PDA

View Full Version : “Sao heroin hại gia đình tôi đến thế?”



heorung
11-09-04, 04:38 PM
- Tòa tuyên án “...tử hình, ...tử hình, ...tử hình...”, chín án tử hình trong số 11 bị cáo bị truy tố trong vụ buôn bán ma túy của Minh “sứt”.
Không một thanh âm, không khí đặc quánh. Khoảnh khắc choáng lặng ấy chỉ trong một tích tắc nhưng lại nặng nề đến không thể trôi đi...

Vẫn biết đó là cái giá tất yếu phải trả cho những phi vụ buôn bán với số heroin lên đến hàng chục kilôgam, số thuốc lắc hàng chục ngàn viên nhưng những người chỉ tình cờ đến tham dự phiên tòa như chúng tôi vẫn phải lặng đi.

Sau khoảnh khắc chết lặng ấy là tiếng khóc vỡ òa lên, thân nhân của các bị cáo sụp xuống vật vã.

Chỉ các bị cáo là giữ được bình tĩnh, có người còn đưa hai tay bị còng lên vẫy chào người nhà, vươn qua vai cảnh sát bảo vệ để vuốt tóc con gái... Những kết cục như thế này chắc họ đã lường trước từ rất lâu...

Đại diện Viện Kiểm sát lập luận rằng các bị cáo xứng đáng phải nhận mức án cao nhất vì chất ma túy mà các bị cáo buôn bán đã làm suy đồi cả một lớp trẻ, hủy hoại tương lai, hạnh phúc của biết bao thanh thiếu niên, bao gia đình trong thời gian dài; suy yếu nòi giống.

Con số thống kê cho thấy trên 90% thanh thiếu niên phạm tội có nguyên nhân bắt nguồn từ ma túy...

Những lập luận nghe có vẻ mơ hồ nhưng lại rất thật. Có đến nhiều trại cai nghiện, các trung tâm nuôi bệnh nhân AIDS, có chứng kiến cảnh các con nghiện vật vã trong cơn đói thuốc, sẵn sàng làm tất cả, kể cả giết người để có tiền mua được một “tép”, một “bi” mới biết ma lực ghê gớm của heroin.

Có chứng kiến những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối vật vờ giữa cõi sống, không còn nhận ra chính mình trong những tấm ảnh cũ, không còn thể hiện được chính mình trong những câu chuyện về cuộc đời mới biết sự hủy hoại ghê gớm của ma túy.

Mẹ của bị cáo Đỗ Xuân Phương, bị cáo được chỉ định là đầu vụ trong phiên phúc thẩm lần này, ngồi cạnh tôi thở dài. Bà đã 87 tuổi, tóc búi củ hành, quần đen, áo cánh, gương mặt khắc khổ.

Suốt cả buổi bà hết nhìn đăm đăm lên bục xét xử lại gục đầu xuống thành ghế phía trước, rồi lại thở dài: “Tôi nghe nhưng không hiểu mấy. Tôi chẳng biết việc Phương làm, chỉ thấy nó có tiền là đi đánh bạc. Hôm trước vào thăm nó bảo: mẹ cứ coi như con bị tai nạn chết rồi. Việc con làm, con chịu...”.

Vợ của Ngô Đức Minh, vợ của Phạm Công Giản, các con gái, con trai, anh chị em của các bị cáo... đều ngồi nghe phiên xử với vẻ điềm tĩnh không ngờ, có người còn không giấu được vẻ mỏi mệt vì phiên xử kéo dài.

Họ rì rầm nói với nhau, trong câu chuyện chỉ là những bữa giỗ tết ở xóm làng ngoài Hải Phòng, chuyện ăn học của con cháu. Những âu lo về kết thúc của phiên tòa, số phận của bị cáo được hết sức tránh né.

Lâu lắm, tôi mới nghe một cô gái thì thầm về việc gửi quà cho ba, bà mẹ gạt đi: “Chuẩn bị trước, ngày mai lên gửi cho kịp như mọi lần. Có gì mà nói hoài...”.

Trong số họ có người đã chứng kiến một trùm “xã hội đen” bị bắn chết ngay trước mắt, có người đã lần lượt đưa từng người thân trong gia đình vào tù.

Hôm nay, họ ngồi nghe từng lời luận tội của đại diện viện kiểm sát, từng lời bào chữa của luật sư.

Bên luận tội thì rất đanh thép, các chứng cứ không thể chối cãi; bên bào chữa thì rất tha thiết, tìm ra thật nhiều những chi tiết, từ việc thành khẩn khai báo cho đến những huân, huy chương của gia đình để chứng minh rằng bị cáo còn có khả năng cải tạo.

Bà cụ mẹ của Phương lại quay sang tôi: “Ông luật sư nói nhiều thế, nhưng chắc chẳng được gì, cô nhỉ...”. Bà đã được con trai chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất, Phương cũng đã bị kết án tử hình từ phiên sơ thẩm nhưng sự bình tĩnh mà bà thể hiện vẫn mang một vẻ mong manh khó giấu.

Khi Phương được nói lời cuối cùng, xin được khoan hồng thì mới thấy giọt nước mắt chầm chậm lăn ra từ con mắt già nua.

Bà bảo: “Nói vậy chứ làm sao coi như nó bị tai nạn được. Giờ vào tù, ngày qua ngày mỏi mòn đợi chết, thật là khổ... Già như tôi lúc nào cũng chỉ mong được chết thanh thản, đau một giây, chết một giờ”.

Một lần, một luật sư đã nói với tôi: “Tôi tin rằng người nào, dù phạm tội lớn đến đâu, cũng phải có một cái gì đó để cho luật sư bào chữa. Như con người, dù đứng dưới mặt trời chính ngọ thì cũng vẫn còn cái bóng ngay dưới bàn chân của mình”.

Tôi không biết vế so sánh ấy có hợp lý không, nhưng hôm nay, nghe chính ông đứng bào chữa cho bị cáo của mình trước tòa, tôi cũng như chính bà mẹ bị cáo ngồi bên cạnh, cũng cảm thấy bất lực.

Các luật sư khác cũng vậy, đều đã dốc hết sức trong buổi tranh luận mong các bị cáo giữ được mạng sống, nhưng ngay trong lúc bào chữa hăng say nhất vẫn không giấu được sự lúng túng khi bảo vệ luận điểm của mình.

Tôi nghe và cứ tự hỏi mãi về cái cảm giác ấy. Câu trả lời, thật bất ngờ, lại đến từ bà cụ bất hạnh ngồi bên cạnh. Bà bảo tôi: “Mọi người nói với tôi là nó buôn ma túy, buôn ma túy thì phải chết. Cũng đành chứ biết làm thế nào...”.

Buôn ma túy thì phải chết. Một lần đến thăm một cô gái bị bệnh AIDS vì tiêm chích ma túy tôi cũng nghe mẹ cô nói “Dính vào ma túy là chết”.

Cô gái rất xinh đẹp nhưng chỉ trên tấm ảnh treo đầu giường, còn người nằm thoi thóp trong nước mắt và lời nguyện cầu của bà mẹ thì chỉ còn da bọc xương.

Các bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa hôm nay phải trả giá bằng chính mạng sống vì heroin của họ đã giết chết những chàng trai, cô gái như thế.

Khi Viện Kiểm sát tối cao công bố bản kháng nghị tăng hơn gấp đôi số lượng án tử hình, mọi người đã choáng váng. Khi Tòa án tối cao tuyên án thống nhất với đề nghị ấy, mọi người còn choáng váng hơn. Có người khóc, có người lăn lộn, có người ngất xỉu...

Khi tỉnh lại, các thân nhân bị cáo lại bắt đầu nói về hi vọng cuối cùng: còn bảy ngày để làm đơn xin ân xá. Một người bảo tôi: “Nếu cái chết của tội buôn ma túy được lấy làm bài học cho những người khác thì những câu chuyện sống cũng có thể chứ?”.

Các vị luật sư im lặng ra về, họ bảo bài bào chữa của mình đã thất bại trước sức mạnh hủy diệt của ma túy. Riêng bà cụ mẹ của Ngô Xuân Phương vẫn bình tĩnh, bà đỡ cô cháu gái: “Chuyện đã vậy rồi, cũng đành...”.

Có lẽ bà đã thấu được cõi vô thường, cũng có thể bà hiểu được sự nghiêm minh cần thiết của pháp luật. Nhưng trò chuyện với chúng tôi, có một điều vẫn cứ làm bà ngơ ngác: “Heroin nó là cái gì mà làm hại gia đình tôi và bao nhiêu người đến thế?”...

PHẠM VŨ

thaipeace
13-09-04, 03:03 PM
Ai chết cũng đáng thưong nhưng có người chết không đáng tiếc . Những bản án dù có cao có thích đáng nhưng cũng chỉ là trừng trị cho nhưng việc đã rồi !!

Blue dream
15-09-04, 10:59 AM
Có lần tôi đến thăm Trung tâm Mai hòa
Trước mắt tôi lúc đó là một cậu trai mà chắc cũng không qua cái tuổi 20 .Cầu nằm đó thoi thóp từng giờ , chỉ vì cái chết trắng
không ai trong chúng tôi không bàng hòang khi nghe kể về hòan cảnh gia đình của cậu
Cha mẹ bị bắt trong khi bán ma túy , bản thân cậu cũng tham gia trong dường dây ấy , tiền công được trả bằng những tép "hàng"
Tôi không hiểu sao người ta có thể lôi kéo ngay chính nhungđứa con mà mình đã sinh ra vào cái chết trắng
hơn một năm đã qua đi , nhưng tôi vẫn nhớ như in cái giọng nói thều thào của câu trai ngày ấy ở Mai Hòa " Cô ơi , bây giờ con chỉ muốn được đi thăm ba má con lâncuối , trươc khi..................."!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
Heroin nó là cái gì mà làm hại gia đình tôi và bao nhiêu người đến thế?”...

kechienbai_82
15-09-04, 09:26 PM
Thật đúng !Cái chết nào cũng đáng thương nhưng không phải cái chết nào cũng dáng tiếc .Buôn bán ma tuý là tội không thể tha thứ .Với mức án tử hình họ chỉ chết một lần duy nhất,một minh duy nhất rồi mồ yên mả đẹp .Họ có biết rằng họ đã để lại bao cái chết thảm thương , đau đớn ,quằn quại.Một kẻ sát nhân có thể bị kết án tử hình chỉ vì anh ta đa dám giết một hay hai ba mạng người , vậy thì tại sao chung ta lai có thể tiêc thương cho kẻ đã giết chết hàng trăm hàng triệu con người ,giết một cách tàn nhẫn ,vô nhân đạo ?Dù bao giờ cũng mềm yếu trước những cái chết nhưng tôi không nghĩ rằng mình có thể tiếc cho những tội lỗi bị chôn vùi.