PDA

View Full Version : Không thể xếp thằn lằn là động vật máu lạnh



catbuitinhdoi
12-04-03, 03:50 AM
Nhóm bò sát này thông minh hơn nhiều so với những loài máu lạnh thông thường. Không chỉ đơn giản là sưởi nắng trên đá, chúng còn biết sử dụng các hệ thống sinh lý phức tạp để kiểm soát thân nhiệt của mình. Đó là kết quả nghiên cứu của một nhà khoa học Australia.

Từ lâu, các nhà khoa học vẫn cho rằng quá trình điều chỉnh thân nhiệt của thằn lằn rất đơn giản, mang đậm dấu ấn của động vật máu lạnh: Chúng chỉ phơi mình trên đá khi thấy lạnh, và chuyển vào bóng râm khi đã đủ ấm.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu đời sống của 11 con thằn lằn có ngạnh (tên khoa học là Pogona vitticeps) tại bang New South Wales, tiến sĩ Frank Seebacher, Đại học Sydney, phát hiện thấy chúng biết sử dụng một loại vật chất chưa hề được biết ở bò sát để điều thỉnh thân nhiệt. Đó là prostaglandins - một nhóm chất sinh lý, rất phổ biến trên động vật có xương sống và một số loài lưỡng cư.

Ở người, prostaglandins đóng vai trò kiểm soát các cơn đau, mức độ sốt, cũng như trong việc sinh sản. Ngoài ra, nó còn có khả năng thay đổi đường kính mạch máu. Chính vì thế, Seebacher và cộng sự Craig Franklin cho rằng, prostaglandins phải có vai trò nào đó trong việc điều chỉnh nhiệt độ ở thằn lằn. Tuy chưa biết thực sự cơ chế tác động của hợp chất này, nhưng theo các nhà nghiên cứu, có thể prostaglandins đã cho phép thằn lằn thay đổi nhịp tim và thông qua đó kiểm soát được thân nhiệt. Dưới nắng ấm hoặc trong bóng râm, việc điều chỉnh nhịp tim và sự lưu thông máu sẽ giúp thằn lằn ấm lên hoặc lạnh đi với tốc độ vừa phải.

Mặc dù biện pháp cân bằng nhiệt này không giống với cơ chế ở động vật có vú (là những động vật máu nóng có thân nhiệt không đổi), nhưng nó cũng chứng tỏ thằn lằn có "đẳng cấp" cao hơn hẳn động vật máu lạnh. Nói cách khác, việc coi thằn lằn là một loài máu lạnh không còn hợp lý nữa.

“Tôi không bao giờ thực sự hài lòng với khái niệm máu lạnh. Nó gợi nên một ấn tượng sai lầm. Có lẽ tốt hơn phải gọi là ectotherm - nhận nhiệt từ bên ngoài, hay ngoại thu nhiệt”, Seebacher nói. Tương ứng như vậy, động vật có vú là những loài endotherm - nhận nhiệt từ bên trong, hay nội thu nhiệt.

Seebacher cho biết, phát hiện trên có thể cũng đúng với hầu hết các loài bò sát. Nghĩa là giống như thằn lằn, chúng tăng nhịp tim khi nóng và làm chậm lại khi lạnh.

Bước tiếp theo trong nghiên cứu là xác định xem bằng cách nào thằn lằn đo được thân nhiệt của nó. Hầu hết động vật có xương sống sử dụng những thụ quan cảm nhận nhiệt ở trên da, và thông qua hệ thống thần kinh để kích hoạt vai trò kiểm soát của prostaglandic. Seebacher phỏng đoán có lẽ quá trình tương tự như vậy cũng xảy ra ở thằn lằn.