PDA

View Full Version : Vào chùa... cai nghiện



heorung
03-10-04, 09:45 PM
Những mảnh đời nghiện ngập…

Thoạt nhìn người thanh niên có vóc dáng to cao, khoẻ mạnh, rụt rè khi trò chuyện với khách, ít ai nghĩ rằng anh đã có tới gần chục năm nghiện ngập, ra tù vào tội. L.V. Tùng (SN 1979, ở quận Thanh Xuân) nhớ lại: do được gia đình nuông chiều từ nhỏ, lại bị bạn bè rủ rê lôi kéo, Tùng "bập" vào ma tuý lúc nào không hay biết. Sức quyến rũ của "nàng tiên nâu" đã kéo Tùng trượt dài trên con đường tội lỗi. Bòn rút tài sản của gia đình, trộm cắp vặt bên ngoài, thậm chí cả trấn lột, cướp bóc… không thủ đoạn nào Tùng không làm để có tiền mua thuốc. Chìm sâu trong những cơn nghiện liên miên khiến, Tùng kiệt quệ cả về sức khoẻ và tinh thần. Gia đình đã nhiều lần đưa Tùng đi cai nghiện song do thiếu sự quyết tâm của bản thân, thêm vào đó là sự "xuống nước" của gia đình mỗi lần thấy Tùng lên cơn vật vã, thèm thuốc nên rút cục, Tùng "nghiện vẫn hoàn nghiện". Mãi tới khi đến sinh hoạt tại câu lạc bộ (CLB) Hương Sen (đầu năm 2004), Tùng mới dần dần cắt được cơn nghiện và đến nay, sau 9 tháng "ở chùa", Tùng đã không còn sử dụng ma tuý nữa. Sức khoẻ cải thiện trông thấy, Tùng đã tăng lên gần 10 kg, anh thậm chí còn không tin nổi vào sự thay đổi của chính bản thân mình. Tùng tâm sự: "Nhớ lại hồi mới vào chùa, những cơn vật vã, thèm thuốc khiến tôi như phát điên lên, thầy Huân và các sư trong chùa phải rất vất vả với tôi. Dần dần công việc cai nghiện đã không còn khó khăn như trước. Chúng tôi sống ở đây phải tự giác, yêu thương nhau và không ai được ra khỏi chùa một cách tuỳ tiện. Chúng tôi cũng không phải đóng góp gì, mọi chi phí sinh hoạt nhà chùa lo tất, thầy Huân nói, chỉ cần chúng tôi chịu khó cai nghiện để sớm được trở về".

Dẫu sao, Tùng vẫn còn may mắn là chưa nhiễm phải căn bệnh thế kỷ sau cả quãng thời gian nghiện ngập khá dài. Nếu thực sự quyết tâm cai nghiện, Tùng sẽ còn cơ hội trở về với cuộc sống- điều mà nhiều thành viên khác đã nhiễm HIV/AIDS của CLB Hương Sen- không thể có được. Trường hợp N.T. Lợi (SN 1975, ở huyện Thanh Trì) là một điển hình. Do nghiện hút kéo dài, Lợi đã bị nhiễm HỤV. §ánh mất mình, đánh mất cả hạnh phúc gia đình, Lợi trở thành kẻ bị xã hội và cả những người thân xa lánh, kỳ thị. Giờ đây, sinh hoạt ở CLB Hương Sen, Lợi mới được sống trong sự đùm bọc, yêu thương, chia sẻ của sư thầy và những con người cùng cảnh ngộ. Lợi cũng đã đã từ bỏ được ma tuý và cố gắng sống có ích trong phần đời còn lại.

Mỗi thành viên trong CLB có một hoàn cảnh, một mảnh đời khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là quyết tâm cai nghiện và tìm lại ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Cai nghiện từ tâm

Hoà Thượng Thích Thanh Huân bộc bạch: trong nhiều lần đi công tác ở Thái Lan, tôi nhận thấy ở đất nước họ, giới Phật giáo góp phần vào việc ngăn chặn HIV/AIDS rất tích cực và hiệu quả, bởi thế mới nghĩ đến mô hình cai nghiện trong chùa, áp dụng trên đất nước mình. Đa số người nhiễm HIV là do nghiện ma tuý, họ thường bị suy sụp tinh thần, bi quan chán đời. Họ còn bị người đời khinh miệt, rẻ rúng. Khi đến với nhà chùa, họ được quan tâm hỏi han, gần gũi và bộc lộ nỗi lòng, từ đó dần phục thiện. Đầu năm 2004, CLB Hương Sen với 41 thành viên chính thức sinh hoạt tại chùa Pháp Vân. Thời gian đầu đưa nhóm người bệnh này về sinh hoạt, nhà chùa đã gặp không ít khó khăn vì đây là trường hợp "xưa nay ít thấy". Nhiều người quan niệm chùa chiền là chốn thanh tịnh, không thể đưa những người bệnh này vào sinh hoạt được. Hơn nữa, để tiếp xúc với những đối tượng nghiện, nhiễm HIV đã là một thách thức, nói gì đến việc tổ chức cho họ ăn, ở, sinh hoạt ngay tại chùa. Nhưng rồi, nhờ sự kiên trì, quyết tâm và tấm lòng "từ bi bác ái" của sư Huân, những khó khăn bước đầu cũng qua đi. Đến nay CLB đã duy trì được hoạt động và thu hút ngày càng nhiều người nghiện và nhiễm HIV/AIDS không chỉ trên địa bàn Hà Nội, mà từ cả các tỉnh lân cận: Hà Tây, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình… xin đến sinh hoạt. Nhiều trường hợp sau 3 tháng, 5 tháng, 7 tháng… thấy sức khoẻ ổn định đã xin rời chùa trở về với gia đình. Hiện nay ở chùa có 7 người đang cai nghiện, họ ăn ở luôn tại chùa, tất cả phải chấp hành nội quy: không ra ngoài khi chưa được phép, mặc dù chùa không khoá cổng, tuyệt đối không sử dụng ma tuý dù chỉ một lần, không cãi nhau, không chửi bới, không hút thuốc lá. Nếu ai vi phạm một trong những quy định đó sẽ phải ra về, không được ở chùa nữa. Vì vậy tất cả những ai đến đây là phải có tinh thần tự giác và quyết tâm cao.

Tất cả mọi sinh hoạt của CLB Hương Sen đều do nhà chùa tự lo. Những người cai nghiện được ăn ba bữa, sinh hoạt như những người bình thường, chi phí trung bình khoảng 400-500 ngàn đồng/người/tháng. Khó khăn này ai cũng biết song trong câu chuyện với chúng tôi, Hoà thượng Thích Thanh Huân không hề đề cập tới. Dường như mong muốn cai nghiện thành công cho mỗi thành viên là điều trăn trở lớn nhất của Hoà thượng, bởi vì để cai nghiện thành công không đơn giản và không phải là việc làm trong "một sớm một chiều". Hoà thượng cho biết: trong tương lai CLB Hương Sen sẽ có thêm nhiều hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khoẻ, tuyên truyền để những ai có nhu cầu biết đến. Quan trọng hơn, nhà chùa sẽ cố gắng tạo việc làm phù hợp cho từng đối tượng trong khuôn viên nhà chùa để có điều kiện tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn, phục hồi sức khoẻ, tạo tâm lý sống có ích cho mỗi thành viên.

Sự ra đời của một CLB như trên là đáng quý. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở phạm vi nhà chùa mà không có sự ủng hộ, vào cuộc của các đoàn thể, ban ngành địa phương e rằng hoạt động cai nghiện sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn./.

ND (VOV)