PDA

View Full Version : Thực vật ăn uống và săn mồi như thế nào?



catbuitinhdoi
12-04-03, 03:48 AM
Trong thiên nhiên có vô số điều kỳ lạ: một vài loài thực vật tự biết cách xoay sở để ăn, uống và tạo ra những cái bẫy để săn mồi. Chúng trở thành những sát thủ trứ danh.

Thoạt nhìn, rong ly chẳng có vẻ gì là một loài ăn thịt đáng sợ. Chúng gốc ở miền nam châu Phi, sống yên tĩnh trong những vùng đầm lầy dưới bóng những thực vật bao quanh nó. Tuy nhiên, phần thân ở dưới đất được trang bị một cái bẫy với hiệu quả khủng khiếp biến nó trở thành sát thủ thực sự. Đó là những cái túi nhỏ khép kín khi nghỉ ngơi và miệng túi thì lại có những sợi lông luôn dỏng lên thám thính. Nếu một con sâu nhỏ hoặc động vật đơn bào tiến lại gần thì hàng mi sẽ rung động và cái bẫy được giương lên: miệng túi mở ra và hút con mồi vào bên trong. Bị giam hãm, nạn nhân sẽ chết vì ngộp thở, trước khi bị phân huỷ bởi những enzyme tiêu hoá của loài thực vật, cũng như bởi những vi khuẩn mà nó chất chứa và sinh sôi nảy nở trong khoang. Đó là cái tủ chứa thức ăn của rong ly.

Cây bắt ruồi sống trong những vùng bình nguyên rộng lớn của hai tiểu bang Bắc và Nam Carolina (Mỹ). Nó được trang bị một cái bẫy gồm hai cái thùy chồng chéo lên nhau và có thể khép lại như một cái hàm. Trên mặt bẫy, những cái mi xúc giác dựng lên, sẵn sàng dò tìm dấu vết của con mồi. Khi nạn nhân - ở đây là một con ruồi - bị thu hút bởi mật hoa của cây, đặt chân lên bẫy, lập tức hai cái thuỳ sẽ đóng lại chỉ trong 1/30 giây, và con ruồi sẽ vô phương chạy trốn. Con mồi được tiêu hoá bởi những enzyme trong 24 giờ, sau đó những cái thuỳ lại mở ra, để tiếp tục săn bắt.

Cây rong đông sữa (cùng họ với rong ly) với cựa dài và những chiếc lá được sử dụng như cái bẫy để bắt sâu bọ. Dưới kính hiển vi điện tử, ta có thể thấy hàng ngàn xúc tu nhỏ xíu và nhầy nhụa, được gọi là tuyến cuống, bắt giữ bất cứ con ruồi nhỏ bé nào đậu trên bề mặt của nó. Một khi con vật đã nằm bất động, những tuyến khác sẽ tiết ra enzyme tiêu hoá để phân huỷ con mồi và biến nó thành thức ăn.
Được gọi là "sừng nai", dương xỉ Platycerium phát triển trên tất cả lục địa. Những cái lá hình lược của nó tạo nên bồn chứa, dùng để thu lượm những cái lá khác rơi từ trên cây mà chúng sống nhờ. Tự phân huỷ trong cái giỏ thiên nhiên ấy, lá rơi dần dần biến thành mùn, làm thức ăn nuôi cây dương xỉ. Loài cây này còn được gọi là cây biểu sinh, nghĩa là mọc trên vỏ của một cây khác mà nó được nuôi dưỡng một cách gián tiếp và không phương hại tới cây chủ. Những lá khác của dương xỉ, nhỏ hơn, thực hiện sự quang hợp và sản xuất bào tử để duy trì nòi giống.

Cây tillandsia được mệnh danh là "con gái của không khí" thì cắm rễ trên một cái cây, và chờ đợi một trận mưa rào. Thật thế, thân và lá của nó phủ một mạng lưới vảy rất dày chứa đầy nước. Lượng nước này được hút lên qua một cái lỗ ở dưới mỗi vảy. Hơn nữa, khi nước chảy trên cây, tillandsia đã hấp thu các chất muối khoáng từ những tế bào chết của cây.

Sau cùng là cây mạch nước. Trên đảo Hierro, thuộc quần đảo Canary (Tây Ban Nha), một "biển sương mù" bao phủ các khu rừng khoảng 200 ngày mỗi năm. Một loài cây huyền thoại, được gọi là cây mạch nước, khai thác sương mù thành nước nhờ một phương thức độc đáo. Những cái lá rộng của nó hút nước từ sương mù cô đọng trên bề mặt lá trước khi chảy dọc theo những cành cây. Cây cũng đảm trách cả công việc tự tưới tiêu: đất bao quanh nó được mau chóng thấm nước. Cho tới thế kỷ 16, những người Guanche bản xứ, khai thác sản phẩm của cây mạch nước, nhờ những giếng lộ thiên thu gom nước của nó. Người ta cũng được biết có những cây mạch nước khác sống trong các vùng khô cằn vừa có nhiều sương mù, như ở vương quốc Oman hoặc Chile.