PDA

View Full Version : Người về từ đáy mộ



nhóc phù thủy
11-07-10, 10:50 PM
Lão Tư cố hả miệng ngáp một cách đau đớn:

- Mày đầu độc tao... Mày đầu độc tao, con quỉ cái!

Bà Tư gật đầu, đáp bằng một giọng thật lạnh lùng:

- Đúng, tôi đầu độc ông. Trước sau gì thì ông cũng chết, thầy y tá đã nói như vậy, chỉ còn là vấn đề thời gian. Có thể một vài tháng, có thể một vài năm, và ông hiểu rằng tôi không thể chịu đựng lâu hơn nữa. Mười lăm năm nhục nhằn! Mười lăm năm đầy cay đắng!

Lão Tư nghiến chặt hai hàm răng vì đau đớn nhưng cũng ráng gừ lên một tiếng chửi rủa như lão vẫn chửi rủa vợ lão mỗi ngày trong suốt mười lăm năm qua:

- Con đĩ chó khốn nạn! Trời sẽ phạt mày.

Bà Tư vẫn lạnh lùng:

- Đáng lẽ mình không nên lấy nhau. Tôi không hề yêu ông và ông cũng chẳng ưa tôi. Ông căm hận tôi vì việc ông không lấy được con Ba cháo lòng. Còn tôi, ông cũng biết rằng tôi chỉ muốn làm vợ anh Bảy thợ hồ. Chỉ vì mấy thửa ruộng của hai nhà sát bên nhau mà cha mẹ ông và cha mẹ tôi buộc tôi phải lấy ông và ông phải lấy tôi. Tôi biết đó là cả một cực hình cho ông cũng như cho tôi.

Lão Tư vừa lăn lộn vừa chửi rủa:

- Đồ con đĩ chó!

Bà Tư vẫn nói bằng một giọng đều đều:

- Tôi có ý định đầu độc ông từ khi ông mới ngã bệnh. Thầy y tá nói rằng ông có thể sống lây lất hàng năm khiến tôi không chịu nổi. Tôi không còn muốn bị ông đánh đập chửi rủa mỗi ngày nữa.

Lão Tư rên rỉ:

- Tao cầu mong cho lũ quỉ mặt xanh nanh vàng tra tấn mày dưới điạ ngục.

- Có thể... Nhưng dầu sao tôi cũng tìm được sự bình an trên cõi đời này trước đã. Sống với ông đâu có khác gì bị ác quỉ hành hạ tra tấn!

Lão Tư vặn mình đau đớn, hai bàn tay lão nắm chặt lại chịu đựng. Là một người cứng rắn và mạnh mẽ, lão cố thu hết tàn lực:

- Tao sẽ trở về từ đáy mộ... con quỉ cái...

Rồi lão ráng giơ một nắm tay về phía bà vợ:

- Tao sẽ chờ mày...

Kiệt lực, lão buông tay xuống, mồ hôi tháo ra như tắm, toàn thân run rẩy:

- Trời đất ơi! Đau quá! Như dao đâm vào ruột...

Đột nhiên bà Tư ngẩng đầu nghe ngóng. Có tiếng chuông xe đạp. Bà bước vội tới bên cửa sổ, nhìn ra ngoài lẩm bẩm:

- Sao thầy y tá tới sớm quá vậy hà?

Rồi bà bước tới bên giường,lượm tấm khăn lông nằm dưới chân giường cuộn thành một bó đè cứng vào mặt lão Tư. Ngộp thở, lão Tư cố vùng vẫy nhưng bà Tư đè nguyên người lên tấm khăn... Chân tay lão Tư giựt mạnh mấy cái rồi buông xuôi...

Biết lão đã tắt thở, bà Tư đứng lên thở phào nhẹ nhõm, ném cái khăn lông lên lưng ghế trước khi bước ra mở cửa.

Bà nói với thầy y tá vừa bước vào bằng một giọng lạnh lùng:

- Lão đi rồi sau khi bị bất tỉnh như mấy kỳ trước. Mấy nhỏ đi học nên tôi không biết làm sao kêu thầy. Nhưng dầu sao tôi cũng mừng khi lão không còn hành hạ tôi được nữa.

Thầy y tá lắc đầu thông cảm. ở ngôi làng này mọi người đều biết chuyện của nhau. Thầy đứng nhìn thi thể lão Tư một lát trước khi kéo cái mền phủ kín mặt lão rồi quay sang bà Tư:

- Ngồi nghỉ một chút đi bà Tư. Đừng lo nghĩ gì nhiều, để tôi cho ông Tám Tàng hay trước khi nói với thầy giáo cho con Hoa và thằng Đực về ngay bây giờ. Bà Tư có muốn kêu ai nữa không?

Bà Tư lắc đầu:

- Nhờ thầy nói ông Tám tới đem lão đi ngay dùm tôi. Bây giờ căn nhà này là của tôi. Lão đi khuất mắt tôi sớm phút nào hay phút nấy. Tôi không muốn nhìn mặt lão nữa.

Bà nói tiếp bằng một giọng đầy cay đắng:

- Suốt đời lão làm khổ tôi. Tôi thù ghét lão từ ngày phải về với lão. Bây giờ căn nhà này là của tôi. Tôi sẽ khóa chặt căn phòng của lão ngay khi ông Tám đem lão đi. Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy bên trong căn phòng đó nữa. Chỉ toàn là những kỷ niệm đớn đau, những lời chửi rủa, hận thù. Tôi sẽ thiêu rụi căn phòng của lão nếu căn nhà này không bị ảnh hưởng gì.

Rồi bà ngồi xuống ghế ngước nhìn thầy y tá bằng đôi mắt lạnh lùng ráo hoảnh. Thầy nhìn bà Tư, nói bằng một giọng dịu dàng, thông cảm:

- Bà mệt mỏi quá rồi. Để tôi về lấy chai thuốc bổ tới cho bà.

- Tôi không cần thuốc bổ. Cái chết của lão là liều thuốc bổ tốt nhất đối với tôi... Thầy...

Thầy y tá gạt ngang:

- Thôi, không nên nói xấu người quá cố nữa. Ai cũng biết ông Tư đối xử với bà ra sao rồi. Để tôi đi kêu ông Tám.

Chưa đầy nửa tiếng sau, ông Tám Tàng và một thanh niên phụ việc đẩy xe tới. Bà Tư đứng ngay cửa phòng chờ cho hai người vừa khiêng lão Tư ra là bà khóa cửa lại, bỏ chìa khoá vào túi áo:

- Tôi thề sẽ không bao giờ đặt chân vào căn phòng này cho tới khi tắt thở.

Hai người đàn ông lắc đầu thông cảm. Họ hiểu rõ cuộc sống khốn khổ nhục nhằn của bà bên ông Tư từ nhiều năm qua.

Những năm kế tiếp, bà Tư ra đồng làm việc cùng các lực điền, và dành dụm thêm được khá nhiều vào cái vốn đã đồ sộ của bà. Bà vẫn lạnh lùng, không hề hở môi và không hề có bạn, như lão Tư không hề có bạn.

Rồi hai đứa con bà lớn lên. Con Hoa lập gia đình rồi theo chồng về làng bên. Bà Tư không nói một lời. Thằng Đực lớn lên ra đồng làm việc phụ mẹ khiến bà giảm được một gánh nặng. Rồi thằng Đực lấy vợ và đem cô dâu mới về ở chung với bà Tư. Rồi lũ con nít ra đời, sáu đứa cả thẩy. Nếu những tiếng cười vô tư của bầy trẻ có khiến tâm hồn bà nội chúng mềm đi một chút, bà không hề để lộ ra ngoài.

Suốt những tháng năm dài đó, một cái phòng, được gọi là phòng của nội, vẫn luôn luôn được khóa chặt. Cả gia đình không một ai nhắc nhở tới. Lũ trẻ biết có một cái gì - mà chúng cho là rất kinh khủng - ở bên trong nên mỗi lúc phải đi ngang phòng, chúng đi thật lẹ, và khi bóng tối bao phủ căn nhà, ánh đèn dầu lung linh tạo nên những hình nhân lắc lư rung động trên tường, chúng không bao giờ dám bước tới gần căn phòng của nội. Dĩ nhiên đầu óc trẻ thơ của chúng tưởng tượng thật nhiều.

Rồi một năm châu chấu phá hoại mùa màng. Năm sau trời hạn hán khiến giá thóc gia tăng trong khi lương bổng bị cắt giảm. Nhiều chủ điền cho thợ nghỉ việc.

Gia đình Hoa là một trong những nạn nhân đầu tiên. Mùa màng thất bát, chồng đau ốm rồi một đứa con ra chào đời! Vợ chồng Hoa bồng con về xin bà Tư cho ở chung. Bà Tư vẫn lạnh lùng như thường lệ, nhường cho vợ chồng Hoa một phòng.

Rồi tới phiên anh rể của Đực bị chủ điền cho nghỉ việc. Không công ăn việc làm, không tiền trả tiền mướn, anh ta cầu cứu vợ Đực. Nàng dâu bèn thưa chuyện với mẹ chồng.

Bà Tư, lúc này đã già, nói với con dâu bằng một giọng cương quyết trong bữa ăn chiều:

- Thêm bốn miệng ăn nữa cũng chẳng sao. Cho tụi nó tới đây. Nhưng... không biết rồi tụi nó ngủ ở đâu?

Hoa liếc nhìn Đực trước khi ngập ngừng nói lên cái ý nghĩ của tất cả mọi người:

- Phòng của nội. Mình có nên mở cửa phòng cho thoáng khí trước khi cho họ dọn vào không... mẹ?

Bầu không khí đột nhiên trở nên yên lặng nặng nề. Bà Tư liếc nhìn con gái trước khi lần lượt nhìn vào mặt từng người, gằn giọng:

- Mẹ đã thề không bước chân vào phòng đó cho tới ngày nhắm mắt.

Hoa thu hết can đảm:

- Nhưng mẹ đâu có bước vào đó làm gì. Nhà mình chật quá đâu còn chỗ nào khác nữa.

Bà Tư đặt đũa xuống bàn nói thật chậm rãi:

- Nếu có ai ngủ trong phòng đó, người đó phải là mẹ. Mẹ đã ở với cha tụi bay mười lăm năm trời, mười lăm năm đầy đắng cay thù hận. Cha tụi bay ghét mẹ hơn mẹ ghét ổng. Căn phòng đó đầy những sự thù ghét và sau mấy chục năm trời đóng kín, những sự thù ghét đó hiện đang sôi sục chỉ chờ cửa mở là tràn ra phủ ngập căn nhà này. Nhưng không sao, mẹ sẽ dọn vào đó.

Hoa nói bằng một giọng đầy hối hận:

- Phải chi con đừng đưa ra đề nghị đó. Con biết là có một cái gì giữa cha và mẹ nằm trong đó, nhưng con không biết...

Bà Tư ngắt lời con gái:

- Một cái gì mà con nói đó chính là sự thù ghét giữa mẹ và ổng. Nhưng không sao, mẹ đã già rồi, hơn bẩy mươi rồi. Chắc mẹ cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa...

Bà ngưng lại, đôi mắt già mỏi mệt nhìn thật xa xôi:

- Có thể đây là sự tiền định. Ổng nói rằng ổng sẽ chờ mẹ... Có thể... Ai biết!

Rồi bà đứng lên:

- Mẹ sẽ mở cửa phòng vào sáng ngày mai.

Dứt lời, bà mím chặt đôi môi, bước lên cầu thang về phòng ngủ trên lầu.

Vào phòng, bà Tư đóng cửa lại, ngồi yên lặng trên cái ghế nhỏ bên giường, đôi mắt mệt mỏi nhìn vào hư không trong khi cuốn phim dĩ vãng hiện ra thật rõ. Bây giờ, bà đang bị thúc giục mạnh mẽ bởi một ước muốn mà bà vẫn chôn chặt trong lòng từ gần một nửa thế kỷ, ước muốn của tất cả những kẻ sát nhân muốn nhìn lại khung cảnh phạm trường.

Ước muốn này đã tới với bà hàng ngàn lần trước đó nhưng lần nào bà cũng nén lòng được. Bây giờ, chỉ còn có mấy tiếng đồng hồ nữa căn phòng sẽ được mở ra, ước muốn lại trở về, mãnh liệt hơn bao giờ hết. Căn phòng đóng kín đang réo gọi bà. Trong óc bà, một tiếng nói vô cùng mạnh mẽ vang lên “Bây giờ! Bây giờ!”. Tiếng nói này rất quen thuộc đối với bà vì đó là tiếng nói của chính ông Tư, người bà thù ghét, người bà đã giết chết!

Bà lặng lẽ đứng dậy, bước tới tủ áo, ngồi xuống mò dưới đáy tủ lấy cái chìa khóa mà bà đã giấu kín hàng mấy chục năm trời. Rồi bà trở lại ngồi trên ghế lắng nghe những tiếng chân lần lượt về phòng. Một lúc sau, căn nhà tối tăm đã hoàn toàn yên tĩnh.

Bà Tư đứng dậy hé cửa nhìn ra dẫy hành lang. Tất cả đều đã ngủ yên. Bà bèn trở vào phòng cầm cây đèn dầu, mở cửa thật nhẹ rồi rón rén bước xuống cầu thang.



(còn tiếp)

nhóc phù thủy
11-07-10, 10:52 PM
Ngoài trời không khí bỗng trở nên nặng nề dường như muốn bão. Bà nghe tiếng gió rít qua những cành cây. Có một cái gì tương tự như tiếng gió than van ngoài đêm tối? Bà Tư ngưng lại, nghiêng tai lắng nghe và đột nhiên ký ức trở về thật rõ. Bà lẩm bẩm:



- Giống như đêm trước khi lão chết.

Tim bà đập mạnh hơn khi đứng trước cánh cửa đen ngòm, lạnh lùng của căn phòng chứa đầy thù hận. Sau một thoáng ngập ngừng, bà chuyển cây đèn sang tay trái, tay mặt lấy cái chìa khóa đút vào ổ khóa... Bà vặn nhẹ... Ổ khóa không chuyển động... Bà vặn mạnh hơn... Cạch! Ổ khoá bật ra. Bà đứng yên một lát, bàn tay đặt trên nắm cửa. Tự nhiên bà run lên vì lý do gì không rõ. Bà lẩm bẩm:

- Lão đã nói là lão sẽ trở về từ đáy mộ... Lão sẽ chờ...

Bà vặn nắm cửa, đẩy mạnh. Cái bản lề cũ kỹ rít lên phản đối trước khi cánh cửa bung ra... Một làn sóng hận thù từ trong phòng tràn ra phủ kín người bà.

Bà chậm chạp bước vào, đôi môi mím chặt. Giơ cao ngọn đèn dầu, bà quan sát mọi vật trong phòng. Đó là cái giường với tấm khăn trải giường nhăn nheo, nơi ông Tư thở hơi cuối cùng - hay không thể thở hơi cuối cùng? Đó là cái gối mà ông Tư gối đầu trước khi nhắm mắt. Mọi vật không hề thay đổi.

Bà Tư thoáng nhớ rằng cả thầy y tá lẫn ông Tám Tàng, những người cuối cùng đặt chân vào căn phòng này đều đã ra người thiên cổ. Kế bên đầu giường là một cái bàn nhỏ nơi vẫn còn cái ly mà bà pha thuốc độc cho ông Tư.

Bà lẩm bẩm:

- Lão đã nói là lão sẽ chờ...

Căn phòng thật ẩm thấp và bụi bặm. Bà Tư khép cửa lại, đặt ngọn đèn dầu lên cái bàn nhỏ bên cạnh cái ly rồi bước tới bên cửa sổ, mở toang cánh cửa. Một ngọn gió từ bên ngoài lùa vào, rít lên...

Ngọn đèn chợt lung linh vì gió tạo nên những bóng đen quái đản nhảy múa trên tường. Trên lưng ghế, chiếc khăn lông mà bà dùng đè cho ông Tư chết ngộp đã trở thành vàng khè, tuy bà vẫn nhìn thấy thật rõ một đốm đen ở chính giữa, đốm đen mà bà biết là những giọt nước rãi cuối cùng của ông Tư.

Bà bước tới giữa phòng, đôi mắt vẫn không rời khỏi đốm đen trên chiếc khăn lông. Rồi bà lập đi lập lại:

- Lão đã nói là lão sẽ trở về từ đáy mộ... Lão sẽ chờ...

Đột nhiên một cơn gió mạnh thổi ào qua khung cửa sổ. Ngọn đèn chao lên trước khi tắt ngấm.

Bóng tối bất ngờ khiến bà Tư hoảng hốt. Lần đầu tiên trong đời bà biết sợ! Bà liếc nhìn về phía cái giường, và chợt nhận thấy dường như có một người đang nằm, mặt quay về phía bà đưa tay vẫy vẫy. Bà run rẩy bước lui trước khi té ngồi xuống ghế. Một cơn gió mạnh thổi chiếc khăn lông bung lên chùm kín mặt bà Tư. Bà hoảng hốt giẫy giụa trong bóng tối và cảm thấy chiếc khăn lông như một con bạch tuộc với những cái vòi gớm ghiếc đang xiết chặt quanh cổ bà. Bà đưa hai tay lên cố kéo mạnh chiếc khăn lông ra trong khi bên tai bà, tiếng ông Tư vang lên mồn một: “Tao sẽ trở về từ đáy mộ... Tao sẽ chờ mày...” Sáng sớm hôm sau, người ta thấy bà Tư nằm chết trong căn “phòng của nội”. Quanh cổ bà là chiếc khăn lông vàng khè, chiếc khăn mà bà dùng hạ sát ông Tư.


(ST)

ltvt
12-07-10, 04:40 PM
Khiếp, vậy là "bà Tư" nhok đã đi theo ông Tư

nhóc phù thủy
14-07-10, 09:45 PM
Khiếp, vậy là "bà Tư" nhok đã đi theo ông Tư

Ax.. làm gì có "bà Tư" nhok ở đây hở ltvt? Đọc xong sợ quá nên nghĩ quẩn à :-?

nhóc phù thủy
14-07-10, 10:22 PM
Tác giả: Võ Thị Hảo

Một kho quân nhu và bốn cô gái náu mình dưới tán cây rừng Trường Sơn. Bốn cô gái trẻ măng nhưng mái tóc chỉ còn là một dúm xơ xác. Dòng nước khe màu xanh đen thớ lợ đã dần dà vặt trụi tóc của họ.
Hôm đón Thảo – cô gái thứ năm về, bốn người cũ mừng rỡ khi nhìn thấy mái tóc óng mượt dài chấm gót của cô. Họ cưng Thảo như vàng, nhất trí rằng không thể để rừng cướp mất mái tóc ấy của họ. Nhưng rừng mạnh hơn.
Hai tháng sau, bất chấp đủ loại lá thơm mà đồng đội đã mang về cho gội, tóc Thảo chỉ còn là một túm sợi mỏng mảnh xơ xác.
Cả bố cô gái ôm nhau khóc cay đắng, còn Thảo thì cười: “Các chị khóc làm gì. Đằng nào thì em cũng đã có người yêu. Người yêu em chung thuỷ lắm nhá. Em thế này chứ giá như có bị trọc đầu thì anh ấy vẫn yêu cơ mà.
Và thế là các cô gái nín khóc, tròn xoe mắt nghe Thảo kể về mối tình của cô với chàng sinh viên Văn khoa Hà Nội. Người con trai ấy được khúc xạ qua bao lớp bụi và khói, cuối cùng đến lớp sương mù lung linh huyền ảo của ký ức Thảo, hiện lên như một chàng hoàng tử hoà hiệp thuỷ chung.
Cả bốn cô gái đều đem lòng si mê chàng trai ấy, nhưng không phải cho họ, mà là cho Thảo. Cái sự si mê người khác ấy không hy vọng cắt nghĩa nổi trong thời bình, dưới những ánh đèn màu huy hoàng, mà chỉ những ai đã từng qua chiến tranh, trải qua nỗi cô đơn đặc quánh, qua cảm giác đang cựa quậy giữa chốn giáp ranh, giữa địa ngục và trần gian mới hiểu nổi.
Họ ở đây đã qua ba mùa mưa rầu rĩ và đang ở giữa mùa khô thứ ba bỏng rát. Kho quân nhu im lìm nép trong vòng tay ma quái của rừng sâu. Thỉnh thoảng mới có một đoàn quân tạt qua lĩnh quân trang quân dụng rồi vội vàng đi. Họ đến mang theo những câu bông đùa suồng sã, dăm ba cái cấu véo của những người đàn ông sống xa thế giới người đàn lâu ngày có xu hướng trở nên hoang dã. Thảng hoặc cũng có những người lặng lẽ chiêm ngưỡng họ như những nữ hoàng, chăng vào lòng những cô gái bé nhỏ chút hy vọng mơ màng vương vấn như tơ nhện rồi thoắt biến cho các co gái càng thấm thía nỗi cô đơn.
Mặt trận đã lùi về gần kho. Năm cô gái sống trong lo âu mà rừng thì cứ lầm lì trải đầy thảm lá rụng. ánh đỏ của thảm lá hắt lên cả bầu trời ánh ỏi, khiến cho đêm của họ cũng mang màu đỏ.
Một buổi trưa có ba người lính đến lĩnh quân trang. Cách kho một quãng, họ bỗng chùn chân vì vẳng tiếng cười man dại. Nghe ngóng một chốc, ba người lính bước tiếp, thoáng nhớ lại câu chuyện hoang đường về bữa tiệc của các mụ phù thuỷ trong rừng. Gần đến chòi canh kho, bỗng “soạt”rồi “huỵch” – hình như có con vượn trắng vừa nhảy từ chòi canh xuống và lẩn vào đám lá. Ba người tản ra, một người chui vào bụi đuổi theo con vượn. Anh ta đang ngơ ngác nhìn ngược nhìn xuôi thì “phốc” – một đôi tay từ đâu đã ghì chặt lấy cổ và sau gáy anh vang lên tiếng cười man dại lúc nãy. Vừa cố sức gỡ ra, vừa ngoái lại, anh kinh hoàng thấy con vượn lúc nãy đang ôm chặt lấy anh. Nhưng anh còn bàng hoàng gấp đôi khi nhận ra rằng “con vượn trắng” ấy lạilà một người con gái hoàn toàn trần truồng tóc xoã, vẻ mặt bơ phờ và đang ngửa cổ ra sau cười khanh khách.
Anh ta líu cả lưỡi, gọi không ra tiếng: “Hiên ơi! Hiên”. Một người lính cao cao, trông già dặn hơn, chạyv ội đến. Thấy anh bạn mình đang đứng như trời trồng trong tay một người con gái loã lồ thì vừa sợ vừa buồn cười. Anh đã từng nghe nói đến chứng bệnh mà các cô gái thường mắc phải trong những trường hợp tương tự. Anh bước tới, ra hiểu cho anh bạn đừng cố sức gỡ tay cô gái ra làm gì mà cứ dịu dàng vỗ về an ủi, một chốc, cô ta sẽ dịulại. Rồi anh nhảy ba bậc một lên chòi canh kho.
Trên sàn chòi khấp khểnh, ba cô gái đang vừa cười vừa khóc, tay dứt tóc, và xé quần áo. Còn một cô khác trẻ hơn đang chạy tới chạy lui ôm đầu tuyệt vọng. Cô chưa bị lây, nhưng với cung cách này, chẳng bao lâu, cô ta sẽ cũng không thoát khỏi.
Đã dạn dày với cảnh chết chóc, mà giờ đây, khi đứng trước thân thể loã lồ căng đầy sức sống của những người con gái, Hiên run bắn. Người đàn ông đã ngủ quên trong anh giờ đây vùng vằng giẫy đạp. Trong phút chốc, Hiên muốn buông trôi, muốn quên hết.
Phải một lúc sau, Hiên mới trấn tĩnh được. Anh nhớ lại cách chữa bệnh này. Trước đây, hồi còn là một cậu bé, anh đã nghe kể lào phào bên tai. Hiên khoá chốt an toàn, cầm ngang khẩu súng, đột ngột lao tới đạp mạnh vào cửa chòi, gân cổ quát lớn:
-Mấy con Việt cộng kia! Kho đâu? Chỉ mau, không tao bắn vỡ sọ!
Như có phép lạ, các cô gái đang cười sằng sặc bỗng im bặt, bàng hoàng rồi sực tỉnh, vơ ngay lấy súng, nhảy vội xuống đất chĩa vào Hiễn định bóp cò. May sao, người bạn đứng tronglùm cây vội la lên: “Đừng bắn! Quân mình đó!”. Khi ấy các cô gái mới nhìn rõ ngôi sao trên mũ và bộ quân phục anh đang mặc. Họ từ từ bỏ súng xuống, bất chợt nhìn nhau rồi cúi xuống, thấy mình không một mảnh vải hce thân trướcmặt ba người đàn ông xa lạ. Các côkinh hoàng chạy biến vào rừng, chúi vào gốc cây khóc không ra tiếng. Cả Thảo – cô gái duy nhất không mắc bệnh cười, cũng chạy trốn. Cô thấy thương các chị đến quặn ruột. Cô buồn tuổi, tiếc cho lòng trinh bạch con gái. Đến tôi, năm chị em mới dám dìu nhau về, nghe ngóng động tĩnh mãi mới lần lên chòi.
Ba người lính đã ra đi. Họ cài lạimảnh giấy xé vội vàng từ một cuốn sổ nhỏ:
“Kính chào các đồng chí! Chúng tôi sẽ lấy quân trang ở kho khác và gọi bác sĩ đến. Các đồng chí thân yêu! Chiến tranh mà. Mong tha lỗi! Vĩnh biệt”.
Vài ngày sau, cô y ta đến, cho các cô gái uống thứ thuốc gì đó màu trăng trắng. Không thuốc thì cũng đã khỏi. Nhưng các cô gái trầm lặng hẳn và già thêm hai mươi tuổi.
Cánh rừng này được mang tên “Rừng cười” từ đó. Từ đây, người ta không gọi tên kho ấy theo ký hiệu quy định nữa, mà bảo: “Hômnay, tôi về kho Rừng Cười lấy quân trang”.
Vài tháng sau, kho Rừng Cười nhận được lệnh chuyển. Tiếng súng của những trận đánh nghe đã gần lắm. Chưa kịp đi thì địch đã đưa cả một đại đội đến đánh chiếm chòi và năm côgái nhỏ. Lúc đó, Thảo đang bị sốt mê man – những trận sốt rét nhập môn cho người ở rừng. Bốn chị kia đã dìu Thảo đi giấu ở một hốc cây kín đáo rồi về cầm súng. Chuyện thần thoại của chiến trường không xảy ả ở đây. bốn cô gái không chống chọi nổi đã dành những viên đạn cuối cùng cho mình để tránh ô nhục. Tên tuổi họ, lẽ ra phải được in bằng chữ đậm trên trang nhất của các báo như những anh hùng. Nhưng cũng chẳng có gì lạ. Họ nằm lặng lẽ dưới nấm mồ chung do bàn tay yếu ớt của Thảo cố sức đắp sau cơn sốt: Khi cô từ hốc cây tỉnh lại thì địch đã rút.
Đầu Thảo như muốn nổ tung. Cô không khóc nổi. Nhớ lại đêm trước trận đánh, cả năm chị em cùng linh cảm thấy một điều gì khác thường. Đêm oi ả, tù đọng. Mấy chị em nói chuyện bâng quơ rồi một chị đòi Thảo kể về người yêu. Và như mọi lần, Thảo vừa kể bằng chuyện thực vừa bằng hoang tưởng, vẽ lân chàng “hoàng tử”. Ba chị kia mắt sáng ngời lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Nhưng Thắm – chị tổ trưởng, trước lúc chui vào màn đã đến vuốt tóc Thảo và bảo: “thảo ơi! Liệu em có quá yêu người ta không đấy, không hiểu sao, chị bỗng thấy sợ cho em. Em là người duy nhất trong chúng ta đang có hạnh phúc. Mai này, có trở về, dù thế nào, em cũng không được để đàn ông người ta phải thương hại mình nghe!”.
Lúc đó Thảo đã thoáng chút hờn giận chị. Thế mà giờ đây, Thắm và ba đồng đội của cô đã chết trong những tư thế rất khác nhau. Một lưỡi lê cay cú đã đâm nát một bên ngực của Thắm. Trước đây mỗi lúc tắm chung dưới khe, Thảo thường thích ngắm trộm ngực chị Thắm và thầm nghĩ: “Ngực thần Vệ nữ cũng có lẽ chỉ đẹp đến thế là cùng” và ước ao phải chi mình có bộ ngực như thế. Giờ đây Thảo chỉ còn mỗi cách vần các đồng đội của mình xuống huyệt, rải lệ bốn thi thể con gái một thảm lá thật dày, rồi lấp đất. Cô trồng lên mộ bốn cây bằng lăng nhỏ, rồi dốc nốt chỗ nước trong bi đông xuống tưới cho cây. Mặt đấtkhô khan kêu “xèo” một tiếng, bốc hơi ngùn ngụt quẩn vào chân Thảo.
SAu này, khi đang nằm điều dưỡng ở quân y viện, Thảo được biết là Hiên – người đã cứu họ trong cơn điên loạn cũng đã chết trong một trận đánh. Nghe rằng cấp trên đã nêu gương hy sinh anh dũng của anh, đang làm giấy định gửi ra Bắc truy tặng danh hiệu anh hùng thì chính trị viên đọc được những dòng này trong cuốn nhật ký nhàu nát nhét dưới túi ba lô:
… “Sẽ không bao giờ mình quên được những người đã nhìn thấy ở rừng Cười. Có lẽ cảnh chết chóc còn dễ chịu hơn! Ôi! Thế la sau chín năm ở chiến trường, tôi đã nhìn thấy ở Rừng Cười cái cười méo mó man dại của chiến tranh.
Việc chiến tranh lôi những người phụ nữ vào cuộc chiến thật là khủng khiếp. Tôi sẵn sàng chết hai lần cho họ khỏi lâm vào cảnh ấy.
Tôi rùng mình khi nghĩ rằng, người yêu tôi, em gái tôi, cũng đang cười sằng sặc như thế, giữa một khu rừng mênh mông nào đó”.
Vì những dòng này , người ta kết luận rằng Hiên có tư tưởng dao động, sặc mùi tiểu tư sản (anh vốn là sinh viên). Hành động anh hùng của anh chỉ là ngẫu nhiên, bột phát. Chính trị viên nói: “Anh ta không bị kiểm thảo là may rồi”.
Đó là chuyện cũ.

nhóc phù thủy
14-07-10, 10:23 PM
Hai năm sau, Thảo- người sót lại của rừng Cười - đang học năm thứ nhất – Khoa Văn.
Thảo vẫn giữ được những đường nét bẩm sinh. Nhưng đôi mắt cô như mắt của người đang đi trong một giấc mộng dài. Làn da xanh tái vì những cơn sốt rừng. Khuôn mặt chỉ sinh động lên mỗi khi côcười, mà những nụ cười thường hiếm hoi.Cô thường so đôi vai gầy,nép mình trong góc giường tầng để viết nhật ký. Trong những cuộc đối thoại, cô thường lơ đễnh.
Thảo thường qua đêm với hai loại giấc mơ: một loại giấc mơ thời thơ bé, cô thấy may mắn nhất là nhặc được cặp ba lá, khá nữa là nhặt được trứng vịt đẻ rơi. Còn trong giấc mơ tuổi thanh xuân, cô chỉ thấy tóc rụng như trút, rụng đầy khuôn ngực đã bị đâm nát của chị Thắm, và từ trong đám tóc rối ấy lấy ra hai giọt nước mắt trong veo và rắn câng như thuỷ tinh, đập mãi không vỡ. Đến đây, cô hét lên và tỉnh dậy, nắm chặt lấy hai thành giường lạnh buốt.
Trong đêm Thảo nhìn suốt lượt – mười một cô gái đang nằm ngủ. Họ cũng đang trong mơ, nhưng môi cười thanhthản, mặt ửng hồng. Trông họ đáng yêu làm sao. Giấc mơ của họ khác xa với giấc mơ của đồng đội cô hồi còn sống. Thảo thở dài, biết rằng mình thật là quỷnh, thật khó nhập cuộc.
Người yêu – chàng hoàng tử của Thảo – của năm cô gái Rừng Cười – giờ cũng đang học năm cuối, cùng trường. Họ cũng hẹn hò, đưa nhau đi chơi mỗi tối thứ bảy trên con đường trồng ngập phi lao ngập đầy ánh trăng. Thành đã giữ lời thề thốt yêu đương ngày trước.Anh săn sóc Thảo chu đáo, ân cần. Nhưng họ ít có chuyện để nói với nhau. Họ thường im lặng đếm bước, nghe rõ cả tiếng của những con chim ăn đêm về tổ muộn hốt hoảng vẫy đôi cánh nhỏ. Thứ bảy này Thành cũng chờ Thảo ở hành lang để đưa Thảo đi chơi và về đúng chín giờ.
Nhưng mỗi lần gặp nhau, cả hai đều ngượng ngập, như cảm thấy có lỗi, như không còn chuyện gì để nói. Mỗi thứ bảy, Thảo lại vừa mong vừa sợ. Cô không còn thấy lại ánh mắt long lanh vụt sáng mỗi lần Thành gặp cô như ngày xưa.
Thảo thường nhăn mặt mỗi khi nhớ đến lần gặp lại đầu tiên sau mấy năm xa cách. Khi Thảo xuống tàu, vai đeo ba lô, Thành ra đón, anh ngỡ ngàng đến không thốt nổi một lời khi vừa nhìn thấy cô.
Đôi mắt anh lướt qua thân hình gầy gò trong bộ quân phục lạc lõng, qua làn mỗi nhợt nhạt, mái tóc xơ xác của cô rồi mới kêu lên: “Ô! Em”. Lúc đó Thảo cảm thấy như vừa có cơn sóng lạnh buốt tràn qua ngực. Thoắt chốc, mắt cô đong đầy nước tuổi hờn. THành giật mình chợt tỉnh. Để chuộc lỗi, anh tỏ ra vồn vã hơi quá đáng. Điều đó càng làm Thảo chạnh buồn. Cô nhìn sâu vào đáy mắt Thành:
“Anh không nghĩ rằng em sẽ như thế này, phải không?”
“Anh không quan tâm đến hình thức. Chỉ cần em trở về”.
“Không đúng. Em biết mình. Hôm nay, anh thật lòng mừng vì em đã trở về, nhưng ngày mai, anh sẽ thấy rằng yêu một người như em là hy sinh quá lớn”. “Đừng nói thế em. Anh đã chờ em ròng rã mấy năm!”.
“Đúng thế, nhưng giơ đây em giải thoát cho anh khỏi lòng chung thủy của anh”.
“Đừng ác khẩu thế cô bé. Chưa chi chúng ta đã cãi nhau rồi. Lời đầu tiên em nói với anh sau những năm chờ đợi là như thế nào?”
Thành độ lượng và nắm tay Thảo. Lòng cô dịu hẳn. “Có lẽ mình trở nên cứng nhắc và hiếu chiến sau mấy năm ở chiến trường!…”
Thời gian thấm thoát đã nửa năm với những tối thứ bảy đến đều đặn như máy.
Một hôm, Thảo có việc phải tìm đến tận lớp Thành để gặp anh, tranh thủ mấy phút nghỉ giữa giờ. Đang đứng nói chuyện với Thảo ngoài hành lang, Thành bất giác ngừng bặt, mặt tái đi rồi đỏ ửng. Thảo ngạc nhiên quay lại, nhìn thấy từ phía sau lưng mình một cô gái có đôi môi mòng mọng như nũng nịu, với làn da trắng hồng, tươi mắt, trẻ trung đang đi đến. Cô nhìn thành qua vai Thảo bằng ánh mắt say mê ngưỡng mộ hồn nhiên như trẻ thơ. Cô gái ấy học cùng lớp Thành. Cô đi vào lớp rồi, Thành mới sực nhớ ra, nối lại câu chuyện cũ. Nhưng bàn tay rất đẹp đặt lên lan can của anh thoáng run rẩy. Bực mình vì sự yếu đuối của mình, anh nắm tay đấm nhẹ vào thành lan can. Đôi mắt anh ngước nhìn trộm Thảo, vẻ có lỗi.
Thảo chợt hiểu. Cô nhanh chóng kết thúc câu chuyện ra về. Thảo tuổi thân và thấy thương Thành. Rõ ràng là hai người kia thầm yêu nhau. Họ đẹp đôi quá và lại ở gần nhau, làm sao không yêu được!
Thảo la vật cản. Thành gắn bó với cô chỉ bằng nghĩa chứ không có tình. “Vậy mà nhiều lần mình bảo anh ấy đi yêu người khác, anh ấy không chịu. Anh ấy không nỡ. Rồi đây, lấy nhau, cuộc sống sẽ hết sức tẻ nhạt…”. Thảo chợt nhớ lại lời dặn tưởng như vu vơ của Thắm đêm trước khi chị bị giết.
Sau nghỉ học kỳ, Thảo từ quê lên, bảo Thành rằng cô xin nói chuyện nghiêm túc với anh, rằng hai người không hợp nhau, rằng cô đã có người yêu khác, mong anh đừng nghĩ tới cô nữa. Thành nghe những lời Thảo nói vẻ thờ ơ: anh biết cô nói dối. Nhưng vài tháng sau, thấy cứ mỗi chiều thứ bảy, Thảo lại lên văn phòng khoa nhận về một phong thư dày cộm với dòng chữ nắn nót đề ngoài: “Thương yêu gửi em Mạc Thị Thảo”.
Thành dần tin là thật. Anh thầm trách người con gái phụ bạc, nhưng đồng thời thấy nhẹ nhõm như vừa cất được gánh nặng.
Một tháng sau anh chính thức ngỏ lời với cô gái cùng lớp và sau hai tháng, họ cưới vào dịp nghỉ hè, để sắp sửa ra trường.
Đêm tân hôn của Thành, Thảo chong ngọn đèn dầu trên giường nhỏ, không dám bật điện, sợ làm mấy cô gái cùng phòng khó ngủ. Từ khi Thảo nhận được những lá thư vào thứ bảy, các cô gái đã lần lần xa lánh cô. Họ coi Thảo như một ổ dịch.
Thảo tẩn mẩn giở những lá thư ra đếm… Có mười sáu lá tất cả. Cả mười sáu lá đều chưa hề bóc… Bốn tháng trôi qua. Đã bốn tháng, cô bị cả khoa chê trách dè bỉu về tội phụ tình. Mà phụ ai chứ! Nỡ phụ bạc một chàng trai đẹp và chung thủy đến thế!… Thảo tần ngần bóc lá thư đầu tiên.
Thảo nghĩ đến Thành. Chắc giờ đây, lòng thành thản và ngập tràn hạnh phúc, anh đang mê đắm trong vòng tay người vợ mới cưới. Ngày ở Rừng Cười cô đã khao khát đến cháy lòng ngày ấy! Cái ngày ấy là một trong những đốm lửa sáng nhất giục giã cô cố nhoài ra khỏi cuộc sống hoang dã chốn rừng sâu.
Cái ngày ấy…! Thảo thấy ngọn đèn dầu nhoè dần, và đung đưa trước mắt cô một quả cà chua chín đỏ lịm hình trái tim chập chờn, chập chờn. Thảo đưa tay bắt, hình như nước cà chua vỡ ra, chạy dọc theo cánh tay và tận ngực. Thứ nước đỏ nhờn nhợt như máu loãng. Không hiểu sao cô thấy buồn buồn ở nách như bị ai cù, cô bật lên tiếng cười. Trong một trạng thái gần như vô thức, Thảo vung tay, mười sáu phong thư dày cộp vung vãi khắp giường.
Đang ngủ, cô gái nằm cạnh Thảo bỗng mơ thấy ma cười khanh khách. Cô choàng tỉnh, tự giật giật tóc, vẫn nghe tiếng cười và nhìn thấy bóng đèn dầu chập chờn trên tường. Cô sợ hãi chồm dậy, thấy Thảo đang vừa cười vừa khóc. Cả mười một cô gái trong phòng tỉnh dậy. Họ cho rằng Thảo bị điên. “Esteris đó mà” một cô ra vẻ thành thạo giải thích. Họ xúm lại đưa Thảo xuống trạm xá cấp cứu. Thảo không đi “tôi không điên”. Các cô gái càng sợ. Người giữ chân kẻ giữ tay, lại có các bạn trai giúp sức, họ cõng Thảo xuống trạm xá. Ở đó, người ta ép thảo uống những viên gácđênan màu trắng. Cả ký túc xã huyên náo cả lên, đến lúc Thảo thiu thiu ngủ mới thôi.
Mười một cô gái trở về phòng. Họ định thu dọn vài thứ lặt vặt mang lên trạm xá cho Thảo thì thấy những bì thư nằm vung vãi trên giường. Họ tìm được một phong bì thư đã bóc chỉ thấy vỏn vẻn mấy dòng:
“Từ nay, tôi sẽ viết cho tôi, vào mỗi tối thứ năm, để ngày mai, đạp xe ra bưu điện Ngã Tư Sở bỏ thư và rồi chính tôi lại nhận được nó vào mỗi chiều thứ bảy.
Vô duyên quá! Nhưng không thế, Thành sẽ không yên tâm rời bỏ tôi. Thắm ơi! Em là người sót lại của Rừng Cười, nhưng hạnh phúc chẳng sót lại nơi em!
Thắm và các đồng đội của em! Cứ yên nghỉ ở Rừng Cười! Em không làm cho vong hồn con gái của các chị phải tuổi hổ. Em cũng sẽ khiến cho Thành mãi mãi vẫn là chàng hoàng từ hào hiệp của chúng ta”.
Các cô gái khoa Văn vốn nhạy cảm, lờ mờ đoán ra sự việc. Họ khóc khi nhớ lại những tháng qua, họ đã xa lánh và dè bỉu chị Thảo đến thế nào. Trời vừa chợt sáng, họ đã chạy lên gác xép - phòng hạnh phúc của Thành ở tầng trên, báo cho Thành biết.
Nghe tiếng gọi cửa, Thành hơi bực mình, càu nhàu ra mở. Các cô gái không nói gì, dắt tay anh đến bên chiếc giường ngổn ngang mười sáu phong thư. Thành đọc lá thư đầu tiên, rồi lập cập bóc tất cả. Hai phần ba số thư chỉ toàn là giấy trắng. Thành choáng váng như người bước hụt.
Thành tức tốc chạy xuống trạm xá, nhưng Thảo đã đi rồi. Cửa phòng bệnh khép hở. Chiếc giường trải ga trắng in vết lõm thân hình bé nhỏ của Thảo nằm đêm qua, khi cô bị ép uống những viên thuốc an thần màu trắng, khi mọi người yên trí cô đã hóa điên, và nhìn cô bằng ánh mắt chế giễu, lúc đó anh đang tận hưởng thú vui của đêm tân hôn với một cô gái khác.
Thành bước ra hành lang, bước xuống đường. Gió bấc từng cơn thổi lạnh. Lá báng súng vàng vung đầy trời tơ tả như đàn bướm bị bão. Anh vừa đi vừa nhìn thấy chao qua chao lại trước mắt mình người con gái đã bị cuộc đời nghiệt ngã tước đi sạch trơn đêm đêm ngồi viết thư tự gửi mình trước ngọn đèn dầu đỏ quạch. Anh chợt nghĩ đến huyền thoại về loài yến huyết ngoài biển khơi đã nhả từng hạt máu để dệt nên chiếc tổ màu hồng quý giá. Rồi khi sức tàn lực kiệt, chim yến bay vút lên không trung, lao mình vào vách đá nhọn hoắt cho ngực vỡ nát.
Đôi chân lang thang dẫn Thành về bến tàu quen thuộc. Ở đây, đã nhiều lần, bằng những đồng học bổng ít ỏi, anh mua tặng Thảo những quả mận chín đỏ đầy nước chua và chát. Thế mà Thảo đã ăn nó một cách nhiệt thành, cố không nhăn mặt, để cho anh yên lòng đến thế.
Thành hỏi bà bán mận đang ngủ gật, tì cái mũi vào lòng bàn tay để ngủ:
-Bà ơi! Bà có thấy cô gái hay mặc bộ quần áo bộ độ cũ đi qua đây không?
Bà bán mận chợt tỉnh. Bà véo véo mũi cho qua cơn buồn ngủ:
-Không, ờ mà có. Cái cô ngày xưa hay qua đây ăn mận cùng anh chứ gì? Cô ấy xuôi tàu rồi!
Thành cũng xuôi tàu, Thành đi tìm Thảo tận quê, tìm khắp nơi, mà không thấy. Anh về sống với người vợ mới cưới, rồi nhận công tác ở ngay Hà Nội. Cuộc sống trôi đều đều. Nhưng trong óc anh vẫn chớp chới đôi cánh bé nhỏ của loài yến huyết.
***
Năm năm sau, hội trường Tổng Hợp. Những cựu sinh viên từ các miền về đây. Họ tìm về một thời lãng mạn.
Trong bữa tiệc của các cựu sinh viên khoa Ngữ Văn, Thành chọn một góc ngồi cạnh cửa sổ, mặc dù trời đang lạnh.
Biết đâu, sẽ có phép lạ, và Thảo của anh sẽ bất ngờ xuất hiện. Nếu phép lạ đến, cô sẽ hiện ra trước mặt anh với hình dáng ra sao đây? Với một thân hình tàn tạ bơ phờ, mắt mộng du tay cầm cành liễu? Hay bộ quần áo nâu sồng, tay chắp trước ngực: “A di đà Phật”? Hay một bà chủ sang trọng, tay đầy xuyến và nhẫn? Hay một phóng viên đầy tài năng từ Sài Gòn vừa bay ra?
Bữa tiệc ồn ào, huyên náo. Gió qua lại như tiếng chân chạy. Thành vẫn đăm đắm ngóng ra cổng trường. “Rừng Cười ơi! Đã no nê máu và nước mắt, lẽ nào ngươi cướp nốt của ta con chim yến nhỏ nhoi!”.

nhóc phù thủy
29-07-10, 10:07 PM
Trên chuyến phà cuối năm từ Đức sang Thuỵ Điển, tôi tình cờ gặp một đồng hương: bác sĩ Vũ Xuân Lộc. Mùa đông Bắc Âu, ngày rất ngắn. Mới khoảng ba giờ chiều mà cảnh vật đã xám ngắt, nhất là bên ngoài mưa phùn mãi không tạnh. Để đỡ sốt ruột chờ tàu cặp bến, bác sĩ Lộc kể cho tôi nghe một câu chuyện dị thường. Dù chuyện diễn ra khá lâu, mà lúc thuật lại, ông vẫn không giấu được nét xúc động, bởi đây là chuyện của chính ông, chuyện thật của người trong cuộc, là một kỷ niệm sâu đậm mà ông không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào. Tôi xin phép ông để được tường trình lại cùng bạn đọc, hy vọng không làm mất đi sự lôi cuốn qua diễn tiến mà ông tỉ mỉ nói riêng với tôi chiều hôm đó. Được sự đồng ý của bác sĩ Lộc, tôi tạm đặt tựa đề là " Đêm trong căn nhà hoang", cho sát với nội dung câu chuyện. Bây giờ, mời bạn đọc cùng tôi đi sâu vào thế giới âm u của một đêm không trăng sao, ngủ tối trong một căn nhà đã lâu không có người dám ở.

Ngay từ thuở mới lớn, khi còn ngồi ghế trung học. Lộc đã tỏ ra cứng cỏi, không tin có ma quỷ. Sau này tốt nghiệp y khoa, chàng lại mạnh dạn hơn, giải thích mọi sự đều chỉ bằng cặp mắt khoa học. Đối với Lộc, những chuyện ma mà lâu lâu chàng nghe kể, thật ra chỉ là do ảo giác hoặc do óc tưởng tượng của người ta thêu dệt. Ai nói gì thì nói. Lộc thường chỉ lắc đầu cười. Cho nên đừng có ai dại mà đem ma ra nhát Lộc! Bà mẹ Lộc thì khác. Gia đình vốn theo đạo Thiên Chúa, ít tin dị đoan, ấy thế mà có lần mẹ Lộc bảo:

- Có chứ con! Có ma chứ! Chính Thánh Kinh cũng đã chép lại câu chuyện người ta đem đến cho Chúa một người bị quỷ ám để nhờ Chúa chữa! Con quên rồi hay sao? Bên đạo mình gọi là quỷ ám. Dân gian thì quen gọi là ma nhập. Cả đời mẹ chưa gặp ma bao giờ, nhưng mẹ vẫn tin là có ma. Chỉ có điều là không phải ai cũng thấy ma! Phải có thần giao cách cảm. Ma lựa người mà hiện hình. Có người mong gặp ma mà suốt đời chẳng bao giờ gặp!

Lộc nửa đùa nửa thật đáp:

- Vâng! Con đây chứ ai! Chính con có lúc muốn gặp ma xem nó ra làm sao, mà đợi mãi chả thấy!

Bà mẹ dè dặt khuyên:

- Con đừng có nói thế! Con người có linh hồn và thể xác. Vũ trụ có cõi âm và cõi dương. Mẹ biết con tin vào khoa học, nhưng thiếu gì việc không thể dùng khoa học mà cắt nghĩa được.

Lộc không muốn tranh luận với mẹ, nên chỉ ậm ừ cho qua. Bà cụ lại thêm:

- Có điều là ma quỷ dù có hiện về thì cũng chỉ làm cho người ta sợ chứ không giết được người ta!

Bẵng đi một thời gian rất lâu. Lộc lớn dần và ra trường, chuyện ma quỷ chưa bao giờ làm bận tâm Lộc, dù chỉ trong khoảnh khắc. Cho đến hôm nay, chàng từ Sài Gòn đáp xe về miền Tây, nhận nhiệm sở mới ở bệnh viện dân sự tỉnh, lần đầu tiên chàng mới phải đương đầu với cảm giác rờn rợn xâm chếm tâm hồn, cái không khí kinh dị bủa vây thân xác, bắt chàng dù muốn dù không cũng phải đặt vấn đề.

Xuống đến thị xã, việc đầu tiên là Lộc phải thuê một căn nhà, vừa để ở, vừa để mai này có thể mở phòng mạch tư, khám bệnh thêm ngoài giờ hành chánh dành cho nhà thương. May quá, lúc ngồi trên xe đò, có người mách cho Lộc một căn nhà gạch cũ khang trang, mái ngói đã phủ rêu xanh, tọa lạc ngay ngắn dưới tàn cây me cổ thụ. Nhà đẹp lại mát mẻ, nằm gần khu dân cư khá giả, có sân trước vườn sau khoáng đạt, quanh năm rợp mát. Lộc mừng lắm, xách va-li dọn vào. Chủ nhân nhận tiền, mở khoá giao cho chàng rồi vội vã bỏ đi như chạy trốn. Lộc không vào nhà vội. Trời chiều thoảng gió. Mặt trời đã lặn hẳn sau dãy nhà bên kia đường. Chàng đứng chống nạnh trên hè, gật gù quan sát cảnh vật chung quanh. Bên cạnh chàng, sát chân cây sột gỗ là chậu mai chiếu thuỷ cao bằng đầu người nhưng đã chết khô vì không ai chăm sóc. Mảnh sân rộng trước mặt, cỏ mọc bừa bãi, lan ra cả lối đi lát gạch đỏ và che khuất hết hàng rào lưỡi mắc cáo. Lộc tặc lưỡi và tự nhủ: Chẳng sao! Chỉ cần một buổi dọn dẹp là sẽ trở thành căn nhà lý tưởng. Kể cũng lạ! Nhà đẹp như thế này mà lại bỏ trống để chờ chàng xuống mướn. Âu cũng là duyên may! Lộc tự nhủ và gật gù mỉm cười đắc ý.

Nhưng bỗng Lộc giật mình thấy hàng xóm tứ phía đều thập thò nhìn chàng bằng cặp mắt hết sức hiếu kỳ. Bên kia con đường đất rộng, mấy cái đầu già trẻ vừa từ trong cửa sổ căn nhà đối diện, thò ra trố mắt đăm đăm nhìn Lộc. Bên trái cũng thế. Một cô gái đang giặt quần áo, ngẩng lên trông sang, quên cả công việc, để nước xà bông tràn ra đầy ngoài chậu. Ánh mắt ai cũng toát ra cái vẻ ngạc nhiên và sợ sệt như rình rập một kẻ xa lạ vừa lạc bước vào thế giới biệt lập của họ. Lộc bâng khuâng bước hẳn vào trong để tránh sự soi mói của thiên hạ. Chàng đứng giữa phòng khách, hài lòng vì đồ đạc tương đối đầy đủ đúng như chủ nhà cho biết. Tất cả đều bị phủ một lớp bụi dầy, mạng nhện giăng khắp nơi, chứng tỏ đã lâu lắm không có người ở. Bộ salon nặng chình chịch bằng loại gỗ quí màu nâu đậm kê sát vách. Đối diện là cái sập gụ rộng rãi có cái gối mây đặt ở một góc. Rồi đến cái tủ đứng cẩm lai, trên nóc để bát nhang lạnh ngắt, mấy cọng que màu đỏ cắm trong cái bát đựng đầy cát, cháy tan chỉ còn thừa ra khoảng vài đốt ngón taỵ Trong cùng, gần khung cửa ăn thông vào buồng ngủ. Lộc thấy cái rương gỗ màu đen rộng ngang, dài hơn một thước, có nẹp sắt han rỉ viền quanh là cái khoá to bằng nắm tay, móc hờ vào ổ, nhưng chưa khoá. Cái rương loại hải tặc ấy, vừa có thể dùng làm ghế ngồi, hoặc có thể dùng làm kệ để những thứ lặt vặt lên trên. Nay mai, khi mở phòng mạch, Lộc sẽ cho dẹp hết đồ đạc, chỉ kê mấy cái ghế cho bệnh nhân ngồi đợi và các dụng cụ y khoa mà thôi.

Lộc đặt va-li, nhìn quanh tìm cái chổi lông gà hoặc thứ gì có thể phủi bụi được. Tình cờ quay ra, chàng giật mình vì thấy ngoài đường trẻ con, người lớn vẫn thấp thoáng đi qua đi lại cả chục người, ai cũng chăm chú nhìn vào bằng ánh mắt nghi ngại. Người ta xầm xì bàn tán, chỉ trỏ. Có người chỉ lướt nhanh qua, rồi ngoái đầu lại. nhưng cũng có người đứng hẳn lại tròn mắt làm Lộc vừa ngạc nhiên vừa bực bội. Cái đám dân tỉnh lẻ này sao lại bất lịch sự như vậy? Chẳng lẽ họ chưa thấy người Sài Gòn bao giờ hay sao? Lộc vờ đi, quay vô dọn dẹp tiếp. Chỉ nay mai họ sẽ biết chàng là ai! Tuy nghĩ thế, nhưng bất chợt lâu lâu liếc ra. Lộc vẫn thấy người ta cứ thay phiên nhau kéo đến để tiếp tục theo dõi chàng. Nhịn không được, chàng bước hẳn ra thềm, đứng chống nạnh, hầm hầm nhìn thẳng vào mặt họ như thách thức. Họ chỉ tản mát một chút rồi túm tụm ở mỗi gốc cây, vừa nói chuyện xầm xì, vừa nhớn nhác đưa mắt nhìn vào căn nhà của Lộc. Bà cụ hàng xóm tay cầm cái chổi dài, mom men tiến lại góc sân tiếp giáp phía nhà Lộc và dè dặt hỏi:

- Cậu mướn căn nhà đó hả?

Lộc mạnh dạn gật đầu:

- Vâng, có gì không bác?

Bà cụ vội lắc đầu:

- Đâu có gì! Tui hỏi cho biết vậy mà!

Lộc toan quay vào, thì bà cụ lại hỏi:

- Cậu là người Sài Gòn hả? Ai chỉ cho cậu mướm căn nhà vậy?

Lộc bước lại gần và đáp:

- Vâng, cháu vừa ở Sài Gòn xuống, tình cờ cháu gặp bà chủ nhà này trên xe đò...

Bà hàng xóm ngắt lời:

- Chủ nhà nầy có tiệm vải ngoài chợ. Tiệm vải Kiến An. Cậu gặp bả trên xe đò hả? Cậu mướn bao nhiêu? Có mắc không?

Lộc tò mò hỏi lại:

- Cháu xin lỗi bác, nhưng tại sao bác hỏi cháu về căn nhà này kỹ vậy? Bộ nhà này ở không được hay sao? Mái bị dột nước, hay là...

Bà cụ vội xua tay lắc đầu nhắc lại:

- Đâu có! Hỏi cho biết vậy mà. Bị cậu là người lối xóm...

Bà bỏ dở câu nói và rút ngay vào nhà. Trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Người hiếu kỳ vẫn thập thò ngoài lề đường. Lộc bực bội lắm, nhưng không biết làm gì để phản đối đám người tò mò ấy. Chàng thở dài rồi quay vào nhà và khép hờ cánh cửa gỗ lại. Đang với tay tìm nút bật đèn thì một bóng đen kêu thết lên rồi lao vút từ nóc tủ xuống đầu Lộc. Chàng giật mình né sang một bên, tim muốn ngừng đập. Nhưng định thần lại, thì hoá ra chỉ là con mèo đen khá lớn của nhà ai vừa lẻn rất nhanh ra ngoài. Lộc đứng yên, nhắm mắt lại, đặt bàn tay lên ngực và thở mạnh. Ngẫm nghĩ một chút, Lộc buột miệng than thành tiếng:

- Lạ nhỉ! Từ lúc mình bước vào nhà, đâu có thấy con mèo này! Nó ở đâu, bất thình lình hiện ra là làm sao?

Nói thế, nhưng Lộc bình thản nhún vai, mỉm cười rồi bỏ vào buồng trong. Đó là căn phòng ngủ gọn ghẽ có chiếc giường nệm kê giữa nhà, nhưng lạ nhất là vẫn buông mùng. Cái mùng trắng toát khẽ bay phất phơ theo luồng gió nhẹ lùa qua khe cửa sổ. Chàng vén mùng lên. Từng lớp bụi bay tung làm chàng quay mặt đi và hắt hơi mấy cái liền. Chàng cần dọn dẹp qua loa rồi ra chợ kiếm cái gì ăn tối. Sáng mai sẽ đến bệnh viện trình diện nhận việc. Chàng cầm cái gối phủi bụi trên giường, rồi đi sâu xuống bếp. Trời mùa đông tối mau, từ cửa sổ trông ra, mảnh vườn cây cối um tùm đang bắt đầu ngã sang màu xanh thẫm. Dưới gốc cây xoài cổ thụ sát đường mương. Lộc thấy cái miếu nhỏ bằng gỗ, lá khô phủ gần ngập lên tới nóc. Chàng ngó quanh một lúc, rồi quay lên nhà trên. Chàng đưa tay đẩy rộng cánh cửa chính để lấy thêm ánh sáng, và bực mình thấy đám người hiếu kỳ vẫn tụ tập ngoài cổng nhìn vào. Nhưng chàng bỗng ngạc nhiên thấy một cô gái mặc bộ đồ trắng, rẽ đám người tò mò ấy, xăm xăm từ ngoài đường bước vào sân và tiến hẳn trên thềm. Cô mỉm cười gật đầu chào Lộc. Chàng ngơ ngác bước ra đón khách. Cô gái có làn da trắng muốt không son phấn, làm nổi bật mái tóc dài đen nhánh thả xuống qua vai. Chàng vẫn nghe nói ở tỉnh lẻ có những cô gái rất đẹp và hiếu khách. Đây là lần đầu tiên chàng được tiếp xúc trực tiếp.

nhóc phù thủy
29-07-10, 10:10 PM
Cô gái thản nhiên nhập đề:

- Chào ông ạ! Ông chắc mới ở Sài Gòn xuống?

Lộc gật đầu đáp:

- Vâng! xin lỗi cô là ai?

Cô gái thân mật giải thích:

- Em ở ngay đây. Đi ngang ghé vào nói chuyện với ông, vì dù sao ông cũng từ xa đến... Ông đừng lấy làm lạ là tại sao người ta kéo nhau lại nhìn ông. Không phải người ta nhìn ông đâu! người ta nhìn căn nhà này đấy. Tại căn nhà đã mấy năm nay không ai dám ở. Bây giờ bỗng thấy ông dọn vào, thì người ta tò mò.

Lộc ngắt lời:

- Tại sao không ai dám ở hả cô? À, mà quên, xin lỗi cô tên là gì? Tôi là Lộc, bác sĩ Vũ Xuân Lộc, mới về bệnh viện tỉnh. Mời cô vào nhà chơi!

Cô gái đứng yên, ngần ngại nhìn vộ Lộc giục hai ba lần nữa, cô vẫn đứng tại chỗ và bảo Lộc:

- Cám ơn bác sĩ. Đứng ngoài này được rồi. Em sợ lắm, không dám vào đâu!

Lộc thấy bên hàng xóm và người ngoài đường vẫn lấm lét nhìn mình, nên chàng cười trấn an cô gái:

- Có tôi mà cô sợ gì! Mời cô vào nhà, đứng ngoài này bất tiện lắm! Cô thấy đấy, bao nhiêu người theo dõi cô với tôi.

Cô gái đành miễn cưỡng bước theo Lộc. Cô đưa mắt nhìn quanh phòng khách bằng ánh mắt sợ sệt rồi bảo:

- Bác sĩ thấy không? Bụi bám đầy nhà. Nhà này bỏ hoang hơn hai năm rồi. Đúng ra là hai năm tám tháng!

Giọng cô run run khiến Lộc lại phải cười cho bớt không khí căng thẳng:

- Sao cô nhớ rõ vậy?... À, mà tôi vừa mới hỏi, tên cô là gì?

Chàng chỉ ghế salon và nói:

- Cô ngồi tạm đây!

Cô gái dè dặt ngồi ghé xuống ghế salon và đáp:

- Em là Tâm. Thanh Tâm... thưa bác sĩ, ở đây ai cũng biết là căn nhà này bỏ trống đã hơn hai năm, chứ không phải mình em. Thì bác sĩ thấy đấy. Bác sĩ dọn vào, ai cũng ngạc nhiên!

Lộc càng thắc mắc. Chàng nhíu mày nhắc lại:

- Cô bảo không ai dám ở. Tại sao vậy cô?

Cô gái ngồi nghiêng, đầu hơi cuối xuống để suối tóc chảy dài một bên vai. Cô ngẩng lên nói nhỏ:

- Tại vì người ta đồn rằng căn nhà này có ma.

Lộc càng cười lớn rồi nói cứng:

- Tưởng gì chứ ma thì tôi không sợ. Tôi chỉ sợ người thôi!

Cô gái nghiêm mặt hỏi:

- Chủ nhà không nói cho bác sĩ biết hay sao?

Lộc nhún vai:

- Không! Bà ấy có nói gì đâu! Mà dù có nói, tôi vẫn thuê như thường! Thứ nhất là trên đời này không có ma. Thứ hai là dù có ma, thì ma cũng không đáng sợ! Ma sợ tôi chứ tôi không sợ ma!

Cô gái đứng dậy và nói:

- Nếu bác sĩ không sợ thì tốt... Không sợ thì bác sĩ cứ ở! Em chỉ nói trước cho bác sĩ biết vậy thôi... Thôi em về đây. Tối rồi, em đường đột ghé vào thăm bác sĩ, vì sợ rằng bác sĩ sẽ thắc mắc tại sao thấy bác sĩ dọn vào căn nhà này mà hàng xóm cứ xúm lại nhìn!

Lộc hài lòng đáp:

- Vâng, thế thì cám ơn cô. Tôi hiểu rồi. Từ nãy đến giờ tôi cứ tự hỏi mình có cái gì lạ lắm hay sao mà người ta phải theo dõi!

Cô gái bước ra cửa và nhắc lại:

- Em chào bác sĩ, em về!

Lộc tiễn khách và nói:

- Cám ơn cô nhiều lắm, cô Thanh Tâm. Mai kia tôi dọn nhà xong, mời cô lại chơi nhé. Tôi mới về đây, chả quen ai. Nếu được cô coi như người quen, thì hân hạnh cho tôi lắm!

Cô gái bước xuống thềm và đáp nhỏ:

- Em mới là người hân hạnh... Thôi, em về. Thỉnh thoảng em sẽ gặp lại bác sĩ.

Lộc theo Thanh Tâm ra hẳn ngoài lộ. Đám người hiếu kỳ vội vàng tản mác hết. Lộc hoan hỉ đứng nhìn theo cô gái, cho đến khi cái bóng trắng nhỏ dần và khuất hẳn sau một khúc rẽ, chàng mới quay vào. Chàng phủi bụi khắp lượt, lấy khăn lau bàn ghế và quét nền xi măng bóng láng. Cái tin chàng mướn lầm căn nhà ma không làm chàng bận tâm chút nào. Chàng chỉ nghĩ đến Thanh Tâm và thầm cám ơn đời đã cho chàng cái may mắn bất ngờ ấy: người đầu tiên chàng làm quen ở miền đất lạ này lại là một cô gái thật đẹp. Quét dọn xong, chàng ra sau nhà rửa tay. Ở góc vườn phía tay trái, có một thân cây cổ thụ đã chết khô nhưng vẫn sừng sững đứng nguyên. Những nhánh cây cong queo vươn tay đan chằng chịt vào nhau, tạo thành những hình thù ma quái làm Lộc chợt thấy rờn rợn không dám nhìn. Chàng lau tay vội vã, rồi toan quay vào thì bỗng dưng cái cây khô ấy ngã ập xuống đường mương, đè lên một hàng cây nhỏ phía dưới, mặc dù lúc ấy trời không có gió. Lộc lặng người đứng ngó một lúc rồi quay gót chui vào nhà, khép cửa cài then lại. Vẫn biết đó có thể là một sự tình cờ: cái cây khô kia đã mục gốc từ lâu, và đến lúc nó phải đổ. Nhưng Lộc vẫn hoang mang linh cảm thấy căn nhà này kỳ bí lắm, nhất là từ khi cô hàng xóm Thanh Tâm tiết lộ cho Lộc biết đây là căn nhà ma. Chàng cố gắng xua đuổi mọi ý nghĩ đen tối trong đầu, khoá cửa thả bộ ra phố ăn tối và mua sắm vài thứ lặt vặt, trong đó cái đèn pin là cần nhất bởi vườn sau không có điện mà phòng tắm với cầu tiêu nằm ở tuốt mãi sát đường mương cách nhà bếp đến gần trăm thước.

Lộc đi quanh một vòng thị xã, lúc trở về đã quá 9 giờ tối.Con lộ nhỏ vắng lặng không có đèn đường, thấp thoáng lúc mờ lúc tỏ nhờ những ánh điện leo lét trong những căn nhà hai bên hắt ra, bị che lấp bởi từng lùm cây dày đặc. Lộc rọi đèn pin, bật đèn phòng khách. Hai ngọn đèn tròn đã đứt mất một bóng giữa trần, chỉ còn một ngọn gắn trên vách, tỏa ánh sáng vàng úa xuống cái bàn gỗ kê sát tường. Lộc ngồi vào bàn, mở va-li đặt mấy cuốn sách y khoa bên cạnh, rồi lấy giấy bút viết vội lá thư để sáng mai gửi về thành phố, thông báo địa chỉ cho gia đình. Một cơn gió bất ngờ thổi ập đến, làm cánh cửa gỗ đang khép hờ mở tung ra. Lộc giật mình đứng dậy khép cửa cài then, rồi trở lại bàn cặm cụi viết. Mới được vài hàng thì chàng bỗng cảm thấy như có một luồng hơi lạnh ở sau lưng, rọi thẳng vào ót rồi lan nhanh xuống xương sống làm chàng rùng mình. Như một phản xạ tự nhiên, chàng buông bút, vòng cánh tay ra phía sau xoa gáy. Chờ một lúc, hơi lạnh tan đi, chàng lại viết tiếp. Nhưng chỉ được một phút chàng lại thấy dường như có một sức mạnh vô hình nào đó bắt chàng phải quay lại sau lưng, vì hình như có ai đang đứng nhìn mình! Bấy giờ chàng mới nhớ ra những lời dặn của Thanh Tâm:

- Nhà này có ma, không ai dám ở! Bỏ hoang đã hai năm, tám tháng!

Chàng không tin! chẳng lẽ giữa khu dân cư đông đúc này mà lại có căn nhà ma. Nhưng chắc là ít ra có một điều bí mật nào đó trong căn nhà này, dù không phải là ma. Bởi nếu không thì hàng xóm đâu có kéo đến nhìn chàng bằng ánh mắt sợ sệt lúc chiều. Và nhất là Thanh Tâm, cô gái tỉnh lẻ hiền lành kia đâu có phải tội nghiệp chàng mà tìm đến thông báo cho chàng biết trước. Nghĩ thế, Lộc nín thở quay phắt lại! Dĩ nhiên là không có gì! vẫn bộ salon nằm im lìm. Vẫn cái tủ đen với bát nhang lạnh lẽo trên nóc. Lộc nắm chặt bàn tay, đấm nhẹ xuống sàn và tự cười mình:

- Hoá ra mình cũng sợ ma à! Nhảm nhí! Làm gì có ma!

Chàng mỉm cười vá tiếp tục viết. Nhưng rõ ràng sau lưng chàng lại có sự thôi thúc mãnh liệt và dường như có cả tiếng kêu nho nhỏ, toàn là những âm thanh lạ lùng lắm, như tiếng người sắp chết đuối kêu cứu từ rất xa, lẫn vào tiếng nước chảy của dòng sông cuồn cuộn. Rồi chỉ một phút sau, tiếng người tiếng nước đều ngưng hẳn để đổi sang loạt âm thanh rin rít như những móng tay ai cào mạnh trên sàn gỗ. Lộc quăng bút và bất ngờ quay phắt lại. Chàng nghĩ nếu có ma, thì con ma sẽ không kịp biến hình. Chàng sẽ nhìn thấy nó! Nhưng vẫn chẳng có gì! Chàng đứng dậy, cầm cái đèn pin vừa mua, bật sáng, rọi quanh mọi ngóc ngách trong căn nhà. Rồi chàng mạnh dạn bước vào buồng ngủ và xuống tận nhà bếp. Trong nhà có ngọn đèn nào, chàng bật lên hết. Chàng lên nhà và cười khẩy tự trách:

- Chỉ lo vớ vẩn! Ma với quỷ cái gì! Cái cô Thanh Tâm lắm chuyện này, tự dưng làm mình bị ám ảnh!

nhóc phù thủy
29-07-10, 10:13 PM
Lộc tắt đèn pin, ngồi vào bàn viết. Ngoài sân, chợt có tiếng mèo kêu vang lên giữa bóng đêm vắng lặng, như tiếng trẻ con khóc não ruột. Một lúc rồi tất cả đều trở lại im bặt. Lộc cố xua đi mọi ý nghĩ hoang mang, tập trung vào ngòi bút và chỉ nghĩ đến gia đình ở Sài Gòn. Những cảm giác rờn rợn vẫn lởn vởn trong trí Lộc, và sự thôi thúc sau lưng mới lúc nãy biến mất bây giờ lại trở về vây hãm toàn thân chàng. Ngồi quay mặt vào vách, Lộc cảm thấy chắc sau lưng đang có người nhìn mình. Hay là quả thật có những hồn ma từ cõi âm hiện về như mẹ chàng bảo. Hoặc là căn nhà này quả thật có ma như lời Thanh Tâm kể? Hèn gì bà chủ nhà chiều nay đưa chàng lại đây, đã có những cử chỉ dáo dác như bỏ chạy sau khi nhận tiền mà lúc đó chàng không để ý! Còn đang ngẫm nghĩ thì lại nghe tiếng móng tay cào trên mặt gỗ từ từ lớn dần, rõ dần. Chàng cầm đèn pin, bật lên rồi từ từ xoay người lại, quát vội vạch sáng khắp phòng. Tim Lộc bỗng thắt lại, và chàng kinh hãi muốn hét lên vì rõ ràng cái hòm gỗ đen nằm ở sát vách, tuy vẫn đóng chặt, nhưng có mấy ngón tay trắng toát thò ra, mấp máy ở gần ổ khóa, vùng vẫy như muốn đẩy tung nắp hòm lên!

Lộc rón rén đứng dậy tại chỗ, nín thở dụi mắt, rồi rọi đèn vào thẳng ổ khóa của cái hòm, thì mấy ngón tay kia đã biến mất rồi! Tim chàng đập thình thịch! Như vậy có nghĩa là làm sao? Cảnh tượng vừa rồi, mấy ngón tay từ trong hòm thò ra, chỉ là ảo giác hay quả thực có người nào đang nằm trong rương, cố gắng đẩy nắp rương để chui ra? Đắn đo một chút, Lộc lấy lại bình tĩnh, từ từ tiến lại, đèn pin vẫn bật sáng chiếu thẳng vào cái hòm kỳ bí. Khi còn cách khoảng cái hòm khoảng một thước, chàng dừng lại, cầm cái cán chổi, chọc mạnh vào ổ khóa. Ổ khoá tuy chưa bóp lại, nhưng móc vào khuy, rõ ràng nắp rương đóng chặt, không thể thò bàn tay lọt ra ngoài được! Nghĩa là cảnh tượng vừa rồi chỉ là tưởng tượng do trí óc sợ hãi mà sinh ra.

Chàng đứng yên suy nghĩ. Hay là trong cái hòm này có người chết đã lâu, bây giờ chỉ còn bộ xương khô? Chàng lấy cán chổi gõ mấy cái trên mặt hòm, rồi nín thở bước thêm bước nữa lại gần. Chàng len lén ngồi xuống, hồi hộp tháo ổ khoá ra. Tháo xong, chàng lùi lại đứng yên vài giây rồi gồng mình lấy can đảm mở bật nóc hòm lên. Tiếng bản lề lâu ngày han rỉ kêu kèn kẹt. Nắp hòm bật tung lên. Không có gì trong đó! Chiếc hòm trống rỗng, lộ ra lớp gỗ mộc để nguyên không sơn phết! Chàng thở mạnh kết luận: mấy ngón tay thò ra lúc nãy chỉ là ảo giác chứ không có thật! Nhưng lạ một điều là, khi nắp hòm vừa bật lên, thì một luồng hơi lạnh buốt toát ra, phà vào mặt chàng khiến chàng phải lùi lại, đồng thời bao nhiêu bóng đèn trong nhà đều phụt tắt và con mèo đen từ nóc tủ lao vút xuống phía chàng, kêu thét lên trước khi biến mất vào gầm giường.

Lộc đứng tim, muốn ngất xỉu. Cả căn nhà ngập trong bóng tối, may mà ngọn đèn pin le lói chiếu thẳng vào đáy hòm. Lộc nhìn kỹ từng góc cạnh, rồi với tay đậy nắp hòm lại. Lập tức đèn trong nhà sáng lên như cũ: đầu óc chàng vốn nặng tính khoa học mà giờ này, trước những hiện tượng không giải thích nổi, Lộc đành phải ngờ ngợ tin rằng quả thật căn nhà này có ma. Ngày mai chàng sẽ hỏi thăm Thanh Tâm, tìm gặp nàng và năn nỉ nàng kể cho nghe đầu đuôi những gì đã xảy ra trong ngôi nhà kỳ bí này. Chàng đoán là Thanh Tâm biết rõ hoặc ít ra nàng nghe người ta kể lại, và chàng lấy làm tiếc đáng lẽ chiều nay chàng đã phải hỏi rồi, nhưng bởi tánh ương ngạnh không tin chuyện ma, nên khi nghe Thanh Tâm nói chàng chỉ cười khẩy, tỏ ý khinh bỉ! Chàng cầm đèn pin ra sau bếp, tìm một ly nước vì cổ họng đang khát khô như người lên cơn sốt. Rồi chàng lên nhà, trở lại bàn viết. Ngang qua cái hòm đen, chàng dừng lại một chút và toan mở thử lần thứ hai xem cái ngọn đèn trong nhà có phụt tắt nữa hay không. Nhưng chàng lưỡng lự, đăm đăm nhìn rồi lại ngần ngại bỏ sang bàn viết.

Lộc vén tay áo nhìn đồng hồ: đã quá nửa đêm. Không gian hoàn toàn vắng lặng, không một tiếng bước chân người ngoài đường. Tiếng radio vang vọng lúc nãy từ một căn nhà xa xăm nào đó, giờ này cũng im bặt. Chỉ có tiếng gió thổi xào xạc qua khóm lá quanh nhà, từng cơn phần phật như vũ bão rồi lại nhẹ hẳn đi, rì rào như sóng vỗ êm đềm. Lộc cầm bút lên, viết nốt lá thư đang dở. Nhưng chỉ được mấy phút, sau lưng chàng dường như lại thấy một luồng hơi giá buốt thổi vào ót làm chàng dựng tóc gáy lên. Và tiếng móng tay cào trên sàn gỗ nghe rõ mồn một. Lộc quay phắt lại, nhìn ngay cái hòm đen và chàng giật thót người đánh rơi cây bút xuống đất: rõ ràng cái nắp hòm vừa kênh lênh một chút, và vẫn cái bàn tay trắng xanh thò ra, mấy ngón tay ngo ngoe vẫy gọi chàng đến gần. Chàng dụi mắt nhìn lại cho kỹ, thì ra bàn tay không còn nữa.

Chàng thốt nhớ đến câu chuyện đã đọc trong sách của Thế Lữ: một người âm mưu giết bạn mình để lấy gia tài, bạn chưa chết nhưng nhất định ấn vào hòm, đóng đinh lại. Người bên trong vùng vẫy, bật được nắp hòm lên và chui ra giết lại người bạn phản phúc, bỏ vào hòm! Lộc choáng váng liên tưởng đến cái hòm sau lưng mình, và chợt hình dung ra một cảnh giết người tương tự như vậy. Biết đâu cái hòm kia, sau lưng chàng, chẳng từng đựng xác ai trong đó, và oan hồn đêm nay hiện ra với chàng, như đã từng hiện ra với nhiều người trước đây, khiến không ai dám ở trong căn nhà này! Nếu đúng như thế thì mai này chàng sẽ phải quăng bỏ cái rương, hoặc tốt nhất là đem đốt đi. Với người Phật Giáo, thì cúng kiếng cho linh hồn siêu thoát. Còn chàng theo đạo, thì xin lễ nhà thờ cầu cho linh hồn người đã khuất, đồng thời đón cha đến rảy nước thánh làm phép căn nhà này để trừ tà. Bất giác Lộc thò tay vào túi và chợt hối hận không mang theo cỗ tràng hạt có tượng thánh giá để treo lên trần.

Lộc nhặt cây bút lên, định viết tiếp. Nhưng không viết nổi. Trí óc chàng bây giờ hoàn toàn bị chi phối bởi cái hòm và những ngón tay thò qua khe, vẫy gọi chàng. Chàng có cảm tưởng hễ mình quay lại nhìn thì bàn tay biến mất. Nhưng hễ chàng xoay lưng đi thì mấy ngón tay lại thò ra. Chàng đứng dậy tính xem nên làm gì. Để cái hòm lù lù trong nhà đêm nay, thì chàng sẽ không thể nào ngủ nổi. Hay là lôi nó ra quăng ngoài sân? Hoặc giản tiện hơn là lấy cái mền trùm lên, coi như không có nó trong nhà. Giờ này thì chàng tin chắc cái hòm mờ ám kia phải liên quan đến một cái chết thảm lhốc. Chàng đứng tần ngần một chút rồi vào buồng ngủ lôi ra cái chăn dày ở đuôi giường, mở tung, đem ra phủ kín lên cái hòm để chuẩn bị đi ngủ vì đêm đã quá khuya. Làm xong, chàng để nguyên mọi ngọn đèn sáng, và mặc nguyên quần áo lên giường buông mùng xuống. Nằm trong buồng, cách một bức vách, chàng không còn nhìn thấy cái hòm nữa.

Nhưng vừa nhắm mắt được mấy phút thì ở ngoài, tiếng móng tay cào trên sàn gỗ lại vang lên nho nhỏ rồi cứ thế mà lớn dần, làm chàng run lên bần bật. Chàng mường tượng ra cái cảnh rùng rợn một người nào đó còn sống bị nhét vào cái hòm này, những ngón tay vẫy vùng cào cấu chung quanh để thoát ra mà thoát không nổi, đành chết ngộp trong đó. Nhớ lời mẹ dặn, chàng ngồi dậy đọc kinh và tự an ủi bằng lời nhận xét của mẹ chàng có lần bảo:

- Ma chỉ làm cho người ta sợ, nhưng không thể giết được người ta.

Chưa bao giờ trong đời Lộc mong trời sáng đến thế! Thời gian trôi quá chậm. Còn đến mấy tiếng đồng hồ nữa bình minh mới ló dạng. Đọc kinh xong, chàng an tâm nằm xuống và nhắm mắt quay mặt vào vách, lắng tai nghe ngóng. Tức thì tiếng móng tay cào gỗ lại nổi lên. Lộc ngồi bật dậy, không dám nằm nữa. Chàng để ý thấy, hễ chàng nhắm mắt để ngủ, thì oan hồn sẽ đánh thức chàng dậy. Như vậy chỉ còn mộtcách duy nhất là chàng ngồi thức trắng đêm, can đảm nhìn thẳng vào cái hòm thì hồn ma mới không hiện hình. Chàng biết trước sáng mai vào nhà thương sẽ mệt nhừ, vừa khám bệnh vừa ngủ gật! Tính toán một lúc, chàng bước xuống giường, cầm đèn pin ra phòng khách. Chàng đứng nhìn cái hòm đăm đăm, rồi quyết định lôi nó ra sân. Chàng khom người cúi xuống, kéo tấm mền quăng lên salon, rồi quay lại nắm cái quai ở một đầu rương để lôi ra cửa. Nhưng chàng không ngờ cái hòm rỗng mà nặng như có một sức nặng kéo ghì lại. Chàng cố lôi đi và chỉ mới nhích được môt chút thì cái quai sắt cũ kỹ bật tung ra làm chàng té ngửa tren sàn nhà. Chàng không bỏ cuộc, quay sang đầu bên kia, nắm cái quai còn lại, kéo lê chiếc hòm trên sàn xi măng, kêu lên rin rít như ai oán. Hì hục đến hơn nửa giờ, toàn thân mệt nhoài. Lộc mới đưa được cái rương ra ngoài, đặt trên hiên. Trời khuya thấm lạnh hơi sương. Gió bất chợt thổi mạnh, rít lên trong các tàn cây rậm rạp. Con đường trước mặt không một bóng người hay xe cộ qua lại. Lộc bước nhanh vào nhà và khép cửa, cài then cẩn thận. Đôi mắt cay cay, chàng đưa tay che miệng ngáp và lững thững vào buồng ngủ. Mọi đèn vẫn để nguyên không dám tắt. Nhìn đồng hồ đã hơn 2 giờ sáng, chàng chui vào mùng và an tâm nhắm mắt lại. Chàng đưa tay làm dấu thánh giá, cố gắng ngủ vài tiếng cho đỡ mệt vì sáng mai là ngày đầu nhận việc. Nhưng bỗng chàng giật bắn người ngồi bật dậy: ngoài nhà, tiếng cánh của từ từ mở, kêu kèn kẹt những âm thanh khô khan của chiếc bản lề lâu ngày khô dầu mỡ. Rõ ràng Lộc đã khép chặt, cài cả hai then ngang, không ai có thể thò tay vào và mở ra được. Chẳng lẽ cái cánh cửa nặng nề ấy tự động mở! Chàng ngồi bất động trong mùng không dám bước xuống, mắt mở trừng trừng, lắng tai nghe ngóng. Im lặng một chút, rồi tiếng móng tay cào gỗ lại trở về rất gần như ngay bên tai Lộc. Mồ hôi vã ra như tắm. Khá lâu, chàng mới vớ cái đèn pin, rón rén chui khỏi mùng, vịn một bàn tay vào vách và thò đầu ngó ra phòng khách. Chàng buột miệng kinh hãi kêu lên:

- Lạy Chúa tôi!

Chàng thấy cánh cửa chính mở toang và chếc hòm nằm lù lù ngay giữa nhà!

Chàng lặng người đứng chết cứng tại chỗ, mắt mở trừng trừng như sắp lạc thần. Tiếng móng tay cào gỗ đã im bặt. Nhưng một luồng gió lạnh thổi hắt vào làm chàng rùng mình như kẻ cô đơn lạc vô nghĩa địa một mình giữa nửa khuya để thấy chung quanh toàn là tử khí. Chàng đứng nhìn cái hòm đen một lúc, rồi men theo bức tường đi ra khép cửa lại. Rồi chàng lôi cái hòm đặt lại vị trí cũ, bởi giờ này thì chàng phải tin rằng oan hồn kia không muốn ra khỏi căn nhà này. Trong lúc tuyệt vọng, chàng nhìn lên nóc tủ, hy vọng tìm được một cây nhang còn sót lại để tỏ nỗi lòng đối với người khuất mặt, như bạn bè chàng thường nói mà trước đây chàng chưa bao giờ tin. Bát nhang lạnh ngắt, chắc đã vài năm không ai thắp, màng nhện giăng dầy đặc. Cái tủ khá cao. Chàng kéo cái ghế lại và đứng lên, hy vọng trên nóc tủ còn sót cây nhang nguyên vẹn nào không. Nhưng nhang không có. Không có gì cả ngoại trừ một cái khung hình lật úp, bụi phủ dày cộm. Chàng tò mò cầm lên, lật ngửa và thổi lớp bụi đóng trên mặt kính. Rồi chàng bật đèn pin để xem cho rõ mặt người trong bức hình trắng đen ấy. Chàng thảng thốt kêu lên một tiếng hãi hùng, rồi mất thăng bằng lạng quạng từ trên ghế té xuống đất. Trong hình, chính là cô gái chàng gặp hồi chiều trước cửa nhà. Dưới tấm hình ghi rõ:

"Nguyễn thị Thanh Tâm

Sinh năm 1951, chết năm 1970."

nhóc phù thủy
29-07-10, 10:18 PM
Ngồi tựa lưng vào vách một lúc khá lâu để thở. Lộc mới lấy lại phần nào điềm tĩnh, lồm cồm đứng dậy. Mồ hôi toát ra dầm đìa trên trán và hai bên thái dương, chàng cầm khung hình người quá cố, lấy giẻ lau sạch rồi dựng ngay ngắn trên nóc tủ. Chàng quỳ xuống tay đọc kinh, xin Chúa cho linh hồn Thanh Tâm về nơi vĩnh cữu. Nỗi kinh sợ trong lòng giảm hẳn đi. Bây giờ thì chàng biết Thanh Tâm chết oan, hồn còn phảng phất trong căn nhà này, nên hiện về để báo cho chàng biết. Chàng xót xa nhớ lại hình ảnh Thanh Tâm chiều nay đến với chàng, nét đẹp hồn nhiên như thiên thần mà có ngờ đâu lại gặp thảm hoạ ở tuổi 19. Chàng sắp xếp mọi chi tiết đã xảy ra từ tối đến giờ và đoán chắc Thanh Tâm đã bị nhét vô cái hòm oan nghiệt kia để chôn sống. Nàng đã vẫy vùng nhưng không thoát khỏi sức mạnh của kẻ sát nhân. Nghĩ thế, Lộc đứng bật dậy làm dấu thánh giá rồi chạy lại mở nắp hòm lên, bật đèn pin rọi kỹ từng góc cạnh. Quả nhiên chàng nhận ra những vết máu còn khá rõ in hằn trên lớp gỗ mộc không sơn phết phía trong rương. Những vết máu ấy hoặc vừa mới xuất hiện cho chàng thấy, hoặc vốn đã nằm ở đó mà lúc nãy khi mở hòm lần đầu chàng không chú ý. Chàng thở dài, đậy nắp, ngước nhìn bức hình trắng đen một lần nữa và thì thầm:

- Cô Thanh Tâm ơi! Xin hãy an nghĩ đừng về nữa. Tôi đã hiểu rồi nỗi oan khuất của cô! Thôi giã từ! Cô Thanh Tâm nhé!

Rồi chàng bỏ vào buồng ngủ. Quả nhiên từ đó cho đến sáng, cảnh vật hoàn toàn bình lặng, không còn tiếng động nào đánh thức chàng trong màn đêm u tịch.

Qua mấy tiếng đồng hồ ngủ bình an trong căn nhà lạ, Lộc choàng mắt dậy thì bên ngoài mặt trời đã lên cao, nắng rọi chan hoà qua các khe hở. Lộc ngồi lên, dụi mắt và mấy giây sau mới nhớ lại trọn vẹn câu chuyện đêm hôm qua.Chàng lao vội xuống đất. Việc đầu tiên là chàng chạy ra phòng khách, nhìn lên bức hình Thanh Tâm trên nóc tủ. Người như thế sao lại chết quá sớm! Lộc bùi ngùi lắc đầu thở dài rồi quay lại nhìn chiếc hòm đem kê sát vách, từng hành hạ súôt đêm qua.Sực nhớ ra sáng nay phải trình diện nhận nhiệm sở, Lộc tạm gác chuyện nhà, ra sau đánh răng rửa mặt để chuẩn bị đến bệnh viện.

Thay quần áo xong. Lộc bước ra thềm. Toan khoá cửa thì chàng giật mình thấy cả chục người đứng lố nhố thập thò ngoài đường nhìn chàng soi mói. Ai cũng ngạc nhiên và dường như thất vọng vì sau một đêm trong căn nhà ma, chàng vẫn còn nguyên vẹn, không sức mẻ gì cả! Chàng khóa cửa rồi quay lại nhìn họ và mỉm cười. Lập tức họ tản mác ra xa, nhất là khi chàng bước xuống sân để ra đường. Bà hàng xóm đứng dưới hàng mướp, há mồm nhìn chàng ngơ ngác. Đêm qua cả nhà bà nằm yên, hồi hộp lắng nghe mà tuyệt nhiên không thấy biến cố nào từ nhà Lộc đánh thức bà dậy như người ta đồn đãi. Mà chẳng phải người ta đồn đãi. Chính mắt bà chứng kiến vài người thuê trước đây, hoặc tung cửa bỏ chạy giữa đêm khuya, hoặc sáng sớm đã phờ phạc dọn đồ ra và đi vĩnh viển. Chỉ có mình Lộc là thản nhiên như không, còn mỉm cười gật đầu chào bà nữa! Bà tò mò hỏi:

- Cậu Ba hồi hôm ngủ được không?

Lộc biết bà ta đang theo dõi mình, nên điềm tĩnh đáp:

- Dạ, được chứ Bác!

Bà không biết nói gì nữa, chỉ trố mắt nhìn Lộc ngạc nhiên. Nếu thế thì bà tiếc lắm, bởi chủ nhân đã gạ bán rất rẻ cho bà mà bà không dám mua.

Lộc đến bệnh viện gần 10 giờ. Chàng vào trình diện bác sĩ giám đốc, mà đầu vẫn mang nặng hình ảnh cô gái bạc mệnh. Rất may chàng được ông cho nghỉ thêm một ngày thu xếp chỗ ăn chỗ ở. Để bù lại thì đêm nay chàng sẽ phải trực bệnh viện đêm đầu tiên, thay cho một đồng nghiệp xin nghỉ bất ngờ vì gia đình ở Sài Gòn có chuyện khẩn cấp. Lộc cám ơn rồi vội vã ra phố. Chàng không về nhà mà chạy ngay lại tìm bà chủ nhà, có tiệm bán vải ngoài thị xã. Bà tuổi ngoài năm mươi, buôn bán lâu năm, quen biết gần hết bạn hàng ngoài chợ. Người ta theo thói quen, lấy tên tiệm để đặt tên cho chủ nhân, nên ai cũng gọi là bà Kiến An, chánh quán của vợ chồng bà trước khi di cư. Vì là người Bắc lọt vào chung sống giữa khu sinh hoạt toàn dân địa phương, nên lúc nào bà cũng phải tỏ ra vồn vã với người chung quanh. Chồng bà ngày trước là sĩ quan tiếp liệu phục vụ ngay trong tiểu khu, mới giải ngũ được hai năm, về phụ với vợ con đi giao hàng xuống các chợ quận. Nói chung thì đó là một gia đình rất thành công về mặt kinh tế.

Buổi sáng hôm ấy tiệm vải chưa có khách. Bà Kiến An đang ngồi ở chiếc bàn nhỏ sát vách bên trong, trước mâm bánh hỏi thịt quay và ly sữa đậu nành, thì Lộc lừng lững đi vào. Hôm qua từ bến xe đò, chàng có theo bà đến đây, nhưng chỉ đứng ở ngoài chờ bà vào lấy chìa khoá rồi cùng bà đến căn nhà cũ.

Vừa gắp miếng thịt quay chưa kịp đưa lên miệng thì thấy Lộc xuất hiện, bà Kiến An sợ quá, mặt tái nhợt, quăng vội đôi đũa và đứng bật dậy chờ đợi. Bà yên trí là Lộc đến để chửi bà, vì trước khi cho thuê bà đã không nói cho Lộc biết căn nhà đó có ma.Kinh nghiệm này bà đã trải qua đến ba lần: người mướn chỉ ở có một đêm rồi đòi tiền lại và bỏ đi. Huống chi dân tỉnh lẻ vốn nể người học thức, biết Lộc là bác sĩ, bà càng sợ hơn. Nhưng trái với dự đoán của bà, Lộc tiến thẳng vào, tự tiện kéo ghế ngồi đối diện rồi mệt mỏi hỏi:

- Cô Thanh Tâm là gì của bà?

Bà Kiến An há hốc mồm nhìn Lộc, khá lâu mới ú ớ hỏi lại:

- Làm sao bác sĩ biết nó?

Lộc nhắc lại bằng giọng lạnh lùng hơn:

- Cô ấy là gì của bà?

Bấy giờ bà Kiến An mới bật khóc và nói:

- Nó là con gái đầu lòng của vợ chồng tôi! Nó chết rồi, bác sĩ ơi... chết thảm lắm! Quân sát nhân nhét con gái tôi vào hòm, định đem đi thủ tiêu. Nhưng con gái tôicòn sống, tỉnh dậy trong hòm, giãy giụa vùng vẫy, chúng nó lấy búa đập cho vỡ đầu! Khổ thân con tôi!...

Ngừng một chút, bà nức nở tiếp:

- Bác sĩ ơi! Hôm ấy trời mưa to.Cả nhà tôi đi vắng. Hai thằng chúng nó rình từ lâu rồi mà chúng tôi không biết. Đợi cả nhà đi vắng mà trời lại mưa, chúng nó mới lẻn vào ăn trộm. Trời xui đất khiến giữa lúc ấy thì cháu Tâm ở ngoài chợ về. Thế là chúng nó túm ngay lấy...

Lộc đưa tay ngăn lời bà, rồi nhắm mắt lại và thở dài. Chàng không muốn nghe nữa. Bi đát quá! Mọi phỏng đoán của chàng đều đúng cả. Diễn tiến cái chết của Thanh Tâm, chàng sẽ tìm hiểu sau. Vấn đề phải giải quyết ngay bây giờ là làm sao để linh hồn người quá cố được an nghỉ, không trở về nữa. Chàng mủi lòng nhìn bà Kiến An thương cảm. Ngay từ lúc bước vào, chàng đã ngờ ngợ đoán là bà có liên hệ ruột thịt với Thanh Tâm bởi Thanh Tâm có khuôn mặt rất giống bà. Gần ba năm nay bà đã khóc nhiều, nước mắt tưởng đã khô cạn rồi mà hôm nay lại phải trào ra vì câu hỏi gợi nhớ của Lộc. Chàng mủi lòng nói nhỏ:

- Vâng! Tội nghiệp cô ấy xinh đẹp thế mà lại yểu mệnh!

Bà Kiến An nâng vạt áo thấm hai bên mắt, rồi mở to mắt ngạc nhiên hỏi Lộc:

- Làm sao bác sĩ biết nó? Vâng! Con bé xinh xắn phúc hậu lắm, mà trời chẳng thương! Chắc có ai kể cho bác sĩ nghe, phải không?

Chàng chưa kịp đáp thì bà quay vào gọi lớn:

- Liên ơi, dọn mâm xuống. Lấy cho bà bình trà, nhanh lên!

Lộc vội cản:

- Mời bà cứ tự nhiên. Bà vừa ăn sáng vừa nói chuyện cũng được.

Bà Kiến An đan hai bàn tay vào nhau và từ tốn nói:

- Không dám! Hay là để mời bác sĩ ăn quà luôn thể!

Lộc xua tay:

- Cám ơn bà. Không dám làm phiền bà!

Chàng vừa dứt câu thì cô người làm từ căn buồng nhỏ ra dọn bàn, đồng thời đặt khay trà nóng, rót ra hai cái tách nhỏ. Chàng đỡ một ly từ tay bà Kiến An rồi trở lại câu chuyện cũ. Chàng bùi ngùi nói:

- Chẳng có ai kể với tôi cả. Chính bà còn không kể thì huống chi là người ngoài. Sỡ dĩ tôi biết cô Thanh Tâm là vì đêm hôm qua tôi gặp cô ấy!

Bà Kiến An ngồi tựa ra thành ghế, đôi mắt nhìn xa xăm rồi giòng lệ từ từ chảy xuống. Chuyện này với bà không có gì lạ. Con bà đã hiện về với nhiều người, và người nào cũng phải bỏ căn nhà ấy. Bà sụt sùi nói:

- Con tôi chết oan. Hồn chưa siêu thoát được!

Lộc điềm tĩnh bảo bà:

- Tôi vốn không tin chuyện hồn ma hiện về. Mãi hôm qua thì tôi đành phải tin. Nhưng tôi hy vọng từ nay con bà sẽ không về nữa đâu.

Bà Kiến An lại thêm một lần ngạc nhiên về câu nói của Lộc. Bà hỏi lại:

- Bác sĩ bảo sao cơ ạ! Con tôi từ nay không về nữa? Sao bác sĩ biết?

Lộc chậm rãi giải thích:

- Tôi cũng chỉ đoán thế thôi. hôm qua tôi đã thử và thấy có kết quả! Tôi đề nghị thế này: Bà với tôi đem chôn cái hòm đó đi. Tại sao đã hơn hai năm nay mà bà vẫn giữ cái hòm ấy để làm gì?

Bà Kiến An ngắt lời:

- Thưa tại vì dạo ấy cảnh sát đòi giữ cái hòm ấy lại để làm tang vật. Rồi nhà tôi cứ để đấy. Mấy lần định đem đốt đi mà rồi chả hiểu sao cứ quên!

Lộc tiếp tục ý kiến của mình. Chàng nói:

- Vâng! Bỏ đi là phải. Nhưng không nên đốt, mà nên đem chôn. Hôm qua tôi tìm thấy bức hình cô Thanh Tâm bị lật úp trên nóc tủ. Tôi đã lau sạch và dựng lại đàng hoàng rồi. không có nhang đèn gì cả, nhưng tôi đọc kinh cầu cho linh hồn cô ấy. Quả nhiên từ ấy cô ta không về nữa. Bà theo đạo Phật thì bà đón thầy đến cúng cho cô ấy. Còn tôi là người công giáo, tôi sẽ xin lễ nhà thờ cầu cho cô ấy yên nghỉ, xong rồi tôi sẽ ở lại căn nhà của bà...

Bà Kiến An cảm động oà lên khóc lớn, rồi đứng dậy bước sang níu vai Lộc:

- Tôi không biết nói lời gì để tạ ơn bác sĩ có lòng đối với con tôi. Vâng! Bác sĩ dạy thế nào, tôi cũng xin vâng theo. Bác sĩ chờ cho một lát để tôi bảo nó đi gọi nhà tôi. Ông ấy mới ra chợ ăn hủ tíu. Để tôi cho người đi gọi ngaỵ Hôm nay tôi đóng cửa hiệu để lo việc cho cháu Thanh Tâm! Trăm sự nhờ bác sĩ cả!

Dứt lời bà gọi người làm, bảo chạy ngay ra chợ. Còn bà thì lên lầu thay áo dài, chuẩn bị đám tang lần thứ hai cho con gái.

Qua một ngày bận rộn trăm việc, Lộc chờ đêm đến và quả nhiên căn nhà trở lại bình thường, không còn tiếng động nào nữa. Thậm chí con mèo đen đêm hôm qua hai lần xuất hiện, tối nay cũng biến mất hẳn, không quấy rầy Lộc nữa. Bà Kiến An đem bức hình Thanh Tâm về lập bàn thờ cúng kiến cho con. Còn Lộc thì đến nhà thờ xin tượng thánh giá treo trên nóc tủ. Hàng xóm chung quanh nhìn Lộc hết sức cảm phục, kéo nhau đi theo đám tang chôn cái hòm rỗng, cả mấy chục người.

nhóc phù thủy
29-07-10, 10:19 PM
Đêm hôm sau, Lộc có ca trực đầu tiên tại bệnh viện. Chàng thấy lòng mình thanh thản vì vừa giải quyết xong được một câu chuyện khúc mắc đã mấy năm ở thị xã này, giúp cho ông bà Kiến An đỡ tuổi thân mà vong linh cô Thanh Tâm cũng được yên ổn bên kia thế giới. Chàng đi một vòng bệnh viện, qua các khu điều trị chuyên môn, đọc báo cáo của y tá, chữa một vài bệnh nhân khẩn cấp rồi trở về phòng trực ngồi viết lá thư cho mẹ. Bây giờ thì rất cảm phục mẹ mình. Chàng sẽ kể tỉ mỉ câu chuyện căn nhà ma mà chàng đang ở để xác nhận với mẹ rằng mẹ chàng nói đúng: quả thực dương gian có sự hiện hữu của người từ cõi âm. Chàng coi đây là một kinh nghiệm hiếm có mà chắc sẽ chẳng bao giờ tái diễn lần thứ hai trong đời.

Gần nửa đêm, khuôn bệnh viện bắt đầu lắng đọng. Người vào thăm nuôi đã ra về hết. Chàng nhờ nhân viên xuống câu lạc bộ mua cho chàng ly cà phê đá. Trong khi chờ đợi, chàng mở tờ báo cũ cách đây gần ba năm mà ông bà Kiến An vẫn giữ kỹ trong tủ, bởi tờ báo ấy có đăng bản tin ngắn về cái chết của Thanh Tâm. " Án mạng rùng rợn: Cướp của giết người. Nạn nhân là một thiếu nữ 19 tuổi ". Báo chí VN thì thường chỉ làm được một chức năng là thông tin thôi, chứ ít có trường hợp người ký giả hay phóng viên tự nguyện lao vào những cuộc điều tra rắc rối mà đôi khi đạt được hiệu quả cao hơn cả cảnh sát, như báo chí bên Mỹ. Lộc đọc lướt qua bản tin, rồi lại chăm chú nhìn lại bức hình Thanh Tâm in khá lớn bên cạnh. Vẫn là bức hình trên nóc tủ mà hôm qua chàng đã trao cho ông bà Kiến An đem về nhà lập bàn thờ. Lòng chàng lại nao nao lên một niềm xúc động khôn nguôi. Chàng gấp tờ báo, cất vào cặp để trả lại cho ông bà Kiến An. Rồi chàng lấy giấy bút trong ngăn bàn ra viết. Mẹ chàng chắc chắn sẽ ngạc nhiên vì lần đầu tiên thằng con bướng bỉnh như Lộc mà đành phải tin có ma. Nghĩ đến đây, bỗng dưng Lộc mỉm cười, ngừng bút, nâng ly cà phê uống một hớp lớn, rồi đứng dậy bước ra hành lang. Đã quá nửa đêm, sân bệnh viện không còn một bóng người. Chỉ có những ngọn đèn vàng hiu hắt trong không gian mờ mờ hơi sương. Chàng đứng một lúc cho thoáng khí, rồi quay vào phòng ngồi viết tiếp. Bỗng có tiếng gõ cửa. Chàng ngẩng lên nhướng mắt nhìn ra, nhưng không nhận rõ một cô y tá mặc áo blouse trắng đang đứng ngoài hành lang mờ tối. Cô lên tiếng:

- Xin lỗi bác sĩ!

Lộc dịu dàng nói:

- Không sao! Cô cứ vào đi. Có việc gì đấy!

Cô y tá bước hẳn vào trong, nhưng đứng sát khung cửa, dáng điệu rụt rè có lẽ vì lần đầu tiên gặp Lộc. Ở bệnh viện nào thì lâu lâu vẫn có những ông bác sĩ rất khó tính mà nhân viên cũng như bệnh nhân đều sợ. Lộc thoải mái nhắc lại:

- Có việc gì đấy cô?

Vừa nói chàng vừa chăm chú quan sát. Cô y tá còn trẻ lắm, nhưng nét mặt có vẻ xanh xao mệt mỏi như thiếu ngủ lâu ngày, hoặc có lẽ vì cô chuyên làm ca đêm. Cô nói:

- Thưa bác sĩ, bên khu nội khoa có bệnh nhân vừa mới chết. Xin bác sĩ xuống chứng nhận để chuyển qua nhà xác. Lộc gấp vội tờ giấy và đứng dậy nói:

- Vâng! Tôi xuống ngay!

Chàng mở hộc tủ. Cất giấy bút vào. Cô y tá nói thêm:

- Thưa bác sĩ! Khu nội khoa, dãy A, giường số 37.

Dứt lời cô quay đi và bước nhanh theo hành lang. Lộc nâng ly cà phê uống cạn, rồi cũng tất tả ra cửa. Chàng định hỏi thăm cô y tá vài chuyện về sinh hoạt trong bệnh viện, nhưng cái dáng cao gầy của cô thoăn thoắt bước đi, mới thoáng đó mà đã xa hẳn Lộc, rồi rẽ sang dãy nhà bên phải. Lộc vào đến dãy A khu nội khoa đã thấy ở giường số 37 lố nhố dăm ba người đứng vây quanh, gồm y tá và vài bệnh nhân hiếu kỳ bên cạnh. Thấy chàng, họ xích ra để nhường lối. Người chết đã được phủ một tấm khăn trắng kín từ đầu tới chân. Lộc đến gần, cúi xuống lật tấm vải ra để khám nghiệm lần cuối. Nhưng vừa nhìn thấy mặt người chết, chàng bật lùi lại một bước, đứng sững và suýt kêu lên thành tiếng. Vì cái người nằm chết trên giường số 37 đó là chính cô thiếu nữ mặc đồ y tá vừa sang tận văn phòng gọi chàng.


Hết

b0y_nghe0
29-07-10, 10:20 PM
Đọc xong nổi cả ốc....hehe thank bạn nhé..hay đó :D

caydangtinhdoi
29-07-10, 10:38 PM
"Trời quang mây tạnh bạn bè đông
Phong ba bão táp một mình boy"

TẶNG CHO BOY...

b0y_nghe0
29-07-10, 10:43 PM
"Trời quang mây tạnh bạn bè đông
Phong ba bão táp một mình boy"

TẶNG CHO BOY...
uh thanks CĐ-TĐ nha...có như vậy mới biết người biết ta...để rồi tiếp tục sống...:D

thuytinh
30-07-10, 10:36 AM
Nhóc ơi, TT cũng mê truyện của chú Nguyễn Ngọc Ngạn lắm, nhưng tiếc là đã đọc hết rồi, nghe hết rồi, truyện ma, truyện kinh dị ở truyen.com, vietfun cũng đọc hết rồi, Nhóc có biết chỗ nào còn nhiều truyện ma nữa không? ngày xưa cô giáo cho đọc tập Liêu trai chí dị - Bồ tùng linh, nhưng đọc xong mà chẳng thấy feel gì cả, TT ưa thể loại truyện như của chú Ngạn thôi, bình dị, dễ hiểu, nhất là truyện Audio, đôi khi thêm phần nhạc đệm, nghe mới thấy thích. Nhóc biết chỗ nào có nhiều truyện ma, truyện kinh dị không? bảo TT 1 câu nha. Nghe nhiều nên quen rồi, tối nào cũng nghe, nghe xong mới đi ngủ.

ninhtroc_7x
30-07-10, 10:41 AM
Nhóc ơi, TT cũng mê truyện của chú Nguyễn Ngọc Ngạn lắm, nhưng tiếc là đã đọc hết rồi, nghe hết rồi, truyện ma, truyện kinh dị ở truyen.com, vietfun cũng đọc hết rồi, Nhóc có biết chỗ nào còn nhiều truyện ma nữa không? ngày xưa cô giáo cho đọc tập Liêu trai chí dị - Bồ tùng linh, nhưng đọc xong mà chẳng thấy feel gì cả, TT ưa thể loại truyện như của chú Ngạn thôi, bình dị, dễ hiểu, nhất là truyện Audio, đôi khi thêm phần nhạc đệm, nghe mới thấy thích. Nhóc biết chỗ nào có nhiều truyện ma, truyện kinh dị không? bảo TT 1 câu nha. Nghe nhiều nên quen rồi, tối nào cũng nghe, nghe xong mới đi ngủ.
Sao phải đọc ở đâu . Tối thuytinh ra nghĩa địa mà ngồi đủ các loại ma...ma xó , ma chơi ... ma nào cũng có....:alien-baby:

thuytinh
30-07-10, 12:23 PM
Theo ý ông anh thì em nghĩ chẳng phải đi đâu xa, ngay đây cũng có 1 con RỒNG Dotienninh rồi, "MA CÀ RỒNG" kha kha kha