PDA

View Full Version : ma cà rồng vết mồ hôi sợ hãi !



Access_banned
15-03-03, 10:17 PM
những năm đầu của thế kỷ XX, những bản người dân tộc Thái vùng Tây Bắc luôn bị hoành hành dữ dội bởi "Pi pjồng" - "Ma cà rồng". Chính quyền thực dân Pháp luôn bất lực khi tìm cách trấn an. Dưới sự cai trị hà khắc và sự vơ vét tham lam của thực dân Pháp, một số người mẹ đã phải "biến" thành "ma cà rồng" để thực hiện trọn vẹn thiên chức làm mẹ của mình.

Pi Pjồng - con ma của chế độ thực dân

"Ma cà rồng" trong tiếng Thái được gọi là "Pi pjồng". Đó là một con ma đáng sợ nhất của các cô gái Thái, nhất là các thiếu nữ xinh đẹp chưa chồng. Trong trí tưởng tượng của nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới, "ma cà rồng" là một loại ma luôn luôn đói máu, cho nên nó hút máu người và máu động vật, chính vì vậy mà nó được hình dung như một bộ xương khô phủ chiếc áo choàng đen và đôi chân dài khẳng khiu. Trong thế giới phương Tây, không thiếu gì những huyền thoại kinh hoàng về "ma cà rồng", thậm chí con ma này còn giúp ngành điện ảnh phương Tây hốt bạc với những bộ phim kinh dị. Nhưng "ma cà rồng" thực sự chỉ tồn tại trong văn học, trong tín ngưỡng. Không một chứng cứ khoa học nào xác định sự tồn tại thực của nó.

Đối với người Thái hồi đầu thế kỷ XX, "ma cà rồng" tồn tại thực sự và là nỗi khiếp đảm cho cả bản làng. Từ người Thái Đen ở Sơn La, người Thái Trắng ở Lai Châu, người Thái Mai Châu ở Hòa Bình đều có chung nỗi lo sợ. Những gia đình có con gái lớn luôn nớm nớp lo âu. Vi Thị Ẳm (Thái Đen, Sơn La) lấy chồng được hơn một năm. Cô có mang 6 tháng nhưng người gầy rộc, hai mắt trũng sâu, thân hình tiều tụy. Vì một lý do nào đó, chị bỗng đột nhiên rời nhà vào lúc chạng vạng tối và tìm bắt những con nhái núi. Khi bắt được, chị không ngần ngừ mà đút luôn cả con nhái sống vào miệng. Nỗi kinh hoàng đổ xuống bản làng. Vi Thị Ẳm đã trở thành "ma cà rồng". Gia đình chị phải cho chị ở riêng không thì chị sẽ hút hết máu tất cả mọi người. Vi Thị Ẳm ngơ ngác, hiền lành không phản ứng gì. Nhưng mỗi buổi chạng vạng là chị lại đi tìm bắt nhái núi.

Con "ma cà rồng" Mạt Thị Ý trái lại còn rất trẻ, mới 15 tuổi. Một bữa Mạt Thị Yý đeo ống đi lấy nước ở suối. Đám trai bản nhìn theo bước chân cô đi và thấy có những giọt máu tươi loang lổ. Cha mẹ Mạt Thị Ý phải mang con vào rừng và cất chòi cho con ở vì nếu không trai làng sẽ đến đốt nhà. Nhưng thực chất những giọt máu tươi đó là do không biết giữ vệ sinh cho nên Mạt Thị Ý đã bị "rong kinh".

Hầu như ở mỗi bản người Thái đều có một người phụ nữ, hay một cô gái trẻ chưa chồng biến thành "ma cà rồng". Họ là nỗi lo lắng, kinh sợ cho gia đình và bản làng dù họ rất hiền lành. Những tiếng đồn về Pi Pjồng như thế khiến chính quyền thực dân Pháp phải chú ý đến. Để "trấn áp" con "ma cà rồng", bác sĩ Chales Meriuac đã lặn lội lên bản Thái Mai Châu để nghiên cứu trực tiếp về loại ma kỳ lạ này. Trong tạp chí Đông Pháp, một tạp chí nghiên cứu của Pháp xuất bản bằng tiếng Việt ở Hà Nội, năm 1926, bác sĩ Chales Meriuac cho rằng, những biểu hiện của "ma cà rồng" ở những bản người Thái Tây Bắc là có thật! Nhưng không phải là một "con ma" linh thiêng ghê gớm, mà có thể phân tích nó dựa trên các cơ sở khoa học. Đây không phải là một loại "ma" mà là một loại bệnh "ma cà rồng". Chales Meriuac cho rằng, căn bệnh này xuất hiện chủ yếu do các cô gái và phụ nữ nhiễm phải một thứ vi trùng lạ vào mùa mưa. Hơn nữa, do người Thái sống gần những nơi ẩm thấp nên sức đề kháng rất kém. Chales Meriuac cho rằng, loại vi trùng khủng khiếp này tấn công vào hệ thần kinh của những người phụ nữ, chỉ hoành hành một thời gian rồi "tự động" biến ra khỏi cơ thể con người. Tác giả công bố nghiên cứu của mình và tuyên bố y học hiện đại thời bấy giờ chưa tìm được loại thuốc kháng sinh đề kháng loại vi trùng này. Rõ ràng bài báo chỉ mục đích duy nhất là trấn an người dân. Nhưng chính quyền thực dân vẫn không "trấn" nổi "ma cà rồng".

Sau khi bài báo xuất hiện, những con "ma cà rồng" vẫn tiếp tục hoành hành ở những bản người Thái. Hơn nữa, nếu đó chỉ là do một thứ vi trùng lạ gây ra thì tại sao đàn ông, trẻ nhỏ không bị nhiễm mà chỉ có phụ nữ có chồng mới mắc phải? Bài báo không những không dẹp nổi căn bệnh "ma cà rồng", nó còn gây tác hại một cách không thể lường trước được. Dường như chỉ cần chính "quan Tây" công nhận là có căn bệnh "ma cà rồng" là ngay lập tức số lượng các thiếu nữ biến thành "ma cà rồng" tăng vọt lên. Nhiều gia đình sợ hãi mời thầy về dán bùa trấn ma ở ngay cầu thang, nhưng con gái họ vẫn cứ nhiễm phải căn bệnh "ma cà rồng".

Pi Pjồng - bóng ma nhiều mặt!

Lường Thị Ún lấy chồng đã được 2 đứa con, chị và 2 con đều khỏe mạnh không có biểu hiện khác lạ nào. Sự việc xảy ra khi Lường Thị Ún mang thai đứa con thứ 3. Người chị gầy rộc, mất ngủ liên miên. Một hôm, chờ cho 2 đứa con nhỏ ngủ, chị ra khỏi nhà và bắt đầu tìm bắt những con nhái núi, những con thằn lằn bỏ vào miệng. Tiếng đồn về con "ma cà rồng" Lường Thị Ún nhanh chóng xuất hiện. Hai đứa con bị bố cấm lại gần mẹ. Chị im lặng và tiếp tục bắt ếch nhái để ăn. Người chồng không dám ngăn chị và cũng không dám đuổi chị ra khỏi nhà vì sợ chị sẽ ăn thịt mình! Sau khi bắt hết những con nhái quanh nhà, chị đi xa hơn. Cái thai mỗi ngày một lớn nhưng người mẹ vì một lý do nào đó vẫn không thể ở yên được. Một đêm giá lạnh, khi chị đi cách nhà hơn 5 km để tìm nhái thì chị sinh con, mẹ con chị may mắn được dân bản ở đó cứu thoát. Lạ thay cùng với sự ra đời của đứa con bầu bĩnh, con "ma cà rồng" cũng biến khỏi người chị, Lường Thị Ún trở lại là một người mẹ tần tảo như bao người mẹ khác. Khi đêm xuống, chị không còn ra khỏi nhà để tìm nhái hay thằn lằn nữa.

Những trường hợp đi bắt nhái hay ăn lá rừng chỉ rơi vào những trường hợp phụ nữ đang mang thai. Theo con số thống kê của Meriuac thì 100% "ma cà rồng" hay đi bắt thằn lằn, nhái đều là phụ nữ có chồng và đang mang thai. Mạt Thị Ơn lấy chồng được hơn 10 năm nhưng mới mang thai lần đầu tiên. Gia đình phải mổ nhiều trâu, lợn, gà cho thầy cúng mới "xin" được đứa con này. Mang thai đến tháng thứ 2 thì Mạt Thị Ơn không thể ngồi yên một chỗ. Dịp nào gia đình mổ gà chị đều sấn đến và uống hết bát tiết vừa cắt ra. Buổi tối chị cũng ra khỏi nhà, nhưng không đi bắt nhái mà tìm xuống suối. Chị bắt những con cá nhỏ và nuốt sống.

Theo bài báo, những biểu hiệu của bà mẹ có mang như thế là do họ thiếu sức đề kháng vi trùng mạnh. Nhưng dù có phân tích khoa học đến đâu thì chính quyền thực dân cũng không thể giấu giếm được một điều là chất lượng cuộc sống của người dân bấy giờ quá kém, đời sống nghèo nàn kiệt quệ. Những người mẹ thiếu dinh dưỡng trầm trọng vừa do làm lụng vất vả, vừa do phải mang thai. Bản năng người mẹ đã thúc đẩy họ từ trong vô thức. Họ phải tìm mọi cách để kiếm nguồn dinh dưỡng để nuôi mình và nuôi bào thai. Không có con ma nào "tà ám" họ cả. Tất cả những phụ nữ này, sau khi sinh con đều trở lại cuộc sống bình thường. Dưới sự cai trị hà khắc và sự vơ vét tham lam của thực dân Pháp, một số người mẹ đã phải "biến" thành "ma cà rồng" để thực hiện trọn vẹn thiên chức làm mẹ của mình.

Đó là những phụ nữ mắc bệnh "ma cà rồng" thực sự. Nhưng có một số "ma cà rồng" là những thiếu nữ xinh đẹp, hay con nhà khá giả không ra khỏi nhà ban đêm, không bắt nhái, không hút tiết cũng biến thành "ma cà rồng"!

Khà Thị Ớt (Mai Hạ, Hòa Bình) là một thiếu nữ xinh đẹp nổi tiếng khắp các bản Thái trong vùng. Cô tròn 16 tuổi, nhiều trai bản ao ước có được cô trong nhà mình. Trong bản có một gia đình thường xuyên nhận muối của Pháp về bán. Ông ta muốn hỏi Ớt cho con trai của mình. Gia đình cô không đồng ý vì gia đình kia có quan hệ với Tây. Ông ta dọa: Mày không đồng ý sẽ bị biến thành "ma cà rồng". Một buổi sáng cả dân bản chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng. Xung quanh nhà cô gái có rất nhiều xác thú và gà vịt. Con vật nào cũng bị đứt ở cổ và máu chảy ra, tiếng đồn về con "ma cà rồng" Khà Thị Ớt loan ra. Người dân chứng kiến cảnh những con vật chết như thế cũng không hiểu thế nào. Gia đình buôn muối hò dân bản mang củi đến đốt nhà cô gái để xua ma đi. Khà Thị Ớt phải bỏ bản ra đi đến sống ở bản khác.

Những con "ma cà rồng" bị "rong kinh" như Mạt Thị Ý thì dễ sống hơn. Do đời sống thiếu thốn và điều kiện vệ sinh thấp kém nên những thiếu nữ "bị" như thế khá nhiều. Số cô gái này thường rơi vào những gia đình nghèo và họ có nhan sắc bình thường.

Nhưng còn một loại "ma cà rồng" được chính thầy cúng tạo ra. Khà Thị Ưng, 16 tuổi, là con một, cha mẹ cô mới mới tích cóp được một con trâu làm vốn. Khà Thị Ưng đang ăn cơm với bố mẹ thì nghe thấy tiếng léo nhéo ở đầu nhà. Đám thanh niên kéo đến đòi đuổi con "ma cà rồng" Khà Thị Ưng ra rừng không cho sống ở bản nữa. Cha mẹ sợ hãi lùi lại. Cô khóc lóc thanh minh. Cha mẹ thương con nhưng sợ đành bàn nhau đưa con vào rừng và cất chòi cho ở. Đúng lúc họ định đưa con đi thì thầy cúng xuất hiện. Ông ta bảo có thể đuổi con ma này đi được. Nếu mời thầy cúng tức là gia đình phải mổ trâu. Thương con gia đình quyết định mời thầy. Thầy cúng loay hoay một hồi rồi "múa may" rồi vác một đùi sau mang về. Khà Thị Ưng được "đuổi ma" đi. Cô sống yên ổn.

Một con ma tưởng tượng nào đó đã khiến cho các thầy cúng trục lợi. Hơn nữa dù gia đình không tin con gái mình bị "ma cà rồng", nhưng để cho con gái có thể lấy chồng được thì họ vẫn phải mời thầy về trừ ma. Một số gia đình nghèo không có bạc, trâu bò để mời thầy về thì gia đình họ vừa khó sống trong bản, và con gái của họ cũng không thể lấy chồng được.

...Mặt trời đã xua đi những bóng ma

Bây giờ, vào các bản Thái ở Sơn La, Lai Châu hay ở Hòa Bình, câu chuyện về con "ma cà rồng" chỉ còn đọng lại trong ký ức của người già. Nhưng trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp đã bất lực trong việc "trấn áp" con "ma cà rồng" nguy hại này. Ngay cả những cố gắng phân tích bằng khoa học thì cũng chỉ làm cho nạn "ma cà rồng" tăng lên, những đôi vợ chồng trẻ, những gia đình có con gái lớn nơm nớp lo sợ bóng ma sẽ ụp xuống gia đình mình.

Những năm sau Cách mạng Tháng Tám, Phòng Văn hóa - Thông tin Khu tự trị Tây Bắc nhận được rất nhiều thông tin về "ma cà rồng". Lò Văn Sĩ là một cán bộ của Phòng, anh có một người vợ ở bản Thái cách thị xã Sơn La 1km. Vợ chồng anh có 2 đứa con. Một hôm có người ở bản lên báo rằng vợ anh đã biến thành "ma cà rồng". Phòng cử anh về bản. Chị đang có mang, cơ thể suy nhược trầm trọng. Anh Lò Văn Sĩ định dìu vợ thì bị người bản kéo lại. Họ nhất quyết không để anh gần vợ vì sợ chị sẽ cắn cổ anh chết. Trước đông đảo dân bản, Lò Văn Sĩ nói rõ thực chất về căn bệnh của vợ và con "ma cà rồng" là không có thực. Sau đó anh dìu vợ vào nhà và chăm sóc vợ. Dân bản kháo nhau Lò Văn Sĩ đã học được thuật trị con ma đấy.

Năm 1960, Phòng nhận được tin báo ở Lai Châu có một bản người Thái chuẩn bị thiêu một con "ma cà rồng". Cả bản chất củi xung quanh một cô gái xinh đẹp đang khóc lóc. Dân bản không cho cán bộ lại gần vì sợ con ma sẽ hút máu và khỏe lên sẽ làm hại dân bản. Nhờ cán bộ, cô gái đã được cứu sống.

Do được dạy cách ăn ở cho hợp vệ sinh và chất lượng cuộc sống cũng tăng lên mỗi ngày, những dấu hiệu bệnh "ma cà rồng" không còn xuất hiện nữa. Vả lại, do luật pháp cấm những trò mê tín dị đoan, các ông thầy cúng cũng không còn hoành hành như trước. Những tin đồn về "ma cà rồng" do kẻ xấu tung ra đã bị chính quyền dẹp ngay. Người phụ nữ Thái được sống yên bình không lo âu nữa. Chị vợ của Lò Văn Sĩ năm nay đã ngoài 70 tuổi cười lộ hàm răng đã nhuộm đen: "Pi pjồng" á! Nó chết lâu lắm rồi. Muốn xem con gái Thái múa xòe thì đến mà xem".

five
17-03-03, 05:04 PM
Ma ca rong bây chừ ở VN bị triêt tiêu rùi ,nhưng đáng ngại là ma ca rong sẽ sống lại ở ỈRAG và sẽ khó tiêu diệt hơn đấy

five
17-03-03, 05:05 PM
dèi qué five đọc hong hết :rolleyes: