PDA

View Full Version : Có nên xét nghiệm HIV trước khi cưới không?



SuperAdmin
24-01-05, 02:17 PM
Quan tâm đến sức khoẻ của mình là nhu cầu tất yếu của mỗi con người. Với những người chuẩn bị kết hôn, việc kiểm tra sức khoẻ nói chung, xét nghiệm HIV/AIDS nói riêng không chỉ giúp bản thân người xét nghiệm biết về tình trạng sức khoẻ của mình, mà còn bảo vệ được sức khoẻ cho cả hai vợ chồng, một yếu tố đảm bảo cho một cuộc sống hạnh phúc dài lâu.

Nhưng, một số người lại hiểu rằng làm như vậy là không tin tưởng nhau, mà chưa cưới đã không tin nhau như vậy rồi thì sau này, khi đã cưới nhau, có còn tin nhau được nữa hay không. Hơn nữa, nhiều người cũng chưa có thói quen xét nghiệm HIV nếu trước đó mình không có hành vi nguy cơ. Đứng trước thực tế này, các bạn trẻ chúng ta suy nghĩ gì?

Có lẽ ít người trong số chúng ta nghĩ đến việc đi xét nghiệm HIV/AIDS nếu không có hành vi nguy cơ, trước khi cho máu hoặc làm phẫu thuật, kiểm tra sức khoẻ trước khi nhận việc làm, hay theo yêu cầu của một đơn vị bảo hiểm nào đó. Vì thế, việc kiểm tra sức khoẻ và xét nghiệm HIV trước khi cưới được ít người quan tâm. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, đất nước láng giềng của chúng ta, việc kiểm tra sức khoẻ, trong đó có việc xét nghiệm HIV trước khi kết hôn đã trở thành phổ biến từ nhiều năm nay. Họ xét nghiệm, kiểm tra sức khoẻ không phải để biết xem “ai không có bệnh thì lấy, ai có bệnh thì thôi” (tất nhiên có một số trường hợp ngoại lệ), mà quan trọng hơn là để biết rõ hơn về tình trạng sức khoẻ của nhau để có thể cùng giúp đỡ nhau có một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc sau này.

Không chỉ có Trung Quốc, mới đây, Bộ Y tế Xingapo vừa quyết định sẽ trưng cầu dân ý về việc xét nghiệm HIV trước khi cưới như một yêu cầu bắt buộc với lý do số ca lây nhiễm đã tăng cao trong thời gian qua. Giải thích thêm về chủ trương này, ông Khaw Boon Wan, Bộ trưởng Bộ Y tế Xingapo nói: "Nếu người ta hỏi tôi với tư cách một ông bố, tôi nghĩ không có gì có hại ở đây cả. Tôi có 3 đứa con gái và bạn không thể biết bạn trai của chúng sẽ như thế nào. Tôi cho rằng chúng ta sẽ thành công hơn nếu coi căn bệnh này là một vấn đề sức khỏe cộng đồng thuần túy, vì vậy hãy bỏ qua những ý kiến đạo đức và tôn giáo ở đây".

Về mặt luật pháp, chúng ta chưa có một điều khoản nào quy định bắt buộc phải xét nghiệm máu trước khi kết hôn. Về mặt truyền thống văn hoá, dù các bậc cha mẹ luôn thuộc lòng câu “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” hay quan sát rất kỹ hình thể, dáng đi, nước da... của người con gái trước khi chọn vợ cho con mình, nhưng đến bệnh viện để khám, để kiểm tra... một cách công khai vẫn là một chuyện tế nhị, ít người nghĩ đến. Về mặt tự trọng cá nhân của những người trong cuộc, trước lúc kết hôn mà đưa nhau đến phòng khám để kiểm tra sức khoẻ rồi phải thông báo kết quả cho nhau đồng nghĩa với việc không tin nhau. Hơn nữa, phải lộ những chuyện riêng tư..., cho dù người được biết là vợ, chồng của mình thì vẫn là một việc khó khăn.

Nhận thức về hành vi nguy cơ của nhiều người chưa đầy đủ cũng là một lý do để giải thích vì sao lại có ít người đi xét nghiệm HIV/AIDS. Nhiều người vì quá tin vào bạn tình hoặc nghĩ rằng người khoẻ mạnh thì không thể mang bệnh tật trong người nên đã không có biện pháp phòng tránh dẫn đến việc lây nhiễm HIV/AIDS hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác mà không hề biết. Ngoài những cách thức lây truyền HIV phổ biến mà chúng ta đã biết, HIV cũng có thể xâm nhập cơ thể khi thực hiện các thủ thuật như nhổ và chữa răng, tiêm tĩnh mạch, châm cứu, chích mổ mụn nhọt, xăm mình, môi, mắt, tỉa móng tay chân, cắt tóc, cạo râu, lấy ráy tai, cắt lông mũi... mà dụng cụ không được tiệt trùng đúng quy cách. Chính vì điều này nên nhiều người đã ngỡ ngàng không hiểu vì sao khi nhận được kết quả xét nghiệm HIV dương tính.

Pháp lệnh phòng, chống nhiễm HIV quy định: “Vợ hoặc chồng, nếu biết mình bị nhiễm HIV/AIDS thì phải thông báo cho nhau; nếu không thông báo thì cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo” . Tuy nhiên, có những người vẫn không hề biết hoặc cố tình không biết điều này. Thông cảm cho sự mặc cảm của những người nhiễm HIV và giữ bí mật cho họ là cần thiết nhưng cố tình giấu giếm, thậm chí không có những biện pháp bảo vệ cho vợ, chồng mình không chỉ là sự thiếu ý thức, thiếu tinh thần trách nhiệm mà còn là một việc làm vô lương tâm. Câu chuyện về gia đình ông bà Xuân (Hà Nội) là một ví dụ: Mặc dù biết con trai mình là một người nghiện ma tuý và đã nhiễm HIV nhưng ông bà Xuân vẫn giấu không cho anh biết. Họ muốn tìm ngay một cô dâu “khoẻ mạnh, ngoan hiền” để chăm sóc cho anh con trai. Họ cũng không hề cho con dâu tương lai của mình biết là chồng cô đã nhiễm HIV. Ba tháng sau, con trai ông bà Xuân bị bệnh phải vào viện, xét nghiệm máu với HIV dương tính khiến cả con trai, con dâu ông bà Xuân sững sờ. Rất may và cũng rất hy hữu là cô con dâu chưa bị nhiễm HIV từ chồng mình.

Cả nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức gây ra bới HIV/AIDS. Nhưng nếu mỗi người đều có nhận thức đầy đủ về những tác hại của nó, biết cách bảo vệ chính bản thân mình và những người xung quanh, thảm hoạ HIV/AIDS sẽ được khống chế và loại bỏ dần. Với những người đã nhiễm HIV, việc nói cho vợ, chồng tương lai của mình biết trước khi cưới là hết sức cần thiết bởi điều đó có lợi cho cả hai người, cũng chính là để đảm bảo hạnh phúc cho họ sau này. Với những người chưa nhiễm, việc đi xét nghiệm và thông báo tình trạng sức khoẻ cho cho vợ, chồng mình biết cũng hết sức quan trọng nếu không muốn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Hy vọng trong tương lai không xa, việc xét nghiệm HIV/AIDS trước khi kết hôn sẽ trở thành thông lệ với mỗi người chúng ta.