PDA

View Full Version : Khủng long cũng ăn thịt đồng loại



catbuitinhdoi
12-04-03, 03:59 AM
Những con khủng long trên vùng đồng bằng Madagascar hơn 65 triệu năm trước không chỉ xơi tái kẻ khác loài, mà còn làm thịt cả họ hàng, bạn bè chúng. Hai bộ xương hóa thạch mới được tìm thấy ở đây đã chứng tỏ điều đó: Những chiếc xương và dấu răng nham nhở trên đó đều thuộc cùng một loài.

Những hóa thạch này thuộc về Majungatholus atopus, một loài khủng long ăn thịt đi bằng hai chân, dài hơn 9 mét tính từ mũi tới đuôi - họ hàng xa của khủng long bạo chúa Tyrannosaurus Rex.

Ray Roger và cộng sự thuộc Đại học Macalester ở thành phố St Paul, bang Minnesota (Mỹ) đã phân tích hơn 20 chiếc xương bị gặm nhấm nham nhở, thuộc hai cá thể khác nhau, được tìm thấy trong một lòng sông cổ ở tây bắc Madagascar. “Chưa bao giờ tôi thấy thứ gì bị nhai nghiến dữ dội đến vậy”, Roger nói. Điều kỳ lạ là dấu răng trên những chiếc xương này trùng khớp với răng trong một hộp sọ Majungatholus được tìm thấy cũng ở khu vực đó.

"Đống xương bị quần nát tả tơi, giống như thể một con sói đồng cỏ nhai một con bò vậy", Rogers giải thích. Có những dấu răng song song, cách nhau vài centimét trên xương sườn và xương sống. Khoảng cách và hình dạng của những vết hằn này không trùng hợp với kiểu răng của một vài động vật khác sống cùng thời kỳ đó. Tất cả những điều này chứng tỏ Majungatholus đã chết dưới hàm răng sắc nhọn của một kẻ cùng loài với nó.

“Phát hiện này đã mở ra một cách nhìn sâu sắc về thế giới bò sát khổng lồ ở cuối kỷ Creta”, Rogers bình luận.

Tuy nhiên, Majungatholus cũng chứng tỏ bản lĩnh của một kẻ săn mồi thực thụ: trong thực đơn của nó, ngoài những con cùng loài, còn có cả khủng long ăn thực vật, có cổ và đuôi dài (sauropod). Các nhà nghiên cứu đã khẳng định điều này khi họ tìm thấy những dấu răng tương tự trên một bộ xương lớn của sauropod.

Cùng với hai con khủng long xấu số, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy xác của những con khủng long khác, cá sấu, rùa, cá, ếch và chim ở gần đó, trong hai nghĩa địa lớn của động vật cùng nằm trên lòng sông cổ này.

Roger cho biết các mẫu đất hóa thạch ở lòng sông có màu đỏ và bị oxy hóa, chứng tỏ nơi đây từng bị khô hạn, nguồn thức ăn chỉ đủ cung cấp cho các loài trong một thời gian ngắn. Có lẽ vì vậy, động vật đã phải di cư tới gần bờ sông để tìm kiếm nước và thức ăn, rồi chết ở đó. Tuy nhiên, nếu giả thuyết này là đúng, thì Majungatholus có thể chỉ là những kẻ đi bới xác chết để chống đói, chứ không phải là động vật ăn thịt đồng loại.

Thói quen “man rợ” này vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay trên hơn 14 loài, trong đó có sư tử, rồng komodo, cá sấu và chuột nhảy. Ngược lại, bằng chứng về hành vi xơi tái lẫn nhau giữa các loài khủng long là rất hiếm hoi.