PDA

View Full Version : Cảnh báo về dich cúm lạ mới xúât hiện



catbuitinhdoi
14-03-03, 02:07 AM
WHO cảnh báo về ca bệnh lạ ở Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội

Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo cho các cơ quan y tế trên phạm vi toàn cầu về một bệnh nhiễm trùng có tính lây nhiễm cao, đang xuất hiện ở Hà Nội và Hong Kong. Tại BV Việt Pháp, 26 nhân viên đã nhiễm bệnh với các biểu hiện ban đầu giống như cảm cúm.

Ông Dick Thompson, người phát ngôn của WHO tại Geneve (Thụy Sĩ), cho biết, thông báo này được đưa ra nhằm nhắc nhở nhân viên bệnh viện phải xem xét kỹ các trường hợp viêm phổi không điển hình. Theo ông, chính nhờ cảnh giác nên Bệnh viện Việt Pháp đã nhanh chóng phát hiện được các trường hợp bị bệnh.

Một bệnh nhân người Mỹ gốc Trung Quốc là nguồn lây bệnh tại bệnh viện này. Trước khi tới Việt Nam ngày 23/2, bệnh nhân 50 tuổi đó đã có mặt ở Thượng Hải và Hong Kong. Trong suốt chuyến đi, ông cảm thấy khó ở và chỉ 3 ngày sau khi tới Hà Nội, người bệnh phải nhập viện với các triệu chứng cấp tính của đường hô hấp. Sau đó, một số nhân viên của Bệnh viện Việt Pháp cũng mắc các chứng bệnh tương tự, với các biểu hiện giống như cảm cúm: sốt cao đột ngột, đau cơ, đau đầu, đau họng. Xét nghiệm bước đầu thấy có giảm tiểu cầu và bạch cầu trong máu.

Ông Võ Văn Bản, Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Việt Pháp cho biết, toàn bộ bệnh viện được khử trùng, bảo đảm không để ai bị lây nhiễm thêm. 26 nhân viên bị bệnh (trong đó nhiều người có biểu hiện viêm phổi) đã được cách ly hoàn toàn, công tác điều trị và theo dõi vẫn được tiếp tục.

Tới sáng nay, bệnh viện vẫn hoãn toàn bộ lịch khám tạm trú với khách hàng đảm bảo sức khỏe cho người bệnh. Tất cả các ca cấp cứu hoặc bệnh nhân có nhu cầu điều trị nội trú đều được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai. Những thai phụ đã đăng ký đẻ từ trước đều được thông báo chuyển sang Bệnh viện Việt Nhật (Bạch Mai). Bệnh nhân đã tới cổng bệnh viện Việt Pháp sẽ được ô tô của viện chuyển đi. Bệnh viện sẽ tiếp nhận bệnh nhân trở lại khi có sự đồng ý của Bộ Y tế.

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Thưởng, khẳng định, hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng về tác nhân gây bệnh. Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới để có thể kiểm soát tình hình dịch bệnh. Hai bên thống nhất rằng phải cảnh giác cao độ với virus này nhằm tránh lây lan. Tất cả các địa điểm mà bệnh nhân người Mỹ đã đến trong 2 ngày làm việc tại Hà Nội và Hưng Yên đều đã được cơ quan y tế giám sát. Bộ cũng cử chuyên gia lâm sàng về bệnh truyền nhiễm ở Viện Vệ sinh Dịch tễ và Viện Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới tới chi viện cho Bệnh viện Việt Pháp nhằm tiên lượng tiến trình bệnh tật. Các mẫu virus đã được gửi đi xác định tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) và Nhật Bản.

Bộ Y tế cho biết, năm 1993, tại Việt Nam cũng xuất hiện một dịch cúm tương tự và đã được ngăn chặn. Sắp tới, bộ sẽ mời thêm các chuyên gia của WHO để giúp phân lập virus gây bệnh.

Dịch viêm phổi không điển hình tại Hong Kong và Quảng Đông (Trung Quốc)

- Hôm qua, Bộ Y tế Hong Kong đã thông báo về các ca nhiễm bệnh đường hô hấp tại một bệnh viện công cộng. Đêm 11/3, khám sàng lọc 50 nhân viên y tế phát hiện được 23 người bị sốt. Tất cả đã nhập viện để theo dõi. Trong số này, 8 người có biểu hiện ban đầu của viêm phổi trên X-quang. Hiện họ vẫn trong tình trạng ổn định. 3 nhân viên khác tự đến viện vì sốt và 2 trong số họ có biểu hiện viêm phổi trên X-quang. Các biện pháp phòng ngừa sự lan truyền của bệnh đang được áp dụng.

- Hồi giữa tháng 2, Trung Quốc thông báo 305 trường hợp viêm phổi không điển hình với 5 người bị chết ở Quảng Châu. Đã tìm thấy vi khuẩn chlamydia ở 2 trường hợp tử vong .

- Hiện chưa tìm thấy mối liên hệ giữa vụ dịch ở bệnh viện Hà Nội và Hong Kong với dịch cúm gà do virus H5N1 được thông báo ngày 19/2 tại Hong Kong.

chiminhanh
14-03-03, 07:49 AM
:o :( trùi, dì mè ghê dzậy??? híc

thamtunet
14-03-03, 11:42 AM
Kiểu này thi phải cảnh giác tối đa wé

chiminhanh
14-03-03, 11:25 PM
:ph34r: trùi, cái này chạy trời ko khỏi nắng đâu, trúng dzô thèng nèo bẹc phướ thì thèng đó chịu thui chứ seo!

catbuitinhdoi
15-03-03, 02:54 AM
ê sao lại có chuyệ kỳ cục như vậy,sao kô trúng vô mấy con bẹc phước mà lại nhắm vào mấy thằng .Em hơi thiên vị đó nha CMA

chiminhanh
15-03-03, 09:15 AM
híc, em nói chung chung chứ bộ :(
dzới lại anh thấy đấy, con chai thường thường sơ ý, hậu đậu, đểnh đỏan..... hơn con gí mờ, bởii dzậy, mới dzễ méc bệnh hơn! :P

catbuitinhdoi
18-03-03, 11:53 PM
em nói ai vậy chứ CBTĐ anh đây thì never như vậy đâu nha CMA

chiminhanh
19-03-03, 01:41 PM
ừa, thì CMA cũng cầu mong mọi người nhiều sức khoẻ, ko ai dính dzô hết. CMA sợ cái cảnh chia li, tử biệt lắm!

Mè nè, seo CBTĐ để cái hình người lèm CMA sợ wé đi! híc

catbuitinhdoi
19-03-03, 03:46 PM
vậy mới ngầu va manly nữa.Anh đổi chữ ky hổm giờ mà chỉ mới có CMA nhận xét

chiminhanh
20-03-03, 03:07 PM
Originally posted by catbuitinhdoi@Mar 19 2003, 08:46 AM
vậy mới ngầu va manly nữa.Anh đổi chữ ky hổm giờ mà chỉ mới có CMA nhận xét
híc, dzậy còn ko chịu sửa lại, bộ mún hù chít CMA hay seo?

catbuitinhdoi
20-03-03, 04:39 PM
hìhì thấy ngầu dzậy chứ thực ra anh hìn khô hà,hổng tin chứ hỏi KST và bânthan đi

catbuitinhdoi
20-03-03, 04:57 PM
Hướng dẫn của WHO về cách xử trí các ca viêm phổi lạ

Hôm qua, Tổ chức Y tế Thế giới đã ra thông báo chi tiết về cách xử trí đối với những người bị nghi nhiễm bệnh viêm phổi lạ hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh này. Tài liệu của WHO cũng đề cập tới các đối tượng đã tiếp xúc với các nhóm bệnh nhân trên.

1. Xử trí các trường hợp nghi bị Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS)

- Bệnh nhân có biểu hiện SARS cần được đưa ngay tới phòng khám hoặc buồng bệnh định sẵn.

- Cho bệnh nhân đeo khẩu trang.

- Hỏi và ghi chép đầy đủ các biểu hiện lâm sàng, các chuyến đi và những lần tiếp xúc trong 10 ngày gần nhất.

- Chụp X-quang phổi và làm công thức máu:

* Nếu phim phổi bình thường:

- Khuyên người bệnh giữ vệ sinh cá nhân, tránh đi tới nơi đông người, không dùng các phương tiện giao thông công cộng, ở nhà cho tới khi khỏe hẳn.

- Khuyên người bệnh đi khám bác sĩ nếu các biểu hiện hô hấp xấu đi.

* Nếu phim X-quang có hình ảnh bệnh lý (đám mờ ở một hoặc hai bên phổi, có hoặc không có thâm nhiễm nhu mô phổi) thì xử trí như với trường hợp có thể đã mắc bệnh (xem phần sau).

2. Xử trí các trường hợp có thể đã mắc bệnh

- Cho nhập viện, cách ly ở phòng riêng hay ở cùng với các bệnh nhân SARS khác.

- Lấy mẫu bệnh phẩm gửi tới phòng xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân đã biết của viêm phổi không điển hình:

· Lấy dịch tiết ở họng hoặc mũi họng và làm xét nghiệm Widal.

· Lấy máu để cấy và làm xét nghiệm huyết thanh.

· Lấy nước tiểu.

· Xét nghiệm dịch rửa phế quản phế nang.

· Khám nghiệm tử thi thật cẩn thận.

Chú ý:

- Các mẫu bệnh phẩm cần được lấy trong nhiều ngày khác nhau, xét nghiệm máu cũng cần được lặp lại nhiều lần. Việc chụp X-quang phổi cần được thực hiện theo yêu cầu lâm sàng. Điều trị cũng tùy thuộc vào biểu hiện bệnh.

- Cho tới nay, các kháng sinh phổ rộng có vẻ như không ngăn chặn được sự tiến triển của SARS.

- Tiêm tĩnh mạch ribavirin và steroid có thể làm ổn định tình trạng của các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

3. Xử trí những người có tiếp xúc với đối tượng nghi bị bệnh hoặc có thể đã bị bệnh

- Giải thích để những người này hiểu rõ về bệnh tật và không quá lo lắng.

- Ghi lại họ tên và chi tiết về những mối tiếp xúc đã có.

- Khuyên họ nếu bị sốt hoặc có vấn đề ở đường hô hấp thì cần: ngay lập tức báo cho bác sĩ hoặc cơ quan y tế; không đến nơi làm việc hoặc tới nơi đông người khi chưa có ý kiến của bác sĩ; giảm thiểu các mối tiếp xúc với thành viên gia đình và bạn bè.

Guest
03-04-03, 01:35 AM
Virus lạ có thể phát tán trong không khí

Giả thuyết này đang được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm, nhất là sau sự bùng phát đột ngột của bệnh lạ tại cụm chung cư Amoy Gardens, Hong Kong, hôm qua. Nếu suy đoán này là hiện thực, thì theo WHO, SARS sẽ là dịch bệnh lây lan qua không khí nguy hiểm nhất trong lịch sử.

Ban đầu, các chuyên gia vi sinh cho rằng virus lạ hiện diện trong hơi thở hoặc trong dịch bắn ra khi người bệnh ho và hắt xì hơi. Người bình thường sẽ bị nhiễm khi hít phải hoặc tiếp xúc trực tiếp.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Mỹ (CDC), tiến sĩ Julie Gerberding, SARS có thể truyền nhiễm trong điều kiện tiếp xúc ít hơn. Bà nhận định: "Chúng tôi đang xem xét khả năng phát tán của virus lạ trên diện rộng. Loại virus gây chết người này có thể sống lơ lửng trong không khí. Những người nhiễm bệnh trong môi trường đó, đến lượt mình, lại trở thành chủ thể gieo bệnh".

Hiện các nhà khoa học tập trung mọi nghi ngờ vào một biến thể hung hãn của coronavirus - họ siêu vi trùng gây cảm lạnh thông thường ở người. Coronavirus có thể tồn tại tối đa 3 tiếng đồng hồ trong môi trường bình thường. Chính vì thế, khả năng bệnh lạ truyền nhiễm cho nhiều người là rất cao.

Tuy nhiên, chuyên gia vi sinh của Đại học Tổng hợp London (Anh), ông John Oxford không nhất quán với giả thuyết này. Theo ông, sức lây nhiễm SARS có giới hạn. Nếu coronavirus hoặc paramyxovirus là tác nhân gây SARS, tuổi thọ của chúng trong không khí chỉ kéo dài 1 tiếng hoặc chỉ trong phạm vi một căn phòng. Trong trường hợp đó, khả năng bị nhiễm khi trực tiếp hít phải hơi thở của người bệnh là chắc chắn. Ông tin rằng dịch bệnh lạ sẽ không đủ mạnh để lấy đi hàng nghìn sinh mạng. "Tôi sẵn sàng tới Hong Kong bằng máy bay lúc này", John Oxford nhấn mạnh.

Trong khi đó, chiều hướng lây lan dịch bệnh lạ ở Hong Kong ngày một căng thẳng. Một phát ngôn viên của chính quyền Hong Kong cho biết, kẻ thù giấu mặt tại cụm chung cư Amoy Gardens có thể đã lây lan qua không khí hoặc qua đường ống cấp nước chính của toà nhà. Người đứng đầu ngành y tế Hong Kong, ông Yeoh Eng-kiong, còn bổ sung rằng virus lạ đã được tìm thấy trong mẫu phân của những bệnh nhân sống trong tòa nhà.

Tổ chức Y tế thế giới thông báo, đến hôm nay đã có 1.662 người nhiễm SARS và 58 trường hợp tử vong trên toàn thế giới.

catbuitinhdoi
03-04-03, 01:39 AM
Lập ban chỉ đạo chống SARS ở các tỉnh biên giới phía Bắc

Chiều 31/3, Bộ Y tế đã họp với đại diện UBND, các cơ quan y tế, thương mại và hải quan của Hải Phòng và 6 tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc để bàn biện pháp phòng chống dịch SARS. Các tỉnh này sẽ lập ban chỉ đạo phòng chống dịch và khu vực cách ly dành cho những người có biểu hiện nghi mắc bệnh lạ.

Ông Nguyễn Quang Thuận, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Bộ Y tế, cho biết, trong tình hình bệnh SARS đang hoành hành dữ hội ở nhiều nước như Trung Quốc, Singapore..., nguy cơ "nhập khẩu" mầm bệnh, gây bùng phát dịch trong cộng đồng là rất lớn, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới phía Bắc và những địa phương phát triển về du lịch (như Hải Phòng, Quảng Ninh). Vì vậy, các tỉnh này cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực và trang thiết bị để đối phó khi dịch bệnh xảy ra (Bộ Y tế sẽ hỗ trợ một phần về kinh phí). Một số tỉnh hiện đã lập Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch và khu cách ly. Đặc biệt, Hải Phòng đã chi 11 tỷ đồng để dự trữ thuốc men và mua sắm trang thiết bị đề phòng bệnh SARS.

Ông Thuận cũng cho biết, tại các tỉnh kể trên, việc giám sát khách xuất nhập cảnh sẽ tiếp tục được tăng cường. Các khách sạn cũng thường xuyên được kiểm tra, theo dõi để kịp thời phát hiện những bệnh nhân có biểu hiện nghi nhiễm SARS.

Trong ngày 31/3, tại Việt Nam không phát hiện thêm trường hợp nhiễm SARS nào. Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới tiếp tục cho 1 bệnh nhân xuất viện.

catbuitinhdoi
03-04-03, 01:40 AM
Khẩu trang Neovison không ngăn được khí độc và vi khuẩn


Mẫu khẩu trang của Neovision.
Theo quảng cáo của công ty TNHH Neovision, khẩu trang của công ty có thể ngăn ngừa hơi độc và vi khuẩn, virus nhờ lớp than hoạt tính; do đó rất hiệu quả trong việc phòng bệnh lạ. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm của Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động cho thấy, khẩu trang này chỉ ngăn được bụi mà thôi.

Ông Nguyễn Phi Dũng, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Neovision Ltd.co (trụ sở tại TP HCM), từng giới thiệu hôm 16/3 rằng khẩu trang Neovision "có khả năng ngăn ngừa tuyệt đối sự xâm nhập vào đường hô hấp của tất cả các chất ô nhiễm trong không khí (như hyđrocacbon, oxít chì, thuốc trừ sâu), thậm chí cả vi sinh vật". Sản phẩm đạt tất cả các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 9002, EN 46001, tiêu chuẩn Âu Châu về chất lượng sản phẩm trong ngành y tế, đạt tiêu chuẩn về phòng chống ô nhiễm không khí tại Châu Âu và Bắc Mỹ. Giá mỗi chiếc là 65.000 đồng (loại dành cho trẻ em) và 75.000 đồng (loại dành cho người lớn).

Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã kiểm nghiệm khẩu trang Neovision. Tiến sĩ Đặng Quốc Nam, Phó phòng Nghiên cứu, cho biết, sản phẩm này ngăn chặn bụi rất tốt, nhưng không có khả năng chống hơi độc và vi khuẩn.

Than hoạt tính chỉ có tác dụng phòng độc trong vòng vài phút khi mới bắt đầu đưa ra môi trường; còn khi đã tiếp xúc lâu với không khí, nó mất tác dụng. Khả năng phòng chống khí độc lại phụ thuộc rất nhiều vào chiều dày lớp than. Một bình than hoạt tính trong mặt nạ phòng độc nặng tới gần 1 kg, nhưng cũng chỉ có tác dụng trong vài giờ. Trong khi đó, lớp than hoạt ở khẩu trang Neovision chỉ dày vài cm, lại đã tiếp xúc lâu với môi trường. Ngoài ra, việc chống khí CO đòi hỏi có một chất xúc tác; chất này lại rất dễ hỏng khi gặp hơi ẩm (hơi nước do người thở ra). Do đó, khẩu trang Neovision không thể có tác dụng ưu việt như lời quảng cáo.

Ông Nam cũng cho biết, hiện một số cơ sở của Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động đã sản xuất các loại khẩu trang có chất lượng tương đương Neovision nhưng đều có giá thành chưa tới 10.000 đồng/chiếc. Theo đánh giá của ông, có thể sản xuất được sản phẩm có chất liệu, công dụng, kiểu dáng như Neovison với giá thành chỉ 15.000 đồng/chiếc.

catbuitinhdoi
03-04-03, 01:40 AM
Thêm 88 người nhiễm bệnh lạ ở chung cư Amoy Gardens

Như vậy, đến chiều nay (31/3) đã có 213 người nhiễm SARS ở cụm chung cư này - nơi có một tòa nhà bị cách ly chỉ vài giờ trước đó. Giới chức y tế Hong Kong nghi ngờ một bệnh nhân SARS ở bệnh viện Prince of Wales đã mang virus lạ vào Amoy Gardens. Anh này bốn lần tới đây thăm họ hàng trước lúc nhập viện.

Diễn biến mới đã nâng tổng số ca nhiễm SARS ở Hong Kong lên đến hơn 600 người.

Tiến sĩ Yeoh Eng-kiong, quan chức Y tế cao cấp của Hong Kong cho biết, với số ca mới nhiễm bệnh nói trên, tại khu nhà E thuộc cụm chung cư Amoy Gardens đã có 107 người mắc bệnh. Điều đặc biệt là bệnh chỉ khu trú trong một trục (trên mặt bằng của 2 căn hộ) trong khu nhà, mà chưa lây sang các căn hộ khác. Phân tích này dẫn đến giả thuyết có thể bệnh lạ đang lây lan theo chiều thẳng đứng. Tiến sĩ Yeoh khẳng định: “Không loại trừ khả năng virus lây qua đường không khí vì loại siêu vi trùng này biển đổi đến chóng mặt trong những ngày gần đây”.

Khu nhà E ngay lập tức được đặt dưới lệnh cách ly từ nay đến hết ngày 9/4. Những người muốn ra vào tòa nhà phải trình giấy phép. Nếu vi phạm sẽ phải nộp phạt hoặc lĩnh án tù.

Cùng ngày, chính quyền Hong Kong đã ra lệnh cách ly 241 người khác ở 108 căn hộ còn lại trong tòa nhà E. Tuy nhiên, lo sợ trước sự tấn công của bệnh lạ và sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của chính phủ, một số người đã bỏ trốn khỏi cụm chung cư Amoy Gardens. Số người này (nếu có trường hợp nhiễm bệnh) có thể sẽ trở thành mối đe dọa tiếp theo cho cộng đồng.

catbuitinhdoi
03-04-03, 01:41 AM
Hong Kong: 125 người ở một khu chung cư nhiễm bệnh lạ


Hôm thứ năm vừa rồi, mới có 7 người dân trong cùng một tòa nhà của cụm chung cư Amoy Gardens (ngoại ô Cửu Long) được phát hiện nhiễm SARS, nhưng tới chủ nhật, con số này đã thành 125. Sự gia tăng đột biến số người bị bệnh lạ ở cùng một khu dân cư làm dấy lên những lo lắng về khả năng lây lan cực lớn của virus chết người này.

5 trường hợp bệnh đầu tiên của Amoy Gardens được phát hiện cách đây 1 tuần. Chính phủ Hong Kong hết sức lo ngại về tình hình bệnh tật ở khu nhà này. Tòa nhà đã bị phong tỏa, không ai được ra vào nơi này trong vòng 10 ngày nếu không có giấy phép. Ngành y tế cũng cử một nhóm nhân viên đến hướng dẫn người dân làm vệ sinh nhà cửa. Theo suy đoán ban đầu, virus lạ lây lan qua dịch bắn ra khi người bệnh ho hoặc hắt xì hơi, song tốc độ lây nhiễm quá nhanh hiện nay khiến nhiều người cho rằng không khí là con đường lây lan của kẻ thù giấu mặt.

Nỗi sợ hãi bệnh lạ đang bao trùm lên cộng đồng hơn 7 triệu dân này. Một phụ nữ thổ lộ: “Tôi rất sợ. Tôi thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể và không ra khỏi nhà đã vài ngày nay. Tôi luôn bị ám ảnh rằng sớm hay muộn cũng bị nhiễm bệnh”. Tất cả trường học đóng cửa, các trung tâm thương mại và nhà hàng sầm uất nay trở nên vắng vẻ. Người dân xếp hàng nhiều giờ bên ngoài các hiệu thuốc để chờ mua khẩu trang y tế. Các hãng taxi cũng được lệnh phải thường xuyên khử trùng xe.

Hôm qua, các chuyên gia y tế Hong Kong đã khuyến cáo phụ nữ đang được điều trị SARS không nên thụ thai trong 6 tháng tới, vì thai nhi có thể bị dị dạng do thuốc ribavirin. Phản ứng phụ của loại dược phẩm kháng virus này thường xuất hiện ở bào thai dưới 16 tuần, và chỉ giảm sau tuần thứ 28 của thai kỳ.

catbuitinhdoi
03-04-03, 01:42 AM
Thứ hai, 31/3/2003, 11:00 GMT+7
Thêm các ca tử vong tại Hong Kong, Singapore và Canada


SARS đang là chủ đề chính của báo chí Hong Kong.
Tính đến hôm qua, con số bệnh nhân chết vì SARS tại Hong Kong đã tăng lên thành 13. Singapore vừa tuyên bố ca tử vong thứ ba và Canada cũng có thêm một người qua đời vì bệnh lạ. Như vậy, thế giới đã có 58 ca tử vong và khoảng 1.610 người nhiễm bệnh.

Hong Kong là nơi bị bệnh dịch tàn phá với tốc độ cao nhất. Trong vòng chưa tới 3 tuần, số người mắc SARS đã lên tới 539, riêng trong chủ nhật đã có thêm 60 ca. Hiện còn 52 người nằm trong các khoa hồi sức cấp cứu và 17 người đã ra viện. Nạn nhân tử vong gần đây nhất là một phụ nữ 74 tuổi.

Điều khiến giới chức Hong Kong hết sức quan ngại là tính tới thứ bảy, có tới 125 người dân trong cùng một tòa nhà của cụm chung cư Amoy Gardens (ở bán đảo Cửu Long) nhiễm bệnh lạ. Người ta lo rằng bệnh có thể lan truyền qua đường không khí, chứ không chỉ qua các giọt nước như nhận định trước đây.

Hôm qua, rất nhiều người dân tại thuộc địa cũ của Anh đã hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, tham gia làm vệ sinh các khu công cộng và 160 cụm chung cư. Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Hong Kong đã kêu gọi các công dân nước mình rời vùng lãnh thổ này. Thư cảnh báo được gửi tới 16.000 người Hàn Quốc ở đây.

Những diễn biến khác:

- Tại Singapore, người thứ ba bị tử vong là một bệnh nhân bị kèm các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường và tim mạch. Số người nhiễm SARS hiện là 91. Trong những người mới bị phát hiện bệnh, có một học sinh 17 tuổi người Indonesia. Cậu bé này mới đi thăm Hong Kong thời gian gần đây và vẫn đi học một vài ngày trước khi Singapore ra lệnh đóng cửa các trường học vào thứ tư tuần trước.

Hôm qua, quốc đảo này tuyên bố sẽ cử các y tá tới sân bay để kiểm tra tất cả những khách tới từ vùng có dịch, trong đó có Hong Kong, Quảng Đông và Việt Nam.

- Tại Canada, đã có 100 người nhiễm bệnh và 4 người tử vong. Nạn nhân cuối cùng đã chết sau khi nằm điều trị tại 2 bệnh viện ở Ontario. Các bệnh viện nói trên đã bị đóng cửa, hàng nghìn người có quan hệ với những cơ sở này hoặc có tiếp xúc với bệnh nhân được khuyến cáo phải tự cách ly trong vòng 10 ngày.
Khử trùng tại sân bay quốc tế của Đài Loan.

- Trong hôm nay, Đài Loan có thể sẽ đưa ra quyết định hạn chế sự giao lưu với Trung Quốc để ngăn ngừa sự lan truyền của bệnh. Chính quyền ở đây đã cấm toàn bộ những chuyến thăm dân sự tới những vùng có bệnh như Đại lục, Hong Kong và Việt Nam. Hiện vùng lãnh thổ này đã ghi nhận 12 trường hợp SARS, đa số thời gian gần đây đã tới Trung Quốc và Hong Kong.

- Thái Lan vừa quyết định cách ly trong vòng 24 giờ tất cả những hành khách nhập cảnh có biểu hiện viêm phổi. Quyết định này được đưa ra sau khi xuất hiện ca tử vong đầu tiên vì SARS tại nước này: Bác sĩ người Italy Carlo Urbani, chuyên gia của WHO ở Việt Nam, đã nhiễm bệnh khi giúp Bệnh viện Việt - Pháp điều trị cho bệnh nhân SARS đầu tiên.

catbuitinhdoi
03-04-03, 01:42 AM
Thứ hai, 31/3/2003, 09:00 GMT+7
Các chuyên gia quân y Pháp đã có mặt tại BV Việt - Pháp


Bệnh viện Việt - Pháp vẫn tạm ngừng khám chữa bệnh.
Nhóm thầy thuốc này tới Hà Nội chiều qua để thay chân các nhân viên Samu (chuyên về cấp cứu) được Pháp gửi đến hỗ trợ bệnh viện cách đây 2 tuần. Đội mới gồm 1 chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, 2 bác sĩ gây mê, 1 bác sĩ tâm thần, 4 y tá và 1 nhân viên hậu cần.

Dự định đưa toàn bộ 11 nhân viên Samu và 3 bệnh nhân người Pháp ở bệnh viện tư nhân này về nước trên một chuyến phi cơ quân sự đã bị hủy bỏ. Theo thông báo mới nhất, Chính phủ Pháp yêu cầu để 3 bác sĩ bị SARS ở lại điều trị trong bệnh viện, còn đội Samu sẽ được cách ly tại Hà Nội. Việc làm này nhằm mục đích loại bỏ nguy cơ mang bệnh viêm phổi lạ về Pháp.

Như vậy, sau khi chuyển hầu hết các bệnh nhân người Việt Nam sang Viện Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới chiều thứ sáu, tại Việt - Pháp chỉ còn lại 3 bệnh nhân người Pháp (trong đó 1 người phải thở máy từ vài ngày nay), và chị Nguyễn Thị Mến. Nữ y tá này từng rơi vào tình trạng hôn mê, phải thở máy nhiều ngày, nhưng nay đã khá hơn nhiều. Phần lớn các nhân viên khác của bệnh viện đã qua giai đoạn cách ly và được về nhà.

Bệnh viện Việt - Pháp dự định, ngay khi có thể, sẽ tiến hành các biện pháp khử trùng để hoạt động trở lại.

Tính đến sáng nay, tại Viện Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới, tổng cộng 30 bệnh nhân có biểu hiện viêm phổi lạ đang được điều trị và cách ly:

- 13 người nằm ở khu nặng (2 ca phải thở máy) đều có liên quan tới Bệnh viện Việt - Pháp.

- 12 trong số 17 bệnh nhân nằm ở khu nhẹ không liên quan gì tới cơ sở trên.

Theo tin từ Bộ Y tế, việc kiểm soát dịch bệnh ở biên giới đang được tăng cường. Các sân bay, nhà ga đã thành lập khu cách ly. Hiện Bộ cũng đã chuyển 500.000 tờ hướng dẫn kể khai sức khỏe đến phòng kiểm dịch biên giới tại các cửa khẩu. Tất cả những người nhập cảnh đều phải kê khai theo bảng này.

catbuitinhdoi
03-04-03, 01:43 AM
Chủ nhật, 30/3/2003, 00:09 GMT+7
Một chuyên gia của WHO tại Việt Nam qua đời vì SARS

Bác sĩ người Italy Carlo Urbani, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của WHO, đã qua đời hôm qua tại Thái Lan - nơi ông được điều trị căn bệnh SARS, bị lây nhiễm trong thời gian công tác tại Việt Nam. Bác sĩ Urbani là người đầu tiên phát hiện căn bệnh viêm phổi bí hiểm ở thương gia người Mỹ gốc Hoa, khi ông này nằm tại Bệnh viện Việt - Pháp.

Bệnh nhân người Mỹ nói trên được điều trị tại Hà Nội từ ngày 26/2 và chuyển tới Hong Kong ngày 5/3. Ông này đã qua đời sau đó 8 ngày vì bệnh SARS.

Bà Pascale Brudon, Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam, cho biết: “Carlo là con người tuyệt vời và chúng tôi cảm thấy vô cùng mất mát. Ông là người đã nhanh chóng nhận ra rằng có điều gì đó rất bất thường. Khi mọi người ở bệnh viện tỏ ra quá lo lắng, ông đã có mặt ở đó mỗi ngày, lấy mẫu bệnh phẩm, trò chuyện với nhân viên và củng cố các biện pháp kiểm soát sự lan truyền bệnh”.

Theo nhận định của WHO, đóng góp của bác sĩ Urbani đã cho phép tổ chức này nhanh chóng tăng cường công tác kiểm soát bệnh, rất nhiều ca mới đã được phát hiện và cách ly trước khi các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.

Bày tỏ lòng tiếc thương người đồng nghiệp của mình, bà Gro Harlem Brundtland, Tổng giám đốc WHO, phát biểu: “Sự ra đi của Carlo Urbani khiến tất cả các nhân viên của WHO vô cùng đau xót. Cuộc đời ông một lần nữa nhắc nhở chúng tôi về công việc đích thực của mình trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Hôm nay, tất cả chúng ta hãy cùng dành một phút mặc niệm và tưởng nhớ tới người thầy thuốc xuất sắc này”.

Bác sĩ Urbani (46 tuổi) chịu trách nhiệm về các chương trình y tế cộng động tại Campuchia, Lào và Việt Nam. Ông đồng thời cũng là Chủ tịch Hội Thầy thuốc Không biên giới Italy. Ông có vợ và 3 con.

catbuitinhdoi
03-04-03, 01:44 AM
Thứ bảy, 29/3/2003, 11:00 GMT+7
Quan chức y tế thứ hai của Hong Kong có triệu chứng SARS


Hầu hết người dân Hong Kong đeo khẩu trang khi ra đường.
Tiến sĩ Fung Hung, Giám đốc điều hành bệnh viện Prince of Wales (điểm bùng phát dịch SARS đầu tiên trên lãnh thổ này), đã phải nhập viện hôm qua với các triệu chứng ban đầu của bệnh viêm phổi lạ. Gần 1 tuần trước, người đứng đầu Cơ quan quản lý Bệnh viện của Hong Kong cũng bị nghi nhiễm bệnh.

Tin này đã làm tăng thêm nỗi lo lắng của người dân Hong Kong về sự lây nhiễm của virus gây chết người. Mặc dù Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong, ông Đổng Kiến Hoa, đã có các cuộc nói chuyện nhằm trấn an cộng đồng, kêu gọi mọi người đoàn kết lại khống chế sự lây lan dịch lạ, người dân ở đây dường như không thấy thuyết phục.

Các trường học trên lãnh thổ tiếp tục đóng cửa và được khử trùng. Tuy nhiên, vẫn có một số trường tổ chức thi cho học sinh khiến nhiều em lúng túng.

Hiện hành khách vào Hong Kong phải khai báo về tình trạng sức khỏe và sẽ bị giữ lại nếu có biểu hiện cúm. Giới chức y tế Hong Kong cho biết, họ đang lần theo dấu vết của các hành khách và đội bay trên hai chuyến bay tuần trước, một của Hãng hàng không Trung Quốc và một của Hãng Cathay Pacific, sau khi phát hiện 4 người Đài Loan đi trên các chuyến bay này bị sốt cao với các dấu hiện bệnh lạ.

Cùng lúc đó, quốc gia chung cảnh ngộ Singapore mới phát hiện một nguồn lây bệnh mới. Cô Chong Pei Liang, 29 tuổi, người Singapore, bị nhiễm virus lạ khi đi công tác ở Hong Kong và Bắc Kinh (Trung Quốc) 13 ngày. Cô đã đi trên chuyến bay CZ 355 của Hãng hàng không Phương Nam (Trung Quốc), nhập cảnh Singapore ngày 26/3. Vì bị sốt cao trước đó, cô Chong đã cùng mẹ bắt taxi đến thẳng Bệnh viện Trung ương Singapore ngay khi ra khỏi sân bay. Cô đã được chuyển ngay vào phòng cách ly của bệnh viện Tan Tock Seng. Mẹ cô Chong đến nay chưa có triệu chứng bệnh. Bộ Y tế Singapore đang tìm cách liên lạc với người lái taxi đã chở bệnh nhân tới viện, 9 người trong đội bay cùng 49 hành khách trên chuyến bay này. Đã có 13 người liên lạc với Bộ.

Singapore đã phát hiện thêm 8 trường hợp nhiễm virus lạ, nâng tổng số nhiễm SARS ở quốc đảo lên thành 86 người.

catbuitinhdoi
03-04-03, 01:45 AM
Thứ bảy, 29/3/2003, 05:00 GMT+7
Chuyển bệnh nhân SARS từ BV Việt - Pháp sang Bạch Mai


BV Viện Pháp không còn bệnh nhân SARS người Việt Nam.
Chiều qua, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, 11 bệnh nhân SARS người Việt đang điều trị ở Bệnh viện Việt - Pháp đã được chuyển sang Viện Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới (BV Bạch Mai). Như vậy, từ 28/3, cơ sở này sẽ là nơi duy nhất tập trung điều trị tất cả bệnh nhân SARS ở Việt Nam.

Trong số các bệnh nhân của Việt Pháp được chuyển sang Bạch Mai, 10 người đã gần khỏi, chỉ còn 1 người vẫn phải vật lộn với bệnh. Nếu kể cả 3 trường hợp nghi mắc SARS mới vào Viện Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới trong ngày hôm qua, cơ sở này hiện điều trị cho 36 bệnh nhân viêm phổi lạ.

Cũng trong ngày hôm qua, Việt - Pháp đã cho xuất viện thêm 5 người, 4 người nữa sẽ được trở về gia đình trong hôm nay.

Chính phủ Pháp đã yêu cầu cho hồi hương trên một chuyến phi cơ đặc biệt toàn bộ nhân viên người Pháp đang có mặt tại BV tư nhân của mình ở Hà Nội. Họ gồm 3 bác sĩ bị nhiễm SARS, các nhân viên khác của bệnh viện và nhóm chuyên gia đã được Pháp cử sang hỗ trợ sau khi bệnh lạ xuất hiện ở Việt Nam. Hiện còn chưa rõ, khi nào chuyến phi cơ quân sự của Pháp sẽ tới đón công dân của mình. Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Bộ Công an Việt Nam đang tiến hành thủ tục cho phép thực hiện việc di chuyển đặc biệt này. Tuy nhiên, sáng nay, phía Pháp thông báo rằng 3 bệnh nhân của mình sẽ được giữ lại điều trị ở Việt Nam vì không đủ điều kiện về sức khỏe để di chuyển. Pháp sẽ cử một nhóm nhân viên y tế mới sang hỗ trợ.

Chiều qua, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông báo sẽ hỗ trợ Bệnh viện Việt - Pháp 50.000 USD để khắc phục các khó khăn do bệnh dịch gây ra.

catbuitinhdoi
03-04-03, 01:47 AM
Những đối tượng cần cách ly để phòng bệnh SARS


Tại nhiều nước, học sinh đã mang khẩu trang khi đến trường.
Đây là một bệnh lạ, nguy hiểm, tỷ lệ tử vong khá cao (3-5%). SARS rất dễ lây truyền trong quá trình giao tiếp. Vì vậy, tất cả những người có nguy cơ mang mầm bệnh và có thể truyền bệnh cho những người mình tiếp xúc đều phải được cách ly.

Giáo sư Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết có 3 nhóm đối tượng nằm trong diện cách ly, theo dõi:

- Có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ (sốt cao, viêm đường hô hấp), kèm hoặc không kèm tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân SARS. Những bệnh nhân này nằm trong diện phải cách ly.

- Từng tiếp xúc gần với bệnh nhân (trước khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng). Những người này nằm trong diện theo dõi để phát hiện bệnh sớm.

- Người đi ra từ "vùng dịch": Cần tự theo dõi cùng với sự giám sát của cơ sở y tế trong khoảng thời gian nhất định.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, thời gian ủ bệnh là 5-7 ngày (từ khi nhiễm virus đến lúc có triệu chứng). Như vậy, thời gian cách ly được đưa ra là từ một tuần đến 10 ngày. Sau thời gian này, nếu không xuất hiện triệu chứng bệnh thì có thể ngừng cách ly và giao tiếp bình thường với mọi người.

Như vậy, theo ông Đính, vợ chồng, con cái của các cán bộ Bệnh viện Việt Pháp đều nằm trong diện phải theo dõi và hạn chế giao tiếp. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn trong số họ đã ở trong thời gian an toàn, có thể yên tâm đi học, làm việc trong cộng đồng.

catbuitinhdoi
03-04-03, 01:48 AM
Hỏi đáp về bệnh viêm phổi lạ


Các thử nghiệm tới nay đều cho thấy, rất nhiều khả năng nguyên nhân gây ra căn bệnh lây nhiễm chết người trên không phải là virus cúm. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được chính thức loại trừ. Việc loại bỏ bệnh cúm sẽ là tin tốt đẹp vì đây là dạng bệnh có thể bùng phát thành dịch mạnh và rất khó đối phó.

Căn bệnh viêm phổi không điển hình đã giết chết 4 người tại 2 châu lục và khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải đưa ra lời cảnh báo khẩn cấp cho các bác sĩ và các quốc gia trên toàn cầu. Hiện giới khoa học đang tìm cách phân lập tác nhân gây bệnh. Vẫn còn khả năng bỏ ngỏ cho một virus lạ hoặc một vài loại vi khuẩn. Sau đây là lời giải đáp cho một số câu hỏi thường gặp về căn bệnh này.

1. Chúng ta biết gì về nguồn gốc của bệnh?

Những báo cáo về căn bệnh lây lan này được đưa ra sau cái chết của thương gia người Mỹ gốc Hoa tại Hong Kong vào tuần trước. Người đàn ông này đi từ Trung Quốc tới Việt Nam và phải nhập viện ở đây. Do bệnh trở nên nghiêm trọng nên ông được chuyển trả về Hong Kong. Các nhân viên y tế tại Hà Nội và Hong Kong đã lần lượt bị bệnh tương tự. Tuy nhiên, có vẻ như người đàn ông này không phải là nguồn gây bệnh ở Hong Kong. Có khả năng, tuy điều này chưa được xác nhận, rằng nguồn lây đầu tiên là Trung Quốc, nơi một vụ dịch bệnh đường hô hấp ở Quảng Đông đã làm chết 5 người.

Đã có báo cáo về các trường hợp bệnh tại Bắc Mỹ và châu Âu.

2. Bệnh có những biểu hiện gì?

Các biểu hiện được biết đến cũng giống như triệu chứng của bệnh cúm, bao gồm sốt cao, đau đầu, đau họng, ho. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị viêm phổi, thở rất khó khăn, một số phải thở máy.

Hiện WHO gọi đây là “Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng” hay SARS.

3. Bệnh lan truyền thế nào?

Những báo cáo đầu tiên cho thấy, thời gian ủ bệnh là dưới 7 ngày. Tới nay đã có hơn 160 ca ở ngoài Trung Quốc với 4 người chết. Tuy chưa được khẳng định, bệnh có vẻ lây lan qua các giọt của dịch cơ thể, phát sinh khi hắt hơi hoặc ho. Bệnh có độ lây lan cao, rất nhiều nhân viên y tế đã mắc phải. Bệnh đã tới Bắc Mỹ và châu Âu thông qua các chuyến bay.

4. Người dân có thể làm gì để tự bảo vệ mình?

Giáo sư John Oxford, chuyên gia về virus tại Đại học Queen Mary ở London cho rằng, bạn không làm được gì nhiều, trừ khi đi vào sống ẩn dật. Một số người ở Hong Kong đã mang mặt nạ nhưng không rõ điều này có thể bảo vệ họ khỏi sự tấn công của các phần tử virus hay không.

5. Căn bệnh này được so sánh với đại dịch cúm năm 1918. Có thật sự là như vậy không?

Không hẳn như vậy. Đúng là WHO rất lo ngại về căn bệnh này, nhất là khi người ta chưa biết đó là gì. Tỷ lệ tử vong của nó cao hơn nhiều so với bệnh cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường. Đại dịch năm 1918 đã giết chết hàng chục triệu người, và đợt bệnh này chưa nghiêm trọng tới mức đó.

6. Các chính phủ, các chuyên gia y tế và các hãng hàng không làm gì để ngăn chặn căn bệnh này?

Lời cảnh báo của WHO đã nhận được sự đáp ứng của các chuyên gia y tế tại hàng chục nước. Các bác sĩ được yêu cầu phát hiện ngay các trường hợp bệnh lạ, nhất là nếu bệnh nhân mới trở về từ những vùng có bệnh. Các cơ sở y tế công cộng đã được cảnh báo rằng sự lan truyền của bệnh có thể sẽ đến mức không kiểm soát được. Tại bệnh viện, nhân viên y tế phải áp dụng các biện pháp cách ly người bệnh nghiêm ngặt.

Các hãng hàng không được yêu cầu tìm kiếm những hành khách có vẻ ngoài không khỏe khi làm thủ tục lên máy bay. Họ cũng được khuyến cáo khử trùng máy bay để ngăn chặn sự lây lan.

7. Sẽ sớm có vacxin phòng bệnh?

Việc sản xuất vacxin không phải là một quá trình đơn giản. Về mặt kỹ thuật, rất ít khả năng có thể sản xuất được một loại vacxin phòng bệnh này. Ngay cả nếu thủ phạm đúng là một loại virus cúm thì cũng phải mất nhiều tháng mới có được vacxin.

8. Có lời khuyên gì cho các khách du lịch?

Tất cả những người đã đi du lịch từ ngày 23/2 ở những vùng có bệnh cần đi khám bác sĩ nếu đột nhiên sốt cao, hoặc có một trong các biểu hiện của viêm phổi lạ (ho, đau họng, thở khó khăn, đau cơ). Hiện tại WHO không khuyến cáo mọi người hủy các chuyến đi tới những vùng có bệnh.

catbuitinhdoi
05-04-03, 02:02 AM
http://www.vinawebs.com/catbuitinhdoi//sodoSARS1.jpg
Sơ đồ lây lan của SARS

catbuitinhdoi
05-04-03, 02:05 AM
Ngày Số ca nhiễm Tử vong
3/4 2.270 (+47) 79 (+1)

quanghuy09
07-04-03, 10:19 PM
Bệnh SARS tiếp tục lây lan

Theo Reuters, WHO cho biết tại 30 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã có 87 người chết và hơn 2.500 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS).

* Tại Thượng Hải, Trung Quốc, đã phát hiện một trường hợp nhiễm loại virusgiống như virusgây bệnh SARS.

* Tại Canada, cơ quan y tế nước này thông báo người bệnh thứ tám nhiễm bệnh SARS đã chết, 31 người bệnh được điều trị khỏi bệnh SARS đã ra viện, hàng nghìn người được cách ly để ngăn chặn sự lây lan của bệnh SARS.

* Tại Hồng Công, ngày 5-4 có thêm ba trường hợp tử vong do bệnh SARS và thêm 39 người nhiễm bệnh SARS vào viện. Một số bệnh viện ở Hồng Công từ chối kiểm tra những người đến từ các thành phố của Trung Quốc, cho biết sẽ không chữa trị cho các bệnh nhân sốt cao, trừ khi chứng nhận họ không bị nhiễm bệnh SARS.

* Tại Singapore, một bác sĩ và 20 y tá tại một bệnh viện điều trị những người bệnh không nhiễm bệnh SARS đã bị cách ly, do bị nghi nhiễm bệnh này. Tính đến ngày 5-4, ở Singapore đã có 101 người nhiễm bệnh SARS, trong đó có sáu người đã chết.

* Tại Indonesia, thêm ba người phải vào viện vì nhiễm bệnh SARS, nâng tổng số người mắc bệnh này lên sáu người.

* Ngày 5-4, Kuwait thông báo trường hợp đầu tiên nghi nhiễm bệnh SARS là một phụ nữ trở về từ khu vực Đông-Nam Á.

* Tại Mỹ, số người nhiễm bệnh đã vượt con số 100.

* Australia cho biết có thêm bảy người nhiễm bệnh SARS.

Trong một cuộc họp báo ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ông R.Brây-man, Trưởng đoàn chuyên gia y tế của WHO đang làm việc tại đây cho biết, các chuyên gia đã đạt được một số tiến bộ trong quá trình điều tra nguồn gốc virus gây bệnh SARS. (ND)

catbuitinhdoi
09-04-03, 02:30 AM
Thêm 2 người Ninh Bình nhập viện vì bệnh SARS
Viện Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới vừa cho biết, cơ sở này đang chuẩn bị đón 2 bệnh nhân nữa có biểu hiện SARS đến từ Ninh Bình. Một trong số đó là người lái xe cho ông Nguyễn Đức Khiêm. Họ có thể sẽ được chuyển tới viện ngay trong đêm nay (8/4).

Trong ngày hôm nay, có tất cả 3 bệnh nhân SARS được xuất viện (trong đó có 1 bệnh nhân của Bệnh viện Việt - Pháp). Tại Viện Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới hiện vẫn có 5 ca nặng. Bệnh nhân còn lại ở Việt - Pháp vẫn ở trong tình trạng rất nguy kịch.
Như vậy, số bệnh nhân Ninh Bình phải nhập viện vì SARS đã lên tới 8 người. Theo nhận xét của các bác sĩ Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, nhóm bệnh nhân đến từ địa phương này đang có xu hướng phục hồi nhanh hơn, tiến triển bệnh chậm và có vẻ nhẹ hơn so với các trường hợp trước đó. Ông Khiêm hiện đã có thể tự thở được trong thời gian dài hơn, lượng bão hòa ôxy trong máu đạt mức cao (95%). Ở các bệnh nhân Cường, Thanh, Hà, các đám mờ ở phổi lan chậm và chỉ khu trú trong một thùy phổi (trong khi ở các bệnh nhân trước đây, toàn bộ phổi trở nên trắng xóa chỉ trong vòng vài ngày). Theo các bác sĩ, nguyên nhân có thể là do bệnh nhân nhanh chóng nhập viện và được áp dụng các biện pháp điều trị tích cực, hoặc độc lực của virus qua nhiều vòng lây đã giảm hẳn đi.

Tính đến chiều nay, tại Ninh Bình đã có 109 người phải khu trú giám sát do có mối liên quan về dịch tễ với các bệnh nhân đã nhập viện. Để chống dịch SARS, UBND tỉnh này vừa quyết định chi gần 1,4 tỷ đồng để mua sắm hóa chất, thuốc men và trang thiết bị. Sở Y tế đã tổ chức tập huấn về các biện pháp chẩn đoán và xử trí bệnh lạ cho cán bộ y tế trên địa bàn.

Ông Vũ Văn Xuân, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình, cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh cũng đã lập ra 4 tiểu ban Giám sát dịch, Điều trị, Hậu cần và Truyền thông để tăng cường đối phó với SARS. Tỉnh đã in các tờ rơi tuyên truyền các thông tin về bệnh và bắt đầu phát cho người dân từ ngày mai.

Cùng ngày, Bộ Y tế và Tổng cục Du lịch đã phối hợp tập huấn về SARS cho những cán bộ của các công ty kinh doanh du lịch, công ty lữ hành và khách sạn. Để giảm bớt tình trạng các hợp đồng du lịch bị hủy bỏ vì lo sợ bệnh SARS, Tổng cục Du lịch đã cập nhật thông tin về kết quả phòng chống dịch ở Việt Nam lên trang Web www.vietnamtourism.com.

Chiều nay, Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới ở Hà Nội đã tổ chức tưởng niệm bác sĩ Carlo Urbani, người có nhiều công lao trong chiến dịch chống lại bệnh SARS ở Việt Nam. Carlo Urbani là người đầu tiên phát hiện virus SARS ở Việt Nam và đã đề xuất nâng cấp các biện pháp kiểm soát bệnh. Bác sĩ mất ngày 29/3 tại Thái Lan vì chính căn bệnh mà ông đang ngày đêm tìm cách chống lại.

catbuitinhdoi
09-04-03, 02:30 AM
Con gián có thể là vật truyền dịch SARS

Giả thuyết này được giới chức y tế Hong Kong đưa ra hôm nay, sau gần 2 tuần điều tra về sự bùng phát dịch viêm phổi lạ ở cụm chung cư Amoy Gardens. Cùng ngày, một khu đông dân khác trên lãnh thổ đã xuất hiện hàng loạt người nhiễm SARS.

Theo ông Leung Pak-yin, một quan chức y tế Hong Kong, loài gián có thể mang theo đủ thứ rác rưởi chứa virus lạ từ các ống dẫn chất thải ra ngoài và lôi từ nhà này sang nhà khác. Nếu gián chính là lực lượng tiếp tay cho kẻ giết người giấu mặt thì công tác ngăn chặn sự lây lan sẽ còn khó khăn hơn nhiều.

Cùng ngày, giới chức y tế Hong Kong cảnh báo, thảm cảnh Amoy Gardens có thể được lập lại ở cụm dân cư gồm 500.000 người thuộc quận Tuen Mun. Phần lớn những người mới được phát hiện nhiễm SARS ở đây đều là các nhân viên y tế.

Hôm nay, Ngành y tế Hong Kong cũng thông báo, số người thuộc hai toà nhà bị cách ly của cụm chung cư Amoy Gardens (đang sống tạm tại khu trại hè của chính quyền) có thể trở về nhà vào thứ 5 tới. Tuy nhiên, trước đó, họ phải qua vòng kiểm tra sức khoẻ nghiêm ngặt của ngành y tế. Hai toà nhà, trong đó cả hệ thống dẫn chất thải, cũng phải được khử trùng.

Cùng ngày, Ấn Độ thông báo ca nhiễm SARS đầu tiên. Đó là một công dân Mỹ, đến Bombay sau khi kết thúc chuyến công tác tại Bắc Kinh. Tính đến hôm qua, thế giới đã có hơn 100 ca tử vong và hàng nghìn người nhiễm SARS.

catbuitinhdoi
09-04-03, 02:32 AM
Số người phải khu trú giám sát vì SARS ở Ninh Bình tăng

Tối 6/4, thêm một người nữa có biểu hiện của bệnh lạ được chuyển từ Ninh Bình lên Viện Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới. Đó là anh Cảnh, con rể bệnh nhân Khiêm. Đến nay, tổng số bệnh nhân nhiễm Hội chứng Hô hấp cấp Nặng (SARS) của tỉnh này là 6 người.

Số người phải khu trú giám sát cũng tăng lên đáng kể trong hôm qua, hiện có khoảng hơn 60 người. Ông Vũ Văn Xuân, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình, cho biết, tất cả những người đang được theo dõi trên đều liên quan đến ông Khiêm. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã lập 2 khu cách ly dành cho những người có biểu hiện SARS và 1 khu đệm để theo dõi bệnh nhân trước khi xuất viện. Các khu dân cư có người nghi mắc bệnh lạ đều đã được khử trùng.

Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký phê duyệt khoản kinh phí 30 tỷ đồng phục vụ trực tiếp công tác điều trị cấp cứu và phòng chống SARS. Trong đó 2,5 tỷ đồng được dành cho mua thuốc phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh; 3 tỷ đồng dành mua hoá chất khử trùng, sinh phẩm xét nghiệm, chuẩn đoán; 2 tỷ đồng mua trang thiết bị bảo hộ để cách ly với người bệnh, tránh lây lan; trên 20 tỷ còn lại dành mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch bệnh...
Hiện nay, không còn ca bệnh SARS nguy kịch nào ở Viện Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai. Tại cơ sở này chỉ có 15 bệnh nhân SARS đang điều trị, trong đó có 5 ca nặng. 13 người khác đã khỏi bệnh, đang chờ xuất viện. Từ tối 6/4, khả năng hô hấp của ông Khiêm - bệnh nhân SARS đầu tiên ở Ninh Bình - đã khá hơn; ông được chuyển sang chế độ thở máy ngắt quãng. Như vậy, hiện ở Việt Nam chỉ còn một bệnh nhân SARS đang ở trong tình trạng nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Đó là bác sĩ Bội ở Bệnh viện Việt - Pháp.

Theo tin từ Bộ Y tế, Bộ đang hoàn thiện dự thảo quy trình xử lý kiểm dịch y tế. Theo đó, những người ở vùng có dịch sẽ bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam. Quy trình này sẽ được đưa ra lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan trước khi trình lên Chính phủ.

catbuitinhdoi
09-04-03, 02:39 AM
Số trường hợp SARS trên thế giới:
Ngày Số ca nhiễm Tử vong
8/4 2.706 (+1) 101 (+3)
7/4 2.705 (+104) 98 (+5)

quanghuy09
11-04-03, 10:25 PM
Các diễn biến trong tuần này:

* Singapore sẽ triển khai các thiết bị giám sát bao gồm các máy quay phim và các thẻ cổ tay để bảo đảm việc tuân thủ lệnh cách ly đối với những người bị nghi ngờ tiếp xúc với SARS.

* Lệnh cách ly được bãi bỏ tại khu chung cư tại Hồng Kông nơi bùng phát các trường hợp SARS vào tháng trước.

* Malaysia tiếp tục ngăn chặn các du khách đến từ Trung Quốc và Hồng Kông mặc dù các hãng du lịch phản đối

* Những người Phillipines được khuyến cáo không nên đi du lịch đến Hồng Kông, miền Nam Trung Quốc, Việt Nam và Singapore.

* Các công nhân và các giáo sư nước ngoài đến Singapore từ các quốc gia bị ảnh hưởng bệnh SARS sẽ bị cách ly mười ngày trước khi được phép làm việc.

Thống kê các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong

Trung Quốc 1280 trường hợp (53 người chết)
Hồng Kông 970 (27)
Singapore 118 (9)
Vietnam 62 (4)
Canada 91 (10)
Thái Lan 7 (2)
Malaysia 1 (1)
(Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới (17:00 giờ GMT Thứ tư)
(Văn Vy - Theo BBC)

catbuitinhdoi
12-04-03, 02:51 AM
Đã nhận dạng được viurs SARS
Hôm qua, hầu hết các nhà khoa học của WHO cùng đi đến kết luận: thủ phạm gây dịch viêm phổi lạ chính là biến thể của coronavirus. Sự khẳng định này giúp các chuyên gia tập trung nhiều hơn vào việc thiết kế một bộ test chẩn đoán SARS có thể sử dụng rộng rãi.

Cộng đồng khoa học và y tế thế giới đề nghị lấy tên của tiến sĩ Carlo Urbani, một chuyên gia của WHO đã qua đời tháng trước vì dịch viêm phổi không điển hình, để đặt cho loại virus này. Carlo Urbani là người đầu tiên cảnh báo thế giới về dịch SARS và cuối cùng lại trở thành nạn nhân của chính nó.

Coronavirus được biết đến là tác nhân gây bệnh cảm lạnh thường. Y học thế giới đã nhận dạng được 3 biến thể trong họ này, song dạng đột biến gây SARS thì chưa từng xuất hiện ở người và động vật. Hiện virus lạ đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người và gieo bệnh cho hàng nghìn người trên khắp các châu lục trong vòng chưa đầy nửa năm.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Mỹ (CDC) đang có trong tay 3 bộ test, song các chuyên gia ở đây nhận định các thiết bị này không phù hợp cho mục đích sử dụng hằng ngày.

Quá trình nhận dạng virus lạ và những diễn biến xung quanh:

Vào thời gian đầu của dịch viêm phổi lạ, các chuyên gia của Canada đã phát hiện một loại siêu vi trùng có tên là paramyxovirus, gây bệnh sởi và quai bị, và phỏng đoán nó có thể là tác nhân gây SARS. Lúc đó, nhóm nghiên cứu nhìn thấy trong phim chụp phổi của các nạn nhân có vết tích tàn phá của một số loại như virus gây sởi, virus hợp bào hô hấp..., chứ không có bóng dáng của coronavirus. Song giả thuyết này không thuyết phục được các phòng thí nghiệm khác trên thế giới.

Vài ngày sau đó lại có thêm một giả thuyết liên quan đến hệ miễn dịch của con người. Một số nhà khoa học cho rằng bệnh nhân SARS bị sốt cao, mệt mỏi và tử vong nhanh là kết quả phản ứng của "lá chắn bảo vệ cơ thể" này. Theo suy đoán logic, trong khi hệ miễn dịch gồng lên để ngăn chặn sự tràn lan của vi khuẩn hoặc virus trong cơ thể, nó đôi khi cũng tiêu diệt luôn cả những tế bào khoẻ mạnh.

Những giả thuyết trên xuất hiện, đem theo niềm hy vọng cứu thoát con người khỏi dịch SARS, nhưng rồi sau đó lại lịm dần vì không đủ sức lý giải cho những diễn biến bất thường của dịch bệnh, chẳng hạn tại chung cư Amoy Gardens, Hong Kong. Thế giới lại rơi vào tình trạng hoang mang trong khi kẻ giết người giấu mặt tiếp tục hoành hành.

Trong lúc đó, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Mỹ (CDC) đưa ra kết quả thử nghiệm làm thay đổi phần nào sự nhìn nhận của cộng đồng khoa học về virus lạ. Đây là tổ chức đầu tiên khẳng định SARS là do một biến thể của coronavirus gây nên. Một thời gian sau, một loạt các phòng thí nghiệm khác trên thế giới ở Đức, Canada, Hong Kong, Hà Lan... cũng củng cố thêm bằng chứng về sự hiện diện của họ coronavirus và nó được ghi nhận là tác nhân gây SARS.

Hiện CDC đang tìm hiểu sâu hơn về loại biến thể này. Một khẳng định được các nhà khoa học đồng loạt nhất trí là virus SARS chưa từng có tên trong danh sách loại siêu vi trùng gây bênh cho người. Chỉ còn một hướng cuối cùng là chúng phát sinh từ động vật, đột biến và tái tổ hợp để có thêm sức mạnh lây lan cho người.

quanghuy09
14-04-03, 09:59 PM
Hôm qua các quan chức y tế Hồng Kông cho biết thêm 05 bệnh nhân SARS bị chết tại đặc khu này nâng tổng số nạn nhân bị thiệt mạng vì căn bệnh bí hiểm tại đây lên tới con số 40. Cộng thêm 03 người chết tại Singapore thì tổng số người bệnh bị thiệt mạng lên tới ít nhất 133 người trên toàn cầu.

Sáng qua hãng hàng không Hồng Kông Cathay Pacific Airways nhìn nhận một lãnh đạo đã phát một cảnh báo rằng toàn bộ đội bay của hãng sẽ có thể ngưng hoạt động nếu chứng bệnh SARS vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho ngành du lịch châu Á.

Trong khi đó, các giới chức sân bay Hồng Kông cho biết lưu lượng các chuyến bay tại sân bay Chek Lap Kok đã giảm mất 30% do các chuyến bay bị hủy bỏ trong mấy ngày qua. Họ cảnh báo:"Ngành kinh doanh chủ chốt của chúng ta đang bị đe dọa".

Tại Manila, phát ngôn viên của tổng thống bà Ignacio Bunye nói các nữ giúp việc người Philippines trở về từ Hồng Kông sẽ được các bác sĩ kiểm tra trước tại tổng lãnh sự quán Philippines tại đó. Hiện Philippines có khoảng 450.000 người đang giúp việc tại Hồng Kông. (Theo Internet)

quanghuy09
16-04-03, 10:21 PM
Hôm qua, chính quyền Hồng Kông cho biết có thêm chín ca tử vong do virus hội chứng viêm đường hô hấp cấp bí ẩn (SARS). Ðây là con số tử vong cao nhất trong ngày từ khi dịch bệnh SARS bùng nổ vào tháng trước, đưa tổng số trường hợp bị chết vì SARS ở đặc khu này lên 56. Đồng thời, số trường hợp nhiễm bệnh tăng lên 1232, sau khi có thêm 42 người mới lây nhiễm

Trong khi SARS đang làm chết ít nhất 150 người và hơn 3000 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới thì hầu hết đều rơi vào Trung Quốc, Hồng Kông và Ðông Nam Á. Dịch bệnh này xuất phát từ miền nam Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, số người chết vì SARS ở đây hiện đã là 64. Số người tử vong vì SARS tại Hồng Kông 56, Canada 13, Singapore 12, Việt Nam 05 và hai trường hợp vừa xảy ra tại Thái Lan và Malaysia.

Số tử vong càng gia tăng sau khi giới truyền thông Trung Quốc đưa tin những trường hợp lây nhiễm đang tăng mạnh tại thủ đô Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo của nước này cảnh báo tình hình y tế Trung Quốc là "trầm trọng". Là nước có số dân đông nhất thế giới, hôm qua Trung Quốc báo cáo có thêm 17 trường hợp lây nhiễm mới vì SARS nâng số người nhiễm bệnh tại nước này là 1435. Giới truyền thông của nước này cho hay Trung Quốc đang thực hiện những nổ lực lớn như làm sạch các xe buýt, taxi và những nơi công cộng khác. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ đến kiểm tra các bệnh viện quân y ở Bắc Kinh nơi có đồn đại có nhiều trường hợp mắc dịch bệnh SARS chưa được báo cáo. Dự kiến nhóm sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Y tế của nước này trong hôm nay.

Các diễn biến mới nhất:

Hôm thứ Hai tại Indonesia, Philippines và Thụy Ðiển đã xuất hiện bệnh SARS đầu tiên. Trong khi Nhật Bản cho biết bốn trường hợp nước này báo cáo trước đây với WHO là không phải SARS.

Tại Ðài Loan vừa phát hiện thêm bốn trường hợp lây nhiễm mới vì SARS, dập tắt hy vọng Ðài Loan không nằm trong danh sách những khu vực bị ảnh hưởng SARS.

Ðoàn quân y Việt Nam đang tiến hành khử trùng Bệnh viện Việt - Pháp, bệnh viện quốc tế duy nhất tại Hà Nội, nơi xảy ra trường hợp lây nhiễm SARS đầu tiên tại nước này. (Ðông Quỳnh - Theo CNN)