PDA

View Full Version : Lao động di động và những''cú'' nhiễm HIV



heorung
25-09-04, 12:26 PM
"Tôi không có thói quen chơi bời, thỉnh thoảng nhậu nhẹt với bạn bè ở công trường xong là ngủ ngay. Chỉ đi “tăng hai” đúng 1 lần và lần ấy thì say bí tỷ" - H, anh chàng thợ xây cay đắng bộc bạch khi đang ở vào giai đoạn cuối của AIDS
Cuộc đời di động và cái chết bất ngờ

Ngày rời xã Tam Dân, Tam Kỳ theo bạn bè vào TP.HCM làm phụ hồ, suy nghĩ duy nhất của anh thanh niên 17 tuổi Nguyễn Trung H là để tránh xa sự mời gọi không thể thoát được của những bãi đào vàng “lậu”. Thanh niên trong xã không đi xa làm ăn thì cũng kéo nhau lên bãi đào vàng cả. Mà người vào Nam thì Tết đến còn rộn ràng kéo nhau về. Những người lên bãi vàng thì biệt tăm, đến lúc về hầu như ai cũng chỉ là một bộ xương về nhà chờ chết. Vì vậy H chọn đường vào Nam.

Làm thợ xây dựng được 3 năm, H biết tin mình nhiễm HIV trong một lần bị tai nạn lao động, phải truyền máu. Lần ấy, nghe bác sĩ thông báo, H cười, không tin, vì chẳng có lý do gì khiến anh bị nhiễm cả. “Tôi không có thói quen chơi bời, thỉnh thoảng nhậu nhẹt với bạn bè ở công trường xong là ngủ ngay. Chỉ đi “tăng hai” đúng 1 lần và lần ấy thì say bí tỷ!!!” H thậm chí còn không nhớ mình đã đi cái “vụ tăng hai” ấy ở công trường nào, thuộc tỉnh nào trên đất nước này.

Bây giờ thì H đang vào giai đoạn cuối của AIDS. Đơn độc, không bạn bè, người thân. Những người tiếp xúc với anh bây giờ là những tình nguyện viên, cũng nhiễm HIV. “Lúc phát hiện ra tôi nhiễm HIV, chủ thầu gọi đến trả 2 tháng lương, cho thêm 500.000đ và nói tôi rời công trường… Quá sốc, suốt một tuần, tôi tìm đến gái làng chơi và không dùng bất cứ một biện pháp phòng tránh nào…”

Không quá cô đơn vào giai đoạn cuối của cuộc đời như H song ấn tượng về AIDS đối với Trần Hồng L tuy mờ nhạt nhưng lại là vết cứa sâu vào tâm hồn cô. “Em nhiễm qua bạn trai. Làm công nhân xí nghiệp giày, sáng đi, chiều tối về. Em không ăn chơi, cũng chẳng bao giờ đi đến tiệm làm tóc để gọi là có nguy cơ như bác sĩ nói… Khi biết em bị nhiễm thì bạn trai của em cũng bỏ đi biệt, hỏi quanh mới biết anh ấy đã nhiều lần đi chơi bời ngoài đường…”.

Ngay hôm biết mình nhiễm, L nói cho một cô bạn biết. Đến chiều tối đi làm về, 5 người ở cùng phòng ra “tối hậu thư”: Hoặc L ra đi và họ sẽ im lặng, hoặc họ đi và tất cả mọi người trong xí nghiệp sẽ biết chuyện này. “Em không hiểu cặn kẽ gì về căn bệnh này và cũng chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ mắc phải. Thái độ của mọi người làm em hụt hẫng và cả sợ hãi. Có lẽ, cũng nên thông cảm cho họ, bởi bình thường chị em vẫn đùa nhau “chỉ cần ngồi vào chiếc ghế mà người nhiễm HIV ngồi, mình cũng bị lây. Tụi em không hiểu gì về AIDS cả”.

Bây giờ, H sống trong một trung tâm bảo trợ, thỉnh thoảng sửa sang lại những chỗ hỏng dột nho nhỏ ở trung tâm. L thì nương nhờ một ngôi chùa, phụ giúp những việc làm vườn. Cả hai không hề nghĩ đến chuyện về quê.

Nguy cơ của tính di động

Dân số di động từ lâu đã được coi là mắt xích quan trọng gieo rắc HIV về mặt địa lý. Theo nghiên cứu của Chương trình Horizons, nhóm dân số có sự di chuyển thường xuyên như lái xe đường dài, thợ xây dựng, thương nhân… đã trở thành tiêu điểm của mọi nỗ lực dự phòng HIV trên thế giới. Lý do chính là bối cảnh xã hội liên quan tới tính chất công việc đã làm tăng khả năng lôi cuốn họ vào những hành vi có nguy cơ cao và đặt họ vào tình trạng dễ bị nhiễm HIV. Đồng thời, họ sẽ trở thành “nguồn lây di động” vô tình hoặc cố ý cho người khác ở những nơi họ đến trong quá trình làm việc.

Bên cạnh đối tượng công nhân di động, dân nhập cư cũng được xem là một trong những nhóm có nguy cơ cao, vì họ sống xa nhà, có các mối quan hệ không ổn định, nhận thức hạn chế và không tiếp cận được thông tin cũng như các dịch vụ về sức khỏe sinh sản và tình dục.

Khảo sát hơn 500 lao động nam nhập cư ở TP.HCM, do Tổ chức Family Health International thực hiện, cho thấy hơn ¼ người không dùng bao cao su trong lần quan hệ tình dục gần đây nhất với gái mại dâm và hơn ½ không dùng trong quan hệ với bạn tình ngẫu nhiên. Đồng thời, rất nhiều người không bao giờ dùng hoặc hiểu sai tính chất của phương tiện phòng chống rất hiệu quả này.

Thời gian qua, công tác giáo dục dự phòng cho công nhân nhập cư tại TP.HCM được quan tâm nhiều hơn, thông qua hoạt động của các tuyên truyền viên sức khỏe tại nơi làm việc. Tuy nhiên, những nỗ lực này chỉ tiếp cận được một thiểu số người lao động. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền chỉ dừng lại ở mức phổ quát thông tin chứ chưa thật sự làm thay đổi hành vi của nhóm đối tượng này.

Các chuyên gia làm việc trong chương trình Horizons cũng nhận thấy rằng những cố gắng dự phòng tập trung vào nhóm dân nhập cư là một thách thức khi thực hiện vì khó có thể xác định nơi cư trú của họ. Trong khi, những thông điệp dự phòng tuyên truyền chung chung thường không được họ quan tâm, hưởng ứng.

Cách tiếp cận cung cấp thông tin trực tiếp tại nơi làm việc mà các cơ quan chức năng vẫn thực hiện hiện nay chỉ hướng được tới những lao động sản xuất ổn định, làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Còn đối với lao động di động thì khi họ chuyển đi một nơi khác, chương trình giáo dục tại nơi làm việc không còn tác động đối với họ nữa. Đến một nơi khác, nếu có điều kiện tiếp xúc với một chương trình dạng này, họ lại cho đó là những điều mình đã quá rành.

Nhận thức hạn chế, không được tiếp cận đủ và đúng thông tin, thiếu điểm tựa tinh thần… tuy nhiên lại rất thừa môi trường để tiếp xúc với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, thừa cả điều kiện để xem thường tính mạng của mình; đối tượng lao động di động đang trở thành nhóm nguy cơ cao trong cả nhiễm và lây HIV/AIDS chưa được quản lý chặt chẽ…

heorung
28-09-04, 11:17 PM
Lao động ngoại tỉnh và nguy cơ nhiễm HIV/AIDS

Tính đến này, số lao động ngoại tỉnh đến Hà Nội kiếm việc làm đã lên tới hàng vạn người. Do tác động của các tệ nạn xã hội đã có hàng trăm người trong số lao động này bị nhiễm HIV/AIDS. Một dự án can thiệp hỗ trợ cho đối tượng này trước nguy cơ nhiễm HIV/AIDS đã được hình thành.

Nạn nhân của AIDS

Không ai có thể nghĩ rằng anh N.V.T ở xã Vũ Tây, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình lại có kết cục đau buồn như thế. Cách đây 5 năm do cuộc sống quá khó khăn anh quyết định ra Hà Nội kiếm việc làm để cải thiện kinh tế gia đình. May mắn được tham gia trong đội quân xây dựng, anh T có việc làm đều đặn và thu nhập ổn định. Công việc tuy vất vả anh chịu đựng được nhưng vào buổi tối nhớ vợ, nhớ con anh cùng nhóm bạn giải sầu bằng chén rượu, đánh bài.

Trong một lần bị bệnh lâu ngày không khỏi, ông chủ đã cho anh một liều thuốc bột trắng. Bệnh khỏi rất nhanh nhưng sau đó anh luôn có cảm giác thèm và nghiện thứ thuốc đó từ lúc nào không biết. Làm được bao nhiêu tiền cũng không đủ cho mỗi lần lên cơn. Tiền gửi về nhà cho gia đình ít dần. Cuộc sống vật vờ nơi thành phố cứ thế trôi. Bệnh tật bắt đầu kéo đến, cơ thể gầy mòn.

Khi nhận được kết quả xét nghiệm máu của Bệnh viện Đống Đa anh đã không thể tin rằng mình đã mắc căn bệnh nguy hiểm HIV/AIDS. Trở về quê với thân hình tàn tạ và nỗi ân hận giày vò. Vợ anh, người phụ nữ quanh năm với công việc đồng áng cũng trở thành nạn nhân của căn bệnh chết người này. Làng xóm đã xa lánh họ, một thời gian sau anh T qua đời. Người vợ sống trong đau khổ nhưng vẫn phải sống để nuôi dạỵ hai đứa con. Một gia đình tưởng chừng như yên ấm bỗng chốc đã tan vỡ, rồi đây hai đứa trẻ sẽ sống ra sao khi không còn bố mẹ?

Xã Vũ Tây, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đến lúc này đang trở nên nổi tiếng bởi một làng quê có số người nhiễm HIV/AIDS nhiều nhất: 20 người. Họ đều là những nông dân chất phác phải rời bỏ cái cày để ra Hà Nội kiếm việc làm. Đã có không ít người đi làm thuê để có tiền cho con đi học đại học nhưng một số người đã sa ngã nơi đô thành và rơi vào bẫy của căn bệnh chết người HIV/AIDS. Đau xót hơn khi họ mang thứ bệnh nguy hiểm đó về quê nhà và người vợ, những đứa con họ cũng phải cùng chung số phận. Làng quê bình yên ngày nào đã không còn nữa bây giờ ma tuý, mại dâm rồi HIV/AIDS đã len lỏi đến và những con người vốn hiền lành đã trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội, của bệnh tật...

Chấp nhận mọi nghề

Hàng năm có khoảng 67.000 người lao động tự do đến Hà Nội tìm kiếm việc làm. Một số lượng lớn lao động tự do trẻ đến Hà Nội đều là thanh niên nam nữ trẻ tuổi. Qua điều tra, một nửa số lao động đến Hà Nội tìm được việc làm, trong đó chủ yếu làm nghề xe ôm, nhân viên nhà hàng, dịch vụ massage, karaoke...

Rời quê nhà ra đi với mục đích kiếm tiền nên họ chấp nhận mọi nghề. Hà Nội còn thiếu các phương tiện giao thông thì một đội ngũ xe ôm là những lao động tự do tự thành lập và hành nghề. Để có tiền họ cũng dễ dàng chấp nhận làm xe ôm cho gái bán dâm, bảo kê và nghiện ngập ma tuý. Khi các dịch vụ phát triển trong đó có cả sự phát triển của các điểm massage thì một số lượng rất đông các cô gái từ các địa phương đổ về Hà Nội hành nghề. Đã có hơn 800 cô gái làm nghề massage đăng ký làm việc tại Sở Du lịch và Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội và họ được cấp chứng chỉ hành nghề tại các địa điểm massage.

Đầu năm 2004, Văn phòng thường trực phòng chống AIDS Hà Nội thông báo, số người nhiễm HIV là người ngoại tỉnh đang ngày càng tăng lên. Trong năm 2003 đã phát hiện 218 trường hợp nhiễm HIV là người lao động tự do đến từ các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hoá... Qua giám sát huyết thanh trọng điểm đã có tới 14,5% số người hành nghề mại dâm tại Hà Nội nhiễm HIV.

Cảnh báo trước nguy cơ này, Văn phòng thường trực phòng chống AIDS Hà Nội đã xây dựng dự án "Can thiệp và hỗ trợ nam giới tại Hà Nội" với sự tài trợ của Tổ chức Sức khoẻ gia đình quốc tế Hoa Kỳ (FHI). Mục tiêu của dự án là thông tin đến các đối tượng người lao động tự do các hành vi an toàn để chống lại sự lây nhiễm HIV/AIDS. Các công nhân xây dựng tự do và gái massage sẽ được chọn là những đồng đẳng viên và lái xe taxi, xe ôm là những tình nguyện viên của dự án. Họ sẽ được tập huấn và tiếp cận các đối tượng là lao động tự do để nói chuyện với họ về những hành vi an toàn tình dục, sử dụng bao caosu... nhằm tránh bị lây nhiễm HIV/AIDS.



(Lao động)

nobita
12-11-04, 11:25 AM
cũng buồn cho hoàn cảnh 2 bạn trên , nhưng sự thật là họ phải chấp nhận sự thật thôi
1 người thì ko tự chủ bản thân
1 người thì quan hệ tình dục tiền hôn nhân
chấp nhận mà sống
chúc 2 bạn mạnh mẽ trong ngày tháng còn lại, để cuộc đời còn có ý nghĩa
trả thù đời kiểu H là điều dể hiệu nhưng nên nghĩ lại