Phần lớn cá sống dưới nước hô hấp được là nhờ bộ mang. Tách khỏi môi trường nước, mang không hoạt động thì cá chết ngạt. Thế nhưng, cũng có một số loài cá như lươn, chạch hoặc cá lóc…, thỉnh thoảng rúc sâu dưới lớp bùn đặc quánh. Riêng cá rô thậm chí có thể phóng lên cây.

Đấy là tập tính được hình thành tự bao đời nhằm thích nghi với môi trường sống. Những loài vừa kể ngoài bộ mang để thở dưới nước, còn có thêm cơ quan hô hấp phụ để thở dưới bùn sâu hoặc thở trên cạn. Tùy từng loại, cơ quan hô hấp phụ có cấu trúc khác nhau và tất nhiên không so sánh được với cơ quan hô hấp chính là mang. Ở lươn, bộ phận này nằm ở thành khoang miệng và họng, ở chạch là ruột và lớp da bọc ngoài cơ thể. Nhờ phần hô hấp phụ này, lươn lẫn chạch có thể sống dưới bùn sâu hàng tháng. Cơ quan hô hấp phụ của cá lóc và cá rô nằm trong khoang mang. Trong bộ mang của chúng có những mảnh sụn nhỏ chứa nhiều mạch máu li ti hấp thụ được ôxy từ không khí. Nhờ vậy, chúng có thể leo được cả lên cây mà không hề hấn gì.