PDA

View Full Version : HIV/AIDS đang tiếp sức cho đại dịch lao phổi



heorung
22-09-04, 08:23 PM
Trong cuộc hội thảo tại Ethiopia, Liên Hợp Quốc hôm qua đã cảnh báo sự lây lan của HIV/AIDS đang gây nên một cuộc khủng hoảng lao phổi trên diện rộng. Khoảng 1 tỷ người sẽ bị nhiễm bệnh lao trong 2 thập kỷ tới.

Vào thời điểm hiện tại, 35 triệu người trên toàn thế giới có thể chết vì lao phổi nếu sự phát triển của bệnh này không được kiểm soát. Đây là tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới trong cuộc hội thảo kéo dài 2 ngày tại Addis Ababa - thủ đô Ethiopia.

Cuộc hội thảo lần này được tổ chức với mục đích thúc đẩy việc kết hợp điều trị hai căn bệnh gây tử vong hàng đầu là AIDS và lao phổi. Mỗi ngày trên toàn thế giới có khoảng 8.000 người chết vì AIDS và 5.000 người chết vì lao phổi.

Lao phổi là căn bệnh phổ biến nhất ở bệnh nhân mắc HIV/AIDS. Hằng năm, nó tấn công khoảng 8,7 triệu người và gây tử vong cho 2 triệu người. Bệnh lây lan do trực khuẩn lao trong không khí khu trú trong phổi và gây ra thương tổn lâu dài trong các mô ở phổi. Nhiều người bị nhiễm lao nhưng không hề có triệu chứng nào. Tuy nhiên, họ có thể truyền bệnh cho người khác khi ho và hắt hơi.

Trong số khoảng 25 triệu người châu Phi hiện sống cùng HIV, có gần 8 triệu đang mang trực khuẩn lao. Mỗi năm, khoảng 5-10% số này sẽ bị lao, và gần 4 triệu sẽ mắc bệnh vào một thời điểm nào đó trong cuôc đời họ.

Theo ông Mario Raviglione, một quan chức phụ trách chiến dịch chống lại bệnh lao của Tổ chức Y tế Thế giới thì sự kết hợp chết người giữa bệnh lao và HIV có khả năng chuyển thành một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Mối nguy hiểm này càng gia tăng bởi sự xuất hiện của chủng trực khuẩn lao kháng thuốc. Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước tiến hành ngay các hành động cần thiết để ngăn chặn sự bùng phát đồng thời của 2 dịch bệnh này.

Việt Linh (theo AP)

heorung
25-09-04, 12:43 PM
Lao phổi, “án tử hình” cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS



“Cuộc chiến chống lại HIV/AIDS trên toàn cầu có thể sẽ không đi đến thắng lợi nếu chúng ta bỏ qua lao phổi, căn bệnh nhiễm trùng cơ hội vốn được coi là “án tử hình” đối với những bệnh nhân nhiễm virus HIV” Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela lên tiếng cảnh báo trong buổi họp thứ 4 tại Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS lần thứ 15 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan


Hiện nay trên thế giới có khoảng 14 trệu người nhiễm HIV và lao phổi, trong đó có 70% sống ở tiểu vùng sa mạc Saharan, châu Phi, nơi đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất do đại dịch HIV/AIDS hoành hành với khoảng 20 triệu người đã tử vong. Virus HIV tấn công con người bằng cách làm suy giảm hệ thống miễn dịch và lao phổi là một trong những bệnh nhiễm trùng cơ hội dễ gặp nhất ở bệnh nhân HIV/AIDS.



Ở nước ta hiện nay, bệnh lao vẫn còn là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước đứng thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới và đứng ở hàng thứ 3 khu vực Tây Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Phillippine. Tỷ lệ mắc lao ở nước ta còn ở mức cao, ước tính cứ mỗi ngày có gần 420 người mắc bệnh lao, trong số đó có 189 người mác lao phổi ho khạc ra vi khuẩn làm lây nhiễm cho cộng đồng và 57 người chết vì bệnh lao. Giám sát tình hình bệnh lao và HIV đã được Chương trình Chống lao Quốc gia đặc biệt quan tâm. Hiện đã có 53/64 tỉnh trong cả nước có bệnh nhân lao/HIV dương tính. Đặc biệt một số tỉnh có tỷ lệ này khá cao là Tp Hồ Chí Minh: 9,3%, Lạng Sơn: 7,5% và Hà Nội: 7%.



PGS - TS Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới cho biết, các bệnh nhân nhiễm HIV vào nhập viện chủ yếu đã chuyển thành AIDS với các biểu hiện nhiễm trùng cơ hội rất nặng. Theo nghiên cứu của Viện thì các các biểu hiện nhiễm trùng cơ hội hay gặp trên người nhiễm HIV là lao phổi và lao ngoài phổi, các loại nấm như Candida, Penicillium Marneffei, các loại ký sinh trùng như Viêm não do Toxoplasma, Viêm phổi do P.carinii, nhiễm trùng huyết... Tuy nhiên, việc chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng cơ hội còn nhiều hạn chế do thiếu trang thiết bị. Năng lực chẩn đoán còn hạn chế nên chưa có được những nghiên cứu đầy đủ đánh giá đúng tỷ lệ các bệnh nhiễm trùng cơ hội tại nước ta. Tại các bệnh viện, thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội không đủ, đặc biệt tại các tuyến cơ sở.



Lao phổi là gánh nặng, làm giảm đi hiệu quả của công cuộc phòng chống HIV/AIDS không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tất cả các nước trên thế giới. Việc triển khai chiến lược DOTS được WHO đề xuất twf những năm 1990 đã cho thấy đây là phương pháp duy nhất có hiệu quả để quản lý bệnh lao và bảo đảm bệnh lao được chẩn đoán, điều trị khỏi, cắt đứt nguồn lây nhiễm của bệnh. Hy vọng phương pháp hoá trị ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp - DOTS này sẽ từng bước đầy lùi được lao phổi, không còn lại là gánh nặng đối với cuộc chiến đấu chống lại đại dịch HIV/AIDS của toàn thế giới.



T.Hoa