Trao đổi về vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Hùng Hiệp - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng) cho biết:

- Thực tế qua nhiều năm làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại địa phương cho thấy cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng hoàn toàn không hiệu quả. Bởi gia đình không có biện pháp ngăn ngừa, quản lý chặt chẽ con em mình; tại cộng đồng thì thiếu các phương tiện hỗ trợ, điều kiện cai nghiện chuyên nghiệp... nên dẫn đến tình trạng người nghiện bị nghiện ma túy nặng hơn. Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định đưa tất cả người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện tập trung. Hiện nay, tại các xã, phường đang thực hiện khảo sát từng gia đình, từng khu dân cư để phát hiện người nghiện ma túy trong cộng đồng, lập hồ sơ đưa đi cai nghiện. Đối tượng bắt buộc cai nghiện tập trung từ 12 tuổi trở lên. Bao gồm người nghiện ma túy, người tái nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy bị bắt quả tang chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã và đang được quản lý giáo dục tại xã, phường về hành vi sử dụng ma túy nhưng còn sử dụng ma túy; người đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề 5 - 6 đang bỏ trốn... Mục tiêu đến cuối năm 2004, TP Đà Nẵng không còn người nghiện ma túy trong cộng đồng.

Vấn đề đầu tư thiết bị dạy nghề cho các học viên cai nghiện sẽ được ưu tiên để họ dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng?

- Ông Nguyễn Hùng Hiệp: Hiện nay, tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề 5 - 6 tại Hòa Bắc (Hòa Vang) toàn bộ cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ trên diện tích 2 ha. Điều kiện cơ sở vật chất tại đây vẫn đảm bảo cho số lượng người nghiện trong thành phố cai nghiện tập trung. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất là điều kiện và trang thiết bị phục vụ dạy nghề cho các học viên cai nghiện còn yếu và thiếu. UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt dự án mở rộng và nâng cấp trung tâm lên gần 9 ha với tổng vốn đầu tư 11 tỉ đồng để xây dựng nhà xưởng phục vụ công tác dạy nghề. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang xúc tiến trình UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch hơn 40 ha tại khu vực Bàu Bàng (xã Hòa Bắc) để làm nơi sản xuất, nuôi trồng cho các học viên lao động trong quá trình cai nghiện.

* Xử lý ra sao đối với các trường hợp tái nghiện ?

- UBND TP Đà Nẵng đã đề ra hàng loạt chính sách hỗ trợ cho người đã thực sự tiến bộ tái hòa nhập cộng đồng như xem xét giải quyết cấp vốn, cho vay vốn, dạy nghề, giải quyết việc làm, miễn giảm một phần viện phí... Tuy nhiên, nếu tái nghiện, bản thân hoặc gia đình người nghiện phải chịu toàn bộ chi phí cai nghiện và thời gian cai nghiện cũng sẽ tăng lên gấp đôi so với thời gian cai nghiện ban đầu.



Trần Hải Yến