PDA

View Full Version : Khi người ta rung động



Access_banned
01-04-03, 09:02 PM
http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2003/04/3B9C66E6/couple.jpg

Cảm giác lâng lâng lần đầu tiên nắm tay người yêu sẽ theo bạn suốt đời. Ngồi trên tàu lượn cao tốc, bạn thấy tim mình thắt lại: cảm giác vui sướng lẫn sợ hãi hoà trộn với nhau. Những kỷ niệm vui buồn sẽ chẳng để lại dấu ấn nào trong cuộc đời chúng ta nếu con người không có cảm xúc.

Vì cảm xúc không chỉ giúp con người hiểu biết và phản ứng lại với thế giới xung quanh mà còn làm cho cuộc sống của chúng ta thêm thi vị.

Khóc, đỏ mặt, cười vang, run rẩy, ngạc nhiên... Khi xúc động mạnh, chúng ta thật khó lòng làm chủ được mình. Đó là di sản từ xa xưa khi thuỷ tổ chúng ta chưa là người, và ngày nay vết tích ấy vẫn còn ẩn náu đâu đó trong não bộ. Sợ hãi là bản năng cơ bản của con mồi thường trơ ra như phỗng khi gặp nguy hiểm. Giận dữ là phản ứng của con đầu đàn để tỏ uy quyền của mình trước kẻ trẻ người non dạ nhưng lại có tham vọng thống lĩnh. Vui mừng là dấu hiệu hoà thuận và hợp tác với đồng loại. Cảm xúc bộc lộ rõ tư tưởng cơ bản nhất của chúng ta một cách nhanh chóng và thật bất ngờ, điều này đôi khi làm chúng ta hối tiếc. Liệu chúng ta có thể chế ngự những xúc động thái quá làm cho tư tưởng và hành vi rối bời như mớ bòng bong không? Trong thực tế, mọi chuyện đều trái ngược.

Nếu không có cảm xúc, bộ não chúng ta không bình thường. Chuyện của anh chàng Phineas Gage ở Mỹ là trường hợp điển hình. Vào năm 1848, Phineas đang làm công nhân đường sắt. Một hôm anh chuẩn bị cho nổ mìn phá đá thì tai nạn xảy ra. Mìn nổ, Phineas văng xa tới 30 m. Thanh sắt nặng 60 kg mà anh đang cầm đâm vào má, xuyên qua não trước nhưng anh vẫn sống sót. Chưa đầy 2 tháng sau, anh đã đi lại được và nói năng như trước. Thật là một phép lạ. Nhưng có điều tính tình Phineas thay đổi rất kỳ cục. Lúc trước Phineas rất hoà nhã và được bạn bè yêu mến, nhưng sau tai nạn, anh hay cáu gắt, không bao giờ hài lòng và hầu như không thể quyết định những điều đơn giản nhất như nên mặc chiếc áo nào.

Bề ngoài, não bộ của Phineas xem ra đã lành lặn, nhưng vẫn còn những điều khó hiểu không giải thích được. Mãi đến năm 1944, nhà thần kinh học người Mỹ Antonio Damasio và vợ là bà Hanna đã phân tích bộ não kỳ dị của Phineas (được bảo quản tại Bảo tàng y khoa thuộc Đại học Havard, Mỹ) và xác định được vùng não bị tổn thương nằm trên vỏ não của thuỳ trán. Người ta chưa xác định vùng não này có vai trò gì, nhưng chỉ biết rằng những ai bị tổn thương nó đều mất khả năng quyết định nhanh chóng. Chải tóc theo kiểu nào, đi vũ trường hay đi xem phim? Nên rủ người này hay người kia đi chơi? Đối với họ, giải quyết những vất đề cỏn con thường ngày cũng là một vấn đề hóc búa.

Thế nhưng những người này vẫn thông tuệ và có trí nhớ tuyệt vời. Thế tại sao họ lại không thể tự quyết định những chuyện đơn giản đó? Theo hai vợ chồng Damaiso, họ thiếu một điều chính là yếu đó là cảm xúc. Thật vậy, không một ai trong số những người này biết sợ hãi, vui mừng, buồn phiền hay giận dữ là gì. Khi người ta cho họ xem những tấm ảnh chụp những cảnh rợn tóc gáy, họ bảo những tấm hình ấy dễ sợ thật nhưng không hề cảm thấy kinh khủng chút nào. Mất vùng não thuỳ trái coi như mất thần kinh cảm xúc.

Nhưng tại sao sự khiếm khuyết này lại là nguyên nhân gây ra tật nguyền của họ? Các nhà nghiên cứu Mỹ giải thích thật đơn giản. Khi một vấn đề nào đó được đặt ra trong đầu (chẳng hạn như Cuối tuần này mình sẽ làm gì?), họ sẽ xem xét kỹ mọi giải pháp. Họ tưởng tượng ra đủ mọi cảnh (ở nhà, miền núi, nông thôn, miền biển...) và mỗi cảnh đều gây nên một phản ứng xúc cảm giúp họ đặt tên cho từng lựa chọn. Ở nhà thì kinh khủng quá, rủ bạn bè đi tắm biển thì tốn kém quá, đạp xe ra ngoại ô thì mệt mỏi quá... Sự phân loại này giúp họ theo lựa chọn thứ nhất (ở nhà) bằng cách loại dần những lựa chọn khác. Theo lý trí (ống nước bị rò, mình phải ở nhà sửa lại thôi) và theo trí nhớ (lần trước đi tắm biển chẳng thú vị gì), lúc đó họ mới quyết định dứt khoát.

Dấu hiệu báo động bên trong

Như vậy, theo bản năng, cảm xúc trước hết là động cơ tuyệt vời nhất của não bộ. Nó là phương tiện không thể thiếu để suy luận và khám phá thế giới. Nếu não bộ xử lý tất cả các dữ kiện thu thập từ bên ngoài cùng một lúc, nó sẽ bị "đứng máy" (bão hoà) ngay. Vai trò của cảm xúc là giúp chúng ta lựa chọn thông tin. Nó sẽ ra dấu cho não bộ biết những thông tin nào quan trọng nhất. Những khả năng này vừa có tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với đời sống con người. Chẳng hạn khi chúng ta chạy xe trên đường phố, bộ não luôn bị vô số cảm giác tấn công: Trời nóng tệ... màu sơn chói quá... mùi phở thơm thật... cô gái mặc áo vàng xinh ghê... đôi giày đau chân quá... phải rẽ trái thôi... Nhưng thật may mắn, dù bị tấn công tới tấp nhưng bộ não của chúng ta vẫn luôn tập trung chú ý. Bởi vì giữa vô số những thông tin ngổn ngang ấy, não bộ vẫn xác định được thông tin nào mang xúc cảm mạnh nhất.

Cảm xúc là công cụ tuyệt vời để giải mã thế giới, nó còn giúp chúng ta hiểu biết người xung quanh. Bạn hãy tưởng tượng một bài diễn văn không nhịp điệu chán biết mấy. Chính giọng nói khi lên bổng lúc xuống trầm, cử chỉ, nét mặt và cảm xúc đã làm nổi bật những từ ngữ quan trọng. Nét mặt còn tiết lộ cho chúng ta biết những ý định và trạng thái tinh thần của người đối thoại. Nhờ vậy chúng ta mới biết người ta đang cười vào mũi mình, nổi cơn tam bành, hay muốn "lấy le"... đó là một thông điệp không kém phần quan trọng như những từ ngữ họ thốt ra. Nó giúp chúng ta khám phá nghĩa thực của từ ngữ. Chẳng hạn câu nói "Không sao đâu" nếu được nói bằng giọng khinh khỉnh có nghĩa khác xa với giọng nhẹ nhàng. Giữa mẹ và con, ngôn ngữ không lời của cảm xúc là phương tiện giao tiếp duy nhất. Chỉ cần nghe tiếng con khóc, bà mẹ biết con mình đang đói, tã ướt hay bị đau... Lớn lên chút nữa, đứa bé hiểu nụ cười của mẹ là lời động viên, còn cái nhíu mày là lời quở trách.

Đọc trên khuôn mặt

Giải mã những xúc cảm mà người khác đang trải nghiệm quan trọng đến nỗi trên não bộ chúng ta có những vùng dành riêng cho việc này. Nhờ kỹ thuật chụp X-quang hiện đại, các nhà khoa học có thể quan sát bộ não khi chúng ta đang làm việc và nhận thấy hạch hạnh nhân hoạt động mạnh nhất. Vì cùng một lúc, vùng não này phát động nhiều phản ứng của cơ thể mà chúng ta chỉ cảm thấy chúng hoạt động khi xúc động, như tim đập mạnh, tay chân run rẩy, thở gấp hay chết đứng vì quá sợ hãi. Khi nhìn thấy ai đó đang lo sợ hay nổi trận lôi đình, qua trung gian của hạch hạnh nhân, bộ não của chúng ta sẽ sao chụp lại cảm xúc của người đối thoại và vì vậy, chúng ta ít nhiều cảm nhận được chúng. Khả năng này giúp chúng ta cảm nhận được nỗi buồn của người khác và đồng cảm với họ. Vì vậy chẳng có gì lạ khi có người không cầm được nước mắt khi xem những cảnh thương tâm trong phim.

Một chức năng khác của cảm xúc không kém phần quan trọng là củng cố trí nhớ. Bạn có nhớ chuyện gì xảy ra ngày 28/9/2002 không? Không nhớ ư? Và ngày 7/4/1997 thì sao? Cũng chẳng nhớ gì à? Còn ngày 11/9/2001 thì khỏi cần nhắc bạn cũng nhớ rất rõ. Giống như đa số những người khác, bạn có thể kể vanh vách mình đang ở với ai và đang làm gì khi Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ. Bởi vì chúng ta không thể ghi nhớ tất cả mọi sự kiện nên xúc cảm làm nhiệm vụ sắp xếp ký ức theo trật tự ngăn nắp. Chúng ta "nhớ kỹ như in" những sự kiện gây xúc động còn những sự kiện vô thưởng vô phạt thì dường như rất khó nhớ. Các nhà khoa học giải thích hiện tượng đó như sau: khi chúng ta hồi tưởng lại những sự kiện nguy hiểm, đau buồn hay vui sướng thì hạch hạnh nhân làm việc cật lực. Nó ra lệnh cho não bộ tiết ra noradrénaline: chất trung gian hoá học này sẽ kích hoạt những vùng não khác nhau tái hiện trí nhớ.

Còn một hiện tượng khác củng cố những kỷ niệm gắn liền với những xúc động. Nó được ghi lại dưới hai hình thức và nằm ở hai vùng khác nhau trên não bộ. Bạn hãy cố nhớ lại xem lần đầu tiên bạn cầm tay người yêu ở đâu? Bạn sẽ thấy lại chiếc ghế đá dưới bóng hàng bông điệp vàng khuất sau lớp học, nghe tiếng thì thầm dịu dàng mà người yêu đã thủ thỉ với bạn và còn ngửi thấy mùi nước hoa hay dầu gội đầu thoang thoảng nữa. Ngay lúc đó, chẳng nhẽ bạn không nghe tim đập rộn ràng, máu chạy rần rần và cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng hay sao?

Sức mạnh của kỷ niệm

Chỉ cần gợi lại chuyện xưa cũng đủ cho bạn nhớ lại hai loại ký ức được não bộ ghi lại về "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy". Một loại trí nhớ có ý thức tham gia được gọi là "trí nhớ minh bạch" do hồi hải mã điều khiển, ghi lại địa điểm, thời gian, bối cảnh và cả những người cùng hiện diện với bạn. Loại trí nhớ thứ hai thuộc vô thức, được gọi là "trí nhớ cảm xúc" do hạch hạnh nhân điều khiển, ghi lại những phản ứng của cơ thể (tim đập mạnh, tay chân bủn rủn...). Khi có một tác nhân kích thích gợi lại chuyện xưa, chẳng hạn như bạn ngửi thấy mùi nước hoa hay nhìn thấy chiếc ghế đá ngày nào, hai ký ức này được kích hoạt cùng một lúc nên bạn cảm thấy sướng rơn lên.

Loại trí nhớ thể lý này có vai trò rất hữu ích. Bạn hãy tưởng tượng một ngày nọ trong lúc vừa qua đường vừa mải mê nói chuyện qua điện thoại di động, suýt nữa bạn bị đụng xe. Lần sau khi đang chuẩn bị trả lời điện thoại trong lúc đi đường, cơ thể sẽ nhắc bạn nhớ lại lần trước mình đã bị một phen hú vía, bạn rùng mình ngay trước khi ý thức được mối nguy hiểm. Điều đó giúp bạn phản ứng lại ngay lập tức: Không, mình phải táp vào lề đường cái đã.

Cảm xúc không chỉ giúp chúng ta hiểu và phản ứng lại với thế giới mình đang sống mà còn hơn thế nữa... Nếu không có cảm xúc, mọi kinh nghiệm mà chúng ta từng trải qua đều như nhau. Trúng số, rung động đầu đời, mất một người bạn thân cũng chẳng hơn gì chuyện con chó nhà hàng xóm bị mất trộm. Nếu thế thì chúng ta chẳng cần gì phải làm đẹp, chẳng có hy vọng chế ngự sự sợ hãi, chẳng có niềm vui thành công... Nếu không có cảm xúc, những hương vị này, thì cuộc sống con người chẳng có nghĩa lý gì và "mật ngọt cho đời" cũng sẽ biến mất.