Results 1 to 5 of 5

Thread: Quán cà phê Hoa Anh Đào

  1. #1
    TTCN - Có một quán cà phê nho nhỏ mang tên Hoa Anh Đào vừa ra đời lặng lẽ giữa trung tâm TP.HCM. Nhân viên phục vụ ở đây là những bạn trẻ chậm phát triển. Nơi ấy được ra đời từ tấm lòng của một cô gái trẻ người Nhật.

    “Đến đấy, mình nhấp từng ngụm cà phê đắng dịu, nghe nhạc và nhìn các bạn cười. Lạ lắm, khi nhìn các bạn chậm phát triển hai tay cẩn trọng bưng ly nước, miệng nhoẻn cười, lòng mình chợt hồn nhiên muốn khóc…”. Anh bạn đồng nghiệp đã nói với tôi về quán cà phê Hoa Anh Đào (số 4 Tôn Đức Thắng, Q.1) như thế…

    Vào quán

    Dù đã được giới thiệu trước nhưng tôi không khỏi ngạc nhiên khi bước vào quán. Những chậu hoa xinh xinh treo bên dòng thác chảy róc rách. Những chiếc bàn không đánh số, trên đó bày một loại trái cây hoặc một con thú bông. Đón khách là anh chàng mập phục phịch có khuôn mặt trẻ thơ. Trông “chàng” thật lịch sự trong chiếc sơmi trắng đồng phục với biểu tượng đóa hoa anh đào thêu trên ngực áo. Anh cúi đầu “Xin chào!” rồi cười khoe hai hàm răng sún. Anh chàng không hỏi khách dùng chi, chỉ đưa tờ phiếu đăng ký có ghi sẵn thức uống và giá tiền. Khách chỉ việc điền vào…

    Công việc thật đơn giản với một người bình thường. Thế nhưng để nói được “Xin chào!”, “Xin mời!”, “Cám ơn!”, các bạn đã phải tập một tháng trước khi quán khai trương. Chị chủ quán Esaki Chisato giải thích cách bài trí là lạ của quán: các bàn không đánh số vì các em không nhớ nổi, bàn được qui ước bàn trái bưởi, trái chôm chôm, con lợn, con khỉ, con voi… cho các em dễ nhận biết. Còn những chiếc ly gốm với nhiều hoa văn trừu tượng kia cũng là sản phẩm của các em.

    Trước khi mở quán, các em được đi thực tế “sản xuất đồ dùng cho quán” tại một lò gốm ở Bình Dương. Các em tha hồ trang trí và được đem sản phẩm về. “Chẳng ai hiểu các em vẽ gì và chắc bản thân các em cũng không hiểu, thế nhưng được tự tay làm ra đồ dùng các em thích lắm! Các em cũng rất ngoan ngoãn, siêng năng làm việc. Hôm khai trương có hơn trăm khách nhưng các em làm tốt lắm, không sơ suất gì…”.

    Ngay lúc đang trò chuyện ấy, anh chàng C răng sún đội nón, vác balô đùng đùng đòi về. Chủ quán phải chạy theo dỗ mãi. C phụng phịu cho biết là “giận anh Bảo!”. Thì ra khách ít nhưng người phục vụ thì đông, em nào cũng muốn được phục vụ khách. C nhiệt tình làm quá nên cứ “xí” phần làm của người khác. Anh Bảo dàn xếp “thôi C để phần làm ấy cho người khác”, vậy là C giận, nhất quyết “nghỉ chơi với anh Bảo!”. Nhiều khi các em giận vì những lý do ngây ngô dễ thương như vậy!

    Chị Esaki Chisato cho biết vì quán nhỏ nên chị phải chia ra ba ca mỗi ngày, mỗi em chỉ làm được năm giờ. Thế nhưng C nói “ít quá, xin ở lại đến chiều. C phải giúp cho Sato”. Ông của Q.V. (18 tuổi) kể lại cậu nhất quyết không chịu ngủ mà hỏi “Khi nào đi làm? Khi nào đi làm?”. Bạn nào cũng cho tôi biết là làm việc “vui hơn ở nhà”, “thích đi làm vì có chị Sato”. Có bạn chỉ trả lời là “Vui!”. Hỏi “Vì sao vui?”, thì chỉ lỏn lẻn cười!

    Ở quán Hoa Anh Đào, khi tính tiền bạn chỉ cần leng keng cái chuông có thắt chiếc nơ hồng. Những nhân viên sẽ mang cho bạn hai phiếu tính tiền được đánh máy vi tính cẩn thận. Bạn sẽ được giữ một phiếu làm kỷ niệm phòng khi nhân viên tính tiền “lộn”.

    Cô chủ nhỏ

    Từ khi còn là sinh viên, Esaki Chisato đã được đi nhiều nước như Thụy Điển, Anh, Hàn Quốc… Thế nhưng chị lại chọn VN là nơi thực hiện đề tài: “Thực trạng về sự hỗ trợ trẻ em khuyết tật và gia đình của trẻ em tại VN”. Từ khi còn là khách du lịch của VN, chị đã mong “làm gì đó cho những trẻ em kém may mắn của VN”, “vì người VN rất tình cảm và Sato thương trẻ em VN”.

    Năm 1998, cô con gái duy nhất của ông trưởng phòng bệnh viện nha khoa Nhật Bản quảy balô đến VN. Ăn cơm bụi, ở nhà trọ. Cô gái 25 tuổi bấy giờ lội bộ hết các ngõ ngách của Sài Gòn để tìm hiểu đời sống của trẻ đường phố. Mỗi tuần chị còn đến mái ấm Hoa Hồng Nhỏ để tâm sự với các bé gái bất hạnh.

    Những ngày đầu Sato nói tiếng Việt rất khó khăn, “muốn chia sẻ với các em thì mình và các em phải cùng ngôn ngữ”. Nghĩ vậy, Sato quyết tâm học tiếng Việt. Không đủ tiền học, Sato dạy kèm cho con em người Nhật ở VN. Chị kể: “Các em bất hạnh tâm sự với Sato các em sẽ nhẹ lòng, không nghĩ nhiều về quá khứ nữa mà nghĩ đến tương lai. Các em còn là thầy dạy tiếng Việt cho Sato nữa. Ngày ấy Sato khoanh tay nhận mấy em làm thầy, mấy em đã cười Sato…”.

    Cô gái Nhật hồn nhiên: “Ba năm ở VN, Sato biết được gần như 100% người khuyết tật chậm phát triển trí tuệ sau độ tuổi lao động không có việc làm”. Sato đưa ra ý tưởng lập quán cho các em có việc làm, ai cũng “hết hồn”. Thế nhưng, rất quyết tâm, Sato giới thiệu dự án với mọi người bằng những mục đích rất rõ ràng: tạo cơ hội cho các em chậm phát triển trí não hòa nhập với xã hội, tạo việc làm phù hợp sức khỏe các em, nơi chia sẻ khó khăn của các bậc phụ huynh có con em khuyết tật, nơi sinh viên đang học trong lĩnh vực này tìm hiểu các em khuyết tật rất thực tế, thay đổi nhận thức về người khuyết tật: hãy tạo môi trường cho họ làm việc, họ sẽ là người có ích!

    Không có vốn trong tay, Sato định quay về Nhật Bản làm việc khoảng 1-2 năm để tích lũy vốn thực hiện dự án. Ngay khi Sato chuẩn bị trở về nước thì các thầy cô ở Nhật Bản cũng như thầy cô và bạn bè ở VN ủng hộ. Trường trung học Sư phạm mầm non TP.HCM cho mượn mặt bằng, người góp công thiết kế, vận động tài trợ, người cho mượn, cho vay một ít. Người Sato vay nhiều nhất không ai khác là ông trưởng phòng bệnh viện nha khoa - cha đẻ của Sato.

    Cùng với một số bạn bè VN và các tình nguyện viên, quán Hoa Anh Đào ra đời. Hiện nay quán có 14 nhân viên phục vụ là các bạn trẻ chậm phát triển và một số bạn khiếm thính phụ trách pha chế. Vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhìn cảnh các bạn cứ tíu tít “chị Sato ơi, chị Sato ời... em không biết buộc tạp dề!”; có em đã hết ca nhưng nhất quyết đòi ở lại làm tiếp, tôi hiểu “Sato ở VN vì Sato thương mấy em, mấy em cũng thương Sato thôi”.

    Khi tôi hỏi vì sao Sato không chọn công việc nào có thu nhập hơn, sướng hơn, làm công việc này đâu có lĩnh lương, chị lại hỏi ngược lại: “Vậy thế nào là sướng? Với Sato là có mấy em. Nếu Sato mở quán cà phê, Sato là bạn của trẻ. Sato không thấy cực khổ. Vui! Đâu có khổ! Đâu có cực! Bình thường thôi, đó là sở thích của Sato. Có người thích xem hát, có người thích vi tính, Sato thích mấy em, Sato thích hoạt động với mấy em. Mấy em giúp Sato yêu đời. Bình thường thôi. Sato sống sao cũng được mà!”.

    Tôi hiểu sự “bình thường” ấy là thế nào khi buổi trưa, cô chủ quán người Nhật và các nhân viên lại quây quần bên mâm cơm. Một bạn tình nguyện viên thuộc đội công tác xã hội Thành đoàn tiết lộ: “Mấy bữa trước ăn cơm hộp tốn tiền quá nên hôm nay tụi tôi tự nấu ăn, vừa rẻ, vừa hợp vệ sinh”. Và tôi hiểu sự “bình thường” ấy là mỗi tối, bàn tay tiểu thư ấy lại giặt cho các em từng cái áo đồng phục, từng chiếc tạp dề. Và mỗi khuya, khi các em đã về nhà, cô chủ quán ấy lại phóng xe về phòng trọ ở Gò Vấp. Trên đường về, cô ghé mua một ổ bánh mì hay ăn vội tô hủ tiếu dạo giá 2.000 đồng...

    Tôi nhớ khi đang trò chuyện với Sato, bạn Q.V. phát hiện: “Dép Sato nứt kìa!”. Lúc ấy tôi mới chợt để ý đôi dép cũ kỹ chị đang mang bị hở một đường dài. Sato nhìn tôi cười bối rối, còn Q.V. thì chống cằm “suy tư”: “Sao dép Sato hư hoài vậy!?”.

    YẾN TRINH

  2. #2
    Thêm một đề tài để chúng ta quan tâm :do:
    diễn đàn niềm tin sao lại không quan tâm và tạo niềm tin cho nhưng trẻ em khuyết tật nhỉ? tôi nghĩ là được, địa điểm họp thành viên cũng có thể là HOA ANH ĐÀO được đấy chứ? chúng ta vừa họp bàn công việc và kế hoạch của diễn đàn vừa thường thức cafe, nghe nhạc và tìm hiểu trẻ khuyết tật và giúp đỡ các em thật là một công đôi chuyện rồi còn gì? cần gì phải cứ vào quan sang trọng, đắt tiền vừa hao hụt ngân sách thành viên mà lại lãng phí nữa, ai đồng ý với tui cho tràng pháo tay khích lệ và chúng ta sẽ thực hiện trong lần họp room sắp tới nè??? :no1:
    to handle yourseft use your head, to handle others use your heart

  3. #3
    Tôi và Vanda đã đến đó uống thử, có rất nhiều điều thú vị để bạn khám phá đấy. Ví dụ nhé, khi tính tiền bạn sẽ phải lắc cái chuông nhỏ để sẵn trên bàn chứ không kêu nhân viên đâu

  4. #4
    Originally posted by jade@May 26 2004, 05:59 PM
    Thêm một đề tài để chúng ta quan tâm :do:
    diễn đàn niềm tin sao lại không quan tâm và tạo niềm tin cho nhưng trẻ em khuyết tật nhỉ? tôi nghĩ là được, địa điểm họp thành viên cũng có thể là HOA ANH ĐÀO được đấy chứ? chúng ta vừa họp bàn công việc và kế hoạch của diễn đàn vừa thường thức cafe, nghe nhạc và tìm hiểu trẻ khuyết tật và giúp đỡ các em thật là một công đôi chuyện rồi còn gì? cần gì phải cứ vào quan sang trọng, đắt tiền vừa hao hụt ngân sách thành viên mà lại lãng phí nữa, ai đồng ý với tui cho tràng pháo tay khích lệ và chúng ta sẽ thực hiện trong lần họp room sắp tới nè??? :no1:
    Một ý kiến rất tuyệt vời ! Để admin thi khảo sát tình hình nếu được thì từ bây giờ về sau mỗi lần họp diễn đàn chúng ta tổ chức tại Hoa Anh Đào các bạn nhé ! :whist: :om: :clap: :clap: :clap:
    Tôi có một tham vọng, một tham vọng nhưng không bao giờ vô vọng. Tôi mơ ước một ngày nào đó một người nào đó nghiện heroin hay nhiễm HIV, hoặc một gia đình nào có người thân như vậy thì điều đầu tiên họ nghĩ điến sẽ là heroin-aids.com chứ không phải bất cứ trường cai hay trung tâm tư vấn nào khác

    Bằng mọi giá, bằng tất cả, bằng tình yêu thương chúng ta hãy đoàn kết đứng lên bảo vệ và dành tiếng nói cho người nghiện hoàn lương. Kịch liệt phản đối thái độ phân biệt đối xử. THANH NIÊN HEROIN-AIDS.COM hãy làm sao cho cộng đồng có một cái nhìn đúng và thiện cảm hơn đối với những con người có một thời lầm lỡ


  5. #5
    Hoan hô admin, cứ vậy mà tiến hành nhá, nhưng nói trước diện tích của quán không được rộng lớn cho lắm, nhưng nói chung có thể chứa được khoảng 20 mem

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •