Page 1 of 2 12 LastLast
Results 1 to 10 of 16

Thread: Có một tình yêu vượt qua HIV

  1. #1
    Có một tình yêu vượt qua HIV

    Ngày anh mất, GS. Đỗ Nguyên Phương, GS. Chung Á đã gửi vòng hoa đến viếng. Vẫn còn có một niềm an ủi, là dù sao đi nữa, anh cũng đã có những ngày cuối đời thật đẹp, thật ý nghĩa với mối tình của người con gái giàu đức hy sinh. Ân nghĩa đời người đã dành cho anh, như hoa kia đã nở thắm cho phần đời còn lại.

    …Ngày hôm ấy người dân thành phố Buôn Mê Thuột được chứng kiến một đám cưới đặc biệt. Chàng rể 44 tuổi bị nhiễm HIV, còn cô dâu nhỏ hơn chàng rể 21 tuổi. Khách khứa, phần đông là cán bộ ngành y tế, đội viên Đội Giáo dục đồng đẳng và những con nghiện, nạn nhân HIV/AIDS đang là bệnh nhân của chàng rể đang chăm sóc. Nguyễn Hoàng Dạ Thảo trong trang phục đồ cưới, bên chàng rể đi lần lượt từng bàn để khách khứa, bạn bè chúc mừng. Trong ngày vui ấy, họ đã đón điện và lẵng hoa của Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương, của Phó Chủ tịch Ủy ban phòng chống HIV/AIDS - GS. Chung Á - gửi đến chúc mừng. Hoa tươi, tiếng cười và tiếng hát, những lời cầu chúc tràn ngập một ngày vui...

    180 ngày cai nghiện giữa rừng



    Họ thật sự hạnh phúc bên nhau. Ảnh: Thảo và Hồng một chiều trong công viên.

    Trong ánh sáng dịu dàng của quán cà phê Môi Tím trên đường Lý Thường Kiệt, Trần Văn Hồng kể cho tôi nghe câu chuyện cai nghiện khốc liệt, và mối tình cảm động của mình.

    “Năm học lớp 12, mình đã dùng đến “trắng”. Bỏ rồi tái nghiện, có đến trên dưới hai chục lần”, Hồng bắt đầu câu chuyện…

    Một lần nhìn anh trai vật vã trong cơn nghiện, đứa em của Hồng đã từng nghẹn ngào: “Nếu ai chữa được nghiện cho anh, em sẵn sàng đổi cho họ một phần thân thể”. Hồng muốn ôm đứa em mà khóc. (Xưa nay những rẻ rúng miệt khinh của người đời chưa bao giờ làm anh động lòng). Và hôm sau, trong căn chòi rẫy cà phê cách khu dân cư 4 cây số, Trần Văn Hồng bắt đầu cuộc hành trình cai nghiện đầy khốc liệt.

    Những lần trước đó, còn có ngành Y tế giúp đỡ, lần này thì không ai tin nữa. Không một viên thuốc, chẳng còn một ai đỡ đần. Người cận kề duy nhất là đứa em trai sáng vào đem thức ăn, nấu cơm cho anh rồi về. Chẳng phác đồ, chẳng thuốc men, cách cai duy nhất là… chịu đựng. Với tất cả phương tiện chỉ gồm 1 ấm nấu trà xanh, một chiếc đèn dầu leo lét, trong căn chòi 10 mét vuông, một mình anh đem ý chí chiến đấu với cơn nghiện. “Lúc lên cơn thật là khổ sở. Cứ như có hàng ngàn con kiến nhỏ li ti chui vào cắn rúc trong xương tủy” - Hồng kể. Mấy tháng vã mồ hôi, trào nước mắt, rã rời từng khớp xương, đau từ đốt ngón chân ngón tay đến chân sợi tóc.

    Ngay trong lúc đớn đau nhức buốt đó, Hồng gượng dậy ra sân tập võ Karate. Càng đau, càng nhức, càng tập. Càng tập, càng nhức, càng đau. Chẳng có bài cai nghiện nào theo cách này. “Biết là cai nghiện không có phác đồ, không có bác sĩ hỗ trợ, cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng, ít nhất sức khỏe sẽ suy sụp dữ dội, nhưng không thể chờ đợi được nữa. Lâu nay mình đã bao lần cai rồi nghiện, nghiện rồi cai, đã phụ lòng biết bao nhiêu người”, Hồng tâm sự.

    Tập võ mãi đến lúc không còn đưa nổi tay chân, cố bò lê vào chòi nằm. Nằm, rồi ngồi dậy, đọc báo. Ban ngày thì làm việc. Cơn lên còn nhẹ thì vặt lá tỉa cành cà phê, lúc lên dữ dội thì ra cuốc đất. Cuốc quần quật, chạy đua với cơn nghiện, mồ hôi chảy ròng ròng, mệt nhoài. Rồi tắm. Khổ nhất là tắm. Để chống lại cơn sợ nước, anh lấy đất bôi lên người thật bẩn, rồi xối nước lên.

    Ban ngày lên cơn chừng một tiếng đồng hồ, còn buổi tối thì cơn lên triền miên. Nhiều khi tập không nổi, ăn cơm không được. “Có lúc nản chí và thèm quá đã định tìm đến hút trở lại, song nhớ những lần nghiện ngập lê la tấm thân tàn ma dại đi thất thểu ngoài đường, bị người đời trong đó có cả người thân quen nhục mạ xem khinh, và tiếng nói của đứa em văng vẳng bên tai, mình lại quyết tâm trở lại”. Một tuần đầu, người bủn rủn không đi nổi, phải níu cột chòi, bò từ chỗ này sang chỗ kia. Tuần thứ hai bò cũng hết nổi, cứ nằm mà trườn. “Mình đã làm gia đình khốn đốn nhiều, bây giờ phải khổ sở cũng không có gì ân hận” - ngay trong lúc cơn đang lên, Hồng vẫn tự dằn vặt mình. Tập uống trà, cà phê thay vào đó cho đỡ cảm giác thèm khát. Thời gian đầu, cả tháng trời cơn nghiện hành hạ không ngủ được, người đã gầy ốm càng trở nên thê thảm.

    6 tháng trời ròng rã, anh đã cai được nghiện, giải thoát được mình khỏi căn bệnh nguy nan.

    "Thầy thuốc" của những người nghiện

    Vậy mà, phải sau một năm nữa, mới dám tin chắc đã cai được, Hồng mới trở về nhà.


    Trần Văn Hồng đang trên đường đi chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Đặng Vỹ.

    Thời gian đầu mắc chứng trầm cảm, Hồng nhìn cuộc đời đầy bế tắc. Nhưng rồi nhớ lại, chính lao động đã giúp cai được nghiện, nên anh tìm đến với công việc. Thế là vào lại rẫy. Làm đến quên tất cả. Không buồn, không lo, sức khỏe tăng lên, lên cả chục cân liền. Và suy nghĩ, tâm tư tình cảm cũng dần dần hồi phục trở lại.

    Theo lời khuyên của bạn bè, anh đến Trung tâm y tế xét nghiệm. “Ngày nhận được kết quả báo sự thật khủng khiếp HIV dương tính lại thấy thanh thản hơn bao giờ hết. Lúc đó mình tự nhủ: Những ngày cuối đời hãy sống như thế thế nào cho có ích, cho thật sự ra con người, làm được gì cho mình, cho gia đình và người thân”. Vậy là tìm đến Trung tâm y tế, xin thành lập Đội Giáo dục đồng đẳng, và làm đội trưởng.

    Từ đó là những ngày Hồng cùng đồng đội mang túi y tế, đến từng ngõ ngách, từng nhà bệnh nhân AIDS, chăm sóc, chữa bệnh, động viên, tuyên truyền bỏ mại dâm, chích hút. Anh là một mẫu mực về lối sống. Anh nói: “Tôi cần phải sống thật khỏe, thật tốt cho người thân và giúp đỡ người khác”.

    Tôi theo Hồng đến nhà một nạn nhân AIDS. Bệnh nhân được anh chăm sóc đang giai đoạn cuối, trên người đã loang lổ những vết lở loét. Hồng xắn tay áo, tắm rửa, chăm sóc như người thân của mình. Hồng nói: “Mình xa lánh, họ còn biết sống với ai?”. Động tác của Hồng lau rửa vết thương, tiêm thuốc… thuần thục như một bác sĩ. Không biết về thuốc, anh mua sách về ngày đêm nghiền ngẫm nghiên cứu, hỏi thêm bác sĩ. Ông Hàn Bửu Chương, Phó giám đốc Trung tâm Y tế thành phố, thấy Hồng chịu khó đã hướng dẫn thêm cho anh về chuyên môn. Đến bây giờ Hồng đã có thể tự chẩn đoán, kê đơn cho người bệnh. Lưu Công Điền, Nguyễn Văn Hòa, cũng chính từ tay anh chăm sóc, khi khỏi bệnh đã tình nguyện theo anh tham gia đội giáo dục đồng đẳng. Lưu Công Điền nói: “Hồng đã cho chúng tôi có những ngày cuối đời thật ý nghĩa. Chúng tôi đã sống hết mình”. 6 đội viên Đội Giáo dục đồng đẳng của Hồng đang chữa trị cho trên 80 bệnh nhân HIV/AIDS. Bệnh nhân cách xa thành phố 50-70 đến cả trăm cây số, ở tận EaKar, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ… anh vẫn lặn lội tới nơi, ở lại hai, ba ngày. Có những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, toàn thân lở loét, nằm tại chỗ đại tiện chỉ toàn nước tanh hôi nồng nặc, đến người nhà cũng không chăm sóc được nữa, anh vẫn chữa, vẫn chăm sóc tự nhiên. Ngày đi chữa bệnh, tối lại cần mẫn mang túi xách phát kim tiêm sạch cho các tụ điểm chích hút, lân la chuyện trò, động viên anh em cai nghiện. Buổi trưa tôi đến nhà không gặp, hẹn đến tối. Tối Hồng tiếp một tiếng đồng hồ, sau đó lại đi, đến sáng hôm sau mới về. Lần thứ hai lại hẹn, nhưng rồi cũng chỉ nói chuyện được nửa giờ. Cứ như vậy, suốt ngày. Nhưng tôi không hề thấy trong anh một biểu hiện mệt mỏi. Anh nói: “Hình như nhờ đó mà mình khỏe ra”. Dòng nữ tu Bác Ái Vinh Sơn đã cho mượn chiếc Dame để đi lại.

    Bây giờ, ở TP. Buôn Mê Thuột, nhắc đến tên anh ai cũng biết. Công việc, lòng nhiệt tình của anh đã làm bao nhiêu người cảm động. Và phải chăng cũng vì vậy mà một người con gái đã đến, làm thay đổi cuộc đời anh?

    Tình yêu mạnh hơn cái chết


    Ngày vui của Hồng và Thảo. Đám cưới năm 1997.
    … Những lần săn sóc một bệnh nhân, ra phía trước ngồi ăn bún, Hồng thấy cô bé bán hàng cứ thỉnh thoảng liếc nhìn. Mãi rồi cũng quen nhau. Và một đêm kia, ánh đèn huyền dịu, lung linh của quán cà phê Môi Tím - nơi tôi cùng anh đang ngồi - đã chứng kiến cho lời tỏ tình thiêng liêng của người con gái 22 tuổi. Anh đã choáng váng khi nghe Thảo bày tỏ, mặc dù khi cầm tờ kết quả xét nghiệm HIV dương tính trên tay, vẫn thản nhiên như không. Anh có biết đâu, Nguyễn Hoàng Dạ Thảo đã biết anh từ trước, khi anh phát biểu trên truyền hình không giấu giếm bệnh của mình và kêu gọi bạn trẻ từ bỏ con đường nghiện ngập. Và anh có biết đâu, hành động chăm sóc tận tụy của anh dành cho một người quen của Thảo, đã làm rung động trái tim thiếu nữ.
    Hạnh phúc đến nao lòng, nhưng rồi bình tâm lại vẫn ái ngại phân vân. Người mẹ của anh, đã ngoài 80 tuổi, cảm động đến rơi nước mắt, nhưng cũng khuyên anh không nên làm khổ Thảo. Thế nhưng lần đầu tiên gặp mặt, ấn tượng về sự quyết tâm của cô gái đã thuyết phục được bà.

    Từ đó, anh về ở lại nhà Thảo ở 66 Lý Thái Tổ, thành phố Buôn Mê Thuột, để Thảo chăm sóc anh, và anh đi chăm sóc… người khác. Thảo đã chăm sóc anh từ bữa ăn, đến giặt giũ quần áo, dành tất cả cho anh sự yên tâm và thanh thản. Thảo biết công việc này là niềm vui của anh, nên tập trung cho anh tất cả. Sự nhiệt tình của anh đã lan sang người con gái khi yêu, Thảo theo anh đi chăm sóc bệnh nhân AIDS. Hồng được Trung tâm Y tế hỗ trợ công việc 200.000 đồng một tháng, còn Thảo thì phục vụ tự nguyện. Đã thế gặp những người nghèo quá, họ còn san sẻ phần của mình mua thuốc cho bệnh nhân. Tính tổng cộng 10 lần anh được Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS mời dự tập huấn ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Nha Trang, Thảo đã lo cho anh như người mẹ lo cho đứa con lần đầu đi xa. Lần Hồng được Bộ Y tế và Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS mời đi dự hội nghị quốc tế phòng chống AIDS tại Malaysia, Thảo đã mừng suốt đêm không ngủ được.

    Họ đã đã đưa nhau về ở tại nhà Hồng ở xã Cưe Bur, cách thành phố Buôn Mê Thuột 14 cây số. Hàng ngày Hồng vẫn vào thành phố, đi các nơi chăm sóc bệnh nhân. Đám cưới của họ được Bộ Y tế hỗ trợ 2 triệu đồng, Trung tâm Y tế dự phòng Đăk Lăk cho 1 triệu, vẫn còn nợ nần. Cuộc sống vất vả bề bộn hơn. Nhưng Thảo vẫn mãn nguyện. Ước mong của Thảo là sinh một đứa con theo phương pháp cấy ghép, và hy vọng thời gian sẽ giúp tìm ra phương thuốc chữa trị căn bệnh cho anh.

    Lời cuối cho người ra đi

    Lần lữa mãi rồi thời gian qua đi, giữa bộn bề công việc, có lúc tôi tưởng đã quên đi câu chuyện cũ. Đến hôm nay khi được tin anh nằm xuống, tôi thật sự ân hận là chưa viết xong bài báo về anh. Cái cảm giác về món nợ đã thôi thúc tôi cầm bút viết. Ngày anh mất, GS. Đỗ Nguyên Phương, GS. Chung Á đã gửi vòng hoa đến viếng. Vẫn còn có một niềm an ủi, là dù sao đi nữa, anh cũng đã có những ngày cuối đời thật đẹp, thật ý nghĩa, với mối tình của người con gái giàu đức hy sinh. Ân nghĩa đời người đã dành cho anh, như hoa kia đã nở thắm cho phần đời còn lại.

    Còn nhớ, lần gặp cuối cùng nơi quán cà phê Môi Tím, lúc cầm cái bắt tay thật chặt chia tay, anh còn nói lại một điều: “Tôi đồng ý đăng tên và địa chỉ lên báo, may ra để giúp ích chút gì cho những bạn trẻ còn đang lao vào con đường nghiện ngập như tôi”.

    Nên giờ đây, những dòng này là để trả món nợ ghi lòng cho anh, mà tôi tự thấy mình đã nợ.

    Đặng Vỹ
    Tôi có một tham vọng, một tham vọng nhưng không bao giờ vô vọng. Tôi mơ ước một ngày nào đó một người nào đó nghiện heroin hay nhiễm HIV, hoặc một gia đình nào có người thân như vậy thì điều đầu tiên họ nghĩ điến sẽ là heroin-aids.com chứ không phải bất cứ trường cai hay trung tâm tư vấn nào khác

    Bằng mọi giá, bằng tất cả, bằng tình yêu thương chúng ta hãy đoàn kết đứng lên bảo vệ và dành tiếng nói cho người nghiện hoàn lương. Kịch liệt phản đối thái độ phân biệt đối xử. THANH NIÊN HEROIN-AIDS.COM hãy làm sao cho cộng đồng có một cái nhìn đúng và thiện cảm hơn đối với những con người có một thời lầm lỡ


  2. #2
    Cảm động quá 1 cuộc tình rất hiếm khi xảy ra khi trong thời kỳ mà người ca còn rất kỳ thị người có H chị ấy là 1 người can đảm và có tấm lòng hy sinh cho người mình yêu , ước gì mình củng có 1 người như vậy nhỉ , chắc chỉ trong giấc mơ mình mới gặp, đúng là trong tình yêu có thể làm được tất cả , vì yêu mà con người ta có thể làm mọi thứ cho người mình yêu .

  3. #3

    Kính viếng hương hồn anh!

    Mình đọc đi đọc lại bài viết này về anh Trần Văn Hồng , ở anh có ý chí và nghị lực phi thường thật đáng để tất cả chúng ta phải suy ngẫm . Thật đúng là điều gì cũng có cái giá của nó . Thời gian khủng khiếp nhất , khi mà " vã mồ hôi, trào nước mắt, rã rời từng khớp xương, đau từ đốt ngón chân ngón tay đến chân sợi tóc " anh vẫn gượng dậy tập võ , đến khi không tập được nữa anh bò lê vào chòi, cơn vật lên không chịu được thì anh cuốc đất , anh chạy đua với cơn nghiện, mồ hôi chảy ròng ròng, mệt nhoài. Rồi tắm, Để chống lại cơn sợ nước, anh lấy đất bôi lên người thật bẩn, rồi xối nước lên... Có khi người bủn rủn không đi nổi, phải níu cột chòi, bò từ chỗ này sang chỗ kia , rồi đến khi bò cũng hết nổi,thì anh cứ nằm mà trườn.... suy cho cùng thì chẳng có loại thuốc nào, loại " thần dược" nào chiến thắng được ma túy khi bản thân ta kô có ý chí . Sự ra đi của anh để lại trong mỗi chúng ra những suy nghĩ những bài học vô giá về cuộc đời ...

    Những mất mát, đau đơn về thể xác và tâm hồn không chỉ dừng lại ở đó. Lại một lần nữa cái quyết tâm quật cường đó khiên cho bao người ngưỡng mộ. Suy nghĩ của anh Hồng "Những ngày cuối đời hãy sống như thế thế nào cho có ích, cho thật sự ra con người, làm được gì cho mình, cho gia đình và người thân” không phải ai cũng có được .Thay vì dằn vặt, tiệc nuối, chờ đợi ... anh biến tất cả điều đó thành hành động thật có ý nghĩa, cho bản thân anh và cho biết bao người . Thể mới biết đánh giá một cuộc đời , không ở chỗ dài hay ngắn, mà ở cách sống hết mình, cách nghĩ , hành động .....

    Chị Thảo đến với anh như một điều kỳ diệu mà cuộc sống ban tặng cho con người đầy nghị lực, ý chí phi thường, vươn lên trong hoàn cảnh của chính mình. Những ngày cuối đời của anh thật đẹp, đầy ý nghĩa bên người con gái giàu đức hi sinh ....

  4. #4
    Quote Originally Posted by nguoi_vo_hinh View Post
    Cảm động quá 1 cuộc tình rất hiếm khi xảy ra khi trong thời kỳ mà người ca còn rất kỳ thị người có H chị ấy là 1 người can đảm và có tấm lòng hy sinh cho người mình yêu , ước gì mình củng có 1 người như vậy nhỉ , chắc chỉ trong giấc mơ mình mới gặp, đúng là trong tình yêu có thể làm được tất cả , vì yêu mà con người ta có thể làm mọi thứ cho người mình yêu .
    Sao anh lại mong muốn được như anh ấy khi mà anh ko có được cái nghị lực và quyết tâm như anh ấy. Nói cho anh nghe nè, ko phải chị ấy là một người can đảm hay vĩ đại quá mức mà ko có người thứ 2 đâu, chỉ là ko có người thứ 2 yêu chân thành và gặp trường hợp giống hệt thế đâu. Bởi vậy em khuyên anh nên tự yêu quí mình trước đi, thật sự yêu quí và trân trọng bản thân á, rồi có ngày anh sẽ được yêu thôi. Tin em đi, em là con nít mà, ko có nói dối đâu.
    Nếu bạn thật sự không thể thay đổi để hòa hợp với thế giới, vậy thì hãy bắt thế giới thay đổi để hòa hợp với bạn

  5. #5
    Quote Originally Posted by Maili View Post
    Sao anh lại mong muốn được như anh ấy khi mà anh ko có được cái nghị lực và quyết tâm như anh ấy. Nói cho anh nghe nè, ko phải chị ấy là một người can đảm hay vĩ đại quá mức mà ko có người thứ 2 đâu, chỉ là ko có người thứ 2 yêu chân thành và gặp trường hợp giống hệt thế đâu. Bởi vậy em khuyên anh nên tự yêu quí mình trước đi, thật sự yêu quí và trân trọng bản thân á, rồi có ngày anh sẽ được yêu thôi. Tin em đi, em là con nít mà, ko có nói dối đâu.
    Điều này Maili nói đúng , tớ ủng hộ nhiệt tình .Chẳng có gì là không thế , ngay cả trong tình yêu ....

  6. #6

    Join Date
    Aug 2008
    Location
    Chả biết nữa
    Posts
    199
    Mà tại sao lại phải vào rừng cai? DTT từng đọc một tờ báo nói là có người cho ong chích để cắt cơn nghiện ( ko biết có không nữa )

  7. #7
    vào rừng để tách biệt với xã hội, tránh kì thị và cũng tránh dc những cám dỗ, còn vụ ong chích thì....có trời mới biết.
    Nếu bạn thật sự không thể thay đổi để hòa hợp với thế giới, vậy thì hãy bắt thế giới thay đổi để hòa hợp với bạn

  8. #8
    lakcin4ever
    Guest

    tưởng nhớ a dù ta ko quen !

    Mình chỉ hi vọng rằng mình có 1 người con gái chấp nhận vì mình như anh ấy !

  9. #9
    Muốn được như vậy mình nghĩ những bạn bị h phải làm 1 điều gì đó để cho mọi người thấy mình đang sống cuộc sống bình thường như bao người khác và vần làm được những việc có ích cho bản thân gia đình hoặc cho xã hội chứ cứ thu mình lại thì khó tìm được 1 cái gì đó mình có 1người bạn bằng tuổi mình 28 tuổi giờ đang yêu và đình lấy nhau hê hê tình yêu thì đúng là khó nói trước được điều gì chúc mọi người luôn khoẻ luôn yêu đời !

  10. #10
    Quote Originally Posted by lakcin4ever View Post
    Mình chỉ hi vọng rằng mình có 1 người con gái chấp nhận vì mình như anh ấy !
    Vậy hãy sống làm sao cho xứng đáng với người đó.
    Sẽ chẳng có vinh quang nào cho kẻ chỉ sống bằng vinh quang của ngày hôm qua.

Page 1 of 2 12 LastLast

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •