PDA

View Full Version : Những Câu Nói “thông Thái”



Maili
15-08-08, 02:13 PM
NHỮNG CÂU NÓI “THÔNG THÁI”


Nam Thống VNMTS Nghệ An



Công tác phòng chống HIV/AIDS của chúng ta đã có những chuyển biến tích cực, đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, công tác truyền thông được đẩy mạnh, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban ngành trong công cuộc phòng chống lại Đại dịch thế kỷ v.v.. đó là những mỹ từ được nói ra một cách khiêm tốn ở trong báo cáo hàng quý, hàng năm hay các bài phát biểu đây đó, trong các cuộc họp hành, hội thảo.

Tiếp xúc với người có H tôi lại được nghe những câu nói hết sức khôi hài sau đây:

- “HIV lây tùy người, phải có cái máu (tạng người) thế nào đó thì con HIV nó mới lây được” – Lời một đồng đẳng viên trong khuôn khổ dự án Quỹ toàn cầu nói về vợ mình vì cô ta không bị, hoặc chưa bị nhiễm HIV.
Sự thật: Đúng là có một số ít người, xin nhấn mạnh là rất ít, chỉ vài người trong 6 tỷ người trên thế giới không bị lây nhiễm HIV. Có một người đàn ông ở Châu phi bị nhiễm HIV nhưng tự khỏi, khiến các bác sỹ kinh ngạc vì kết quả mấy lần xét nghiệm âm tính của anh ta. Đó là niềm hy vọng cho công cuộc tìm kiếm phương pháp điều trị HIV/AIDS. Còn thực tế thì chúng ta vẫn bị HIV như thường nếu không biết cách phòng tránh đúng cách. Cụ thể ở trường hợp này là dùng bao cao su và quan hệ tình dục an toàn.

- “Em ạ! Em bị HIV từ chồng là vì hồi em quan hệ với nó em bị bệnh phụ khoa, chị cũng thế, nếu không bị bệnh phụ khoa thì không bao giờ bị HIV” – Lời một NCH đang được cấp phát ARV, tức là đã được tư vấn về mặt nào đó.
Sự thật: Niêm mạc âm đạo của phụ nữ rất mỏng, nên dễ bị tổn thương. Không cần phải bị bệnh phụ khoa, mà chỉ cần hăng hái một chút trong lúc làm chuyện ấy là nó có thể bị loét ra rồi và HIV rất dễ dàng xâm nhập.

- “Thằng ấy mà kháng thuốc rồi thì hết phương cứu chữa vì nó uống thuốc phác đồ hai rồi” – Lời một thành viên của tổ chức VNMTS.
Sự thật: Kháng thuốc bậc 1 thì còn có thuốc bậc 2 (hiện đã có ở Việt Nam). Anh cán bộ tư vấn kia nhầm từ 3 phác đồ điều trị với 3 bậc thuốc.

- “Mình đã bị thế này rồi thì quan hệ với chúng nó (GMD) đi bao làm đếch gì, đường nào mà chả thế” (tức là có H rồi thì không cần giữ gìn nữa) – Lời một NCH.
Sự thật: Có HIV rồi, nếu quan hệ tình dục không đúng cách thì vẫn có thể nhiễm thêm HIV từ phía đối tác, nếu gặp phải dòng HIV đã kháng thuốc thì thật là nguy hiểm. Đó là chưa kể việc nhiễm thêm các bệnh xã hội khác như viêm gan, lậu, giang mai v.v.. nhưng quan trọng hơn, mình dùng bao cao su để không lây bệnh cho người khác.

- “Xét nghiệm CD4 làm quái gì cho mất thời gian, để thế chết khi nào thì chết” – Đó là ý kiền thống nhất trong một cuộc tranh luận của rất nhiều người có H.
Sự thật: Xét nghiệm CD4 định kỳ là rất quan trọng, vì trong mỗi giai đoạn khi CD 4 xuống thấp dần thì lại xuất hiện một số loại bệnh nhiễm trùng cơ hội nào đó như zona, virus viêm màng não, nấm v.v.. biết được số lượng CD4, chúng ta có thể uống thuốc phòng các bệnh đó, làm cho cuộc sống của mình khỏe mạnh hơn, và có thể tránh được những hậu quả không đáng có. Thêm vào đó, xét nghiệm CD4 là một trong những dấu hiệu cho biết, ta có bị kháng thuốc ARV đang sử dụng hay không.

- “Mày đừng có ôm tao, lỡ lây bệnh sang cả mẹ nữa thì chết đấy con ạ” – Lời mẹ tôi.
Sự thật: HIV không thể lây qua đường bắt tay, ôm ấp, vuốt ve, sờ nắn v.v.. nếu không có vết thương hở. Mọi người không nên quá sợ hãi, dẫn đến thận trọng, thậm chí xa lánh gây nên những tổn thương tinh thần không đáng có đối với người có H. Cuộc sống của họ cũng đủ địa ngục rồi.

Thực tế chứng kiến của một cá nhân tôi, không thể là toàn cảnh công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở nước ta. Nhưng những gì tôi nghe được ở trên cũng là một tiếng nói góp thêm vào để giúp chúng ta nhận thấy rõ thực trạng. Công cuộc phòng chống lại Đại dịch Thế kỷ của chúng ta còn nhiều gian nan khi nhận thức của xã hội vẫn còn nhiều điểm bất cập.