PDA

View Full Version : Kiến Thức Về HIV!



zonzonlovebimbim
02-09-06, 04:09 AM
ĐẠI CƯƠNG VỀ HIV/AIDS

Hỏi:

Hãy cho tôi kiến thức cơ bản và ngắn gọn nhất về HIV/AIDS?

Trả lời:

I. ĐẠI CƯƠNG VỀ HIV/AIDS

1. AIDS (SIDA) là gì?

· SIDA do 4 chữ đầu của tên bệnh bằng tiếng Pháp (Syndrom d’Ilmmuno Déficience Acquise) có nghĩa là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Tiếng Anh gọi là AIDS (Acquired - Immuno - Deficiency - Syndrome).

o Hội chứng: Tập hợp nhiều triệu chứng và dấu hiệu bệnh.

o Suy giảm miễn dịch: Suy giảm chức năng bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của các mầm bệnh (vi trùng, virus, vi nấm...)

o Mắc phải: Không phải do di truyền mà do bị lây lan từ bên ngoài.

· Nguyên nhân gây bệnh AIDS là một loại virus có tên là HIV (còn gọi là virus SIDA). Bệnh lây qua đường tình dục, đường máu và đường mẹ truyền qua con.

Tất cả mọi người không phân biệt màu da, nam, nữ, tuổi tác đều có thể mắc bệnh. Hiện nay AIDS chưa có thuốc chữa, thuốc chủng ngừa, tử vong 100%. Cách đối phó duy nhất là đừng để nhiễm HIV.

2. Miễn dịch là gì?

· Con người luôn luôn sống giữa vô số những mầm bệnh độc hại sẵn sàng gây bệnh cho cơ thể như: vi trùng, virus, vi nấm, ký sinh trùng và cả một số tế bào ung thư sinh sản lẻ tẻ trong cơ thể. Tuy nhiên cơ thể cũng có một hàng rào phòng vệ rất hiệu quả khiến cho phần lớn các mầm bệnh không thể gây bệnh được. Đó chính là hệ miễn dịch.

· Hệ miễn dịch chủ yếu gồm các bạch cầu có trong máu giữ nhiệm vụ tuần tra và khi phát hiện mầm bệnh sẽ chiến đấu tiêu diệt mầm bệnh bảo vệ cơ thể.

3. HIV là gì?

· HIV là chữ viết tắt của virus gây AIDS bằng tiếng Anh Human-Immuno-Deficiency-Virus, có nghĩa là virus làm suy giảm miễn dịch ở người, ta quen gọi là virus SIDA.

· Nguồn gốc của nó hiện nay vẫn chưa xác định. Chỉ biết rằng có 2 loại Virus là HIV1 và HIV2. Cả hai đều gây bệnh cho người.

4. HIV xâm nhập vào cơ thể gây chết người như thế nào?

Khi xâm nhập vào cơ thể con người, HIV tìm cách tấn công vào bạch cầu gây tàn phá hệ miễn dịch. Sau một thời gian, khi các bạch cầu bị tiêu diệt nhiều, khả năng chống đỡ với mầm bệnh bị giảm. Cơ thể sẽ bị mầm bệnh tấn công sinh ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm dẫn đến cái chết.

5. Diễn biến sau khi nhiễm HIV như thế nào?

Sau khi nhiễm HIV, cơ thể sẽ trải qua 4 giai đoạn bệnh lý như sau:

5.1. Giai đoạn sơ nhiễm: Lúc mới nhiễm HIV sẽ có một vài biểu hiện như sốt mệt mỏi, nhức đau tay chân... kiểu như bị cảm cúm.

5.2. Giai đoạn nhiễm trùng không triệu chứng: Giai đoạn này, cơ thể gần như bình thường, không có biểu hiện triệu chứng. Lúc này bạch cầu chỉ bị tiêu diệt ít không đáng kể. Virus tiếp tục sinh sôi nẩy nở, nhìn bề ngoài không ai có thể biết được bệnh nhân đã bị nhiễm HIV, ngay cả chính bản thân người bệnh (nếu chưa xét nghiệm máu). Thời gian này kéo dài từ 5-10 năm.

5.3. Giai đoạn có liên quan đến AIDS: Sau vài tháng đến vài năm từ lúc bị nhiễm sẽ xuất hiện các triệu chứng như sút cân, sốt dai dẳng, đỗ mồ hôi ban đêm, nổi hạch, tiêu chảy... Các triệu chứng kéo dài hoặc tái đi tái lại báo hiệu tình trạng hệ miễn dịch đã bắt đầu suy sụp.

5.4. Giai đoạn bệnh AIDS: thực sự tương đương với hệ miễn dịch bị tàn phá gần hết, người bệnh chết dễ dàng vì các nhiễm trùng cơ hội như viêm màng não, viêm phổi, viêm ruột hoặc ung thư mạch máu, ung thư hạch... Giai đoạn này thường kéo dài không quá 2 năm. Có một số thuốc được dùng trong giai đoạn này nhưng chỉ giúp kéo dài sự sống một ít, còn không hoàn toàn điều trị dứt bệnh.

6. Tình hình bệnh AIDS hiện nay:

· Năm 1981 phát hiện tại Mỹ, sau đó lan rộng khắp thế giới. Hiện nay, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, đã có 14 triệu người mắc bệnh HIV, 2 triệu rưỡi người bị AIDS và con số này sẽ được nhân lên gấp 3 vào cuối thập niêm này.

· Riêng ở Việt Nam cas bệnh đầu tiên phát hiện cuối năm 1990, càng về sau phát hiện càng nhiều. Trong đó, đối tượng tiêm chích ma túy chiếm 90% số cas mắc bệnh, thứ đến là mãi dâm, bệnh hoa liễu... Tuổi nhỏ nhất mắc bệnh là 14 tuổi, cao nhất mắc bệnh là 64 tuổi. Vì con số luôn biến động nên chỉ nêu ra đây con số mắc vào tháng 7.1992 là 76 người thì đến tháng 7.1993 (sau 1 năm) đã là 600 người ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Và đến đầu năm 1994 con số nhiễm HIV đã hơn 1.000 người.

· Riêng Lâm Đồng đến đầu năm 1994, đã có 16 trường hợp nhiễm HIV ở những người có nguy cơ nhiễm HIV cao (xì ke, ma túy, gái mãi dâm) bao gồm 3 địa bàn Đà Lạt, Đức Trọng và Bảo Lộc. Nếu chúng ta không tích cực phòng chống thì nguy cơ lây lan căn bệnh này tại địa phương rất lớn.

II. ĐƯỜNG LÂY BỆNH

1. Bệnh AIDS lây qua các đường nào?

Vì HIV có nhiều trong máu, tinh dịch, âm đạo của người bị nhiễm nên AIDS lây truyền chủ yếu qua 3 đường chính sau:

1-1 Quan hệ tình dục với người đã bị nhiễm HIV.

1-2 Qua đường máu như:

Bị truyền máu của người bị nhiễm HIV sang người chưa bị bệnh HIV.

Dùng chung các dụng cụ tiêm chích, rạch da với người bị nhiễm HIV đặc biệt người nghiện chích ma túy cùng chung ống chích.

1-3 Mẹ bị nhiễm HIV truyền qua cho con lúc có thai và khi sinh nở.

2. Ai là người dễ bị nhiễm HIV nhất?

Tất cả mọi người đều có thể bị lây. Nhưng dễ lây nhất là:

· Những người có quan hệ tình dục bừa bãi.

· Những người hành nghề mãi dâm không có cách tự bảo vệ.

· Những người đồng tình luyến ái.

· Những người tiêm chích ma túy

· Những ngừơi bị truyền máu đã nhiễm HIV

· Vợ, chồng, con hay tình nhân của những đối tượng trên.

3. Bệnh AIDS không lây trong trường hợp nào?

HIV không thể lây truyền qua những tiếp xúc thường ngày như: Bắt tay, ngồi cạnh nhau, nói chuyện, ôm hôn xã giao, ở chung nhà, làm việc chung phòng, học chung lớp, ăn uống chung, dùng chung điện thoại... Muỗi, rệp chích cũng không lây HIV.

4. Nhìn bề ngoài có thể biết ai đã bị nhiễm HIV không?

· Không Vì người bị nhiễm HIV ở giai đoạn đầu chưa có dấu hiệu gì nên nếu chỉ nhìn bề ngoài không thể biết được, thậm chí ngay cả người bệnh cũng không biết mình đã bị nhiễm bệnh. Do đó vô tình lây lan cho người khác.

· Vậy làm thế nào để phát hiện người nhiễm HIV? Chỉ có xét nghiệm máu đễ phát hiện. Tuy nhiên, trong lúc mới bị nhiễm 1-3 tháng đầu, xét nghiệm chưa có thể phát hiện được gọi là khoảng thời gian "cưa số". Do đó, nếu nghi ngờ bị nhiễm HIV mà kết quả "âm tính" thì 3 tháng sau nên làm xét nghiệm lần nữa.

· Tại Lâm Đồng Trung tâm y tế dự phòng tỉnh sẽ thực hiện xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV.

III. CÁCH PHÒNG BỆNH

1. Phòng bệnh bằng cách nào?

· Không dùng chung kim, ống chích, dụng cụ châm chích, rạch da, nếu chưa được khử trùng đúng cách,

· Chỉ nên truyền máu đã được kiểm tra HIV (ngành y tế chịu trách nhiệm).

· Không quan hệ bừa bãi tình dục với người mãi dâm, đồng tình luyến ái hoặc quan hệ nhiều bạn tình. Nên chung thủy một vợ một chồng.

· Sử dụng bao cao su đúng cách để ngăn ngừa bệnh AIDS lây qua đường tình dục.

· Phụ nữ nhiễm HIV không nên có thai.

2. Khử trùng đúng cách là như thế nào?

· Đối với kim ống chích, dụng cụ rạch da làm bằng thủy tinh hay kim loại, cần đun sôi liên tục trong 20-30 phút tính từ lúc bắt đầu sôi. Chú ý các loại dụng cụ bằng nhựa không thể khử trùng để dùng lại được.

· Đối với vật dụng như quần áo, chăn màn... dây dính máu người nhiễm HIV, cần ngâm trong dung dịch sát trùng trong 20 phút. Dung dịch thường dùng và có hiệu quả là Natri hypocforit (NaCLO)còn gọi là nước javel nồng độ 0,1%.

IV. THAM VẤN VỀ AIDS

1. Tham vấn là gì?

· Tham vấn HIV/AIDS là cuộc đối thoại và mối quan hệ có tính cách tiếp diễn giữa khách hàng (hay bệnh nhân) và người tham vấn với mục đích.

· Phòng ngừa lan truyền sự nhiễm HIV

· Hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội cho những người đã bị nhiễm HIV/AIDS.

2. Tham vấn cho ai?

Tham vấn là địa chỉ cần thiết cho tất cả mọi người có nhu cầu tuy nhiên cần thiết nhất cho.

· Những người lo sợ rằng họ có thể bị nhiễm HIV

· Những người bắt buộc phải xét nghiệm tham vấn trước xét nghiệm hoặc sau xét nghiệm mặc cho kết quả dương tính hay âm tính.

· Đặc biệt hơn cả, tham vấn sẽ luôn luôn cần thiết cho người bị nhiễm HIV/AIDS. Qua tham vấn sẽ có sự thông cảm, hỗ trợ về tinh thần cho người bệnh.

· Gia đình và bạn bè của người bị nhiễm HIV

3. Tham vấn được tổ chức ở đâu?

· Tham vấn có thể thực hiện ở bất kỳ nơi nào để trao đổi về HIV/AIDS bao gồm: dưỡng đường, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học... và các cơ sở y tế khác.

· Tham vấn cũng có thể thực hiện tại nơi cư trú của người bệnh, nếu cần thiết.

· Nếu bạn có nhu cầu, xin mời đến Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng (số 2 Trần Bình Trọng Đà Lạt) chúng tôi luôn sẳn sàng giúp đỡ bạn.

4. Ai là người tham vấn?

Ngoài các bác sĩ, y tá, các nhà tâm lý học... những người khác có thể khuyến khích đào tạo để tham gia tham vấn như các đoàn thể xã hội, như cán bộ Đoàn thanh niên, cán bộ Hội phụ nữ...

5. Tại sao tham vấn lại cần thiết?

Vì: - Nhiễm HIV là nhiễm trùng suốt đời.

Một người có thể tránh khỏi bị lây nhiễm HIV hoặc tránh lây truyển cho người khác bằng cách thay đổi hành vi.

Được thông báo về việc bị nhiễm HIV có thể gây ra cho đối tượng những áp lực tâm lý xã hội và những lo lắng lớn lao, thậm chí thay đổi hành vi hoặc làm tệ hại hơn căn bệnh của họ, nhất là trong hoàn cảnh sợ hãi, thiếu thông cảm, bị đối xử phân biệt.

zonzonlovebimbim
02-09-06, 04:10 AM
AI SẼ LÀ NGƯỜI NHIỄM HIV?

Hỏi:

Ai có thể sẽ là người nhiễm HIV?

Trả lời:

Có thể là bất cứ ai, có thể là tôi, có thể là người thân của bạn và cũng có thể là bạn.

Chúng ta không nhiều thì ít hầu như đều đã nghe nói đến vi rút HIV và bệnh AIDS. Song, vẫn còn nhiều người tin rằng cǎn bệnh này xa vời lắm, chỉ có những người nào đó mới bị mắc, chứ không có liên quan gì đến mình. Nếu bạn cũng tin như vậy thì xin bạn hãy nghĩ lại.

Vài nǎm trước chúng ta còn tin đây là bệnh của người nước ngoài. Khi đó số người phát hiện có nhiễm HIV ở nước ta còn rất ít. Nhưng đến nay cǎn bệnh này đã trở thành một vấn đề nóng bỏng ở Việt Nam. Chúng ta có thể còn chưa thấm thía cái tai hại của vi rút HIV vì còn ít thấy người phát bệnh AIDS. Nhưng, do thời gian ủ bệnh dài từ 2 đến 10 nǎm, nên hiện giờ số người mang mầm bệnh HIV mà không biết lớn hơn nhiều số đã thành bệnh AIDS.

Nhiều người cho rằng chỉ những người tiêm chích ma tuý và những người hành nghề mại dâm mới phải lo về AIDS, còn những người bình thường không thể nào mắc phải cǎn bệnh đó. Thật sai lầm một cách ngây thơ! Đúng là những người tiêm chích ma tuý và những người làm nghề mại dâm có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn. Song, AIDS không phải dành riêng cho họ. Vợ, chồng, người yêu của người tiêm chích ma tuý có thể lây. Khách làng chơi, người vợ, người yêu của khách làng chơi có thể lây. Không chỉ có thế, tất cả những người này lại có thể lây cho người khác nữa.

Ở nước ta bệnh đã lan ra cả những người thuộc các tầng lớp khác. Nó đang lặng lẽ tấn công cả xã hội.

AIDS không có biên giới, không phân biệt màu da, tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính. AIDS có thể gõ cửa nhà bạn đấy!

Người làm nghề mại dâm nếu luôn dùng bao cao su chắc sẽ không nhiễm HIV. Người tiêm chích ma tuý nếu luôn dùng bơn kim một lần vứt đi chắc sẽ không nhiễm HIV. Nhưng nếu bạn là một người bình thường, không làm nghề mại dâm, cũng không tiêm chích, bạn vẫn có thể bị nhiễm khi thương yêu một người và ân ái không dùng bao cao su, nếu chẳng may người đó nhiễm HIV mà không biết.

zonzonlovebimbim
02-09-06, 04:10 AM
CON ĐƯỜNG LÂY NHIỄM VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

Hỏi:

Tôi muốn biết tất cả các con đường lây nhiễm HIV và cách thức phòg tránh cụ thể

Trả lời:

Thông qua quan sát và nghiên cứu, chúng ta đã biết được đại đa số người nhiễm HIV bị nhiễm qua một trong hai con đường: tình dục và dùng chung bơm kim tiêm. Ngoài ra phụ nữ nhiễm HIV có thể sinh con bị nhiễm, và người bị truyền máu nhiễm vi rút cũng bị lây nhiễm.

1. Tình dục:

1.1. Tại sao HIV lây truyền qua con đường tình dục?

Trong giao hợp thông thường, dương vật của người nam và âm đạo người nữ tiếp xúc với các dịch sinh dục của nhau. Nếu người nam mang HIV thì HIV có thể đi qua lớp niêm mạc âm đạo người nữ (da mỏng ở bên trong che phủ bề mặt âm đạo) vào những mạch máu nhỏ li ti có rất nhiều dưới lớp niêm mạc, khiến người nữ bị nhiễm. Nếu người nữ mang HIV thì HIV có thể truyền sang người nam qua niêm mạc ở lỗ dương vật hoặc qua lớp da bao phủ đầu dương vật ở phía ngoài. Lớp da này mỏng nên trong khi giao hợp dễ bị vết xước rất nhỏ không nhận thấy, tạo điều kiện cho HIV xâm nhập.

Có ba cách tránh lây nhiễm HIV theo đường tình dục:
Không có quan hệ tình dục.
Chung thuỷ từ cả hai phía khi biết chắc cả hai không bị nhiễm.
Dùng bao cao su.




1.2. Còn các kiểu tình dục hiếm hơn thì sao?

Khi giao hợp bằng miệng (như dương vật - miệng, hay miệng - âm hộ), khả nǎng lây truyền HIV thấp hơn so với giao hợp thông thường. Nhưng nếu trong miệng có lở xước, hay có chảy máu rǎng thì HIV có khả nǎng lan truyền. Vi rút HIV ở sinh dục có thể xâm nhập vào vết xước ờ miệng người kia. Hoặc HIV trong máu ở vết xước trong miệng có thể xâm nhập cơ thể người kia qua âm đạo hoặc dương vật. Vấn đề là nhiều khi trong miệng có những vết xước rất nhỏ mà ta không biết đến.

Giao hợp dương vật - hậu môn là hình thức giao hợp dễ làm lây HIV nhất. Đó là do hậu môn và trực tràng (ống trong hậu môn) rất dễ sây xước bởi không có chất dịch làm trơn như âm đạo nên tạo điều kiện rất tết cho HIV chuyển từ người này sang người kia.

“Đã quan hệ tình dục với người nhiễm HIV có đồng nghĩa với đã nhiễm không?”. Không. Không phải cứ quan hệ tình dục một lần là nhất thiết nhiễm HIV. Song, khả nǎng đó luôn luôn có. Ân ái với người nhiễm HIV, có người không bị nhiễm ngay, nhưng cũng có người bị nhiễm ngay từ lần đầu tiên. Số lần không an toàn càng cao thì khả nǎng truyền nhiễm càng cao.

1.3. Không quan hê tình dục:

Không quan hệ tình dục là một phương pháp phòng tránh HIV khá hữu hiệu. Hiện nay có nhiều bạn thanh niên có quan điểm chừng nào còn chưa lập gia đình thì còn không quan hệ tình dục, và sẽ chỉ quan hệ tình dục trong hôn nhân thôi. Thực tế người ta vẫn có thể “yêu” mà không cần đến “tình dục”.

Nhưng tại sao lại không nói đây là phương pháp phòng tránh “hoàn toàn hữu hiệu” mà chỉ nói “khá hữu hiệu”? Lý do là chuyện tình dục nhiều khi xảy ra “ngoài ý muốn” hai người. Chúng tôi đã gặp một số bạn có quan điểm khá cứng rắn không quan hệ tình dục nếu chưa cưới, song kết cục vẫn phải cưới chạy thai. “Những chuyện này chẳng ai nói mạnh được”.

Do đó nếu bạn nghĩ mình phòng HIV bằng cách không quan hệ tình dục thì bạn phải thật quyết tâm, phải cảnh giác với chính bản thân mình và... có lẽ hay nhất là dự phòng một phương án khác để phòng thân trong trường hợp tình thế thay đổi. Đó chính là bao cao su.

1.4. Chung thủy từ cả hai phía khi biết chắc cả hai không bị nhiễm HIV

Chung thủy vốn là một đức tính mà người Việt Nam ta hằng coi trọng. Dù không xét đến khía cạnh đạo đức thì cũng có thể thấy rõ chung thủy là một điều mang lại nhiều ích lợi. Ở thời đại hiện nay, chung thủy không những bảo vệ hạnh phúc lứa đôi mà còn có thể bảo vệ sức khỏe con người. Nếu có vợ, chồng hay người yêu, bạn hãy coi trọng hơn nữa việc chung thủy

Chung thuỷ về tình dục góp phần tích cực ngǎn chặn sự lan nhiễm con vi rút HIV. Nhưng ta cũng rất cần phải nhớ: Luôn chắc chắn tránh được HIV thì cần cả hai người chung thủy và biết chắc cả hai không nhiễm HIV.

Nếu chỉ một người chung thủy thì cũng chẳng khác gì đóng kín cửa trước nhưng lại mở cửa sau, kẻ gian vẫn dễ dàng lẻn vào được.

Lẽ dĩ nhiên chỉ nên áp dụng cách chung thủy này với người không có nguy cơ nhiễm HIV khác. Nếu vợ, chồng hay người yêu của bạn có khả nǎng nhiễm thông qua đường dùng chung bơm kim tiêm không tiệt trùng thì bạn rõ ràng là bị nguy hiểm đấy.

1.5. Dùng bao cao su

Bao cao su có thể coi là thần hộ vệ nếu ta dùng bao cao su và dùng đúng cách. Nó giúp ta tránh được HIV và bao nhiêu rắc rối khác, trong đó có cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Lý do đơn giản nhất cần phải dùng bao cao su là ta không thể biết người khác có nhiễm HIV hay không, thậm chí người nhiễm HIV rất có thể cũng không biết mình bị nhiễm. Có dùng bao cao su thấu đáo hay không là ở quyết định của mỗi người. Nhưng nếu bạn có quan hệ tình dục thì hãy nhớ một điều vô cùng quan trọng là: Bạn có thể đảm bảo không lây nhiễm HIV bằng cách luôn luôn dùng bao cao su.

Bạn ơi, nếu một người không muốn dùng bao cao su với bạn thì hãy cẩn thận đấy, vì trước khi gặp bạn rất có thể người ấy cũng đã gặp người khác mà không dùng bao cao su. Còn ngược lại thấy người ta muốn dùng bao cao su, bạn đừng nghĩ người ta đã có quan hệ tình dục nhiều hay không tin tưởng bạn. Điều đó chỉ thể hiện là người ta có ý thức bảo vệ bản thân và bảo vệ bạn, tôn trọng bản thân và tôn trọng bạn mà thôi.

2. Dùng chung bơm kim tiêm không tiệt trùng:

Dùng chung bơm kim tiêm mà không tiệt trùng sau mỗi lần sử dụng khiến cho máu người trước còn đọng trên bơm kim đi thẳng vào mạch máu của người sau. Dù không nhìn thấy thì bơm kim vẫn có máu đọng đó. Do đó nếu có vi rút HIV thì nó lây được dễ dàng.

Có hai cách tránh nhiễm HIV qua bơm kim tiêm:
Dùng riêng bơm kim tiêm.
Tiệt trùng bơm kim tiêm nếu dùng chung




Hàng ngày ta thường nghe hay trông thấy ở ngoài đường các khẩu hiệu như: “Tiêm chích ma tuý gây ra AIDS”. Nói chính xác ra thì chất ma tuý tự nó không gây ra AIDS, mà chỉ có dùng chung dụng cụ tiêm không tiệt trùng mới khiến cho HIV lây nhiễm, gây ra bệnh AIDS. Nguyên nhân khiến cho người tiêm chích ma tuý có nguy cơ nhiễm HIV cao là các điểm tiêm chích thường dùng một bơm kim tiêm cho nhiều người. Có khi anh em bạn bè cũng rủ nhau tiêm chung mà không nghĩ đến có thể có người bị nhiễm. Anh Hà đã chích sáu nǎm nay tâm sự: “Đến tiệm thì chấp nhận hết. Mười người thì cả mười người một cái xi lanh đấy thôi. Mà tiêm thì phải nhanh nhanh vì hây giờ công an họ làm gắt lắm”. Chị Hưng hoạt động xã hội với các anh chị em tiêm chích cho biết: “Lúc lên cơn nghiện người ta vớ được cái bơm nào là chích cái đó”. Thật đáng buồn.

Hiện nay có hiện tượng nhiều bạn thanh niên bắt đầu sử dụng ma tuý. Nhiều bạn nghĩ mình chỉ thử chơi một, hai lần sẽ không nghiện. Nhưng ma tuý rất nguy hiểm, đa số người nghiện lúc bắt đầu đều nghĩ chỉ thử thôi, nhưng rồi bị nghiện ngay. Có bạn cho rằng nếu hút hay hít thì không ngại HIV. Nhưng nhiều người lúc đầu chỉ hút hay hít thôi, lâu ngày nghiện nặng không có tiền để hút hay hít nữa nên phải chuyển sang tiêm chích. Do vậy tối nhất là tránh thật xa các loại ma tuý. Còn nếu đã dính vào ma tuý thì ta nên cố mà bỏ sớm.

Và bạn nên nhớ khi nào dùng đến bơm kim tiêm dù là tiêm thuốc y tế hay tiêm chích ma túy, cũng phải đảm bảo an toàn bơm kim.

Trong các bệnh viện, bơm kim tiêm được tiệt trùng sau mỗi lần sử dụng. Nhưng nếu bạn quá lo lắng thì hãy mua loại bơm kim dùng một lần vút đi hiện bán nhiều ở các hiệu thuốc. Giá rất rẻ, chỉ khoảng 1000 đồng/bộ.

Vài lời nói riêng với các bạn chưa bỏ được tiêm chích ma tuý:

An toàn nhất là bạn dùng loại bơm kim một lần vứt đi. Nếu không có được thì bạn nên sắm một bộ bơm kim riêng, giá chỉ có 6000 đồng. Bạn nên chú ý mỗi lần lại tiệt trùng bơm kim để giữ vệ sinh, vì nếu bơm kim bẩn thì có thể gây nhiễm trùng, nguy hiểm. Cần tránh dùng bơm kim của người khác, đặc biệt là bơm kim của chủ tụ điểm.

Nếu bất đắc dĩ lắm mà phải dùng chung bơm kim thì phải tiệt trùng bơm kim sau khi tiêm cho mỗi người. Nhưng tốt nhất là chuẩn bị trước, đừng bao giờ để phải dùng chung bơm kim với người khác.

Có người tin là mình không thể nào có HIV, hoặc tin là bạn chích không thể có HIV. Thử nghĩ xem: hầu hết những người tiêm chích ma tuý đều đã có lần dùng chung bơm kim với người khác. Vậy, bạn đừng tự lừa phỉnh mình nhé. Ai cũng có khả nǎng bị nhiễm.

Cũng cần nói thêm là nếu bạn đã từng dùng chung bơm kim với người khác thì cũng không nhất thiết là bạn bị nhiễm. Nếu chưa nhiễm thì bạn thật là may mắn, nhưng ít ai may mắn được mãi. Nếu bạn không bảo vệ mình bây giờ thì ngày mai có thể sẽ là quá muộn.

Dùng riêng bơm kim hoặc tiệt trùng bơm kim, bạn bảo vệ được bản thân mình và cả những người khác.

Không ai đáng phải chết vì AIDS. Ma tuý tuy rất khó nhưng còn có khả nǎng cai được. HIV đã vào người thì không ai “cai” được nó đâu.

3. Truyền từ mẹ sang con:

Phụ nữ nhiễm vi rút HIV nếu sinh con sẽ có khả nǎng khoảng 30% là con nhiễm HIV theo mẹ, có nghĩa là cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV sinh con thì có khoảng 30 trẻ bị nhiễm. Vi rút HIV có thể lây sang bé qua nhau thai khi bé còn nằm trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh, và một số nhỏ lây qua sữa mẹ khi mẹ cho bé bú. Trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV thường không sống được quá ba nǎm, bé sẽ bị bệnh và chết.

Trẻ do mẹ nhiễm HIV sinh ra thường xét nghiệm dương tính, tức là trong cơ thể bé có kháng thể kháng HIV. Nhưng như thế không có nghĩa là bé đã bị nhiễm. ở trong bụng mẹ và khi bú sữa mẹ, bé nhận các chất kháng thể của mẹ để giúp bé chống bênh tật. Có thể bé không bị nhiễm HIV, nhưng cơ thể bé còn lưu nhiều kháng thể mẹ truyền cho, trong đó có cả kháng thể kháng HIV. Do đó xét nghiệm của bé là dương tính mặc dù không nhiễm vi rút. Bé chỉ có kết quả xét nghiệm chính xác vào khoảng 6 - 12 tháng sau khi sinh. Khi đó trong máu của bé không còn các kháng thể của mẹ, mà chỉ có các kháng thể do cơ thể bé tự sinh ra. Nếu kết quả xét nghiệm lúc này là dương tính thì mới xác định bé có nhiễm HIV.

4. Truyền máu nhiễm vi rút:

Truyền máu là con đường lây nhiễm trực tiếp. Trong truyền máu, máu của người khác đi thẳng vào mạch máu của ta, hơn nữa lượng máu này lại lớn. Do đó bất cứ ai bị truyền máu của người nhiễm HIV đều bị lây nhiễm.

Kể từ nǎm 1994 trở đi, theo quy định tất cả các bệnh viện đều phải xét nghiệm HIV máu trước khi truyền, để tránh truyền máu nhiễm vi rút cho bệnh nhân. Do vậy, độ an toàn truyền máu rất cao. Tất nhiên vẫn có một khả nǎng là có người bị nhiễm HIV nhưng còn ở trong thời kỳ “cửa sổ” (khoảng 3 - 6 tháng sau khi nhiễm có thể chưa sinh kháng thể) thì xét nghiệm không phát hiện được là có nhiễm và bệnh viện vẫn chấp nhận máu của người đó. Song khả nǎng này nhỏ.

Cẩn thận thì bạn hãy yêu cầu bệnh viện xét nghiệm lại máu trước khi truyền. Xét nghiệm không chỉ để tìm kháng thể kháng HIV mà còn để loại trừ các bệnh khác như sốt rét, giang mai, viêm gan B...

Nếu vài tháng nữa bạn có kế hoạch phẫu thuật và sẽ cần máu thì có thể yêu cầu bệnh viện trích máu của mình từ bây giờ để dự trữ nếu điều kiện sức khỏe cho phép. Như vậy bạn tránh dùng máu của người khác, không sợ nguy cơ lây HIV.

Hoặc bạn cũng có thể xin máu trước của một người thân bạn biết rõ không nhiễm HIV, để không phải dùng máu của bệnh viện. Làm vậy là rất hay, vì vừa được an toàn, vừa tiết kiệm được máu cho bệnh viện.

Ngoài những đường lây thông thường là tình dục không có bao cao su bảo vệ, chung bơm kim tiêm không tiệt trùng, truyền máu nhiễm HIV và truyền từ mẹ sang con, HIV hầu như không lây nhiễm qua các đường khác.

Trong dịch vụ y tế, các dụng cụ nhìn chung đều được khử trùng, nên không đáng ngại. Song, nếu bạn còn lo thì hãy hỏi bác sĩ dụng cụ đã được tiệt trùng, đã đảm bảo an toàn chưa và yêu cầu tiệt trùng dụng cụ. Đây là quyền lợi của bạn.

Ngoài ra, khi đi cạo râu hoặc sửa móng tay ở hiệu, bạn có thể yêu cầu người làm rửa sạch dụng cụ và cẩn thận hơn nữa là lau bằng cồn.

Nếu có bao giờ xăm mình, bạn nhất thiết cần yêu cầu tiệt trùng dụng cụ thật cẩn thận trước khi xăm, vì tiệt trùng không phải chỉ để tránh lây nhiễm HIV mà còn để tránh nhiễm trùng do dụng cụ bẩn.

zonzonlovebimbim
02-09-06, 04:11 AM
PHẢI LÀM GÌ KHI MÌNH ĐÃ NHIỄM HIV?

Hỏi:

Tôi vừa phát hiện mình nhiễm HIV và tôi đang rất hoang mang. Hãy cho tôi một lời khuyên.

Trả lời:

Khi phát hiện ra mình bị nhiễm HIV, phần đông sẽ hoảng hốt, sợ hãi, hoặc sẽ buồn. Có người nói: "Bị thì sẽ tự tử thôi, không sống nổi đâu". Nhưng cái khủng hoảng ban đầu rồi sẽ qua. Cái quan trọng là tiếp theo sẽ sống như thế nào. Có bạn cho rằng phải "Sống đẹp những ngày còn lại". Nhiễm HIV cũng còn sống một số nǎm nữa. Sống đẹp có khó không, muốn sống đẹp phải làm gì? Điều đó tùy theo mỗi người, nhưng có một số điều cần quan tâm, đó là chỗ dựa tinh thần, niềm vui, sức khỏe, và tránh lan nhiễm, lây bệnh khác hay tái nhiễm.

1. Chỗ dựa tinh thần

Chỗ dựa tinh thần thường là gia đình hay bạn bè thân thiết. Đó là người sẽ lắng nghe ta trút nỗi lòng hoặc nói một câu an ủi khi ta cần đến. Đó là người làm ta vui, làm ta yên lòng. Ai cũng cần tìm lấy chỗ dựa tinh thần để trải qua những giờ phút bất ổn.

Ngoài ra, bạn có thể tìm đến, và nên tìm đến những trung tâm tư vấn về HIV/AIDS. Ở đây có những người hiểu được những khó khǎn của bạn, có thể giúp bạn tìm cách khắc phục. Họ có thể giúp bạn vượt qua những cơn trầm cảm, những khi tuyệt vọng. Ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có câu lạc bộ "Bạn giúp bạn" do một số người nhiễm HIV thành lập để cùng chia sẻ vui buồn và tương trợ nhau. Bạn có thể tìm đến đó. Rất hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều địa phương có được những câu lạc bộ như thế.

2. Niềm vui

Ta rất cần đến những niềm vui làm cho ta thấy yêu đời. Nếu phát hiện ra mình nhiễm HIV mà chỉ suốt ngày ngồi ủ rũ, gặm nhấm nỗi đau của mình thì bạn sẽ sống khổ và chết sớm. Bạn hãy đứng dậy và làm một việc gì đó mà mình thích.

Lỡ nhiễm HIV thì đừng nghĩ là đã hết sống. Bạn cứ sống tiếp, cứ làm cái gì mình thích hay thấy nên làm. Nó sẽ đem lại cho cuộc sống của bạn ý nghĩa và niềm vui.

3. Sức khỏe

Khi đã bị nhiễm mầm bệnh thì phải chú ý đến sức khỏe. Nên ǎn uống tốt, đủ chất, đủ vitamin, tránh các thức ǎn tái và sống, rau sống, thức ǎn vệ sinh không tốt. Nên hoạt động và nghỉ ngơi điều độ, đồng thời tập thể dục, tập dưỡng sinh để tǎng cường sức khỏe. Nếu sức khỏe tốt thì sẽ sống được lâu và sống vui.

4. Tránh lan nhiễm, tránh lây bệnh khác, tránh tái nhiễm

Để bảo vệ sức khỏe, bạn cần phải tránh tất cả các thứ bệnh truyền nhiễm nói chung và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói riêng. Một cái không may là người nhiễm HIV thì dễ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, và người có các bệnh này thì cũng dễ nhiễm HIV. Người nhiễm HIV cũng rất nên tránh tái nhiễm HIV từ một người khác, vì vi rút HIV vào mỗi người phát triển theo một cách nên vi rút HIV của người này khác vi rút HIV của người khác, nhiễm càng nhiều thì càng hại. Còn đối với người khác thì bạn đừng đem cái vi rút không may của mình cho người ta.

Do đó cần phải cẩn thân, luôn luôn dùng bao cao su nếu quan hệ tình dục, và tránh mọi khả nǎng tiếp xúc máu.

HÃY SỐNG LẠC QUAN!

zonzonlovebimbim
02-09-06, 04:13 AM
NĂNG LỰC CỦA THỦ PHẠM HIV

Hỏi:

Cho tôi biết các thức gây hại của virút HIV ?

Trả lời:

HIV có nghĩa là vi rút suy giảm miễn dịch ở người. Nó gây ra bệnh AIDS. Hiện nay y học vẫn còn chưa tìm được cách trị con vi rút này, cho nên nhiễm HIV là nhiễm suốt đời.

HIV gây hại gì trong cơ thể người ta?

Cơ thể con người có hệ thống miễn dịch vô cùng quan trọng. Nhờ có hệ thống này mà con người mới sống được mặc dù môi trường xung quanh có biết bao vi khuẩn, vi rút, vi sinh vật gây bệnh lǎm le tấn công. Một bộ phận chủ chốt của hệ thống miễn dịch là các bạch cầu, có thể coi là đội quân quốc phòng tinh nhuệ. Mỗi khi thấy có kẻ lạ xâm nhập là các chiến binh bạch cầu bài binh bố trận để đánh trả.

Nhưng chính các bạch cầu chỉ huy trong đội quân này lại là đối tượng mà HIV tấn công. HIV vào được cơ thể liền đến "hỏi thǎm" các bạch cầu chỉ huy, tài tình nhảy vào cư trú ngay trong mình bạch cầu này, đánh từ bên trong, làm cho bạch cầu mất khả nǎng chiến đấu và dần dần bị tiêu diệt. HIV không những chiếm đóng mà còn lợi dụng bạch cầu để sinh sôi nữa.

Các bạch cầu chỉ huy dần dần bị tiêu diệt thì đến một lúc nào đó cả đội quân bạch cầu bị vô hiệu hoá. Những kẻ lạ là các loại vi rút, vi khuẩn, v.v... có thể tuỳ ý xâm nhập cơ thể con người mà ít bị chống trả. Bệnh tật chế ngự cơ thể, và cuối cùng người ta phải chết.

Khi bị nhiễm HIV hầu như người ta không có triệu chứng

Chỉ có một số người khi mới nhiễm HIV có một số triệu chứng nhẹ như đau đầu, đau họng, sổ mũi, sốt. Các triệu chứng này thường tự hết trong khoảng 10 ngày và sau đó không có dấu hiệu gì nữa. Nó rất giống bệnh cúm nên thường người ta không nhận ra.

Ủ bệnh đối với HIV là một thời gian dài

Các bệnh thông thường hầu hết đều có thời gian ủ bệnh, có nghĩa la ta nhiễm phải cái gây bệnh (ví dụ như các vi rút, vi khuẩn) rồi một thời gian sau mới phát ra các triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh mỗi bệnh dài ngắn khác nhau. Nhiều bệnh thời gian ủ bệnh rất ngắn. Ví dụ như bệnh cúm, thứ bệnh ai cũng phải mắc. Có bao giờ bạn nhận thấy hôm nay bắt đầu nhức đầu, sổ mũi, chảy nước mắt, nhưng ngày hôm qua đã thấy mỏi mệt rồi không? Chắc là có. Bạn đã nhiễm phải vi rút gây bệnh cúm từ ngày hôm qua rồi đấy, có khi còn từ một hai ngày trước nữa kia. Thời gian ủ bệnh của bệnh cúm là một vài ngày. Có những bệnh thời gian ủ bệnh rất dài. Chẳng hạn như ung thư, nhiều khi khối u đã tiềm ẩn thời gian rất lâu rồi mới có triệu chứng.

HIV vào cơ thể cũng trải qua thời gian ủ bệnh rồi mới sinh ra bệnh SIDA. Thời gian ủ bệnh của HIV khá dài. Kể từ khi phát hiện ra người đầu tiên bị AIDS vào đầu nǎm 1981, người ta đã quan sát vô số trường hợp và kết luận rằng:

Thời gian để vi rút HIV làm sinh ra bệnh SIDA là khoảng từ 2 đến 10 nǎm. Trong thời gian ủ bệnh này, người nhiễm HIV vẫn sống khoẻ mạnh bình thường, nếu không xét nghiệm thì cũng không biết mình có mang mầm bệnh.

Nhưng thời gian này, người mang vi rút HIV luôn có khả nǎng truyền vi rút cho người khác mà không ai hay biết. Tất cả mọi người (dù mang vi rút HIV hay không) đều nên hiểu biết để ngǎn chặn sự truyền nhiễm con vi rút này.

cind
04-09-06, 12:05 PM
Tiếp đi G! Hãy cho các bạn chưa biết gì về H thêm thật nhiều kiến thức nghen.

zonzonlovebimbim
04-09-06, 12:13 PM
OK thôi anh Cind, mình biết gì và có gì? thấy gì ? mình củng nên đưa ra cùng thảo luận cùng với mọi nguời mà anh.
Hỏi:

Tôi muốn biết về Xét nghiệm HIV?

Trả lời:

Xét nghiệm là cách duy nhất để biết mình có nhiễm HIV không?

Có bạn nói: "Xét nghiệm làm gì? Bị có nghĩa là chết. Không có thuốc thì biết được hay không có giải quyết vấn đề gì đâu". Xét nghiệm hay không là tùy quan điểm mỗi người. Biết mình bị nhiễm HIV người ta hay có lúc hoảng sợ, lo lắng. Nhưng nếu biết được thì cũng có một cái lợi. Bạn sẽ biết mà chú ý sǎn sóc sức khỏe bản thân chu đáo hơn. Vả lại, nếu có nhiễm HIV mà không biết thì có khi ta vẫn tiếp tục sống không cẩn thận, mang HIV lây cho người khác thì tội người ta lắm.

Người ta thường gọi là xét nghiệm HIV hay xét nghiệm AIDS, nhưng về thực chất nó không phải là xét nghiệm tìm con vi rút HIV. Khoảng 3 đến 6 tháng sau khi HIV vào cơ thể, cơ thể sẽ tạo ra chất kháng thể chống lại HIV. Đáng buồn là kháng thể này bất lực, không trị được HIV. Nhưng kháng thể là dấu hiệu cho thấy có nhiễm HIV. Do đó xét nghiệm là tìm kháng thể HIV.

Nhược điểm của cách xét nghiệm này là có khi có nhiễm vi rút HIV nhưng không tìm ra kháng thể vì kháng thể chưa có. Do đó người ta rất lưu ý "thời kỳ cửa sổ".

Thời kỳ cửa sổ: là thời gian sau khi đã nhiễm HIV nhưng cơ thể chưa kịp tại kháng thể hoặc lượng kháng thể sinh ra quá nhỉ. Xét nghiệm khi đó chưa tìm được mầm bệnh. Thường thì thời kỳ này là trong vòng 3 tháng, cũng có người dài hơn, nhưng nói chung không quá 6 tháng.

Ba loại kết quả xét nghiệm:

Dương tính: trong máu có kháng thể kháng HIV, có nghĩa là bạn có HIV. Chỉ có trường hợp trẻ sơ sinh là khác, vì có khi bé không có vi rút HIV nhưng lại có kháng thể của mẹ truyền sang.

Âm tính: trong máu không có kháng thể kháng HIV. Có hai khả nǎng: hoặc là bạn không có HIV, hoặc là bạn có HIV nhưng đang ở trong "thời kỳ cửa sổ''.

Không rõ: Nguyên nhân có thể là do bạn đang ở trong "thời kỳ cửa sổ", cũng có thể do bạn dùng một số loại thuốc nào đó làm ảnh hưởng đến khả nǎng nhận diện kháng thể nên không xét nghiệm được rõ ràng.

Liệu có được bí mật không?

Có. Khi gặp gỡ, bác sĩ xét nghiệm sẽ hỏi tên, và có thể cả địa chỉ của bạn, nhưng tên, địa chỉ cũng như kết quả xét nghiệm sẽ được giữ bí mật. Song, nếu bạn cảm thấy không thoải mái thì có thể yêu cầu không để lại địa chỉ.

Hiện nay trung tâm dịch tễ, nhiều bệnh viện và trung tâm y tế ở các thành phố có xét nghiệm HIV. Các trung tâm y tế tỉnh cũng có dịch vụ này. Bạn có thể đến đó xét nghiệm. Nếu ngại, bạn có thể gọi điện thoại hỏi trước đến cần gặp ai, tên là gì, để khi đến bạn chỉ cần hỏi tên thôi, không phải nói: ''Cho tôi xét nghiệm HIV"

Bạn hãy gọi điện cho 1080 hỏi địa chỉ và số điện thoại của các trung tâm y tế quận, tỉnh, nơi thường có dịch vụ xét nghiệm và tư vấn HIV. Hoặc bạn hãy tham khảo danh sách một số cơ sở xét nghiệm và tư vấn HIV/AIDS.

Chi phí xét nghiệm:

Không có một mức thống nhất. ở một số điểm có thể xét nghiệm miễn phí. Một số điểm khác có mức phí khoảng từ 25.000 đồng đến 40.000 đồng.

Phải làm gì khi có kết quả xét nghiệm?

Nếu đã quá thời gian ''cửa sổ" mà bạn xét nghiệm có kết quả âm tính thì quả rất là mừng. Nhưng hãy cẩn thận. Đừng nghĩ là mình chưa bị thì sẽ không thể nào bị nhé. Bạn may mắn lắm đấy. Nhưng người ta thường bảo: "Đi đêm lắm có ngày gặp ma" mà. Bạn đừng lặp lại những việc nguy hiểm nữa.

Nếu kết quả là không rõ thì bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn đến xét nghiệm lại.

Nếu dương tính thì sao? Nhiều người sợ chết, nhiều người lo sợ người khác biết thì sẽ xấu hổ và có thể người ta sẽ miệt thị mình. Nhiều người không biết có nên cho gia đình biết không. Có người sẽ tò mò muốn biết sao ta bị nhiễm v.v... Cuộc sống sẽ thay đổi hẳn. Nhưng nhiễm HIV không có nghĩa là tất cả đã hết.

zonzonlovebimbim
04-09-06, 12:16 PM
LÀM SAO ĐỂ TIÊM CHÍCH MA TÚY AN TOÀN?



Hỏi:



Tôi là người nghiện và thường tiêm chính ma túy, vậy tôi làm sao để việc tiêm cính này không lây nhiễm HIV?

Trả lời:

Lời khuyên chân thành đối với bạn nào tiêm chích ma tuý:

1. Bạn hãy cố gắng bỏ ma tuý. Nếu nghiện thì khi cai cũng chỉ khó chịu một vài ngày đầu thôi. Cảm giác thèm có thể dai dẳng, khó chịu, nhưng bạn lại tránh được bao nhiêu nguy cơ bệnh tật và phục hồi sức khoẻ. Do đó, bỏ ma tuý là việc rất đáng làm.

2. Nếu khó quá chưa bỏ được thì thà hút hoặc hít. Còn tiêm chích thường rẻ tiền hơn nhưng có khả nǎng lây nhiễm HIV.3. Bất cứ khi nào tiêm chích cũng phải thực hiện an toàn bơm kim.

An toàn bơm kim tiêm không những tránh HIV mà còn tránh nhiễm trùng, viêm gan B, giang mai, sốt rét, viêm van tim, v.v...

Hay nhất là dùng bơm kim tiêm một lần.

So với thuốc chích thì bơm kim một lần vứt đi rất rẻ, chỉ khoảng 1.000 đồng một bộ. Nếu bơm kim này có bán ở nơi tiện mua thì dùng loại này tốt nhất vì đảm bảo sạch 100%, lại không phải mất công và mất thời gian tiệt trùng.

Trường hợp không có được thì bắt buộc phải tiệt trùng bơm kim. Tiệt trùng thì độ an toàn không bằng được cách dùng một lần vút đi. Nhưng nếu dùng lại bơm kim tiêm thì nhất định phải tiệt trùng, không làm vậy có nghĩa là liều mạng

Bạn không bao giờ nên dùng chung bơm kim. Song nếu bất đắc dĩ có khi nào dùng chung thì càng phải tiệt trùng cẩn thận hơn nữa.

Một số cách tiệt trùng bơm kim

Cách 1: Dùng nước sạch đun sôi để nguội và nước tẩy gia ven (nếu làm đúng thì có hiệu quả cao)

Bước 1: Hút nước vào đầy bơm kim. Lắc bơm. Bơm hết ra ngoài. Làm 2 lần để rửa sạch bớt máu.

Bước 2: Hút nước tẩy gia ven vào đầy bơm kim. Lắc bơm. Bơm hết ra ngoài. Làm 5 lần để diệt vi rút.

Bước 3: Hút nước vào đầy bơm kim. Lắc bơm. Bơm hết ra ngoài. Làm 3 lần để rửa sạch nước tẩy.

Chú ý:

ü Nước phải là nước đã đun sôi, để nguội, sạch, không chạm vào dụng cụ của người khác.

ü Bạn nên dùng nước tẩy gia ven mua ở đại lý của nhà máy hoá chất sản xuất và không pha loãng. Nước tẩy của người bán rong thường pha loãng rồi, không nên dùng vì hiệu quả kém. Nếu có dùng thứ đó bạn hãy giữ nước tẩy trong bơm kim thời gian thật lâu.

ü Nếu không đủ nước tẩy để rửa 5 lần thì cũng có thể làm ít lần hơn, nhưng cần để nước tẩy trong bơm kim và lắc ít nhất là nửa phút (30 giây) tất cả. Dễ nhất là hút nước tẩy gia ven vào đầy bơm, vừa lắc vừa đếm từ 1 đến 100 rồi hãy bơm ra.

ü Khi bơm nước và nước tẩy gia ven ra ngoài. Không được bơm vào bình đựng nước và bình đựng nước tẩy đang dùng.

ü Nước dùng sau khi rửa bằng nước tẩy phải là nước mới, không dùng lại nước và bình chứa đã dùng trước khi dùng nước tẩy.

ü Nước dùng sau khi rửa bằng nước tẩy phải là nước mới, không dùng lại nước và bình chứa đã dùng trước khi dùng nước tẩy.

Cách 2: Dùng nước sạch đun sôi để nguội và cồn 700

Cách dùng như cách dùng nước và nước tẩy gia ven nói trên. Song, hiệu quả diệt HIV khng cao bằng dùng nước tẩy gia ven.

Cách 3: Dùng nước sạch đun sôi để nguội (Hiệu quả kém, chỉ nên dùng cách này khi không còn cách nào khác).

Nếu làm cách này thì phải làm ngay sau khi tiêm, để lâu hiệu quả giảm nhiều vì máu có thể đông lại và bám trong bơm kim.

Cách làm: Hút nước sạch đã đun sôi để nguội vào đầy bơm kim, lắc kỹ bơm kim, rồi bơm hết ra ngoài (tránh bình đựng nước). Làm đủ 9 lần.

Chú ý: Trong các cách làm trên, bạn không bao giờ nên dùng nước lã. Nếu không có được nước sạch đun sôi để nguội thì dùng nước trà để nguội vẫn tốt hơn dùng nước lã.

Cách 4: Đun bơm kim ngập trong nước sôi ít nhất 20 phút (nếu bạn dùng bơm thuỷ tinh)

Ngoài an toàn bơm kim tiêm, cũng phải thực hiện an toàn các dụng cụ khác như nồi đựng thuốc, đồ múc thuốc. Các thứ này phải đảm bảo không tiếp xúc với các dụng cụ có chạm đến máu của cá nhân, như bơm kim, đồ đựng thuốc, đồ múc thuốc.

zonzonlovebimbim
04-09-06, 12:17 PM
NGƯỜI BỆNH LÀ NẠN NHÂN

Hỏi:

Tôi có nên xa lánh người nhiễm HIV?

Trả lời:

Cho đến nay, nhiều người trong chúng ta vẫn còn cảm thấy sợ hãi người nhiễm HIV. Thực ra có nhiều bệnh dễ lây hơn nhiều. Tiếp xúc thông thường không làm lây HIV. Không có lý do gì đáng phải sợ người nhiễm HIV cả.

Nghĩ đến HIV/AIDS, có người coi đó là một tệ nạn xã hội. Cách suy nghĩ đó thật sai lầm. Nó chỉ là một bệnh, và như bao cǎn bệnh khác, bất cứ ai cũng có khả nǎng mắc bệnh này.

Người nhiễm HIV không khác gì người khác, mà chỉ là người không may mắn, cần được giúp đỡ, động viên.

Gia đình, bạn bè là chỗ dựa quan trọng nhất, có thể giúp cho người nhiễm HIV sống vui vẻ và không bị ám ảnh vì bệnh tật. Mọi người khác cần phải xử sự bình thường và nhân ái với người nhiễm HIV. Nếu có thái độ xấu với người nhiễm HIV thì cũng chẳng khác gì chế giễu những người tàn tật. Thật đáng chê trách.

Khi gặp người nhiễm HIV bạn hãy nghĩ rằng rất có thể đó là người thân của mình, hay thậm chí là bản thân mình. Ông bà ta vẫn hay dạy: "Thương người như thể thương thân" mà.

zonzonlovebimbim
04-09-06, 12:19 PM
HIV KHÔNG LÂY TRUYỀN KHI NÀO?

Hỏi:

HIV không lây truyền khi nào?

Trả lời:

Muỗi đốt

Có nhiều người bǎn khoǎn không biết muỗi đất có làm lây HIV không. Nhiều người tin là muỗi không truyền HIV nhưng cũng không hiểu rõ tại sao.

Chỉ cần quan sát chúng ta cũng thấy không có chuyện muỗi truyền HIV. Tại sao? Nước ta hiện nay đã có những người mang vi rút HIV. Muỗi thì có ở khắp nơi, không có ai chưa bị muỗi đốt bao giờ. Nếu muỗi truyền con vi rút này thì chẳng mấy chốc tất cả mọi người già trẻ lớn bé đều nhiễm HIV hết, số người bị phải đông đến mức báo động rồi.

Muỗi là kẻ thù mang đến cho chúng ta nhiều thứ bệnh. Nhưng, đối với HIV/AIDS thì muỗi không có tội tình gì!

Nói về các lý do y học tại sao muỗi không truyền HIV thì:

Người ta đã nghiên cứu và thấy vi rút HIV không sống và sinh sản trong cơ thể muỗi.

Khi muỗi đốt người thì máu từ cơ thể người đi vào cơ thể muỗi chứ không đi từ cơ thể muỗi sang cơ thể người. Muỗi chỉ tiết vào cơ thể người một ít nước bọt có chứa chất chống đông máu để máu chảy được vào cơ thể muỗi. HIV không tồn tại và sinh sản trong cơ thể muỗi nên nó không có trong nước bọt của muỗi, do đó không đi vào cơ thể người.

Đây là điểm khác với ký sinh trùng gây bệnh sốt rét. Ký sinh trùng gây bệnh sốt rét sống và sinh sản trong cơ thể muỗi nên nó đi vào cơ thể người từ nước bọt của muỗi.

Cấu trúc vòi muỗi rất tinh tế phức tạp, khiến cho máu đi vào bên trong cơ thể muỗi mà không bị dính ở ngoài. Do đó không có chuyện máu của người bị đốt trước dính vào người bị đốt sau.

Hôn

Có nhiều bạn hỏi: "Hôn có lây AIDS không?" Câu trả lời là: Không.

Bạn có thể thắc mắc: Nói thế đơn giản quá. Hôn thì cũng có nhiều kiểu hôn... Hôn má, hôn môi, hôn lưỡi". Vậy thì sao?

Hôn má thì dĩ nhiên là không. Chỉ có da tiếp xúc thôi, làm sao lây HIV được.

Hôn môi cũng vậy thôi, không làm cho ai nhiễm HIV.

Hôn lưỡi hay còn gọi là "hôn sâu", "hôn ở trong" thì sao? Hôn nhau ít khi người ta chỉ hôn bên ngoài. Sẽ rất buồn nếu mỗi lần say đắm lấn sân thì lại thót tim: "Không biết có lây SIDA không nhỉ? Nước bọt trộn lẫn liệu có lây không?" Đừng quá lo lắng. Các nhà khoa học đã phân tích thành phần các chất dịch của cơ thể và kết luận rằng nước bọt của người mang vi rút HIV chỉ có một lượng HIV vô cùng nhỏ bé, do đó không thể truyền HIV được.

Chỉ có trường hợp hai người cùng bị loét, xước da ở trong miệng hay chảy máu rǎng mà hôn sâu làm tiếp xúc máu thì mới có khả nǎng lây thôi.

Tuy nhiên, vẫn cần phải cẩn thận với cái hôn. Nó cũng nguy hiểm đấy, vì không phải bao giờ người ta cũng chịu dừng lại ở cái hôn.

Tiếp xúc thông thường

Muốn nhiễm được vào một người thì vi rút HIV phải đi vào đường máu của người đó. Do đó mà tiếp xúc thông thường không làm lây HIV. Tất cả các kiểu tiếp xúc như cùng ǎn uống, mặc chung quần áo, ôm ấp, hôn, bơi chung bể bơi, ở cùng nhà, ngủ chung giường (tất nhiên là không có quan hệ tình dục!), làm việc cùng cơ quan, đi xe đạp mượn, dùng chung nhà vệ sinh, cắt tóc... đều không làm cho ai bị nhiễm HIV của người khác.

Vi rút HIV không dễ lây. Đa số việc ta làm hàng ngày đều không gây lây. Ta chỉ cần hiểu biết, không cần lo lắng.

zonzonlovebimbim
04-09-06, 12:20 PM
NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI NHIỄM HIV?

Hỏi:

Tôi muốn biến những khó khăn gặp phải trong cuộc sống của người nhiễm HIV?

Trả lời:

Một người nhiễm HIV vẫn có thể sống lâu dài và khoẻ mạnh, có thể sống thanh thản, vui vẻ nữa. Nhưng khi nhiễm HIV cuộc sống thực sự thay đổi, nó đòi hỏi người ta phải có nghị lực rất lớn. Nếu bạn không mang con vi rút HIV này thì hãy thử đặt mình vào vị trí của người bị nhiễm. Bạn sẽ dễ dàng hình dung được mình sẽ phải đương đầu với những khó khǎn như thế nào.

Bạn biết mình sẽ mất sớm hơn người khác. Do đó mà ngay cả khi còn sống khoẻ mạnh, bạn cũng luôn phải đấu tranh với bản thân để quên đi ý nghĩ về cái chết.

Gia đình bạn chắc sẽ rất buồn khi biết bạn bị nhiễm. Người ngoài thì nếu biết được có thể phản ứng rất khác nhau. Có người tốt bụng và nhân ái, nhưng cũng có người thiếu hiểu biết sẽ xa lánh, thậm chí miệt thị bạn.

Đời sống tình cảm sẽ khó khǎn hơn. Nếu độc thân thì có lẽ bạn sẽ khó lập gia đình. Còn nếu có gia đình rồi thì bạn phải luôn cẩn thận tránh lây vi rút cho bạn đời. Có thể bạn sẽ không có con, hoặc nếu sinh con thì con bạn có khả nǎng nhiễm vi rút. Khi bạn mất thì bạn đời sẽ đơn lẻ, con cái phải chịu thiếu một người cha hoặc mẹ.

Đó là còn chưa kể đến bạn sẽ vất vả như thế nào khi phát bệnh AIDS.

Sống với con vi rút HIV không hề dễ dàng: Do đó, nếu bạn chưa nhiễm thì rất nên tránh nó. Hiểu biết về cǎn bệnh này thực sự là cần thiết.