PDA

View Full Version : Một số bài báo để các bạn đọc biết về cách sống với người có H



hello_all
05-12-09, 08:48 PM
Kỳ thị làm tăng số người nhiễm HIV

Khi biết con trai nhiễm HIV, ông Ngô Văn Giang (Hà Nội) giấu không cho con dâu biết. Đến khi ông quyết định tiết lộ điều này theo lời khuyên của bác sĩ thì cả người con dâu cũng đã nhiễm HIV. Các nhà tư vấn cho rằng sự giấu giếm này cũng là một dạng kỳ thị.

Theo ông Nguyễn Quang Hải, Phó tiểu ban HIV/AIDS Bộ Y tế, kỳ thị không chỉ là xa lánh, hắt hủi mà còn thể hiện ở thái độ sợ hãi thái quá đối với HIV, không xem nó cũng là một căn bệnh như những bệnh khác (ung thư, lao, cúm...). Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ đã kỳ thị ngay cả với con đẻ của mình mà không biết. Như trường hợp ông Giang, nếu không nghĩ nhiễm HIV là một điều đáng xấu hổ và không giấu giếm thì biết đâu con dâu ông không lây bệnh?

Sự kỳ thị của cộng đồng đối với người nhiễm HIV là một gánh nặng mà bệnh nhân cảm thấy khó chịu đựng hơn so với gánh nặng của bệnh tật. Chị Thanh Thủy (Hà Nội) kể: "Từ khi biết tôi nhiễm HIV, gia đình chồng gần như tách tôi ra khỏi mọi sinh hoạt chung. Khi tôi sinh nở, không ai đến gần 2 mẹ con, các ông bà, cô chú không hề bế ẵm cháu. Đến khi cháu gần 2 tuổi, đi xét nghiệm kết quả âm tính mới được nâng niu. Hoàn cảnh của tôi còn khá, một số chị sinh hoạt cùng nhóm đồng đẳng với tôi còn bị nhà chồng tách con ra, không cho nuôi".

Trung tâm Tư vấn và xét nghiệm tự nguyện của Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp gia đình một cháu bé 6 tuổi có cha mẹ đã chết vì AIDS. Mỗi khi sang hàng xóm chơi, cháu đều bị đuổi về. Ở trường, hễ cháu vào lớp nào là các bạn cùng học được bố mẹ chuyển ngay sang lớp khác, những trẻ còn lại không cho cháu chơi cùng. Ngay cả khi đã có kết quả xét nghiệm là âm tính, cháu vẫn bị xa lánh vì là con của người bị AIDS. Cuối cùng, cả gia đình phải chuyển đi nơi khác sinh sống.

Ngần ngại, sợ hãi, thiếu tự tin là cảm giác chung của nhiều người nhiễm HIV khi đi tìm việc. Chị Nguyễn Thanh Hà ở TP HCM kể: "Tôi nhiễm HIV do ma túy, nhưng từ 3 năm nay đã bỏ hẳn. Nhờ sự quen biết của mẹ, tôi được vào làm kiểm hàng ở một xí nghiệp chế biến thủy sản. Muốn giấu bệnh tật của mình nên đến ngày khám sức khỏe định kỳ toàn công ty, tôi đã cáo ốm; nhưng sau đó vẫn bị buộc phải xét nghiệm máu cho đủ hồ sơ. Khi có kết quả, tôi bị chuyển ngay xuống làm vệ sinh".

Một người bạn của chị Hà làm nghề bán bánh bông lan. Từ khi chồng chết vì HIV, người phụ nữ này phải đi thật xa để khỏi gặp người quen vì những ai biết chị đều không dám mua hàng. Nhưng rồi địa bàn mới cũng mất khi có người nhận ra chị.

Ông Trần Tiến Đức, Giám đốc dự án phòng chống AIDS Policy Project, cho biết; một điều tra gần đây của Viện Các vấn đề phát triển xã hội đã chứng minh, phần lớn các xí nghiệp, doanh nghiệp đều có sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Các vị lãnh đạo đều muốn tìm cách đẩy họ ra khỏi cơ quan mình. Theo ông Đức, sự kỳ thị không chỉ làm khổ bệnh nhân HIV/AIDS mà còn rất có hại cho cộng đồng. Sự mặc cảm sẽ khiến họ giấu bệnh, không tham gia giao tiếp xã hội nên không tiếp cận được thông tin về cách bảo vệ mình và ngăn ngừa lây nhiễm, làm tăng nguy cơ lây cho người khác. Nhiều người nghi mình nhiễm bệnh nhưng không dám đi xét nghiệm và rất có thể trở thành nguồn lây.

Làm thế nào để giảm sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV? Đây là câu hỏi khó đối với cả các nước phát triển, có mặt bằng văn hóa cao. Theo ông Nguyễn Quang Hải, điều quan trọng nhất là phải làm cho mọi người hiểu rõ về cơ chế truyền bệnh vì sự thiếu hiểu biết là nguồn gốc của thái độ kỳ thị. "Bản thân tôi trước đây từng rất ngạc nhiên khi chứng kiến một bác sĩ khám cho người nhiễm HIV mà không đeo găng tay hay khẩu trang, lại ngồi ngay lên giường bệnh, nắm tay anh ta mà hỏi han. Trong các khoa truyền nhiễm, mọi người thường bịt kín mặt mũi tay chân khi vào phòng có người nhiễm HIV trong khi nếu vào khu bệnh nhân lao lại không làm thế".

Cũng theo ông Hải, muốn giảm kỳ thị, bản thân người bệnh phải thoát khỏi sự mặc cảm để tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và phòng chống HIV/AIDS. "Một khi sự có mặt của các bạn trong cuộc sống hằng ngày của cộng đồng trở nên quen thuộc và gần gũi, mọi người sẽ hiểu và xem các bạn như những người bình thường khác. Nếu không, họ sẽ nghĩ về người nhiễm HIV như một cái gì đó xa lạ và đáng sợ. Tóm lại, nếu muốn mọi người không phân biệt đối xử, bản thân các bạn phải coi mình là người bình thường".


Thanh Nhàn - Theo VnExpress

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.