“Em là người bình thường nhưng những người quen và biết hoàn cảnh của em đều xa lánh em. Chỉ vì chồng em là người nhiễm HIV”, chị N., kể trong tiếng nấc nghẹn tại cuộc hội thảo “Vượt qua rào cản của sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV” diễn ra tại TP HCM.

Biết anh nhiễm HIV nhưng chị vẫn yêu và lập gia đình với anh, cuộc sống hai người sẽ rất hạnh phúc nếu không có sự kỳ thị của những người xung quanh. Ngay cả mẹ chồng của chị, vì hoàn cảnh nghèo phải đi bán vé số. Thế nhưng từ khi biết anh bị nhiễm HIV, người ta tránh xa bà, không mua vé số.


Một người bị nhiễm trẻ tuổi, gửi thư cho ban giám đốc bệnh viện từng điều trị cho mình: “Trong thời gian nằm tại bệnh viện em rất tủi thân vì thái độ khinh rẻ, coi thường của những cô hộ lý, y tá đối với em. Cũng là con người với nhau sao các cô lại phân biệt đối xử như vậy, mắc bệnh này là ngoài ý muốn của em. Đâu có ai muốn mắc bệnh quái ác này… Em mong rằng các bác sĩ, các cô hộ lý hãy rủ lòng thương xót những người như em dù trong lòng có ghê sợ đi nữa cũng không nên tỏ ra ngoài mặt”.

Tiến sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, nhận định, nguồn gốc và nguyên nhân của kỳ thị là do thiếu hiểu biết sâu về AIDS, nhất là sự lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường. Hầu hết trẻ học đến lớp 5 đều có thể nói rõ ba con đường lây nhiễm HIV, thậm chí, nhiều cuộc điều tra còn cho thấy hơn 90% người dân hiểu biết vấn đề này. Tuy nhiên, sự hiểu đó cũng chỉ là chung chung, không cặn kẽ, trả lời trôi chảy nhưng trong lòng vẫn cứ lo, không biết dùng chung khăn, muỗng nĩa… có bị lây không.

Việc tuyên truyền không đúng đắn trong một thời gian dài cũng là nguyên nhân. Trước đây khi nói đến HIV người ta luôn đưa ra những hình ảnh đầu lâu, lưỡi hái tử thần… khiến người dân sợ bệnh AIDS và sợ luôn cả người bị AIDS. Ngay cả chính sách nhà nước cũng chưa đúng khi gắn kết phòng chống AIDS với phòng chống tệ nạn xã hội (lập ra Ủy ban Phòng chống AIDS và Phòng chống các tệ nạn xã hội).

Ông Giang nhấn mạnh, việc kỳ thị này làm người nhiễm và gia đình sợ bị tiết lộ thông tin về tình trạng nhiễm HIV; người có nguy cơ nhiễm HIV không dám xét nghiệm; người nhiễm không dám áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người khác vì sợ bị phát hiện (ví dụ trường hợp người chồng bất chợt thay đổi hành vi như dùng bao cao su trong sinh hoạt vợ chồng sẽ dễ bị vợ nghi ngờ…).

Tất cả những điều này sẽ cản trở mọi nỗ lực hoạt động phòng chống AIDS, làm cho dịch HIV càng phát triển nhanh và mạnh hơn.

Bác sĩ Shigeru Omi, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết tháo đi ngòi nổ của sự kỳ thị bao quanh đại dịch HIV/AIDS đã ít nhiều đưa ra một phần giải pháp, giống như việc sử dụng bao cao su và bơm kim tiêm sạch. Đó chính là lý do tại sao chủ đề được chọn trong ngày AIDS thế giới năm 2002 - 2003 là “Vượt qua rào cản của sự kỳ thị và phân biệt đối xử: Hãy sống và giúp nhau sống”.



Các biểu hiện của :
-Kỳ thị - Xa lánh: tránh gần gũi, đụng chạm, sử dụng đồ dùng chung - Từ chối: mất chỗ ở, mất việc làm, học tập, bị đùn đẩy khi khám chữa bệnh... - Cô lập: Ở riêng trong gia đình, khu riêng trong bệnh viện... - Sự bàn tán, nói xấu của cộng đồng - Mất dần vị trí trong gia đình và xã hội - Mất khả năng tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho cuộc sống: nhà ở, việc làm, chăm sóc sức khỏe...

-Tự kỳ thị: - Mặc cảm tội lỗi, tự ti, mất tự tin và tự cô lập - Chán nản, tuyệt vọng trong cuộc sống và mọi mối quan hệ - Từ bỏ các ước muốn của cuộc sống: việc làm, thăng tiến nghề nghiệp, hạnh phúc gia đình...

-Kỳ thị thứ cấp: Người bị kỳ thị là gia đình, bạn bè, người chăm sóc, biểu hiện của kỳ thị như đối với người nhiễm.