô giáo nghiêm khắc nhắc nhở đám học trò nổi tiếng ''siêu quậy'' của mình.



Vẻ mặt C. (7 tuổi) căng thẳng, miệt mài khi được cô giáo gò cho nét chữ xiêu vẹo được thẳng hàng, mồ hôi bắt đầu rịn trên trán em. Lâu lâu C. lại liếc ra sau trông nom thằng em trai 6 tuổi cũng đang hí hoáy với cây viết cầm chặt trong tay.



Hai anh em C. vào trung tâm năm 1999, khi mẹ bị Công an quận 1 bắt giam vì tội ''xâm phạm tài sản người nước ngoài''. Bên cạnh là M., được cô để ý nhất, đôi mắt buồn của em giờ sáng long lanh, gắn chặt vào từng con chữ, tay run run. M. nói thì thầm: ''Lần đầu tiên con viết chữ''. Còn V. thỉnh thoảng lại ngẩng lên cười với mọi người, nhe hai cái răng bị sún rất duyên, em thích được cô giáo và bạn bè chú ý... Sau giờ viết số 1 là tiết học ''Năm điều Bác Hồ dạy'', cả lớp ê a. Không khí của lớp học sáu người rất nghiêm túc…



Cô Phạm Thị Quang đã nhận lời làm chủ nhiệm lớp 1/8 tâm tình: ''Khi nhà trường đề nghị đứng lớp, tôi cũng ngại lắm. Nhưng khi tham quan trung tâm và tiếp xúc với đám học trò, mọi lo lắng bay mất. Tôi nhận lời ngay. Mới tiếp xúc có mấy ngày mà thương quá. Mỗi em một tính, đứa nào cũng dễ thương, rạng ngời biết bao. Không biết các em học được tới đâu, ngày nào còn khỏe còn học được chữ là mừng ngày đó. Nhìn các em chăm chú học mà nước mắt ở đâu cứ chực trào ra…''.



Cô dạy chữ và dạy cả những mơ ước cho các em. ''Con thương cô nhất - bé H.D. cong lưỡi nói như người lớn - Mà con bị bệnh ''ét'' có chết không cô?''. H.D. là ''học viên 1/8'' sống ở trung tâm lâu nhất, từ năm 1996. Khi bảo vệ tuần tra phát hiện em bị bỏ rơi trước cổng trong tình trạng ''mắt sưng húp, ghẻ đầy người và khóc khan cả tiếng'', em mới tròn hai tháng tuổi.



''Không, chết sao được. Con phải học giỏi, vâng lời các cô dưỡng nhi uống thuốc đúng giờ thì sẽ khỏi bệnh thôi mà, rồi con sẽ lớn nhanh'' - các cô giáo động viên. ''Mấy cô dưỡng nhi cũng nói con thế - H.D. liến thoắng - cô nói con phải ăn nhiều mới khỏi bệnh''.



Giờ ra chơi là giờ các em hồn nhiên quây quanh cô giáo, kể cho cô nghe về những dự định lung linh của mình: ''Chừng nào học xong con sẽ đọc truyện cho các em khác nghe nha cô'', ''Con thích đọc nhiều sách khác nữa''...



Lớp 1/8 - lớp học như không có nỗi buồn, chỉ có những ngày hồng tươi đang bắt đầu trong tâm hồn trẻ nhỏ...