PDA

View Full Version : Giới trẻ trong cơn lốc HIV/AIDS



heorung
29-09-04, 12:38 AM
Một người mẹ có con nhiễm HIV tâm sự trong nước mắt: "Cứ tưởng cháu nó ham học, theo bè bạn học hết lớp này đến lớp khác, bao nhiêu tiền tôi cũng không tiếc, ai dè nó lấy tiền tiêm chích đến nỗi mang bệnh vào người.

Nguyễn Huy H. con trai của chị, là sinh viên năm thứ hai trường Đại học T. nằm đó, bất động, mắt nhắm nghiền. Thỉnh thoảng H. lại lên cơn đau, oằn oại trên tấm nệm nước mềm. Thân thể của H. lúc này chỉ còn lại một nhúm như đứa trẻ nhỏ.

Nguyễn Huy H. chỉ là một trong số 153.000 người nghiện ma tuý trong cả nước đã có hồ sơ do các ngành chức năng quản lý. Cho đến thời điểm này, 70% trong tổng số 71.530 người nhiễm HIV trong cả nước lây qua đường tiêm chích. Trong đó, có gần 11.000 người nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS và 6.130 người tử vong do AIDS. Đáng chú ý số người nhiễm HIV ngày càng có xu hướng trẻ hóa: năm 1993 người nhiễm HIV ở lứa tuổi 20-29 là 15% thì đến cuối năm 2002 lên 62%. Người nhiễm HIV ở tuổi 15-49 chiếm 95%. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV ở độ tuổi vị thành niên chiếm 8,3%.

"Hiện nay ở Việt Nam, nhiễm HIV đa dạng về đối tượng mắc, trải rộng về địa bàn, phức tạp về diễn biến" - đó là những kết luận mà Bộ Y tế đưa ra sau các đợt kiểm tra gần đây.

Trong số người nhiễm HIV/AIDS hiện nay, học sinh sinh viên chiếm tỷ lệ khá lớn. Đặc biệt, số học sinh, sinh viên sống xa nhà, trọ học hoặc ở trong các ký túc xá xa vào con đường tiêm chích ma tuý nhiều hơn cả. Đã có không ít học sinh, sinh viên nghiện hút phạm pháp để có tiền mua thuốc. Trầm trọng hơn, có em phát hiện mình nhiễm HIV đã tự vẫn.

Hiện nay, ở nhiều tỉnh, thành phố phong trào "bạn giúp bạn", "câu lạc bộ đồng đẳng" thu hút rất đông những người tiêm chích ma tuý, những người nhiễm HIV/AIDS và gia đình vào sinh hoạt. Có thể nói, những mô hình này đang trở thành điểm tựa cho những người lầm lạc muốn có một làm lại cuộc đời.

Tuy nhiên, ở Hà Nội mô hình này lại chưa được phổ biến. Nhiều nơi nắm rõ từng người nghiện hút, nhưng việc giúp họ hối cải thì chưa được bao nhiêu. Khi những người này phạm tội thì bắt đưa đi tập trung cải tạo. Hết thời hạn thả về. Về được một thời gian lại phạm tội, lại bắt, hết hạn lại thả... Cái vòng tròn cứ tiếp tục cho đến khi kẻ gây tội mắc bệnh và ra đi. Hiện nay việc quản lý người nghiện ma tuý có phạm tội vẫn đang là bài toán khó và biện pháp ngăn chặn mang tính quyết định vẫn là từ chính các gia đình.

Việc ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS hiện nay rất cần sự kiên trì, đồng tâm, đồng lòng của toàn xã hội, của mỗi gia đình, của từng thành viên. Các ngành chức năng cũng khó có thể giúp từng cá nhân, từng gia đình khống chế HIV/AIDS. Mỗi bà mẹ, ông bố, mỗi thành viên của từng gia đình hãy biết quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, hãy chia sẻ và giúp cho lớp trẻ biết "nói không với ma tuý".