PDA

View Full Version : OPAL - liệu pháp đột phá



heorung
04-03-05, 12:14 PM
http://www.thanhnien.com.vn/TinTuc/KhoaHoc/2005/3/2/43783/3a_A2.jpg
Giáo sư S.Kent - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu OPAL
Không lâu sau khi người Mỹ cảnh báo về sự xuất hiện của thế hệ vi-rút "siêu AIDS" mang tên DCR-3 HIV, các chuyên gia Úc tuyên bố rằng họ sắp thành công trong nỗ lực phát triển liệu pháp chữa trị hoàn toàn mới.

Phương pháp chữa trị có tên gọi Liệu pháp chồng ghép tế bào tự rụng (OPAL) này rất đơn giản, nó dựa trên hệ thống miễn dịch của động vật đối với những dòng vi-rút như HIV. Sau khi lặp đi lặp lại nhiều lần các thí nghiệm trên động vật, nhóm chuyên gia tại khoa Vi trùng học và dịch tễ thuộc Đại học Melbourne đã có những cơ sở ban đầu để lạc quan. Theo giáo sư Stephen Kent, ban đầu nhóm nghiên cứu chỉ dự tính phân tích xem hệ miễn dịch của động vật có vú làm thế nào để kháng lại HIV hiệu quả. Nhóm tiến hành lấy mẫu máu của những động vật có vú đã được tiêm vắc-xin, sau đó bọc các tế bào máu bằng những màng phát hiện chuỗi peptid HIV. Sau khi tiêm ngược loại máu đã được bọc peptid trở lại cơ thể động vật để tạo ra hiện tượng nhiễm HIV giả, người ta thấy rằng các tế bào máu của động vật có phản ứng đề kháng rất mạnh. Từ một sự tình cờ, mầm hy vọng đã đâm chồi.

"Thử nghiệm mà chúng tôi tiến hành thực ra là nỗ lực phát triển một loại vắc-xin. Phân tích khả năng miễn dịch đặc trưng của động vật nhiều tuần sau thí nghiệm, chúng tôi đã phát hiện sự gia tăng khả năng đề kháng của động vật. Kết quả vượt ngoài sức tưởng tượng. Phát hiện rất tình cờ này rõ ràng là một bước đột phá kỳ diệu", ông Kent hào hứng kể về OPAL. Khám phá mới này được coi là bước đột phá lớn trong chương trình nghiên cứu giải pháp phòng chống HIV/AIDS kéo dài 5 năm với kinh phí 16 triệu USD mà nhóm của giáo sư Kent thực hiện. OPAL đồng thời cũng mở ra hướng đi mới trong chiến dịch chống HIV/AIDS, qua đó mang lại hy vọng cho hàng chục triệu người bệnh trên hành tinh.

Sau hàng loạt thí nghiệm thành công trên cơ thể chuột và khỉ, nhóm của ông Kent dự định sẽ thử nghiệm OPAL đối với người tại Sydney và Melbourne trong vòng 2 năm tới. "Điều mà chúng tôi đang nhắm tới là một liệu pháp làm tăng khả năng đề kháng của con người đối với loại vi-rút này. Rất khó để loại hoàn toàn HIV ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nếu chúng ta "quản thúc" được chúng bằng những liệu pháp miễn dịch, thì cho dù chúng có ngự trị trong cơ thể con người đến suốt cuộc đời thì cũng chẳng gây cho người mang vi-rút một trục trặc nào cả", ông Kent giải thích. Ông còn khẳng định rằng liệu pháp của Đại học Melbourne có hiệu quả đối với cả những thể vi-rút HIV kháng thuốc.

"Nếu liệu pháp mới thành công, người bệnh chỉ cần điều trị một vài lần mỗi năm và như vậy chi phí sẽ rất thấp", ông Kent thuyết phục thêm. Từ trước đến nay, hầu hết những người có HIV đều được điều trị theo liệu pháp HAART với chi phí mỗi năm không dưới 10.000 USD. Không những tốn kém, liệu pháp truyền thống còn có thể gây phản ứng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, phát ban và cả hiện tượng nhờn thuốc. Vì thế, phát hiện của nhóm chuyên gia Melbourne được chờ đợi sẽ thanh toán hầu hết những rắc rối từ trước đến nay trong chiến dịch chống HIV/AIDS. Theo ông Kent, OPAL không chỉ có ý nghĩa đối với HIV/AIDS mà còn đối với những bệnh lây nhiễm khác, chẳng hạn như bệnh viêm gan C.

Đỗ Hùng
(Theo Journal of Virology)